Cả nước thiếu khoảng 45.000 giáo viên
Cả nước hiện thiếu khoảng 45.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu hơn 32.000 người. Trong khi đó, bậc tiểu học đến THPT lại dôi dư khoảng 27.000 thầy cô.
Sáng 14/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT. Vấn đề thừa thiếu giáo viên được nêu ra bàn thảo.
Cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên các trường công lập từ tiểu học đến THPT nhưng lại thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở bậc học mầm non.
Theo báo cáo tại hội nghị, tình trạng thừa giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương, ở tất cả cấp học từ tiểu học đến THPT. Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người. Trong khi đó, tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non.
Tình trạng thừa giáo viên tiểu học đến THPT nhưng thiếu giáo viên mầm non diễn ra trên cả nước. Ảnh minh họa: Giáo Dục và Thời Đại.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết sở có thể điều số giáo viên thừa xuống dạy mầm non nhưng chỉ để dạy các môn phụ hoặc phụ trách hành chính. Họ cũng phải đáp ứng được yêu cầu về tuổi tác.
Một số địa phương khác như Thái Bình, Nghệ An cũng gặp tình trạng tương tự.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.
Video đang HOT
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết ông không đồng tình với việc chuyển giáo viên dôi dư từ bậc phổ thông sang dạy mầm non.
Ông cho rằng ngành học mầm non có yêu cầu đặc thù và giáo viên phải được đào tạo bài bản.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng lo ngại nếu chúng ta làm không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng học sinh không được học đúng chương trình, giáo viên cũng gặp ức chế.
Do đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu việc điều chuyển giáo viên phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học, đồng bộ, không tự phát, cảm tính.
Bộ đã giao ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế khung chương trình đào tạo cho những giáo viên này. Thay vì chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trong vài tháng như trước đây, sắp tới, họ phải học thêm văn bằng hai trước khi sang dạy bậc học khác.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định việc quan trọng nhất là tập trung vào mô đun tâm lý học lứa tuổi. Theo ông, ở bậc mầm non, điều đáng chú trọng là “dỗ”, giáo dục hình thành nhân cách đầu đời cho trẻ.
Công tác sắp xếp, điều chuyển giáo viên cũng cần được thực hiện thận trọng, minh bạch, công tâm, tránh gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp chất lượng dạy học.
Thanh Hóa đã điều chuyển hơn 100 giáo viên dôi dư ở huyện Thạch Thành sang dạy mầm non. Tuy nhiên, sau khi chuyển về mầm non, đội ngũ này lại được sắp xếp làm công tác hậu cần như nấu cơm, rửa bát.
Đây là lần thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị các giám đốc sở kể từ khi bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ. Điều này cho thấy giáo dục phổ thông đang được quan tâm đặc biệt khi bậc học này có những vấn đề cấp thiết cần giải quyết.
Theo Zing
Hủy quyết định 'đì' 3 cô giáo tố cáo tiêu cực
UBND huyện Mang Yang (Gia Lai) vừa hủy bỏ quyết định điều động ba giáo viên trường Mầm non xã Đak Djrăng vì sai quy định.
Trước đó, cô giáo Trần Thị Huyền (trường Mầm non Đak Djrăng) có đơn tố cáo bà Phạm Thị Ánh Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, vì một số biểu hiện sai phạm. Làm chứng cho cô Huyền là bảy cô giáo khác, trong đó có cô Lê Thị Hiền, Tô Thị Tình...
Theo các giáo viên, từ tháng 8/2013, khi bà Ngọc về làm hiệu trưởng, bà luôn áp đặt mọi chuyện, luôn xưng hô với các giáo viên khác theo kiểu kẻ bề trên, không đúng chuẩn mực, tác phong sư phạm, kể cả với người lớn tuổi hơn mình. Bà Ngọc từng ví giáo viên như là những cây khô, bà muốn bẻ gãy lúc nào cũng được (tại cuộc họp vào khoảng tháng 9/2014).
Mặc dù trường có nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn nhưng lại tổ chức nhiều khoản thu ngoài quy định, tạo gánh nặng cho phụ huynh. Các khoản thu chi từ số tiền này, Hiệu trưởng Ngọc không công khai cho toàn thể cán bộ, viên chức được biết.
Khi tố cáo của các giáo viên chưa được cơ quan chức năng giải quyết thì ngày 15/8/2016, ba giáo viên "bị" nhận Quyết định 1689/QĐ-UBND về việc điều động đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn hơn rất nhiều.
Cô giáo Trần Thị Huyền. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Cụ thể, người đứng đơn tố cáo là cô Huyền bị điều chuyển đi xa nhất, đến dạy tại trường Mầm non xã Đak Trôi (cách nhà khoảng 50 km), cô Tình bị điều đến xã Kon Thụp (cách nhà khoảng 30 km), cô Hiền bị điều đến trường Lơ Pang (cách nhà 15 km).
Sau đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc kết luận nội dung các cô giáo tố cáo là đúng. Cụ thể, bà Ngọc đã không thực hiện đúng một số quy định của pháp luật trong công tác tài chính. Là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu một đơn vị, bà không gương mẫu, vi phạm các quy định về Luật cán bộ, công chức về văn hóa giao tiếp nơi công sở, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo...
Đáng chú ý, thanh tra tỉnh kết luận bà Ngọc sai phạm là vậy song UBND huyện Mang Yang chỉ yêu cầu họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sau bổ nhiệm luân chuyển làm hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đê Ar.
Mới đây, UBND huyện Mang Yang ra quyết định thu hồi và hủy bỏ Quyết định 1689 vì cho rằng không phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Ông Krung Dam Đoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho biết huyện cũng đã yêu cầu kiểm điểm đối với phòng GD&ĐT, phòng nội vụ vì đã tham mưu sai trong việc luân chuyển trên.
Đến đây, một rắc rối mới lại nảy sinh. Đó là sau khi điều chuyển ba cô Huyền, Hiền, Tình đi, UBND huyện Mang Yang liền ra quyết định điều động ba giáo viên từ vùng khác về thay thế.
Những giáo viên này thuộc diện đã nhiều năm công tác tại vùng khó khăn, nay được ra vùng thuận lợi hơn. Như vậy, trường Mầm non Đak Djrăng bỗng lâm vào tình trạng... thừa ba giáo viên.
Nói về hướng giải quyết, ông Hồ Văn Diệp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mang Yang, cho biết sẽ điều động "ba giáo viên thừa" về nhận công tác tại những xã thuận lợi, gần trung tâm huyện như xã H'Ra, Đak Ta Ley.
Theo Lữ Quỳnh Loan/Pháp Luật TP.HCM
Thiếu giáo viên mầm non vì bạn trẻ không mặn mà với nghề TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ nhưng hiện vẫn thiếu hàng loạt giáo viên mầm non. Nhiều người còn bỏ nghề này để làm việc khác. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa IX chiều 7/12. Tại buổi báo cáo kết quả giám sát chuyên đề nghị quyết về hỗ trợ...