Cà Mau: Thả cua trong đầm tôm bị bỏ hoang, nhàn mà lời lớn
Anh Hồng Văn Lâu, 32 tuổi, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là một điển hình thả nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bị bỏ hoang. Với 1.700m2 mặt nước đầm, sau 3 tháng thả cua giống, anh Lâu bắt lên toàn cua bự bán lời tới 70 triệu đồng.
Anh Lâu cho biết, sau nhiều vụ nuôi tôm công nghiệp bết bát, không hiệu quả, thấy vậy anh mới nảy ra ý nghĩ là tận dụng các đầm này cải tạo lại để nuôi cua.
Với 1 ao nuôi cua diện tích 1.700 m, anh Lâu thả nuôi 2.000 con cua giống. Hơn 3 tháng thả nuôi, cua đạt trọng lượng từ 300 gam trở lên. Lúc này bắt đầu thu hoạch, trong đợt này anh Lâu lợi nhuận gần 70 triệu đồng.
Anh Lâu thu hoạch cua nuôi trong đầm tôm công nghiệp bị bỏ hoang.
Để hạn chế tình trạng cua bò sang những ao bên cạnh, anh Lâu dùng lưới mành bao ví xung quanh đầm nuôi, chiều cao khoảng 1 m. Như vậy, hơn 3 năm qua, mỗi năm anh Lâu thả nuôi 2 đợt, một đợt khoảng 2.000 con cua giống.
Với 1.700m2 đầm thả 2 vụ cua, trung bình mỗi năm anh Lâu có lợi nhuận trên 100 triệu đồng, là một điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Hồng Văn Lâu cho biết: “Nếu so mô hình nuôi tôm thì nuôi cua hiệu quả hơn, vì nó nhàn hơn, không quạt, không phải thức trông như nuôi tôm công nghiệp, mình khỏe lắm….Với điều kiện thuận lợi là gần cửa biển, nên tôi mua cá phân để cho cua ăn với chi phí rất thấp, mỗi ngày 3 kg, mỗi kg giá 6.000 đồng “.
Ông Nguyễn Thống Nhất, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: “Hiện tại, mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp của anh Hồng Văn Lâu đang được nhiều hộ dân tham quan, học hỏi. Anh Lâu cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn nuôi cua. Qua đó, góp phần nhân rộng mô hình làm ăn có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Video đang HOT
Mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có được nguồn thu nhập, tạo hướng mở cho người dân phát triển kinh tế. Nếu mô hình này được ngành chức năng nghiên cứu và mở rộng sẽ tạo ra một hướng đi mới ổn định cho nông dân
Nghề nuôi cua truyền thống đã xuất hiện ở huyện Phú Tân rất lâu, nhưng nuôi cua trong đầm nuôi tôm công nghiệp thì mới chỉ bắt đầu thời gian gần đây, khi những đầm tôm công nghiệp không còn sử dụng. Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều hộ nông dân đã tận dụng những đầm tôm công nghiệp bị thất bại cải tạo lại để thả nuôi cua. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Theo Danviet
Mất 6 tháng trời mới "cởi dây trói" to bự quấn con cua Cà Mau
Cà Mau là "thủ phủ" của con cua ngon Việt Nam. Trước nay, người tiêu dùng "hãi hùng" với hình ảnh con cua "cõng" dây trói to, nặng, thì nay sẽ càng ngạc nhiên hơn với con cua dây trói mỏng tang. Câu chuyện "cởi dây trói" buộc vào con cua Cà Mau xuất phát từ một doanh nhân trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh.
Là một doanh nhân trẻ tại TP Hồ Chí Minh nhưng có nhiều lương duyên với Cà Mau, anh Nguyễn Hoàng Văn bất ngờ quyết định trở thành người tiên phong đưa thương hiệu cua Năm Căn đến gần hơn với người tiêu dùng bằng cách thành lập Điểm dừng chân và thu mua cua tại khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn.
Đưa giá trị thật đến người tiêu dùng
Du khách trải nghiệm thu hoạch cua ở Năm Căn. Ảnh: NHẬT MINH
Anh Văn trần tình: "Lúc mới bắt đầu tìm hiểu về kinh doanh cua Cà Mau, tôi đã mất ngủ nhiều đêm vì sợi dây trói. Có cả trăm lần tôi hỏi những vị tiền bối, những người kinh doanh cua có kinh nghiệm "vì sao lại trói cua bằng cọng dây to thế? Dây có ăn được đâu?". Và tất cả các câu trả lời của họ với tôi đều vô lý. Cả những lý do như giữ ẩm, làm cua sống lâu hơn cũng chỉ là biện hộ, vì khắp nơi trên thế giới chưa nơi nào cua được trói bán như kiểu Việt Nam".
Qua tìm hiểu thực tế, anh phát hiện có đến khoảng 90% cua biển Việt Nam được xuất qua Trung Quốc và việc trói cua dây lớn bắt nguồn từ phương thức hợp tác với thương lái Trung Quốc. Phương thức đó được hình thành trong thị trường kinh doanh cua gần như độc quyền.
Cũng qua các lần công tác tại Trung Quốc và đi qua 6 tỉnh, thành lớn nhất nước này, anh Văn mới thực sự ngỡ ngàng khi người kinh doanh ở đây cởi bỏ tất cả dây trói cua từ Việt Nam trước khi bán cho khách... Thế nhưng, lý do gì họ lại yêu cầu trói bằng dây thật lớn rồi khi mua về họ lại cởi bỏ?
Sau 6 tháng triển khai, kế hoạch lớn ấy thất bại hoàn toàn! Thế nhưng, nó cũng cho anh một bài học lớn, đó là văn hoá của sợi dây trói không thể xoá bỏ bằng nỗ lực của một vài người tâm huyết, nó phải bằng sự vào cuộc của một hệ thống.
Tuy vậy, với quyết tâm xây dựng lại hình ảnh con cua Cà Mau, anh Văn có hướng đi đầy táo bạo và bước đầu nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Các cửa hàng Cua ngon Cà Mau mà anh đang xây dựng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đang hiện diện tại thủ phủ của con cua. Anh thu mua cua của nông dân và yêu cầu trói bằng sợi dây mỏng, có in thương hiệu của công ty. Điều này được sự ủng hộ tích cực của người nuôi cua, bởi thực tế lâu nay nông dân bán cua cho thương lái thường không trói bằng dây lớn, sau khi mua thương lái mới trói lại.
Anh Hồ Quốc Khánh, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết: "Gần đây, cửa hàng của anh Văn có đặt mua sản phẩm cua của gia đình tôi và yêu cầu trói cua bằng dây do cửa hàng cung cấp, trên đó có in nhãn hiệu. Tôi thấy việc này rất tốt. Thực tế trước nay chúng tôi không trói cua bằng dây lớn, khi bán cho thương lái thì họ trói lại".
Nông dân có trói cua dây lớn rồi ngâm nước cho nặng ký cũng chỉ do yêu cầu của thương lái. Và từ đó hình thành một luật bất thành văn trong việc trói cua nên văn hoá sợi dây trói cua đã trở nên phổ biến.
Trả giá trị thực về cho con cua Cà Mau
Nói về việc thay đổi từ... sợi dây trói cua, anh Văn cho biết: "Thực tế sợi dây lớn chẳng có tác dụng gì, chỉ là sự bao biện. Chúng tôi muốn giới thiệu giá trị thật của con cua đến với người tiêu dùng bằng cách in lô-gô công ty lên sợi dây trói để khẳng định sự trung thực, khẳng định uy tín của sản phẩm.
Có thể nói, không ở đâu cua ngon bằng cua Cà Mau, do đó, để làm thương hiệu, trước tiên hãy làm đúng. Chúng ta đã sai, đã lỗi ít nhiều vì "sự đồng hoá" của người khác. Sự đồng hoá về gian dối, đồng hoá trở thành thiếu trung thực để dễ dàng bị điều khiển và bị phụ thuộc".
Cua Cà Mau được thực khách rất ưa chuộng. Ảnh: NHẬT MINH
Hiện điểm dừng chân và thu mua cua tại khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn ngoài thu mua cua còn chế biến các sản phẩm từ cua bán cho thực khách nhằm quảng bá con cua Cà Mau đến với khách du lịch. Từ lẩu riêu cua, súp cua, cua rang me truyền thống đến những món ăn được chế biến công phu lấy cảm hứng từ nhiều nước như cua sốt ớt Singapore, cà ri cua Thái...
Anh Văn cho biết: "Thực tế con cua Cà Mau được thực khách thế giới rất ưa chuộng, các sản phẩm từ cua được đầu bếp các nước chế biến rất đa dạng. Chúng ta muốn làm thương hiệu thì không chỉ nuôi cua rồi bán sản phẩm mà hãy làm ra những món ăn đặc sản được chế biến từ cua cung cấp cho thực khách khi đến tham quan Cà Mau. Đây chính là cách nhanh nhất để con cua Cà Mau có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng".
Cà Mau có lợi thế khi có nhiều đặc sản ngon, không chỉ con cua mà còn nhiều sản phẩm khác như tôm, cá, bồn bồn... Thế nhưng, hầu hết đều được sản xuất và bán theo cung cách truyền thống, không quan tâm nhiều đến mẫu mã, chất lượng. Thậm chí để đánh lừa thị giác người dùng, chiếc bánh ít, cục nem, cây chả... được làm với nhiều lớp vỏ bọc để che giá trị lớn bên trong.
"Mỗi chúng ta hãy tháo bỏ bớt những sợi dây trói từ tư duy, từ thói quen lạc hậu để sống, kinh doanh văn minh hơn. Tôi đang đi làm thương hiệu. Kinh doanh bán lẻ là để học hỏi và tôi luyện. Cởi bỏ dây trói, thay đổi cách làm mua bán gian dối, trung thực trong từng việc làm là giá trị để chúng tôi gắn kết bền lâu với khách hàng và với nhau trong hành trình phát huy sứ mệnh của mình", anh Nguyễn Hoàng Văn trải lòng./.
Theo Đặng Duẩn (Báo Cà Mau)
Thấp thỏm mùa lũ kiệt Chưa năm nào người dân An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mong ngóng lũ về như năm nay. Mùa lũ cạn kiệt đang kéo theo bao hệ lụy, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của hàng triệu nông dân. Những vó cá bị treo lưới do nước cạn kiệt trên đồng ở An...