Cá đục nướng trui
Người làng chài quê tôi không chỉ sành ăn cá mà còn làm “thơ” về cá nghe cũng vui. Mọi người vẫn thường nghêu ngao: “Nướng trui cá đục ngon ghê/ Chấm với muối ớt thì hết chê chỗ nào”. Cá đục nướng trui là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Cá đục có quanh năm. Riêng mùa hè, vùng biển gần bờ nước ấm và trong, phiêu sinh vật phong phú, dễ bắt mồi, nên cá đục nhiều hơn và ngon hơn các mùa khác. Cá đục hay dính lưới bén, lưới xâu. Cư dân làng chài có thú ra gành ngồi câu cá đục. Cá đục mình thon dài, hao hao giống cá bống nước ngọt, nên còn được gọi là cá bống biển. Khi trưởng thành, cá đục dài gần bằng gang tay người lớn.
Món cá đục nướng trui. Ảnh: Cao Duyên
Thịt cá đục săn chắc, ngọt và rất thơm nên thường được dùng làm món gỏi, ngon không kém so với gỏi cá trích, cá chuồn, cá lao… Các bà nội trợ khi thấy cá đục là nghĩ ngay đến món kho rim với nghệ kèm sả ớt để ăn với cơm. Riêng món cá đục tươi đem nướng trui trên lửa than thì ngon phải biết!
Vào mỗi buổi chiều hè, ngư dân hành nghề lưới thúng, xuồng câu, lưới xâu, lưới bén đánh bắt trong vùng cửa biển. Họ thong dong, bồng bềnh độ hai tiếng đồng hồ trên biển thì vô bờ, thả tay lưới lên bãi. Người dân xúm lại gỡ cá. Mạnh ai nấy gỡ, để riêng từng nhúm cá chừng vài chục con. Gỡ xong, họ hỏi chủ lưới nhúm cá này bao nhiêu tiền. “Cứ lấy đi. Ngang qua nhà đưa cho vợ tui vài chục nghìn là được mà”, chủ lưới nói. Đó là giá “tình làng nghĩa xóm”, chứ còn giá ở chợ cũng phải trên 200 nghìn đồng một ký cá đục. Mua cá thời điểm này, con nào con nấy tươi xanh, nhiều con còn quẫy đành đạch.
Video đang HOT
Về làng chài ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) lúc chiều tà, nếu bạn thấy những bếp than trước hiên nhà sát biển, bếp than dưới gốc dừa, gốc dương, đó là người dân đang nướng cá, nhiều nhất là nướng cá đục. Cách nướng cá dân dã lắm, nướng trui mà. Cá không cạo nhớt, không đánh vảy, không mổ bụng, không móc mang, cũng không tẩm ướp gia vị. Cứ để nguyên con cá xếp lên vỉ, nướng trên bếp than hồng, trở cá cho đều. Chờ khi bộ vảy cá cháy sém, mùi thơm khó cưỡng thì cá đã chín ở mức đạt “chuẩn”. “Chuẩn” ở đây có nghĩa là khi cầm con cá lên, lột nhẹ lớp vảy, lộ ra từng mảng thịt trắng phau, thơm nức mũi.
Các món nướng thường ăn với muối ớt, nhất là cá nướng. Bởi vậy, phải làm chén muối ớt thật ngon. Giã muối sống hoặc muối hầm với ớt xanh, pha với ớt đỏ, ớt vàng, trộn tí bột ngọt nữa là đã có chén muối mặn mà.
Gỡ từng miếng thịt cá đục săn chắc, chấm với muối ớt rồi thưởng thức. Ôi thôi, ngon không gì sánh bằng. Cá đục nướng trui ngon ngọt, béo bùi, thơm dịu… ăn một lần nhớ mãi.
Món ăn ở Phan Thiết vốn là món "nhà nghèo", nay là đặc sản nhất định phải thử
Với những nguyên liệu dân dã, người dân Phan Thiết đã sáng tạo ra một món lẩu đặc biệt khiến nhiều du khách say mê.
Với nhiều du khách đến với Mũi Né (Phan Thiết), một trong những đặc sản nhất định phải nếm thử chắc chắn phải kể ngay đến món lẩu thả. Lẩu thả là món lẩu hải sản đặc trưng ở vùng biển Mũi Né. Món ăn này được làm từ những nguyên liệu hết sức dễ kiếm với giá cả cực phải chăng, nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Lẩu thả vốn là món "nhà nghèo" bởi bất kỳ gia đình miền biển nào ở Phan Thiết cũng có thể làm được. Thế nhưng chỉ bằng cách nếm món ăn này, du khách có thể hiểu hết những tinh hoa ẩm thực ở vùng đất nắng gió này.
Lẩu thả được làm từ cá đục, cá suốt, nhưng ngon nhất vẫn là cá mai, một trong những loài cá đặc sản của vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận. Món ăn này là sự kết hợp hài hòa của các thành phần nguyên liệu bao gồm các yếu tố tự nhiên: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Cách bày trí món lẩu thả cũng rất công phu với đủ loại nguyên liệu khác nhau được đặt trong bẹ hoa chuối. Tất cả xếp thành vòng tròn và chính giữa những bông hoa chuối là một dĩa cá mai ướp.
Để có một bữa lẩu thả ngon nhất thì trước tiên cá phải thật tươi. Người đầu bếp sẽ dùng một lưỡi dao sắc cắt lấy hai bên thân cá, sau đó trụng và rửa bằng nước chanh tươi để khử mùi tanh. Thịt cá vắt sạch rồi trộn với ớt, tỏi được giã nhuyễn cùng nước gừng già.
Ngoài ra, lẩu thả còn phải có thịt ba chỉ heo được luộc vừa chín tới, thái nhỏ từng sợi, trứng rán. Các loại rau quả ăn kèm gồm khế, dưa leo, rau muống. Bên cạnh đó là bánh tráng nướng và nước lèo. Thứ làm nên linh hồn của món này chính là cá mai tươi sống và nước mắm đậu phộng. Ăn lẩu thả nhất định phải có bát nước mắm đậu phộng được pha từ nước mắm Phan Thiết cá cơm nguyên chất.
Nước lẩu được đựng trong thố đất nung với sắc màu đỏ thật bắt mắt, đi kèm là bún gạo trắng; nước dùng được làm từ cà chua, tôm và thịt heo thái sợi được đặt trên than hồng. Xung quanh đó là những nguyên liệu hài hòa đủ màu sắc, đủ thịt cá, rau quả,...
Món ăn còn là sự kết hợp hài hòa của 5 vị chua, cay, đắng, mặn, ngọt. Bữa ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng khiến thực khách vô cùng khoan khoái, thoải mái khi thưởng thức. Khi kết thúc bữa ăn cũng cảm thấy no nhẹ nhàng mà không đầy bụng, lại rất sảng khoái, thanh mát vì lẩu thả không hề ngấy.
Đầu bếp thường chế biến nước chấm bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt và đậu phộng rang cùng trộn và xay nhuyễn. Tỷ lệ chuối sứ chín, me, ớt và tỏi chính là bí quyết của loại nước chấm cho lẩu Thả. Lẩu thả được trang trí bằng những vỏ bắp chuối đỏ và phải ăn với bún chính hiệu Hàm Tiến. Màu xanh của rau, màu vàng của trứng và đỏ hồng của thịt trong một cái nia (chứ không phải mâm) sẽ khiến du khách xuýt xoa và nhớ mãi hương vị đồng quê độc đáo của nó.
Du khách có thể thưởng thức món này theo 2 cách:
Ăn cuốn: cứ việc cho toàn bộ vào cuốn, rồi chấm nước mắm đậu phộng.
Ăn kiểu lẩu: Cho từng phần ở trong lá chuối vào rồi ăn cùng nước lẩu.
2 cách làm cá đục kho tiêu và kho tộ thơm ngon dễ làm đậm đà hương vị Nhắc đến cá nước mặn sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua cá đục. Cá đục có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau làm ngất ngây lòng người đặc biệt là các món kho. Nào bây giờ hãy cùng vào bếp thực hiện 2 món quen thuộc nhưng lại hao cơm đó là cá đục kho tiêu và...