Cả gia đình là nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh
Gia đình Ánh (16 tuổi) gồm 4 người đều bị thương do vấp phải mìn khi làm vườn, cậu bé phải bỏ học giữa chừng vì sức khỏe yếu.
Nhân ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4), tối 3/4 trong cuộc giao lưu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội, Hồ Đức Ánh đến từ huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) đã chia sẻ câu chuyện về việc cả 4 người trong gia đình em bị thương do mìn sau chiến tranh.
Ánh mất mắt phải và bị một số vết thương do mìn nổ khi đang làm vườn. Bố mẹ và chị gái Ánh đều có thương tật trên người. Không tiền chạy chữa, hai chị em phải nghỉ học ở nhà, phụ giúp bố mẹ chăm sóc vườn tược, bỏ dở ước mơ đi học phổ thông.
“Cuộc sống của bốn người đều bị thương tật do bom mìn thật khó khăn. Nếu không bị như vậy, có lẽ giờ em đang học lớp 10″, chàng trai dân tộc Pa Kô nuối tiếc.
Hồ Đức Ánh (bên trái) cùng với các nạn nhân bị thương tật do bom mìn tham dự buổi giao lưu. Ảnh: H.P.
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 1975 đến nay, A Lưới có trên 700 người bị thương do bom mìn, chiếm 1,5% dân số toàn huyện. Trong đó, 150 người đã chết, 80 người bị thương rất nặng. Nạn nhân bị bom mìn là những người nghèo, trụ cột trong gia đình, bị thương mất sức lao động nên không thể tiếp tục làm việc nặng, không có thu nhập, cuộc sống ngày càng khó khăn.
Video đang HOT
Đến nay, A Lưới đã rà phá được bom mìn sót lại trên diện tích 5.000 ha đất sản xuất, chiếm khoảng 46% diện tích cần rà phá. Ông Trăng mong muốn thời gian tới, huyện tiếp tục được rà phá bom mìn để có thể giao diện tích đất sạch cho người dân canh tác. “Bất kỳ nơi nào ở A Lưới, dưới nền nhà, ngoài mặt đường đều có khả năng chứa bom mìn sót lại từ thời chiến tranh. Chúng tôi không biết phải xử lý thế nào”, ông Trăng chia sẻ.
Có mặt tại buổi giao lưu, thiếu tướng Trần Hồng Minh, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia thông tin, hiện có hơn 800.000 tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khiến 6,8 triệu ha đất bị ô nhiễm, nhiều nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên, biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang. Thống kê chưa đầy đủ từ sau năm 1975 đến nay, số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn sót lại là hơn 100.000 người, trong đó có 60.000 người bị thương và 40.000 người tử vong.
Tướng Minh chia sẻ, công tác khắc phục hậu quả bom mìn là quá trình lâu dài, cần sự tham gia của cả xã hội. Ảnh: H.P.
Tướng Minh cho hay, năm 2010, Thủ tướng ban hành chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại (chương trình 504). Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo hành động phối hợp với các bộ ngành trong và ngoài quân đội để khắc phục hậu. Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích đất ô nhiễm quá nhiều, một số nơi lại ở vùng sâu trong khi phương tiện kỹ thuật rà phá bom mìn còn yếu, lực lượng mỏng nên chỉ có thể tiến hành lần lượt và mất thời gian khá dài.
Là người đi qua chiến tranh, trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, hiểu sự tàn phá ghê gớm của bom mìn. Sau khi nghỉ hưu, ông có nhiều chuyến đi về chiến trường khi xưa để vận động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Ông rất băn khoăn khi nhiều tỉnh vẫn chưa có số liệu thống kê về nạn nhân bị ảnh hưởng. Điều đó chứng tỏ cuộc sống của các nạn nhân chưa được quan tâm đúng mức.
“Ngay trên mảnh đất Hà Giang, đồng bào các dân tộc đã cùng bộ đội giữ vững biên cương tổ quốc khi chiến tranh biên giới nổ ra. Vậy mà trong thời bình, họ lại không được yên ổn sản xuất trên chính mảnh đất của mình”, ông nói.
Tướng Soát cho hay, sắp tới Hội sẽ tổ chức nhiều chuyến đi đến Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn… để hỗ trợ nạn nhân, đồng thời liên kết với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có thể tham vấn những chính sách thiết thực đối với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh.
Hoàng Phương
Theo VNE
Phát hiện bom hơn 200 kg tại Hải Phòng
Đào đường nước tại chân cầu Niệm (quận Kiến An), đơn vị thi công tá hỏa phát hiện một quả bom do Mỹ sản xuất còn nguyên ngòi nổ và thuốc nổ.
Ngày 6/3, Trung tá Phạm Hồng Thuất, Trưởng ban Công binh (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng) cho biết, quả bom nặng 500 pounds (hơn 227 kg) tại chân câu Niệm, phía phường Lãm Hà, quận Kiến An đã được lực lượng công binh di dời an toàn.
Lực lượng công binh Hải Phòng tìm hiểu về quả bom.
Khoảng 16h ngày 4/3, khi đang làm đường nước để phục vụ sửa chữa cầu Niệm, đơn vị thi công thuộc Ban quản lý các công trình giao thông Hải Phòng đã phát hiện ra quả bom nằm sâu dưới đất gần một mét.
Theo trung tá Thuất, đây là bom Mỹ sót lại sau chiến tranh, còn nguyên ngòi nổ; lượng thuốc nổ bên trong là gần 100 kg. Quả bom nằm ở khu vực đông dân cư sinh sống, cách chân cầu Niệm 3 m.
Quả bom được đưa lên xe ôtô chuyển về nơi xử lý bom mìn tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Nhận được tin báo, lực lượng công binh (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) có mặt di dời quả bom về nơi xử lý bom mìn tại huyện Thủy Nguyên. Đến ngày 5/3, quả bom đã được xử lý an toàn, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trong năm 2014, lực lượng công binh Hải Phòng đã xử lý thành công 3 quả bom có trọng lượng tương đương, trong đó một quả nằm tại luồng hàng hải ra vào cảng Hải Phòng...
Theo VnExpress
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn được thành lập Sáng 12/11, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (VNASMA) được thành lập với nòng cốt là các cựu tướng lĩnh quân đội từng lăn lộn qua nhiều chiến trường. Đây là tập hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom...