Cá kho dưa môn
Khoai môn là một loại khoai có mặt ở vùng đất thịt nhẹ, cát pha. Củ khoai môn là thực phẩm ngon bổ, được nhiều người yêu thích với các món như chè khoai môn, khoai môn chiên, canh khoai môn…
Đặc biệt, ngày mưa rả rích, bưng bát cơm trắng dẻo thơm, gắp vài lát chuối chát kho cùng những cọng dưa môn quyện lẫn vị đậm đà khiến người ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Nhắc tới dưa môn, tôi luôn nhớ đến những năm còn ở quê, khi những trận mưa đầu đông trắng xóa ngập cánh đồng thì những luống khoai môn ngoài vườn lại ngã dập lên nhau. Sẵn dịp này, ba đội mưa cắt những đọt khoai còn xanh mướt để má làm món dưa môn. Vậy là chỉ vài ngày sau, bữa cơm nào cũng có món này, khi thì dưa môn xào, lúc lại kho, chiên.
Dưa môn kho cá đồng – Ảnh: Thanh Ly
Video đang HOT
Cũng như các loại dưa muối khác, dưa môn muối dễ thôi nhưng không phải ai cũng có “tay” muối dưa để có màu vàng ruộm, giòn, chua ngọt dễ chịu. Đầu tiên chọn loại hũ hoặc lu muối làm bằng sành hoặc sứ. Lột sạch lớp da bên ngoài cọng môn, chỉ lấy lớp non bên trong; rửa sạch, cắt ngắn chừng 1 cm rồi dùng dao bén chẻ làm hai, hoặc làm tư tùy độ lớn của ruột môn. Vắt ráo nước, phơi nắng cho héo, sau đó cho vào hũ ủ chua. Muối dưa môn nên chọn loại muối tinh. Nước muối sau khi nấu để nguội mới đổ ngập mặt dưa. Lấy thanh tre ép chặt mặt trên dưa để dưa luôn được ngập nước, chừng năm đến sáu bữa sau, dưa môn ngả sang màu vàng, mở nắp hũ đã dậy mùi chua là được.
Dưa môn tuy dân dã nhưng được người nội trợ quê tôi chế biến thành nhiều món ngon. Đơn giản nhất là dưa môn vắt ráo chấm mắm tôm hoặc bắc chảo cho ít dầu xào qua, nêm thêm gia vị, tiêu, nước mắm. “Cách điệu” hơn có thể xào cùng với thịt ba chỉ. Mâm cơm nóng hổi chỉ độc món dưa môn xào được bưng lên, vậy mà cả nhà ăn ngon lành.
Đặc biệt, những ai đã từng ưa thích dưa môn, chắc sẽ không khỏi bất ngờ khi chạm đũa vào đĩa dưa kho, nhất là kho với cá đồng như cá lóc, cá rô. Khác với cá kho măng hay kho chuối, cá kho dưa môn không hề có vị gắt mà lại bùi, ngọt, vừa lạ miệng, vừa mềm mại.
Ngoài kho với cá, có thể đổi bữa kho với chuối chát ăn cũng rất ngon. Các bà, các chị nội trợ khéo tay còn chăm chút rắc thêm một ít rau thơm, ít tiêu giã dập, ớt đỏ thái chỉ, vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà, nhìn phát thèm. Với tôi khoái khẩu nhất vẫn là dưa môn trộn. Cách làm cũng không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Dưa môn vớt ra, ngâm nước rửa thật sạch, xong tước nhỏ, trộn chung với tỏi, ớt, đường. Đơn giản vậy thôi mà cũng hội tụ đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. Có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác như tôm đồng, tép để tăng thêm hương vị đậm đà.
Phan Thị Thanh Ly
Theo thanh niên
Lạ miệng dưa chuối xứ Quảng
Khi nhắc đến dưa thì mọi người dễ dàng kể tên một loạt các loại dưa như dưa cà, dưa cải, dưa hành, dư kiệu, dưa món... Nhưng mấy ai biết rằng dưa chuối nơi xứ Quảng cũng thơm ngon, đa hương vị và lạ miệng không kém các loại dưa khác.
Chuối là loại cây được trồng nhiều nơi xứ Quảng. Nhưng chỉ có chuối sứ (chuối chát) mới được chọn để làm dưa chuối, bởi chuối sứ có hạt, vị hơi chát, khi làm dưa sẽ có vị dai và chát dịu, hòa quyện với các vị chua, ngọt, cay của nước dầm tạo nên những hương vị rất thơm, rất đặc trưng mà các loại chuối lùn, chuối bom, chuối mốc, chuối tiêu,... không thể nào có được.
Chuối sứ ra trái quanh năm nên hầu như mùa nào người quê tôi cũng có thể làm món dưa chuối. Đặc biệt vào những ngày giỗ, chạp, tết thì trong nhà thường có lọ dưa chuối để ăn kèm với cơm, vừa kích thích vị giác, vừa đỡ ngán khi ăn nhiều thịt cá. Dưa chuối còn được dùng làm mồi nhậu lai rai, vừa dân dã, lại vừa thanh tao, mộc mạc, chân chất và ấm nồng tình quê.
Sau khi cắt hoa chuối khoảng ba tuần là lúc các bà nội trợ hái buồng chuối non mang vào nấu canh, làm gỏi và cả món dưa chuối. Dưa chuối tương đối dễ làm nhưng để làm được một lọ dưa chuối thơm ngon, bắt mắt và nhiều hương vị cũng cần nhiều sự tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo cùng vài bí quyết nhỏ của người nội trợ.
Chuối sứ có nhiều mủ nên để chuối nhả hết mủ và giữ được màu trắng của ruột chuối thì khi hái chuối vào phải mang ra gọt vỏ và ngâm chuối vào thau nước ngay. Thường thì người ta gọt vỏ và cắt bỏ đầu trên của trái chuối, giữ lại phần đuôi để tạo dáng hình con cá cho món dưa. Chính vì vậy mà nhiều người còn gọi dưa chuối là "cá" chuối.
Dùng dao cắt nhẹ thân trái chuối thành những lát thật mỏng nhưng không làm đứt lìa thân trái chuối. Những trái chuối sau khi cắt xong được ngâm ngay vào thau nước có pha một ít nước cốt chanh để chuối nhả hết mủ và không bị hóp gió, chuyển màu thâm xám. Sau đó vớt chuối ra rổ, để ráo rồi sắp vào lọ thủy tinh. Đổ hỗn hợp nước dầm gồm giấm, đường, gừng, tỏi, ớt và một lượng muối vừa đủ sao cho chuối phải ngập trong nước dầm.
Khoảng bốn ngày sau chuối ngấm gia vị, có màu trắng đục, mềm mại, thơm nồng là có thể dùng được. Khi ăn chỉ cần gắp vài trái dưa chuối ra rồi dùng tay ép nhẹ cho dưa chảy bớt nước, khéo léo tạo hình con cá cho món dưa thêm đẹp mắt. Món ăn thanh tao với vị chua của giấm, ngọt của đường, mặn mà của muối, cay của ớt và ấm nóng của gừng già quyện lẫn vào nhau rất thơm ngon, lạ miệng mà những món dưa khác không thể có được.
Tuy chỉ là một món ăn dân dã chốn đồng quê, nhưng dưa chuối đã để lại nổi nhớ da diết trong lòng những người con xứ Quảng xa quê mỗi khi nhớ về với những bông hoa chuối hồng tươi và những trái chuối non trong khu vườn quê yên tĩnh, thanh bình của mẹ năm nào.
T heo Lao động
[Chế biến] - Nem nướng Long An Ngoài vị béo, thơm của nem, tươi ngọt của rau, món ăn này ghi điểm với 3 loại nước chấm khác nhau mang lại 3 hương vị khác nhau. Nguyên liệu: Thịt nạc làm nem: 500gr Tôm làm nem: 200gr Thịt mỡ làm nem: 200gr Thịt nạc làm tương: 100gr Tôm làm tương: 50gr Thịt mỡ làm tương: 50gr Bánh tráng mỏng: 1...