Các chi tiết thường bị lãng quên khi vệ sinh nội thất ô tô
Một số chủ xe khi tự tay vệ sinh nội thất ô tô tại nhà thường bỏ qua các chi tiết như dây an toàn, cửa gió điều hòa, trần xe… khiến cabin xế hộp sau khi được làm sạch vẫn có mùi ẩm mốc.
Sau một thời gian sử dụng, tác động của nhiều yếu tố, một số chi tiết trong khoang nội thất ô tô rất dễ bị bám bẩn, ẩm móc và bốc mùi nếu không được vệ sinh định kỳ. Theo kỹ thuật viên chuyên chăm sóc ô tô của Mobile Car Care: “Phần lớn các chủ xe khi tự tay làm vệ sinh khoang nội thất ô tô thường chỉ chú ý đến ghế ngồi, thảm lót sàn hay bảng táp lô… mà bỏ qua các chi tiết khác, khiến nội thất xe về cơ bản được làm sạch nhưng không loại bỏ được vi khuẩn, nấm mốc hay mùi hôi khó chịu”.
Nhiều người khi vệ sinh nội thất ô tô chỉ quan tâm đến ghế ngồi, thảm lót sàn, bảng táp lô – ẢNH: TRẦN HOÀNG
Bên cạnh đó, kỹ thuật viên này cũng chỉ ra các bộ phận, chi tiết mà người dùng thường ít để ý đến khi làm vệ sinh khoang nội thất ô tô:
Dây an toàn
Dây an toàn ở các vị trí ghế ngồi là bộ phận thường xuyên được sử dụng nhằm bảo vệ người lái, hành khách trên xe, vì vậy rất dễ bám bẩn, ẩm mốc sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều chủ xe bỏ thời gian, công sức làm vệ sinh khoang nội thất nhưng ít khi để ý đến việc làm sạch dây an toàn.
Bộ phận này tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người dùng ô tô, nên khi bị ố bẩn, ẩm mốc… rất dễ gây các bệnh ngoài da và tạo mùi khó chịu trong khoang nội thất. Theo lời khuyên của các kỹ thuật viên chăm sóc ô tô, khi vệ sinh nội thất nên chú ý đến dây an toàn.
Xịt chất tẩy rửa lên dây an toàn và dùng bàn chải mềm chải sạch các vết ố bẩn bám trên dây- ẢNH: TRẦN HOÀNG
Video đang HOT
Để vệ sinh bộ phận này, bước đầu tiên nên kéo dây an toàn ra hết cỡ và dùng một chiếc kẹp để ngăn dây bị kéo ngược trở lại vào bên trong. Sau đó, xịt chất tẩy rửa lên dây an toàn và dùng bàn chải mềm chải sạch các vết ố bẩn bám trên dây. Trong quá trình vệ sinh nên chú ý dùng chất tẩy rửa phù hợp, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tránh chà xát quá mạnh tay có thể làm dây bị xù hay phai màu. Sau khi chải sạch, dùng khăn khô, lau dây an toàn theo chiều dọc rồi để dây tự khô trước khi sử dụng.
Các khe cửa gió của hệ thống điều hòa
Cùng với dây an toàn, các khe hướng gió hệ thống điều hòa trên xe thường ít được người dùng vệ sinh định kỳ trong quá trình sử dụng. Nguyên nhân một phần do cấu tạo của bộ phận này khá phức tạp, khó lau chùi…
Để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn, cần dùng dung dịch vệ sinh, khử mùi xịt vào các cửa gió- ẢNH: WIKIHOW
Tuy nhiên, theo thời gian sử dụng nếu không được vệ sinh, hơi ẩm đọng lại trên khe gió rất dễ sinh nấm mốc, vi khuẩn và gây mùi khó chịu trong khoang nội thất, qua đó có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng ô tô.
Vì vậy, bên cạnh việc vệ sinh lọc gió theo định kỳ, trong quá trình chăm sóc nội thất ô tô, nên thường xuyên dùng khăn lau sạch các vị trí cửa gió điều hoà trên xe. Để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn, cần dùng dung dịch vệ sinh, khử mùi xịt vào các cửa gió, sau đó khởi động xe, bật điều hòa, cài đặt quạt gió ở mức cao nhất và chỉnh về chế độ lấy gió ngoài một vài phút trước khi sử dụng.
Trần xe
Rất dễ bám bụi, ố bẩn trong quá trình sử dụng nhưng có một thực tế, trần xe lại không được vệ sinh thường xuyên như sàn xe. Dưới tác động của hơi ẩm, bụi bẩn, mùi hôi trong khoang nội thất, lớp bọc trần xe theo thời gian sẽ trở thành nơi cư trú của nấm mốc, vi khuẩn.
Dùng khăn vải mềm kết hợp dung dịch tẩy rửa dạng bọt để vệ sinh trần xe- ẢNH: WIKIHOW
Vì vậy, việc vệ sinh trần xe vẫn rất cần thiết để góp phần giữ cho khoang nội thất ô tô luôn sạch sẽ, sang trọng. Các bước vệ sinh bộ phận này rất dễ dàng nhưng không phải ai cũng biết. Theo kỹ thuật viên của Mobile Car Care, đầu tiên nên dùng khăn khô lau bụi bám trên trần xe. Sau đó, dùng dung dịch tẩy rửa dạng bọt xịt trên trần xe, chú ý đến những khu vực bị ố bẩn, rồi dùng khăn vải mềm lau sạch.
Tuyệt đối không dùng dung dịch tẩy rửa bằng chất lỏng hay sử dụng máy hút để hút bụi trần xe bởi lực hút lớn của máy có thể gây hiện tượng xệ trần và bong tróc. Trong quá trình vệ sinh trần xe, nên che chắn kỹ khu vực bảng điều khiển để tránh dung dịch tẩy rửa có thể bắn vào.
Gioăng cao su trên khung cửa xe
Gioăng cao su trên các khung cửa xe là chi tiết mà nhiều người thường ít chú ý khi vệ sinh ô tô. Các gioăng cao su có tác dụng chống ồn, cách âm, ngăn các bụi bẩn, gió, nước mưa lọt vào bên trong xe qua các kẽ hở ở chân kính, cánh cửa ô tô…
Nên vệ sinh, chăm sóc gioăng cao su trên các khung cửa xe- ẢNH: TRẦN HOÀNG
Tuy nhiên, dưới tác động của yếu tố môi trường, chi tiết này theo thời gian sẽ bám bụi, dầu mỡ cũng như bị chai sạn, rạn nứt làm giảm tác dụng. Vì vậy, người dùng ô tô nên chú ý vệ sinh các gioăng cao su trên cửa xe. Hiện nay, trên thị trường có bán các dung dịch chuyên vệ sinh, bảo dưỡng gioăng cao su ô tô. Lau sạch bụi bẩn, nên xịt dung dịch lên vải khô, mềm sau đó lau đều các gioăng cao su trên cửa xe.
Theo Thanhnien
Nội thất ôtô bẩn đến cỡ nào?
Bạn có biết rằng nội thất ô tô chính là nơi bẩn nhất trên Trái Đất, với số lượng vi khuẩn còn nhiều hơn cả so với bồn cầu?
Mới đây, trang web cho thuê xe ô tô CarRentals.com đã thực hiện một cuộc khảo sát đặc biệt tại Hoa Kỳ. Theo đó, 1.000 chủ xe sẽ được hỏi về mức độ thường xuyên vệ sinh và làm sạch nội thất xe hơi. Kết quả của cuộc khảo sát đã khiến không ít người cảm thấy hết sức kinh ngạc.
Trong số 1.000 chủ xe được khảo sát, có tới 32% củ xe cho biết họ ít khi vệ sinh nội thất và nếu có thì thực tế họ chỉ làm sạch nội thất xe hơi mỗi năm một lần. Đây là con số không mấy khả quan, cho thấy mức độ hiểu biết của tài xế đối với nguy hiểm từ vi khuẩn trong khoang nội thất rất hạn chế.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (National Center for Biotechnology Information) thì nội thất của xe hơi là một trong những nơi bẩn nhất trên Trái đất.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có khoảng 700 dạng vi khuẩn tồn tại ở bên trong khoang ôtô. Đặc biệt, kết quả còn cho biết vô lăng bẩn hơn 4 lần so với bồn cầu mà chúng ta hay sử dụng hằng ngày.
Được biết, cơ quan này đã tiến hành đo lượng độ bẩn của các phụ tùng nội thất xe thông qua đơn vị chỉ số vi chuẩn trung bình mỗi cm2, gọi tắt là CFU. Và họ đã phát hiện rằng vô lăng xe có tới 620 CFU. Ngược lại, một màn hình điện thoại di động trung bình có khoảng 100 CFU, các nút bấm thang máy công cộng là ở mức 313 CFU. Trong khi, bồn cầu công cộng thì chỉ có 172 CFU.
Ngoài ra, kết quả cũng phát hiện ra 2 dạng vi khuẩn phổ biến nhất được tìm thấy bên trong xe ôtô. Đầu tiên là Staphylococcus, loại vi khuẩn có thể gây nên nhiều bệnh như ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng da. Loại còn lại là Propionibacterium có thể gây nên viêm và nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây chỉ là 2 trong số 700 loại vi khuẩn đó mà thôi.
Nguyên nhân chủ yếu cũng do cách thức sinh hoạt của các tài xế khi có thới quen bỏ rác hay đồ ăn, uống thừa ở bên trong xe. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho những người ngồi bên trong xe đó chính là thường xuyên vệ sinh nội thất ôtô và từ bỏ thói quen xấu vứt rác bừa bãi trên xe.
Theo CarRentals
3 bước đơn giản để rửa sạch cần gạt kính chắn gió xe ô tô Giữ cho cần gạt sạch sẽ sẽ giúp nó hoạt động hiệu quả hơn, qua đó khiến kính chắn gió của bạn cũng được sạch hơn. Nếu bạn là một kiểu tài xế thích có tầm nhìn trong trẻo không tì vết từ phía sau vô lăng, vậy bạn có khả năng là sẽ bật ngay cần gạt lên ngay khi có một...