Ca sĩ Hà Anh Tuấn khuyên sinh viên đừng nên giấu dốt
“Các bạn đừng ngại giấu dốt mà hãy lao vào tiếp cận thực tế, trau dồi thêm kỹ năng, có tư duy của một công dân quốc tế… thì các bạn trẻ sẽ thành công – dù là học đại học ở trong nước hay nước ngoài.”
Đó là những chia sẻ của ca sĩ Hà Anh Tuấn trước hàng nghìn sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong chương trình tọa đàm “ Khát vọng tương lai” diễn ra mới đây tại TPHCM. Nam ca sĩ này được bình chọn là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015. Trước khi theo con đường ca hát, Hà Anh Tuấn từng là học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, từng đậu cùng lúc 2 trường ĐH Việt Nam (trường ĐH Khoa học tự nhiên và trường ĐH Ngân hàng – PV) nhưng với niềm đam mê môn Hóa, anh đã du học ở Đức.
Rụt rè, tự ti là rào cản của sinh viên Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, trước câu hỏi của các sinh viên rằng phải chăng du học nước ngoài sẽ có con đường đi đến thành công nhanh nhất. Những bạn sinh viên đang thụ hưởng nền giáo dục trong nước làm gì để bắt kịp sinh viên theo học ở nước ngoài?
Ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ rằng môi trường học trong nước đang tiến rất gần với các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, vì vậy sinh viên trong nước nói chung mà cụ thể là sinh viên ĐHQG TPHCM phải tự tin đây cũng là môi trường học rất tốt.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn dành lời khuyên cho sinh viên trẻ (ảnh Lý Nguyên)
Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng thừa nhận có nhiều sự khác biệt giữa học trong nước và nước ngoài. “Bài học từ chính bản thân của tôi. Thứ nhất, khi học ở nước ngoài là mình được “quăng” vào một cộng đồng toàn người nước ngoài. Khi đó, ngoài những kỹ năng bình thường thì bản thân đã có được một kỹ năng tồn tại trong môi trường đó”, Hà Anh Tuấn nói.
Chàng ca sĩ cũng cho rằng, nhược điểm lớn nhất của sinh viên Việt Nam theo học ở nước ngoài đó là sự tự ti. “Chúng ta rất giỏi về lý thuyết, thậm chí bản thân tôi nhớ khi mới qua học ở Đức nhiều bạn ngạc nhiên về điểm số của tôi. Họ thắc mắc tại sao anh chàng người Việt này học điểm số lại cao như thế. Thế nhưng khi đụng đến những gì thực hành, thực tiễn thì điểm tôi lại thấp kinh khủng, một cách đáng kinh ngạc”, ca sĩ Hà Anh Tuấn nói.
Video đang HOT
Sự tự ti, rụt rè suốt một thời gian dài chính là một rào cản. Khi đó, trong môi trường du học như thế thì bắt buộc mình phải có kỹ năng để tồn tại, phải kết bạn, phải trò chuyện với giáo sư và bạn đồng môn. Chính môi trường đó cũng tự nhiên hình thành cho Hà Anh Tuấn một sự tự tin và không giấu dốt.
“Trước đó tôi giấu dốt ghê lắm nhưng sau đó mình nhận ra đó là một sự ngu ngốc nhất trong đời sinh viên. Mình quan sát thấy các bạn nước ngoài đặt hàng loạt câu hỏi khiến các giáo sư mệt nhoài ra trong khi mình không có một câu hỏi gì hết. Tự nhiên đến một ngày thầy giáo cũng quên mất sự tồn tại của mình ở trong lớp. Đó là một khoảng thời gian rất đau khổ và mình nhận ra tại sao không kết nối với cộng đồng mình đang học tập sinh sống”, nam ca sĩ chia sẻ.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn cho rằng điểm khác nhau cơ bản đối với học trong và ngoài nước chính là kỹ năng. Anh cho rằng các bạn sinh viên bây giờ cần phải có nhiều kỹ năng hơn. “Thời đại ngày nay là thời đại của kiến thức, ở trong nước việc cập nhật kiến thức của một công dân quốc tế là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của sinh viên. Cho nên nếu nghĩ rằng phải đi học nước ngoài mới thành công hơn, tôi cho rằng điều đó không còn đúng nữa. Dù học trong hay ngoài nước thì điều bắt buộc phải có tư duy của một công dân quốc tế. Có nghĩa phải trao đổi, update thêm kỹ năng để có thể sống ở bất cứ đâu, có thể làm việc bất cứ đâu và có thể nói chuyện với bất cứ bạn bè nước nào”, chàng ca sĩ khuyên.
Nam ca sĩ là một trong ba khách mời chia sẻ với hàng nghìn sinh viên về “Khát vọng tương lai”. (Ảnh: Lý Nguyên)
Luôn theo đuổi khát vọng đầu đời
Nam ca sĩ cũng bộc bạch âm nhạc không phải khát vọng đầu tiên của mình. Hà Anh Tuấn cho biết lúc nhỏ anh thích làm giám đốc vì ngoài việc có nhiều tiền thì đó phải là một người lãnh đạo tài, “do đó suốt 12 năm đi học thì hết 11 năm tôi luôn tìm mọi giá để trở thành lớp trưởng, chỉ 1 năm bị rớt chức và làm lớp phó học tập”, anh nói.
Cơ duyên đến với âm nhạc bắt đầu từ đây khi anh vào lớp 10 chuyên Hóa trường Lê Hồng Phong. “Năm đó cả lớp không ai chịu tham gia các kỳ thi văn nghệ của trường, vì trách nhiệm làm lớp trưởng, tôi phải đi thi hát và không ngờ giành giải nhất. Nhưng học hết lớp 12 tôi vẫn chưa theo con đường ca hát. Lúc đó tôi cũng khao khát đi nước du học vì trong cuộc đời tôi mê nhất và hâm mộ nhất là người học giỏi và sau này mê thêm người giàu bởi vì chắc chắn người giỏi mới giàu được”, nam ca sĩ kể lại.
Trước khi theo nghiệp ca sĩ, Hà Anh Tuấn là học sinh chuyên Hóa. Anh từng đỗ 2 trường ĐH và đi du học ở Đức chuyên ngành Hóa học. (Ảnh: Lý Nguyên)
“Sau khi học ở Đức xong thì quay trở về Việt Nam, rất nhiều người khuyên tôi đi theo âm nhạc nếu không sẽ phí. Lúc đó thì mình mới thật sự lắng nghe bản thân mình thật sự mong muốn gì và từ lời “xúi dại” của bạn đi thi hát mà tôi gắn bó 12 năm với âm nhạc. Tới giờ thì không thể không khẳng định âm nhạc nằm trong nhiễm sắc thể của mình và hoá ra nó tồn tại trong mình rất lâu nhưng mãi tới năm 2005 mình mới thừa nhận nó. Đến giờ thì tôi có thể nói, bên cạnh âm nhạc thì khát vọng đầu đời của mình phải biết nắm chặt và phải theo đuổi cho bằng được”, ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Lê Phương
Theo Dân trí
ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo thí điểm 6 ngành theo mô hình giáo dục 4.0
Năm 2018, 5 trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ ĐH theo mô hình giáo dục 4.0. Thông tin này được Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 ĐHQG TPHCM công bố tại tọa đàm "Triển khai mô hình giáo dục 4.0 tại ĐHQG T.HCM" diễn ra mới đây.
Tại tọa đàm, Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 của ĐHQG TPHCM cho biết, dựa trên kết quả triển khai áp dụng theo mô hình CDIO (đề xướng quốc tế nhằm đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật có năng lực hình thành ý tưởng - Conceive, thiết kế - Design, triển khai - Implement, vận hành - Operate), ĐH này sẽ xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo theo mô hình giáo dục 4.0, triển khai thí điểm và sau đó nhân rộng cho một số ngành khác.
Sinh viên đang theo học tại một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM
Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2018-2022 số lượng ngành triển khai theo giáo dục 4.0 là 6. Trong đó, trường ĐH Bách khoa đào tạo 2 ngành và các trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ thông tin mỗi trường đào tạo 1 ngành.
Tiêu chí để lựa chọn các ngành triển khai mô hình này chính là dựa vào các ngành mang tính liên ngành, ngành gần hoặc ngành mới mở để có thể triển khai hiệu quả và thuận lợi vì có thể tận dụng lợi thế như dùng chung không gian học tập, hệ thống các công cụ, phần mềm hỗ trợ dạy - học, hệ thống học liệu mở...
"Theo kế hoạch đến năm 2022, ĐHQG TPHCM sẽ có 5 trường, 30 ngành đào tạo được cập nhật và điều chỉnh để có thể giảng dạy theo mô hình giáo dục 4.0. Các trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp (khóa 2018) đạt chuẩn đầu ra theo giáo dục 4.0, có cơ hội việc làm cao hơn các khóa trước đây", đại diện Ban điều hành Đề án cho biết.
Với mô hình giáo dục 4.0, chương trình đào tạo sẽ được đổi mới, được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và phát triển phẩm chất cá nhân của sinh viên cũng như được đánh giá định kỳ. Chuẩn đầu ra được xây dựng toàn diện, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được sắp xếp hợp lý hóa. Hệ thống bài giảng điện tử; đội ngũ giảng viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm.
ĐHQG TPHCM sẽ hỗ trợ các trường thành viên đầu tư 4 không gian học tập, tập trung cho các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ thông tin. Thư viện linh kiện/phòng thí nghiệm ảo sẽ được xây dựng và đầu tư hằng năm, hệ thống hỗ trợ giảng dạy E-learning trên quy mô liên trường được phát triển, cùng với hệ thống tài liệu học tập số sẽ góp phần hỗ trợ phục vụ công tác dạy - học.
Theo ĐH Quốc gia TPHCM, với mô hình này, người học được học tập và trải nghiệm trong môi trường học tập thực tế. Chính nhờ vậy, sinh viên sẽ càng trở nên năng động, sáng tạo và độc lập; có khả năng và cơ hội để phát hiện các sáng kiến trong học tập cũng như chủ động trong thực hành nghề nghiệp sau này.
Giảng viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy theo công nghệ số có sự hỗ trợ của phần mềm và các công cụ hỗ trợ. Đồng thời, được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức... Giảng viên còn được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại các trường danh tiếng trên thế giới đang cùng vận dụng mô hình này. Cả nhà tuyển dụng cũng được thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong việc cùng cơ sở đào tạo đưa ra các môn học tích hợp, chuẩn đầu ra; được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng...
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên phó giám đốc ĐHQG TPHCM, với mô hình giáo dục 4.0, các trường cần bám đúng chuẩn đầu ra để làm tốt. Chuẩn đầu ra này sẽ khác, sẽ được bổ sung thêm.
Lê Phương
Theo Dân trí
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tạo mọi điều kiện cho học sinh TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nhận định kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã có những cải tiến, tiếp cận thực tế hợp lý, tạo mọi điều kiện cho học sinh. Quy định mới học sinh không phải đóng lệ phí thi THPT Quốc gia là một ví dụ điển hình. Giáo viên Trường THPT...