Cà Mau đặt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có thư viện
UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, đối tượng người đọc chưa thực sự phổ cập trong xã hội mà tập trung ở một số đối tượng là các nhà nghiên cứu, cán bộ nghỉ hưu, học sinh (HS), sinh viên (SV), thiếu nhi,…
Vai trò của gia đình, nhà trường, thư viện chưa được phát huy trong việc hình thành thói quen đọc, vì thế xu hướng đọc hiện nay chưa được giới trẻ quan tâm, còn một bộ phận chưa xác định đúng mục đích, thiếu định hướng, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận,… Xu hướng văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc, nhất là việc truy cập internet, xem truyền hình.
“Hệ thống thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, vốn sách báo chưa đủ đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh. Mô hình luân chuyển sách xuống cơ sở của thư viện tỉnh, thư viện huyện chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu đọc của người dân”, UBND tỉnh Cà Mau đánh giá.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc triển khai đề án nói trên nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí phát triển bền vững nguồn nhân lực; tạo động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.
Học sinh đang đọc sách tại thư viện. (Ảnh minh họa)
Theo đề án của tỉnh Cà Mau, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 80% HS, SV và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.
100% cơ sở giáo dục tại các cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp cho từng cấp học; 50% thư viện trong cấp học phổ thông đạt chuẩn về thư viện trường phổ thông theo quy định.
Video đang HOT
Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với HS, SV là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viên đạt chuẩn theo quy định;…
Đến năm 2030, 100% HS, SV, nghiên cứu sinh được đáp ứng nhu cầu đọc sách báo, tư liệu tại các thư viện cơ sở đào tạo và thư viện công cộng.
100% HS, SV được hướng dẫn phương pháp đọc sách và trang bị kiến thức thông tin; 80% thư viện trong cấp học phổ thông đạt chuẩn thư viện trường phổ thông theo quy định
Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Sở, ngành liên quan chỉ đạo rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học; xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tế địa phương, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; khuyến khích phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học, tủ sách pháp luật gắn với hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Thư viện thay đổi thế nào trong thời đại số
Thủ thư (cán bộ thư viện) phải học cách sử dụng công nghệ và trở thành cầu nối giữa thông tin và những người tìm kiếm nó.
Công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, buộc con người và các lĩnh vực trong xã hội phải thay đổi, thích ứng, trong đó có giáo dục. Chuyên trang giáo dục Elearning Inside chia sẻ quan điểm của Rachel Cobb - một thủ thư tại Trung tâm Nghiên cứu Cao đẳng Thành phố Wolverhampton (Anh) về những thách thức mà thư viện và nghề thủ thư phải đối mặt khi chịu tác động từ công nghệ.
Thư viện truyền thống
Thư viện là môi trường được xây dựng để phục vụ cộng đồng, ở đó, người ta có thể học hỏi và phát triển. Rachel Cobb nhận định, thư viện truyền thống khó tồn tại bền vững trước sức ép của kỷ nguyên số. Theo đó, nó không đủ mềm dẻo để thực hiện được những yêu cầu con người đặt ra như phải hữu ích hơn, hay trông sang trọng hơn.
Cô cũng cho biết, sự tác động của Internet và những tiến bộ công nghệ trong quãng thời gian ngắn không thể thay đổi giá trị gốc của thư viện. Theo Rachel, một số ý kiến cho rằng nghề thủ thư đang trở nên thừa thãi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cô cho biết, chính các thủ thư là những người đang tự hạn chế năng lực hành động của mình.
Thủ thư là người quản lý, nói cách khác là chuyên gia trong thư viện - nơi cũng cấp kiến thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, theo Rachel, từ khi Internet xâm nhập vào lĩnh vực này, các thủ thư có phần thất thế.
Thực tế, các thủ thư có thể bắt kịp thời đại và vẫn tiếp tục là chuyên gia giúp mọi người tìm thấy các tài nguyên họ cần, ngay cả khi chỉ hoạt động trực tuyến. Theo Rachel Cobb, nhiều thư viện được hợp nhất với các phòng trưng bày và bảo tàng, tạo thành điểm kết nối cộng đồng hoặc các cơ sở do tình nguyện viên lãnh đạo, khiến nó mất đi chức năng chia sẻ và cung cấp nguồn tài nguyên kiến thức.
Thư viện truyền thống đứng trước áp lực thay đổi.
Vai trò của nhân viên thủ thư
Theo Henry Kronk - phóng viên của Elearning Inside, dù thư viện truyền thống có nguy cơ thất thế, những về bản chất, vai trò của nhân viên thư viện vẫn được giữ vững. Trong thời đại Internet và truyền thông mạng, những nhân viên thư viện có thể là nguồn thẩm định tin cậy cho công chúng. Họ là người hỗ trợ bạn đọc tăng cường hiểu biết về các nguồn thông tin, phân biệt được nguồn tin đúng - sai, giúp loại bỏ những tin rác.
Rachel Cobb đồng ý với điều này, nhưng cô cho rằng chính nhân viên thủ thư cần phải thuyết phục được công chúng đặt niềm tin vào mình. "Khai thác các nhân viên thủ thư là cách để nâng cao kiến thức về thông tin truyền thông, đặc biệt trong giáo dục. Chúng tôi có thể giúp đỡ mọi người hiểu biết đúng về các nguồn tin. Chúng tôi cần thuyết phục công chúng tin rằng các nhân viên thủ thư là những người không thụ động và lạc hậu", Rachel chia sẻ.
Để tồn tại được, các thư viện cần thay đổi. Trong khi đó, các thủ thư phải học cách sử dụng công nghệ và trở thành cầu nối giữa thông tin và những người tìm kiếm nó, chứ không phải là chủ sở hữu nguồn tài nguyên kiến thức như trước đây. Trong quá trình thích ứng, các thủ thư không được đánh mất vai trò của mình.
Thủ thư trực tuyến trong tương lai
Meredith Farkas, Giám đốc Dịch vụ Giảng dạy tại Đại học Portland nhận định: "Việc lồng ghép học trực tuyến vào bậc giáo dục đại học đòi hỏi các thủ thư phải trở thành nhân viên thư viện học tập từ xa. Hỗ trợ học viên trực tuyến là một nhiệm vụ mà thủ thư cần làm".
Trong khi đó, Rachel nhận thấy, cô chưa thể tiếp nhận sự thay đổi của công nghệ một cách tự nhiên bởi khái niệm thư viện với cô vẫn là một nơi cụ thể, là một không gian với 4 bức tường. Rachel lo sợ màn hình máy tính không thể mang lại cảm xúc cho người dùng như khi họ tìm đến thư viện truyền thống.
Tuy nhiên, Rachel thừa nhận, cô cần phải thích nghi với sự thay đổi. Việc thấy các sinh viên tìm đến mình và đạt được kiến thức họ cần mang lại cho cô cảm giác hạnh phúc. Cô cũng có thể đạt được cảm xúc đó khi hỗ trợ mọi người phát triển qua công cụ trực tuyến.
Rachel đang cố gắng để trở thành nhân viên thủ thư trực tuyến hữu ích. Cô viết blog, biên tập cho các trang kiến thức của sinh viên, làm điều phối viên cho chương trình trình bày trực tuyến. Cô cũng cân nhắc sẽ làm việc trực tuyến trong tương lai.
Nguyên Chương (theo Elearning Inside)
Theo vnexpress.net
Niềm vui của học sinh tiểu học Lômônôxốp trong ngày hội đọc sách Chiều 19/4, Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình đầy ắp tiếng cười, niềm vui với những mái đầu học sinh chụm bên nhau đọc sách, diễn kịch trên sân trường, với nét mặt hân hoan của mỗi học sinh khi được cầm trên tay cuốn sách thơm mùi giấy mới. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Liên tự hào chia sẻ: Học sinh...