Cá ngừ đại dương: Hàng chục tấn chỉ xuất khẩu… vài trăm ký!
Dù cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đánh bắt được bán tại Nhật Bản giá cao hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực nhưng do chi phí vận chuyển đắt đỏ nên hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Sáng 30.3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết lô hàng cá ngừ đại dương do ngư dân địa phương đánh bắt vừa được đấu giá khá thành công tại TP Sa Kai, tỉnh Osaka, Nhật Bản. Đây là lô hàng cá ngừ đại dương thứ 2 của đề án Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi của tỉnh Bình Định, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, được đưa sang bán đấu giá tại Nhật Bản.
Cụ thể, 5 con cá ngừ đại dương với tổng trọng lượng khoảng 300 kg xuất sang Nhật vào ngày 22.3 được đấu giá thành công với giá bình quân 1.380 yên/kg (khoảng hơn 270.000 đồng/kg), trong đó con cá có giá cao nhất là 1.600 yên/kg (khoảng 305.000 đồng/kg); cao hơn so với giá sản phẩm cùng loại của của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (450 yên/kg), Indonesia (1.350 yên/kg)…
So với 8 con với tổng trọng lượng 387 kg được xuất sang Nhật Bản đợt đầu vào giữa tháng 1, lô cá đợt này được bán đấu giá cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản Nhật Bản, sở dĩ cá bán được giá cao như vậy là vì màu sắc cá đợt này có màu đỏ tươi khá đẹp, chất lượng thịt của con cá cao.
Nhân viên Bidifisco đưa cá ngừ lên xe để vận chuyển ra sân bay chờ chuyển sang Nhật Bản.
Video đang HOT
Thông tin với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho biết thành công trong đợt bán đấu giá cá ngừ đại dương lần này tại Nhật Bản là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngư dân tỉnh Bình Định đã thực hiện đúng quy trình đánh bắt mà phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ.
“Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên các ngư dân đánh bắt cá ngừ xuất khẩu thực hiện đúng quy trình đánh bắt, bảo quản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cá ngừ đại dương để tham gia bán đấu giá tại Nhật Bản trong những đợt tới” – ông Tùng nói.
Mặc dù cá xuất khẩu đợt này được bán với giá khá cao như vậy (gấp 3,5 lần giá thu mua tại Bình Định) nhưng theo đơn vị xuất khẩu là Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) thì hiệu quả kinh doanh vẫn chưa đạt như mong đợi.
Theo tính toán của Bidifisco, các khoản tiền chi phí từ lúc mua cá của ngư dân ở cảng cá cho đến vận chuyển bằng đường bộ rồi máy bay sang đến chợ bên Nhật Bản đã hơn 160.000 đồng/kg cá (chưa tính giá thu mua khoảng 120.000 đồng/kg). Trong đó chủ yếu là chi phí vận chuyển cá bằng máy bay từ Bình Định – TP HCM và TP HCM – Nhật Bản. Như vậy, dù kết quả bán đấu giá đợt này đạt khá cao nhưng Bidifisco vẫn bị lỗ.
Trả lời câu hỏi vì sao mỗi đợt 25 tàu đánh bắt theo kiểu Nhật mang về đất liền hàng chục tấn cá nhưng chỉ xuất khẩu vài trăm ký, bà Cao Thị Kim Lan – giám đốc Bidifisco, cho biết: “Trước mắt, doanh nghiệp chỉ chọn những con cá có chất lượng tốt nhất xuất khẩu để làm quen với thị trường Nhật Bản chứ chưa phải vì mục đích kinh doanh. Đến khi nào chất lượng cá đồng đều, giá tốt lên nữa thì công ty mới xuất số nhiều được. Hiện giờ do giá vận chuyển bằng máy bay cao quá nên nếu xuất khẩu càng nhiều thì càng lỗ thôi”.
Theo Đức Anh (Người Lao Động)
Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật gặp khó
Sau gần 2 năm triển khai, đề án đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật tại Bình Định chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ngư dân không mấy mặn mà
Giữa năm 2014, đề án "Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi" (thường gọi là đề án "Đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật") do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, bắt đầu triển khai tại Bình Định. Từ chỗ thí điểm cho 5 tàu cá đầu tiên ở huyện Hoài Nhơn, đến cuối năm 2015, JICA tiếp tục hỗ trợ 25 bộ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho 25 ngư dân tham gia đề án.
Cá ngừ được đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản tại tỉnh Bình Định
Tỉnh Bình Định cũng đã chi hàng tỉ đồng hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo phương pháp hiện đại của Nhật Bản.
Trong khuôn khổ đề án, Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) và Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd đã ký hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Theo đó, Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd là đại diện của Bidifisco ở Nhật Bản để đưa cá ngừ đại dương vào bán tại các trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của công ty tại Nhật Bản. Còn Bidifisco đảm nhiệm bao tiêu sản phẩm cho ngư dân đánh bắt cá theo công nghệ Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20%.
Thời gian qua, đã có hàng trăm con cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ mới được xuất sang bán đấu giá tại Nhật Bản. Trong đó, chuyến xuất khẩu cá ngừ đầu tiên vào đầu tháng 8-2014 với số lượng 10 con (tổng trọng lượng 448 kg), bán đấu giá tại chợ cá Trung tâm Bán đấu giá Osaka với giá bình quân 240.000 đồng/kg (gấp 3 lần giá thu mua tại Bình Định vào thời điểm đó).
Dù cá xuất khẩu sang Nhật Bản được bán với giá cao nhưng ngư dân không mấy mặn mà. Ông Trần Văn Tòa (ngụ xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn), một trong những chủ tàu tham gia đề án thí điểm, cho hay việc áp dụng kỹ thuật đánh bắt mới tuy phức tạp nhưng vẫn làm được. Cái khó là Bidifisco yêu cầu mỗi chuyến biển tối đa 15 ngày để bảo đảm chất lượng cá.
"Hiện chi phí cho tàu cá trong mỗi chuyến biển mất cả trăm triệu đồng, thời gian đi về đã mất 5 ngày đêm. Chuyến biển chỉ 15 ngày thì không thể khai thác được nhiều cá, thu không đủ bù chi" - ông Tòa tính toán. Hiện mỗi kg cá xuất khẩu được tỉnh hỗ trợ thêm 50.000 đồng và doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường 20% nhưng ngư dân vẫn than lỗ.
Không riêng gì ngư dân, doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu cũng kêu khó. Theo Bidifisco, dù vận chuyển bằng máy bay nhưng nếu tính từ lúc cá được chở vào bờ đến khi ra phiên chợ đấu giá bên Nhật mất 2 ngày nên chất lượng cá cũng giảm đáng kể, dẫn đến giá bán không cao. Trong khi đó, giá thu mua cùng chi phí vận chuyển đã lên 170.000 đồng/kg, nếu kết quả đấu giá tại Nhật Bản dưới 300.000 đồng/kg thì Bidifisco bị lỗ.
Ông Trần Kim Dương, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, thừa nhận yêu cầu thời gian đánh bắt như trên rất khó cho ngư dân. Nhưng để cá bảo đảm chất lượng thì không thể kéo dài hơn. Do đó, mỗi tổ, đội tàu của ngư dân cần thêm một tàu dịch vụ hậu cần để giúp ngư dân đưa hải sản ra chợ sớm hơn và giúp các tàu khác tiết kiệm nhiên liệu.
Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nếu Bình Định không tổ chức bài bản khâu thu mua, ngư dân đánh bắt kiểu manh mún như hiện nay thì đề án này có nguy cơ "sập tiệm".
Bài và ảnh: Đức Anh
Theo NTD
Khánh Hoà: Ngư dân lao đao vì tư thương ép giá cá ngừ Từ sau Tết nguyên đán đến nay, giá cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa bất ngờ rớt giá khiến ngư dân lao đao. Các ngành chức năng cho biết việc giá tăng, giảm là do các đầu nậu và doanh nghiệp quyết, họ không thể kiểm soát! Ngày 29.2, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban...