Ca sĩ Đồng Lan: Người thức dậy với những giấc mơ
Cô ca sĩ người Hà Nội có giọng nói thoang thoảng như gió cho biết, mỗi sáng cô thức dậy trong ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh trong con hẻm ở Sài Gòn và thầm thì hát một giai điệu nào đó.
Chỉ có con mèo nhỏ lắng nghe vào những lúc ấy. Nhưng chuyện đó chẳng là gì với Đồng Lan, vì chỉ cần có ai đó lắng nghe là cô lại muốn cất tiếng hát.
Cuộc viễn du định mệnh
Tháng 9/2010, Đồng Lan vào Nam dạo chơi trong một chuyến viễn du ngẫu hứng và bất định. Sài Gòn là một nơi nào đó nghe rất xa và mơ hồ trong suy nghĩ của Đồng Lan, nhưng có thể giúp cô gái nhỏ thích hát tiếng Pháp ở Hà Nội tìm đến, tạm quên nơi chốn cũ mà bất kỳ điều gì cũng gợi nhớ về người cha quá cố.
Đồng Lan còn nhớ rằng Sài Gòn thật thú vị, từ cách hỏi đường đến ứng xử của một người chạy xe ôm… Đột nhiên cô muốn lưu lại và nghĩ mình có thể thích nghi với cuộc sống này. Thông qua người bạn là ca sĩ Mai Khôi, Đồng Lan dè dặt ra mắt khán giả ở một vài phòng trà.
Điều cô bất ngờ nhất là nơi thành phố đã có hơn 100 năm giao thoa với nền văn hóa Pháp này, những bài hát tiếng Pháp thập niên 1960 – 1970 mà cô mang đến lập tức được đón nhận như một người quen cũ.
Tiếng vỗ tay và những lời khích lệ thân thiện của người Sài Gòn khiến cô cảm động. So với môi trường âm nhạc khắt khe và chậm chạp tiếp nhận những con người mới của nơi chốn cũ, dường như thành phố miền Nam này muốn chính thức dìu tay cô vào con đường nghệ thuật ngay ngày đầu.
Đồng Lan trong album đầu tay. Ảnh tư liệu
Cô dạy trẻ thích hát
Đồng Lan nói chưa bao giờ dám nghĩ mình là một ca sĩ, kể cả trong lúc đi diễn cùng ban nhạc của thầy Lê Hùng Phong. Khởi đầu cuộc đời của Lan là nghề dạy trẻ ở Trường Sunrise Kidz, Hàng Than. Chơi với trẻ con, được hát suốt ngày với bọn chúng là niềm vui của cô giáo trẻ, xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu văn hóa Pháp.
Năm 2006, sân khấu âm nhạc bất ngờ mở ra với Đồng Lan khi cô mặc một chiếc váy xanh và cầm guitar hát trong một chương trình gây quỹ cho đồng bào bão lụt miền Trung.
“Hỡi chiếc lá nào bay về trời, nhớ gửi lời với tôi…”, tiếng hát nhẹ như gió và lá của Lan bay qua khán phòng được giữ lại bằng một tràng pháo tay rất lâu. Từ hôm đó, thầy Lê Hùng Phong mời Lan vào ban nhạc Lãng Du đi diễn loanh quanh Hà Nội.
Dù đã là một ca sĩ trình diễn chính thức nhưng Đồng Lan lại là một cô gái sống khép kín, gần như không có bạn đồng nghiệp. Đến giờ diễn, cô chạy đến sân khấu, nói cười và hát Je t’aime, mơ mộng với L’aventura…
Hát xong lại chạy về nhà, viết nhật ký và trò chuyện với con chó nhỏ của mình. Thậm chí sau khi đoạt giải nhất cuộc thi hát tiếng Pháp toàn miền Bắc, năm 2008 được mời đi lưu diễn ở Pháp, cuộc sống mở ra đó cũng chỉ làm cuốn nhật ký của cô dày hơn.
Giới nghệ sĩ âm nhạc ở Hà Nội bắt đầu biết về Đồng Lan, nhưng nhiều người nói với nhau rằng con bé này dường như không bình thường. “Mọi người nói mày cứ hâm hâm thế nào ấy”, Đồng Lan nói rằng cô nghe mọi người kể lại như vậy và bật cười.
Nhiều năm trước, bước vào đời ca sĩ tức bị xoay vần theo nhiều thứ, từ làm sao để lên được tivi vào giờ vàng, làm sao để lên bìa báo trong dịp nào đó… Cuộc đua đó trong giới ca sĩ hết sức quyết liệt, nhưng với Đồng Lan thì những điều đó lại không hút được cô vào vòng xoáy.
Âm nhạc như là nơi chốn để cô trú ẩn trong đó bằng một niềm vui bí mật, như khu vườn nhỏ mà đứa trẻ bất ngờ khám phá và loay hoay chơi một mình qua bốn mùa.
Video đang HOT
Đồng Lan nói mình mang theo rất nhiều kỷ niệm đẹp cho những ngày tháng ca hát ở Hà Nội. Những ngày đi diễn, hát xong vẫn chưa thỏa, Đồng Lan cùng thầy Phong, nhạc sĩ Việt Anh trong ban nhạc Lãng Du lại kéo nhau đến một quán nhỏ bên cạnh Quốc Tử Giám và mở đàn cùng nhau hát tận khuya. Thậm chí hát đến lúc bị quát đuổi về mới thôi.
Đồng Lan trong chương trình Bài Hát Việt. Ảnh tư liệu
Chọn sống với giấc mơ
Chuyến đi vào Nam là cơ hội cho Đồng Lan nhận ra một sự khác biệt. “Cảm giác của riêng em thôi và em nhận ra ở Hà Nội người ta đam mê nhưng không dám bứt phá một cách tự do vì chịu nhiều áp lực, còn trong Sài Gòn người ta rất tự nhiên khi làm một cái gì đó mới mẻ, sáng tạo một cái gì đó và chờ xem phản ứng từ khán giả” – Đồng Lan nói.
Quyết định chọn ở lại của Đồng Lan cũng có một phần như vậy. Vì cá tính của cô không muốn lặp lại, không muốn sự đơn điệu chiếm lấy mình. Ngay trong những bài hát nhạc Pháp quen thuộc, Đồng Lan cũng muốn làm một điều gì đó khác hơn.
Nhạc sĩ Bảo Chấn, người thực hiện album Maison de Dong Lan (Ngôi nhà của Đồng Lan) – album thứ hai kể từ khi ca sĩ này vào Nam, nói rằng: “Đó là một giọng ca luôn háo hức đi tìm sự bí ẩn của giai điệu”.
Có lẽ môi trường như vậy đã kích thích khả năng sáng tác của Đồng Lan. Cô viết nhiều hơn và thả suy nghĩ của mình hồn nhiên hơn. Sợ chết, bài hát của Lan tham dự Bài hát Việt và bất ngờ nhận được giải vào năm 2012, đem lại cho cô thêm một niềm phấn khích mới.
“Vậy một người không thích showbiz như Đồng Lan vì sao lại tham gia The Voice 2012?”. Khi nhận câu hỏi này Đồng Lan bật cười. Sài Gòn quả có sự khác biệt của nó là khiến người ta không ngại ngần thử một điều gì đó, chạm vào một thách thức nào đó.
Khi xem The Voice phiên bản Mỹ, Đồng Lan hết sức thích thú cách ban giám khảo tìm đến tiếng hát hơn là vẻ bề ngoài của ca sĩ. Cô cũng muốn tìm hiểu xem thật sự tiếng hát của mình có thu hút được cảm nhận chung hay không.
“Nhưng vậy thôi, em đã mệt với showbiz thật rồi” – Đồng Lan nói. Cô gái này nói mình muốn bước đi lang thang trên phố. Hồn nhiên gật đầu chào một ai đó. Mặc một bộ đồ do chính mình thiết kế mà không cần phải ngại ngùng dù có bị nhận xét là “thấy ghê”.
Những ngày đầu vào Nam, cơn ác mộng showbiz từng làm Đồng Lan mất ăn mất ngủ. Trong một lần vào quán với em trai ở quê vào, Đồng Lan bị một tay nhiếp ảnh báo lá cải vô tình nhìn thấy. Sau đó Đồng Lan nhận được một loạt tin nhắn tống tiền rằng nếu không chấp nhận thì những hình ảnh “Đồng Lan suồng sả bạn trai” sẽ được gửi về quê nhà của cô.
“Lúc đó em chỉ lo mẹ ở nhà không hiểu thôi” – Đồng Lan bật cười khi kể lại chuyện này. Vào Sài Gòn để sống đời ca hát, Đồng Lan phải giấu mẹ nói rằng đi làm việc xa vì chuyện ca hát vẫn không được coi là chuyện hay ho gì với gia đình. “Giờ nghĩ lại cứ buồn cười vì sao mình lại sợ như vậy” – Đồng Lan kể.
Chuyện buồn cười của cô gái trẻ không chỉ có vậy. Trong những năm đầu, rất nhiều khán giả nhắn tin đề nghị Đồng Lan thay đổi kiểu tóc, cách ăn mặc… Những người bạn giúp quản lý công việc cho Đồng Lan cũng từng muốn thay đổi cô theo một kiểu gì đó cho gần hơn với thị hiếu công chúng.
“Em xin cứ để em là em. Giữ cho mình một điều tự do và riêng, đó là giấc mơ của em – Đồng Lan nói – Và em thấy đẹp mà. Anh có thấy đẹp không?”.
Thật khó trả lời. Cũng giống như mỗi buổi sáng thức dậy, Đồng Lan lại hát và hỏi một câu gì đó với con mèo nhỏ đang nằm nhìn cô. Con mèo im lặng.
Bất kỳ người nghệ sĩ nào có cá tính cũng mơ cả đời giữ được cái riêng giữa thế giới đang quá đơn điệu này. Và với Đồng Lan, trái tim nghệ sĩ mỗi buổi sáng thức dậy cùng giấc mơ nhỏ bé của mình cũng cần một sẻ chia khe khẽ, đủ để nâng giấc mơ đó đẹp hơn và bay cao hơn nữa.
Ảnh: Gia Tiến
Album đầu tay Cánh lan dại, ra mắt năm 2012 với sự giúp sức của nhạc sĩ Quốc Bảo, là một nỗ lực khá vất vả của Đồng Lan. Album có mặt cũng vì khán giả cứ cuối giờ biểu diễn lại hỏi mua CD của Lan.
“Lúc đó em chỉ là một con bé biết hát và chạm tay vào showbiz. Album đó khiến em mất thêm hai năm dành dụm mới làm được cái thứ hai” – Đồng Lan hồn nhiên nói. Giờ cô không còn nhiều khó khăn như ngày đầu và đang chuẩn bị album thứ ba.
Theo Tuấn Khanh/Tuổi Trẻ
'Nhạc Việt lời tây' - Cuộc tranh luận không hồi kết
Ngày càng nhiều ca khúc Việt sử dụng ngôn ngữ ngoại lai, chủ yếu là tiếng Anh để đặt tên và kể cả với ca từ. Đây đang là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Khán giả nghe nhạc Việt Nam vẫn thường yêu thích những bài hát có ca từ đẹp, khuôn thức với hình ảnh và câu chữ trau chuốt. Tiêu chuẩn đó được duy trì từ nhạc tiền chiến cho đến nhạc trữ tình bolero hay nhạc trẻ trước năm 2000 với những sáng tác của Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Bảo... Tuy nhiên, khi sự tiếp cận của thị trường nhạc Việt với xu hướng thế giới ngày càng gần lại, điều này bắt đầu có sự thay đổi. Không khó nhận ra những thể loại âm nhạc, mô-típ sáng tác mới và đặc biệt là sự "trộn" tiếng Anh trong các ca khúc Việt.
Xu hướng khó tránh của nhạc đại chúng
Những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ và ca sĩ trẻ đã dùng tiếng Anh thay vì tiếng Việt để đặt tên những ca khúc do họ sáng tác, trình diễn. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều ca khúc nổi tiếng được khán giả nhớ đến được đặt tên bằng tiếng Anh. Chỉ riêng trong top ca khúc gây ấn tượng nhất năm 2015, không khó để "nhặt" ra những bài hát có tựa tiếng Anh như Say You Do, My Everything (Tiên Tiên); What's Love?, Destiny (Hồ Ngọc Hà); Bad Boy, Boom Boom (Đông Nhi)...
Hồ Ngọc Hà là một trong số những ca sĩ thường xuyên hát ca khúc có tựa đề và một phần lời tiếng Anh.
Nói về vấn đề sử dụng tiếng Anh để đặt tên cho bài hát, nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng chia sẻ: "Nhạc pop là đại chúng (popular). Đó là thể loại nhạc dành cho tất cả mọi người. Khi chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt là về văn hóa, việc một bài hát có tựa tiếng Anh hay thậm chí sử dụng cả tiếng Anh trong ca từ không phải vấn đề lớn lắm. Nó chỉ là một hiện tượng mang tính chất xu hướng."
Xa hơn nữa, không chỉ có các ca khúc với tựa đề hay "gài cắm" ca từ tiếng Anh, nhiều ca sĩ còn làm hẳn một sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Hà Anh Tuấn từng thực hiện đĩa nhạc Cocktail hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mới đây, Đinh Hương cũng ra mắt sản phẩm âm nhạc tiếng Anh từ vỏ đến đĩa nhạc. Và họ cũng không phải những trường hợp duy nhất.
Tranh cãi về "nhạc Việt lời tây"
Tuy nhiên không phải tất cả những ngôi sao nhạc pop trẻ đều đi theo hướng này. Sơn Tùng M-TP, hiện tượng Vpop 2 năm qua, liên tục tạo hit nhưng anh là trường hợp khá đặc biệt khi tất cả các bài hát thể hiện đều có tên bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, anh cũng là ca/nhạc sĩ gần như không sử dụng tiếng Anh trong sáng tác.
Từ trường hợp của Sơn Tùng M-TP cũng đặt ra vấn đề, việc sử dụng tiếng Anh trong các bài hát Việt là xu hướng hòa nhập hay lai căng?
Là ca sĩ có phong cách hiện đại nhưng các bản hit của Sơn Tùng M-TP lại không "trộn" tiếng nước ngoài.
Trên một tờ báo gần đây đăng tải chia sẻ về câu chuyện một khán giả truyền hình 70 tuổi hỏi con trai rằng: "Destiny là gì vậy con?" khi bà xem tiết mục biểu diễn của nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà với ca khúc Destiny. Bài viết này cũng làm nóng lại cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện "nhạc Việt lời tây".
Những ý kiến trái chiều trong vấn đề này đến từ quan điểm khác nhau của những người thuộc thế hệ nghe nhạc khác nhau. Khán giả lớn tuổi khá khắt khe trong khi đó, lớp trẻ lại cảm thấy đây là xu hướng tất yếu.
Chia sẻ với Zing.vn, độc giả Mai Hương (50 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy việc đặt tên ca khúc hay viết lời bằng tiếng Anh rất khó chịu và phản cảm. Người Việt thì phải hát tiếng Việt cho mọi người nghe. Chưa kể nhiều khi họ còn dùng sai văn phạm, ngữ pháp khi sử dụng tiếng Anh trong sáng tác. Tôi thấy đó là một sự chắp vá thô kệch và thiếu cẩn trọng hơn là những mới mẻ, đặc biệt".
Tuy nhiên cũng có những ý kiến đồng tình với việc dùng tiếng nước ngoài để sáng tác, đặc biệt là đặt lời ca khúc. Thanh Thanh (25 tuổi, Hà Nội) phát biểu: "Tôi thấy việc dùng tiếng Anh để đặt tên không có gì phải đáng bàn. Tôi chủ yếu nghe Kpop, muốn tìm bài hát gõ tên tiếng Anh rất dễ dàng. Bài hát Việt như vậy sẽ thuận lợi hơn cho khán giả nước ngoài tìm kiếm. Phải tính đến hướng đi lâu dài chứ".
Có rất nhiều ý kiến tương tự đến từ khán giả và tạo nên luồng dư luận trái chiều trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, Vpop cũng đang trong quá trình phát triển giống như các nước trong khu vực.
Nhạc Việt không phải là duy nhất tại châu Á sử dụng ngoại ngữ để đặt tên hay viết một phần lời bài hát. Các thị trường âm nhạc khác trong khu vực như Kpop (Hàn Quốc), Jpop (Nhật Bản), Cpop (Trung Quốc) hay các nền âm nhạc từ các nước Thái Lan đều dễ dàng bắt gặp những ca khúc đặt tên tiếng Anh.
Hàn Quốc là đất nước có nền âm nhạc đại chúng phát triển nhất châu Á trong những năm gần đây. Hầu hết các ca khúc đều được lấy là tiếng Anh có chú thích bằng tiếng Hàn Quốc. Kpop cũng đang dần vươn mạnh sức ảnh hưởng sang châu Âu và Mỹ. Rõ ràng, tên ca khúc bằng tiếng Anh là một "mã nhận biết" để khán giả quốc tế, nhất là các quốc gia sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh dễ theo dõi. Thông qua tên bài hát, khán giả quốc tế phần nào hiểu được nội dung hay chủ đề mà ca khúc đó hướng tới.
Trong một cuộc trao đổi với người viết, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng tiếng nào không quan trọng bằng cuối cùng chất lượng sản phẩm âm nhạc ra sao và liệu thị trường âm nhạc có một định hướng phát triển rõ ràng hay không. "Việc áp lời nước ngoài sẽ gượng ép nếu nó chỉ mang tính thủ công, "theo mốt". Nhưng ngược lại, khi người sản xuất cho tới ca sĩ thể hiện có mục tiêu rõ ràng và cảm hứng thực sự với ca từ hoặc tựa ca khúc thì tiếng Anh hay tiếng Việt chẳng còn quan trọng."
Nhạc sĩ trẻ nói gì?
Giới sáng tác thừa nhận viết lời ca khúc bằng tiếng nước ngoài đặc biệt là tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt rất nhiều. Lý do rất đơn giản: tiếng Việt có dấu và tiếng Anh thì không. Hẳn cũng một phần bởi lý do đó, các ca khúc tiếng Anh phổ biến khắp thế giới.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ để chuyển tải thông điệp ca khúc của mình vẫn tùy thuộc nhiều và sở thích cũng như sở trường của mỗi nhạc sĩ.
Tiên Tiên tự đặt quy tắc chỉ đặt tên ca khúc từ 2-3 chữ. Vì vậy, lựa chọn tiếng Anh là điều dễ hiểu.
Tiên Tiên từng chia sẻ, cô có một nguyên tắc đặt tên ca khúc không quá 3 chữ. Như vậy, việc lựa chọn tiếng Anh như tựa ca khúc Say you do là phù hợp nhất với cô ca sĩ trẻ này.
Tuy nhiên, Tiên Tiên vẫn có những ca khúc nổi bật với tựa rất thuần Việt như Sài Gòn nhớ, Giữ em đi, Gọi mưa. So với việc dùng tiếng nước ngoài để đặt tên, tiếng Việt vẫn giàu tính tượng hình và giàu chất thơ hơn.
Các nhạc trẻ trả lời Zing.vn đều cho rằng, sử dụng tiếng Việt trong nhiều trường hợp vẫn là tốt nhất. Phạm Toàn Thắng chia sẻ: "Âm nhạc Việt Nam muốn lan truyền rộng hơn, vươn xa hơn tầm khu vực, thế giới thì tựa ca khúc bằng tiếng Anh sẽ có lợi hơn. Người nước ngoài khó có thể viết, tìm và đọc được tiếng Việt. Tôi nghĩ các ca sĩ, nhạc sĩ nên tập cách dung hòa dù tiếng Anh đôi khi ngắn gọn hơn. Tôi thấy phương án có 2 tựa ca khúc là hợp lý".
Anh chia sẻ thêm: "Tôi vẫn luôn thích dùng tiếng Việt để sáng tác và đặt tên đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, một vài từ hay câu tiếng Anh khi đặt vào bài hát rất phù hợp cả về âm thanh, giai điệu mà tiếng Việt lại không đáp ứng được. Tất nhiên việc này phải rất hạn chế và có tính toán".
Theo Zing
Vũ Cát Tường ẵm thêm giải ca khúc ấn tượng Bài hát Việt Bài hát có tên "Mơ" của nữ ca sĩ nhận được số lượng bình chọn cao nhất ở live show Bài hát Việt tháng trước. Tối 25/12, chương trình Bài hát Việt diễn ra live show tháng 12 với 9 ca khúc mới tiếp tục ra mắt khán giả. Ca khúc Mơ của tác giả Vũ Cát Tường đã đoạt giải Ca khúc...