Cà Mau: Ký hợp đồng giáo viên khi chưa được phép: Sẽ xử lý trách nhiệm nếu để ra sai sót
Nói về việc xử lý trách nhiệm nhiều địa phương ký hợp đồng giáo viên khi chưa được tỉnh đồng ý, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết sẽ có đánh giá để xem xét xử lý trách nhiệm một cách hợp lý.
Liên quan đến việc hơn 1.400 giáo viên dôi dư khi các địa phương ký hợp đồng mà chưa có sự đồng ý của tỉnh, theo ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, theo quy định, khi cắt hợp đồng thì phải thông báo trước 30 ngày.
“Sau khi rà soát, những giáo viên không đạt chuẩn, không nằm trong diện được xét ưu tiên thì cũng sẽ thực hiện việc cắt hợp đồng theo quy định”, ông Thánh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Luân- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đợt rà soát này cũng là dịp để sàng lọc lại đội ngũ, không chỉ những giáo viên hợp đồng mà ngay cả giáo viên nằm trong biên chế (viên chức) cũng được xem xét đến.
“Những giáo viên đã là biên chế nhưng vị trí việc làm đó hiện tại đang dôi dư, không phù hợp, hoặc đối chiếu các quy định đang thiếu chuẩn, hay những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, sức khỏe kém,… thì điều chuyển sang vị trí khác, hoặc động viên cho nghỉ chính sách”, ông Luân thông tin.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ngày 10/8/2018 tới đây là hạn chót để các địa phương rà soát lại trường lớp, giáo viên theo yêu cầu. Từ đó, mới biết cụ thể là có bao nhiêu giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng.
Đề cập vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những địa phương (tổ chức, cá nhân) ký hợp đồng giáo viên mà chưa có sự đồng ý của tỉnh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh cho hay, sau khi sắp xếp trường lớp, giáo viên xong, sẽ có báo cáo đánh giá những mặt đạt được và chưa được, yếu tố khách quan và chủ quan.
“Trường hợp đơn vị hay cá nhân nào tùy theo mức độ, nếu chủ quan dẫn đến có sai sót thì tôi nghĩ cũng phải có hình thức để xử lý như kiểm điểm rút kinh nghiệm hay như thế nào đó cũng có kết luận cụ thể.”, ông Thánh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ có đánh giá để xem xét xử lý thích hợp việc ký hợp đồng giáo viên mà chưa có ý kiến của tỉnh.
Không xóa đồng loạt các điểm trường lẻ
Ông Nguyễn Minh Luân- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, cuối năm học 2017 – 2018 (cuối tháng 5/2018), tổng số điểm trường lẻ là 606 điểm; trong đó Mầm non: 262, Tiểu học: 333 và THCS: 11 điểm. Tính đến hết tháng 7/2018, tỉnh đã xóa được 148 điểm lẻ; trong đó Mầm non: 30, Tiểu học: 113 và THCS: 5 điểm.
Theo kế hoạch của ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau, năm học 2019 – 2020, dự kiến xóa 87 điểm lẻ; trong đó Mầm non: 21, Tiểu học: 64 và THCS: 2 điểm. Đến năm học 2020 – 2021, dự kiến tiếp tục xóa 125 điểm lẻ; trong đó, Mầm non: 30, Tiểu học: 94 và THCS: 1 điểm.
“Theo báo cáo của các huyện, thành phố, sau năm 2021, toàn tỉnh còn 246 điểm trường lẻ, trong đó Mầm non: 181, Tiểu học: 62 và THCS là 3 điểm”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xóa những điểm trường lẻ không còn phù hợp, tập trung ở điểm chính là để tránh đầu tư dàn trải cả về nhân lực và vật lực.
“Với những cơ sở vật chất ở các điểm lẻ, sau khi xóa thì địa phương sẽ xem xét dùng vào công năng khác phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương đó, chứ không thể bỏ không gây lãng phí”, ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nói về việc xóa điểm trường lẻ.
Nói về các điểm trường lẻ, ông Nguyễn Đức Thánh- Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, địa bàn tỉnh Cà Mau giao thông đi lại còn khó khăn, dân sống rải rác, không tập trung,… Để đáp ứng nhu cầu cho con em học tập nên tỉnh hình thành các điểm trường lẻ. Đây cũng là điều khách quan ở một thời điểm lịch sử của tỉnh Cà Mau.
Theo ông Thánh, sau này giao thông phát triển, đi lại tốt hơn, các điểm lẻ không còn vai trò đúng nghĩa như trước đây nữa. Nhiều gia đình cũng xác định các điểm lẻ đào tạo chất lượng không tốt bằng điểm tập trung.
“Và chúng ta phải công nhận là phần lớn điểm lẻ chất lượng đào tạo không bằng điểm chính. Từ xu hướng này, các điểm lẻ mất đi vai trò, càng giảm số lượng xuống”, ông Thánh đánh giá.
Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, không phải tỉnh xóa hết 606 điểm lẻ, mà có những điểm vẫn còn phù hợp nên cần rà soát lại thật kỹ. “Trên tinh thần là những điểm lẻ còn nhu cầu thật sự, đi lại còn khó khăn, đào tạo chất lượng còn tốt, còn giữ chân được học sinh thì vẫn duy trì”, ông Thánh khẳng định.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Các giáo viên hợp đồng Cà Mau có còn được đứng lớp?
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa chính thức thông tin hơn 1.400 giáo viên hợp đồng tại địa phương này sẽ không bị cắt hợp đồng toàn bộ mà sẽ được rà soát, sàng lọc trên cơ sở sắp xếp lại trường lớp học và giáo viên trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã có nhiều phương án để giải quyết.
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, tới ngày 10/8, mới biết có cắt hợp đồng giáo viên hay không và cắt bao nhiêu.
Chọn theo tiêu chí tuyển dụng
Trong buổi họp báo về rà soát, sắp xếp trường lớp học và giáo viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau để chuẩn bị cho năm học mới ngày 1/8 vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi sắp xếp lại nếu số lượng giáo viên biên chế không đáp ứng được yêu cầu thực tế thì Sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương ký hợp đồng để đảm bảo hoạt động dạy và học của các trường. Từ đó, số lượng hơn 1.400 giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9 là chưa phù hợp. Bởi vì, nếu thiếu thì các giáo viên này sẽ là nguồn để lựa chọn tiếp tục hợp đồng.
Ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: Đây là dịp sàng lọc lại đội ngũ. Ngay cả những giáo viên đang là viên chức cũng vẫn thanh lọc lại một lần nữa. Có trường hợp nào tới tuổi nghỉ hưu, sức khỏe kém hoặc không đủ chuẩn cũng phải xem xét sắp xếp lại. Còn các giáo viên hợp đồng, họ đa số là những người trẻ, triển vọng, đủ chuẩn hết rồi mà còn cầu tiến thì tiếp tục hợp đồng. Tới đợt thì thi tuyển viên chức giáo dục.
Trong buổi họp báo, ngành chức năng Cà Mau cho biết thêm, trong vấn đề xem xét tiếp tục hợp đồng với giáo viên sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên. Khi hợp đồng lại sẽ chọn theo thứ tự ưu tiên: Đạt chuẩn, có thâm niên và xét những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Hoàn cảnh vợ chồng cô Nguyễn Hồng Lạc mà VOV đã thông tin sẽ được xem xét ký hợp đồng lại với ít nhất 1 người để đảm bảo cuộc sống.
Một phương án nữa được đưa ra trong giải quyết giáo viên hợp đồng nếu có dôi dư là: ở bậc học mầm non, tỉnh Cà Mau đang thiếu hàng trăm giáo viên nên số giáo viên dôi dư ở các bậc học khác sẽ được tuyển chọn đưa đi đào tạo để đủ chuẩn, đủ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của bậc mầm non.
Đến thời điểm hiện tại các huyện, thành phố vẫn đang tiếp tục rà soát, sắp xếp lại theo yêu cầu và đến ngày 10/8 tới đây mới biết cụ thể có bao nhiêu giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan vấn đề sắp xếp lại trường lớp, giáo viên, vào ngày 9/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện và thành phố Cà Mau tập trung thực hiện hiệu quả công việc này.
Nội dung công văn này nêu rõ, thống nhất lùi thời gian cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên do đơn vị tự hợp đồng (chưa được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép) đến trước ngày 1/9. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên do các đơn vị tự hợp đồng đúng quy trình, quy định của Pháp luật trước ngày 1/9 tới đây.
Trong buổi họp báo ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau thông tin, trường hợp các địa phương, các trường tự ý ký hợp đồng với giáo viên mà chưa được chủ trương của Chủ tịch tỉnh là 1405 giáo viên. Đến cuộc họp báo ngày 1/8, ngành chức năng tỉnh này cho biết, không cắt hợp đồng toàn bộ 1405 giáo viên này mà sẽ xem xét trên cơ sở sắp xếp lại trường, lớp và giáo viên trên địa bàn. Sau đó, vẫn có thể có những giáo viên bị cắt hợp đồng do không đủ điều kiện.
Vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là: đơn vị, cá nhân nào ký hợp đồng với 1405 giáo viên này mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép? Trách nhiệm này thuộc về những đơn vị, cá nhân nào? Hướng xử lý ra sao?
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết, Sở Nội vụ chỉ giao biên chế giáo viên, còn trường hợp hợp đồng ngoài biên chế thì không giao. Lần này rà soát lại sẽ xin Chủ tịch UBND tỉnh hướng xử lý cụ thể. Ai hợp đồng lại, ai cho ra rồi từ đó về sau phân định rõ ràng lại trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau (đứng) cho biết, sau khi sắp xếp lại sẽ có đánh giá và sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị ký hợp đồng không đúng.
Còn ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ có đánh giá cụ thể và tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hướng xử lý phù hợp: "Sau đợt sắp xếp sẽ có đánh giá cụ thể. Trong đó có mặt được và chưa được. Trường hợp đơn vị nào hay cá nhân nào sai sót thì tùy theo mức độ chủ quan hay khách quan sẽ có hình thức xử lý phù hợp".
Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, nhiều giáo viên đã tỏ ra rất lo lắng cho tương lai của mình. Đến nay, các giáo viên có bị cắt hợp đồng hay không vẫn chưa có gì rõ ràng. Nếu sau khi sắp xếp lại, có những giáo viên bị cắt hợp đồng vì lý do "địa phương, trường tự ký hợp đồng mà chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép" thì trách nhiệm này của ai, xử lý như thế nào. Đặc biệt, hiện nay dư luận đang rất quan tâm vấn đề làm sao đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng đối tượng được xem xét tiếp tục hợp đồng theo các tiêu chí ưu tiên mà ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đưa ra./.
Trao đổi trong "Chương trình Góc nhìn" của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 31-7 về vấn đề nhiều tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng các địa phương, các trường ký hợp đồng sai nguyên tắc với hàng loạt giáo viên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: đó là hậu quả của việc buông lỏng quản lý.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch UBND các tỉnh có xảy ra hiện tượng này phải lên tiếng, phải đứng ra giải quyết và phải chịu trách nhiệm với những hậu quả xảy ra ở địa phương mình. Trước hết phải xem xét cụ thể các trường hợp sai đến đâu, ai sai. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Hơn 1400 giáo viên ở Cà Mau dạy tại những trường cụ thể, vậy tại sao nhiều năm không phát hiện ra?
Theo vov.vn
Cà Mau: Hơn 1.400 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng Ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức buổi họp thông tin về việc sắp xếp giáo viên và trường lớp học trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, các trường trên địa bàn tỉnh đã tự ý hợp đồng với hàng loạt giáo viên mà chưa có...