Cả làng đi “đâm” sen
Từ giáo viên tới y tá, từ cán bộ công chức về hưu tới bà bán rau ngoài chợ, cứ rảnh là thấy họ luôn tay với nghề “đâm” sen (lấy tâm sen), hình ảnh này trở nên quen thuộc những năm gần đây tại H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Nhà cao cửa rộng, chị Phạm Thị Hương 42 tuổi (trái), thị trấn Vương, H.Tiên Lữ vẫn tranh thủ thông hạt sen những lúc rảnh – Ảnh: Thúy Hằng
Mục sở thị một chuỗi các công đoạn để có được khoảng 30 ngàn tiền công/ngày từ nghề trên, chúng tôi bất ngờ trước sự kiên nhẫn, chịu khó của bà con nơi đây.
Nhận sen về người ta phải đãi sạch. Mọi việc sau đó gồm cắt phần đầu đen của hạt, lấy phần tâm xanh, để riêng từng phần, nếu hạt sen ẩm thì cần hong gió, phơi nắng tránh ẩm mốc… Chủ mối kiểm tra số lượng, chất lượng hàng sau đó người ta mới có thể nhận tiền công.
Dụng cụ làm sen cần dao sắc, những thanh tre được vót nhọn để lấy tâm sen. Người trong huyện vẫn kể về ông Trần Đức Liễu (74 tuổi, nguyên cán bộ phòng Giáo dục H.Tiên Lữ) như một nhà “phát kiến” lớn trong huyện khi năm 2006, lúc nghề sen mới về đội 2, xã Dị Chế, ông Liễu vô tình dùng kéo tỉa cây cảnh cắt đầu sen, không ngờ cho năng suất nhanh gấp đôi. Việc dùng kéo cho nghề sen từ đó mà lan nhanh ra toàn huyện.
Có dịp tới chợ Ché – thị trấn Vương mỗi sáng họp chợ, chúng tôi bất ngờ khi thấy bên mỗi hàng gạo, hàng rau là túi đồ nghề làm sen.
Video đang HOT
Các bà các cô mắt bán hàng, miệng mời khách, tay vẫn có thể “đâm” sen một cách chính xác 10 hạt như 10. Họ cho hay tranh thủ một ngày một mẹ và hai con cũng có thể làm xong 15 kg sen (tương ứng 75 ngàn).
Năm 2005 khi nghề sen mới về Hưng Yên chỉ lác đác vài gia đình nhận làm. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của cán bộ địa phương, toàn bộ 2 xã Dị Chế, An Viên ước chừng có 700 hộ gia đình làm nghề, chưa kể các xã Ngô Quyền, Hải Triều cũng tham gia.
Mức sống ở Tiên Lữ ngày càng nâng cao do người dân biết kết hợp việc nhà nông cùng buôn bán. Ngày càng nhiều nhà trong huyện xây nhà lầu, sắm sửa tiện nghi. Tuy nhiên, người dân vẫn chăm chỉ, cần cù kiếm thêm những khoản tiền nhỏ một cách đáng kinh ngạc.
Chị Nguyễn Thị Hường, một chủ bỏ mối sen khô xã Dị Chế cho hay mỗi đợt chị giao khoảng 3 tấn hạt sen khô cho khoảng 300 người, chỉ sau khoảng 2 ngày là có thể lấy lại sản phẩm.
Thù lao thông tâm sen những năm đầu tiên chỉ có giá 800 đồng/kg. Đến nay, mỗi cân hạt sen khô, bà con được trả 5.000 đồng. Mức giá mới khiến trẻ em nghỉ hè tranh nhau làm.
Chị Phạm Thị Hương – thị trấn Vương, một người giao sen cho biết cao điểm nhất của nghề sen từ tháng 8 đến cuối năm, lúc nông nhàn. Nhiều gia đình làm công chức nhà nước như giáo viên, y tá bệnh viện huyện, công nhân về hưu cũng tham gia nghề sen. Chuyện thầy giáo trường làng nghỉ hè nhận về hàng bao tải sen làm là quá bình thường ở Tiên Lữ.
Nhiều người trong xã nuôi con ăn học nên người nhờ nghề thông sen. Chị Hương dẫn ra trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Minh (48 tuổi, đội 2, xã Dị Chế). Hai con học phổ thông, một con học đại học, gia cảnh khó khăn, bà Minh cùng chồng rảnh là thông tâm sen, ban ngày chạy chợ, phụ xây, mỗi tháng gia đình thông được xấp xỉ 1 tạ rưỡi hạt sen khô được trả công gần 800 ngàn.
Chia sẻ với chúng tôi ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND xã An Viên cho hay thông tâm sen ở Hưng Yên không phải nghề làm giàu, nhưng nó thích hợp ở nông thôn, giúp bà con sử dụng thời gian nông nhàn một cách hữu ích, đỡ được phần nào những chi tiêu trong cuộc sống.
Theo Thanh Niên
Trà Hà Nội
Hà Nội không trồng trà, nhưng hiểu trà nhất có lẽ là Hà Nội...Gió lạnh đã về, ghé vào quán trà để thấy mùa đông cũng ấm áp làm sao...
Những người Hà Nội trầm lặng thường hay uống trà. Này là trà cúc, trà sen, trà mộc, trà ngâu. Này là trà bạch ngọc hoa, trà hoa mộc. Này là huyền sâm trà, hoàng cúc trà v.v... Hàng mấy chục loại trà khác nhau cho người tao ngộ thưởng lãm trong mỗi dịp khác nhau. Người miền Nam vội vã mưu sinh, người miền Trung hiền lành vất vả, có miền nào như miền Bắc, làm việc đấy, vội vàng đấy, tất bật đấy, nhưng mỗi ngày đều trôi qua bằng dáng vẻ tao nhã, thanh lịch. Có lẽ bởi miền Bắc có trà, bởi người Hà Nội uống trà.
Hãy điểm xem, đi khắp phố phường Hà Nội có bao nhiêu quán có trà, và trong đó có bao nhiêu quán hay? Tôi đã đi rất nhiều nơi. Dãy quán đường Triệu Việt Vương, khu Phan Bội Châu, khu Hàng Hành, hay rất nhiều quán ở Hồ Gươm. Quán nào cũng có trà, toàn là Dimal, Lipton đóng gói. Tôi không muốn nhắc đến những quán cafe ấy và văn hoá Lipton.
Chúng ta hãy đến Hiên trà Trường Xuân ở Văn Miếu, Trà Hoa Bùi Thị Xuân, Lư Trà ở Thanh Xuân, Cuối Ngõ ở Cầu Giấy hoặc Vô Thường ở Hoàng Hoa Thám. Hãy đến đây, ngồi nhâm nhi cốc trà nóng cùng với tôi giữa cái lạnh mùa đông, để nhớ nhung những người cũ, để suy nghĩ cái sự đời, để cảm nhận được cái gọi là Trà Hà Nội. Hãy thử chìm đắm trong không gian hoài cổ đó, bạn sẽ cảm thấy rằng, cuộc đời mới đáng sống làm sao.
Hà Nội không trồng trà, nhưng hiểu trà nhiều nhất có lẽ là Hà Nội. Hàng trăm loại trà trồng trên miền Tây Bắc đều quy tụ về đây. Từ những loại trà Thái Nguyên thường gặp như Tân Cương, Khuôn Gà, La Bằng, Giàng Tiên, đến những loại khó kiếm là trà cổ thụ trên núi cao: trà Suối Giàng, Mộc Châu, Thượng Sơn, Lũng Phìn.v.v... Hay những loại trà hiếm như: Tà Xùa trà, Nậm Ty sơn trà, Phìn Hồ trà, Tà Phìn trà, trà Đồng Văn... Nếu bạn muốn hiểu thêm về những địa danh này, bạn có thể gặp nghệ nhân trà ở một quán trà nổi tiếng để tìm hiểu tất
cả những điều bạn còn băn khoăn.
Tôi cũng muốn dùng vốn hiểu biết hạn hẹp của mình để giới thiệu qua về các loại trà đang có ở Hà Nội, mong rằng nếu không thể giúp bạn hiểu biết thêm điều gì thì cũng giúp bạn tìm được một sự đồng cảm nào đó.
Trà Việt Nam xưa kia thường có hai loại: Trà mộc, Trà ướp hoa. Những năm gần đây xuất hiện thêm loại Trà bổ dưỡng (còn gọi là Trà thuốc). Mỗi loại trà có một hương vị riêng.
Ví như, Trà bổ dưỡng thường có vị ngọt của cam thảo, mật ong, táo tàu hoặc lá cỏ ngọt mang lại, tạo cho chén trà vị ngọt thanh nhã. Cách pha trà bổ dưỡng mỗi nơi mỗi khác, nhưng đơn giản nhất là dùng một vị thuốc cho một chén trà (như Mật ong long nhãn trà, Mật ong tâm sen trà...), hoặc cầu kỳ hơn là một bài thuốc cho một chén trà (như trà Tiêu Dao, trà Bát Bảo...). Với loại Trà này, mỗi nghệ nhân lại có một cách pha rất khác nhau, tạo thành những vị đặc biệt khác nhau, ví dụ như hiên trà Trường Xuân thường dùng mật ong để pha thành các loại trà bổ dưỡng: mật ong Long nhãn trà, mật ong Huyền sâm trà, mật ong Nhân sâm trà, mật ong Tâm sen trà, mật ong Bạc hà trà.
Hoặc như, Trà ướp hoa truyền thống gồm: trà Sen, trà Cúc, trà Nhài, trà Ngâu, trà Sói, hay những loại ướp cầu kỳ hơn, ví dụ như Bạch ngọc hoa trà (ướp 5 loại hoa trắng: nhài, cúc trắng, hồng bạch, mộc lan, ngọc lan)....
Lúc nào bạn mệt mỏi, cơ thể yếu ớt, đầu óc nặng nề, hãy đến ngồi trong một cái quán yên tĩnh, uống một tách trà Mật ong tâm sen, sẽ cảm thấy mình yên ổn hơn, đầu óc dịu dàng hơn, và hãy về nhà ngủ một giấc thật say. Hay cả khi tâm trí hiền lành không gì vướng bận, bạn cũng có thể ngồi nhâm nhi một chén trà ướp Ngâu, chỉ để cảm nhận mùi thơm ngọt gợi nhớ những điều xưa cũ, thấy cuộc đời của mình nhẹ tênh, giống như một câu Pautopxki: "Cuộc đời trôi qua tay nhẹ như một vạt áo lụa".
Tôi đã đến nhiều quán trà, nhưng bây giờ thường lui tới các quán trà: Trường Xuân, Hoa, hoặc Cuối Ngõ.
Đầu tiên, bạn hãy cùng tôi đến Hiên trà Trường Xuân. Đây là quán trà Việt nổi tiếng, quen thuộc với cả du khách nước ngoài. Đến đây, nếu như may mắn bạn sẽ được gặp nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, hoặc nếu không bạn cũng sẽ được nghe chị phục vụ nói rất kỹ lưỡng về các loại trà, cách pha trà , cách cầm chén trà, cách thưởng trà đúng kiểu. Quán này có nhiều chỗ ngồi phù hợp với tâm trạng của bạn. Có thể ngồi quây quần nhiều người (quần ẩm) với bàn ghế cao khi bạn đi cả nhóm, có thể ngồi xếp bằng trên chõng tre với người yêu, người tri kỷ (đối ẩm), hoặc ngồi một mình cuộn chân trên đệm êm (độc ẩm).
Tôi thường hay ngồi ở góc ngoài nhìn ra đường với một người bạn thân thiết, "ngồi" theo đúng nghĩa, nghĩa là xếp bằng trên đệm, cạnh cái bàn gỗ nhỏ, uống chén trà cũng nhỏ, chứ không phải ngồi trên ghế cao như ghế bar, uống cốc trà to như cốc bia giống một số quán bán trà thêm vào cafe. Nếu bạn chưa quen, hãy bắt đầu bằng một ấm trà Cúc hoặc Sen. Lần đến sau, khi đã cảm thấy dễ chịu, hãy thử một ấm Tà Xùa, bạn sẽ thấy hương vị của loại trà núi cao này thật khác biệt. Rất đắng, thậm chí bạn cho là không ngon, nhưng hãy thử một lần, hai lần, và bạn biết rằng, sau vị đắng khó uống ấy là vị ngọt êm thấm dần nơi đầu lưỡi, và thấm đẫm cả vị giác khi bạn uống xong.
Này bạn, ngồi xuống đây cùng tôi, với tâm trạng thảnh thơi, duỗi chân thoải mái trên đệm, tựa lưng vào tường, tạm quên đi chiếc điện thoại di động (tôi thấy rất nhiều bạn trẻ vào quán toàn ngồi nhắn tin), và gọi một ấm trà nóng, lắng nghe Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên. Tôi chắc rằng bạn sẽ hài lòng.
Ngày hôm sau, hãy cùng tôi tìm đến một nơi khác, Trà Hoa. Quán Trà Hoa ẩn sau một cái cổng nhỏ xíu bằng gỗ giữa lúp xúp hoa nhỏ. Một không gian nhỏ hơn, ấm áp hơn, với những chị phục vụ mặc áo lụa cổ tàu màu mận chín và quần lụa đen xưa cũ. Bạn sẽ được chăm sóc chu đáo, với cung cách lịch thiệp nhưng không kiểu cách, lịch thiệp như người uống trà vậy. Cũng có nhiều loại trà ở đây, ít hơn Hiên trà Trường Xuân nhưng cũng đủ cho bạn thưởng thức. Bạn sẽ được phục vụ thêm một ly nước nụ vối, mùi vị dễ chịu đặc biệt, chắc hẳn sẽ ấn tượng với bạn. Ở đây bạn sẽ ngồi xếp bằng trên thảm màu trầm, ngắm hoa chuối cắm trong bình gốm rất to đặt giữa phòng, ngắm những bức tranh treo trên tường. Quán được thắp sáng bằng nhiều ngọn nến đặt trên từng bàn, làm cho không gian trở lên hiền lành, ấm áp, xưa cũ. Nếu đang đi ngoài đường vào mùa đông trời lạnh, bạn hãy ghé qua đây để thấy mùa đông cũng ấm áp làm sao.
Rời Trà Hoa, ta cùng xuống Cuối Ngõ, quán của anh Khải nhiếp ảnh, đi vòng vèo qua nhiều ngóc ngách mới tới. Quán này hơi khác hai quán kia, ở đây không phải là quán toàn uống trà, cũng không có chỗ cho bạn ngồi chiếu xếp chân mà sẽ ngồi ghế tre. Thế nhưng, trà ở đây đúng là trà. Không có nhiều loại trà, chỉ có một vài loại quen thuộc như Mộc Châu, Tân Cương. Thế nhưng anh Khải đã mua chúng từ tận vùng núi ấy về chứ không đặt hàng ở Hà Nội. Hơi cực đoan, nhưng Khải là thế, cực đoan, cầu kỳ, tình cảm trực giác.
Ngồi ở đây, bạn sẽ cảm thấy buổi trưa không tồn tại, buổi chiều trôi qua rất nhanh, buổi tối chóng tàn. Những bình gốm luôn đầy chặt hoa chen chúc (anh chủ quán thường đi chợ hoa đêm), mà toàn là hồng với cúc. Những ngọn đèn hoa kỳ thắp dầu toả hơi sáng cũ kỹ trên mặt bàn cũng cũ. Những bức tranh sơn dầu khổ to, hình thù không thực, khơi gợi cảm giác xa vắng và hoài vọng. Giọng buồn Khánh Ly lan man thả đẫm men hư vô vào buổi chiều yên tĩnh. Nếu hôm nào bạn buồn và xuống đây một mình vào ban ngày vắng khách (quán buổi tối rất đông), hãy gọi một ấm trà và mời anh chủ quán một chén, nói mấy câu chuyện không đầu không cuối, bạn sẽ thấy Khải là một phần rất lớn làm nên phong cách Cuối Ngõ. Nếu bạn muốn nghe về trà, anh ấy sẽ nói về những người dân tộc hái trà vùng cao. Nếu bạn muốn nói về cuộc đời, hãy lắng nghe một người trải nghiệm. Nếu bạn muốn một không gian yên tĩnh, anh ấy sẽ ngồi cùng bạn cả chiều không nói một câu. Để đến khi bạn giật mình nhìn ra khoảng sân nhỏ qua cái mành treo, giật mình vì sao trời lại tối nhanh đến thế.
Đi vòng quanh một vòng Hà Thành, đã hết mấy chỗ tôi hay ngồi. Chẳng biết tại sao, sau những giờ vùi đầu vào công việc, chỉ loanh quanh như vậy mà tôi đã ngồi ngày này qua tháng khác, chưa thấy mình nhàm chán. Cái cũ kỹ quen thuộc mang lại cảm giác yên ấm.
Này bạn, anh bạn hiện đại, nếu bạn chưa uống trà, hãy đến thử một quán nào đó nhé. Còn bạn, cô bạn trầm lặng, bạn hay ngồi ở đâu? Hãy nói cho tôi biết. Để một ngày nào đó, nếu như có duyên, bạn sẽ gặp tôi hoặc tôi sẽ gặp bạn ở những quán bạn yêu thích. Chúng ta sẽ ngồi nói với nhau những câu chuyện vu vơ, và chén trà nóng thơm sẽ mang lại cảm giác thân thuộc, cho chúng ta ngồi gần nhau hơn. Như thế, nhé!
Theo PNO
Kết duyên trà hoa Sự kết hợp giữa hoa và trà như một kết duyên tình cờ, cái duyên đó đã tạo nên những chén trà ngon và từ lâu được xem là nét đẹp độc đáo trong văn hóa thưởng trà của người Việt. Ảnh:kienthuc.com.vn Trà hoa được người Việt coi trọng và yêu thích có lẽ bởi hương thơm dịu nhẹ, tự nhiên. Thưởng thức...