Cà đắng dại nấu măng chua
Khói bếp lan tỏa làm không gian ấm hơn trong buổi chiều sương giăng. Có lẽ khung cảnh này cũng phần nào điểm tô thêm những cảm giác kỳ lạ cho người trải nghiệm món cà đắng dại nấu măng chua.
Món cà đắng dại nấu măng chua ẢNH: YÊN THƯỜNG
Tôi biết anh K’ Mok Thăn Kră Jăn, công tác tại Trạm y tế xã Đạ Chais (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) qua người bạn thân với lời giới thiệu “anh nhiều tài lẻ lắm”. Và cái tài đầu tiên lại đi qua đường dạ dày. Anh kể cho tôi nghe một loạt món ăn với những nguyên liệu rất riêng của người đồng bào, như rau lủi, rau dớn, rau bò khai, trái cà đắng dại… Mấy loại rau thì dễ đón nhận nhưng trái cà đắng dại kia khiến tôi dấy lên chút nghi ngại. “Cà đắng làm được nhiều món lắm. Người K’ho bọn anh, đôi khi chỉ cần giã chúng cùng muối và ớt xanh thì đã thành món ăn rồi, sang chảnh hơn thì nấu với thịt trâu gác bếp. Nhưng hôm nay, anh sẽ đãi em món cà đắng dại nấu măng chua”, K’ Mok vừa nói vừa lái xe chở tôi đi đến những quả đồi đầy cà đắng dại.
Những chùm hoa cà đắng trắng tinh khôi
Không khó để kiếm được loài cây của vùng núi rừng này. Cà đắng dại ở đâu cũng sống được, khi là mỏm đất nhỏ ven đường, khi lại treo mình bên vách núi chơ vơ, cây sống tốt, ra hoa, cho trái. Chúng tôi dùng kéo cắt nguyên chùm quả, vừa nhanh vừa tránh được phần gai nhọn mọc đầy thân cây. “Mùa nào cũng nấu được món này, vì cà đắng cho trái quanh năm”, K’ Mok nói thêm.
Những chùm cà được hái về tách riêng phần quả và rửa sơ với nước muối. Cà được nhặt sạch tựa như những hạt đậu hà lan nhưng có phần to hơn, xanh đậm hơn. Tôi tò mò cắn thử một trái, đúng y như tên gọi, đắng đến hoang dại.
Video đang HOT
“Trong nhà có sẵn măng rừng ngâm chua và thịt heo trữ đông, nên anh đãi món này. Nhưng tí nữa em thử rồi biết, bởi sự kết hợp này không chỉ vì nguyên liệu sẵn có”, K’ Mok hào hứng giới thiệu.
Anh nấu món cà đắng dại rất bài bản. Sát đáy nồi là lớp măng chua nhà làm. Tiếp theo, anh rải ít trái cà lên, rồi đến lớp thịt heo thái lát, thêm một lớp cà nữa, cuối cùng lại là măng chua kèm mấy quả ớt xanh vừa hái từ vườn vào. Anh chắt phần nước măng chua rồi thêm nước lọc đổ đến xấp xấp phần cái thì dừng. Sau đó mới nêm gia vị. Một ít muối, một ít nước mắm ngon là xong. Khi tôi hỏi sao không thêm đường, anh tỏ ra bí mật.
Khi nước trong chiếc nồi gang cạn dần, cũng là lúc bí mật được vén màn. Thú thực, đó là lần đầu tiên được ăn trong cảm giác hồi hộp đến vậy. Tôi đưa trái cà vào miệng, hơi chua nhẹ vị măng, béo béo từ thịt heo và thật lạ khi nó không còn vị đắng nữa. Không những thế, cà đắng lại chuyển hóa thành vị ngọt hậu đọng lại sau cùng. Nghĩ tới cảm giác khi ăn trái cà còn tươi, tôi tròn xoe đôi mắt. “Giờ em đã hiểu vì sao cà đắng dại đi cùng măng chua và không cần bỏ đường chưa?”, anh cười thích thú.
Rõ ràng, các nguyên liệu đã kết hợp với nhau để tạo nên những cung bậc đầy hấp dẫn về cả vị giác lẫn cảm xúc. K’ Mok không hề biết vì sao cha ông ngày xưa lại có thể tìm kiếm được những mảnh ghép vừa vặn như thế. Anh bảo phải biết ơn những gì bây giờ được thừa hưởng như công thức của món cà đắng dại nấu măng chua này chẳng hạn…
Món ngon 'độc lạ', khó quên từ cà đắng Tây Nguyên
Ai có dịp ghé ngang đến trung tâm Tây Nguyên, mảnh đất Đắk Lắk nắng gió thưởng thức một vài món ngon từ quả cà đắng với vị lạ lẫm, khó quên.
Tại Đắk Lắk nhiều món ăn độc, lạ gắn với quả cà đắng. Lâu dần, cà đắng như trở thành "thương hiệu" trong nhiều món ăn nơi đây.
Món gỏi cà đắng cá khô gây "thương nhớ" cho nhiều thực khách
Cà đắng mọc nhiều ở các khu rẫy cà phê, hồ tiêu, cà đắng quả to hơn cà pháo có màu xanh sọc trắng. Ở cuống có nhiều gai nên khi hái phải cẩn thận nếu không sẽ bị gai đâm chảy máu. Người dân thường đi rẫy, đến cuối ngày trước khi về nhà thường hái cà đắng mang về để nấu nướng cho buổi tối.
Cà đắng được chế biến nhiều món như cà đắng nấu ếch, cà đắng giã muối ớt, cà đắng om thịt bò... Nhưng có lẽ món gỏi cà đắng cá khô và món vếch nấu cà đắng của người Êđê là nổi tiếng nhất.
Gỏi cà đắng cá khô là một món ăn dân dã, rất dễ chế biến và thường được đãi trong các bữa ăn gia đình, các bữa tiệc gặp mặt hay bữa cơm gia đình.
Thiếu nữ Ê đê chế biến nhiều món ngon từ quả cà đắng
Cà đắng hái về, cắt bỏ cuống mang xắt lát mỏng ngâm vào nước muối loãng để bớt vị đắng và bớt xỉn màu. Sau đó, được vớt lên để ráo nước và trộn cùng cá khô cơm chiên giòn, rau ngò gai kèm nước mắm tỏi ớt xanh đậm đà.
Khi ăn gỏi cà có vị nhân nhẫn đắng của cà, thơm của cá, mặn ngọt cay của nước mắm tạo nên vị rất đặc trưng, khó quên khi lần đầu thưởng thức.
Còn đối với món vếch - là món ăn độc đáo của người Ê đê, vếch được nấu từ một đoạn ruột non liền kề với bao tử của bò kèm gân, da, đuôi bò... nấu kèm với cả chục loại gia vị như gừng, sả, lá é, ớt hiểm, lá ngót rừng, tiêu xanh, hoa đu đủ đực, hạt kơ nia, sả cây... và đặc biệt không thể thiếu cà đắng.
Món vếch khá cầu kỳ nhưng đầy tinh tế trong ẩm thực Tây Nguyên
Để chế biến món vếch không nặng mùi, người chế biến đã cẩn trong khâu chế biến, đoạn ruột non được chần nước sôi rồi rửa qua với nước muối. Vếch sẽ được đun trong lửa nhỏ liu riu nhiều giờ liền để miếng thịt vừa mềm vừa thơm, hòa quyện các gia vị.
Vếch bò thường được nấu trong những dịp trọng đại của người Ê đê để cúng thần linh, những tiệc lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà. Vếch nấu chín khi ăn có vị đắng đặc trưng kết hợp hài hòa với vị chua thanh, chát, cay, ngọt và ăn kèm với một số loại lá rau rừng của Tây Nguyên.
Ẩm thực Tây Nguyên rất độc đáo, đặc trưng bên ché rượu cần
Vếch ăn nóng kèm với cơm hoặc bún, khi ăn lần đầu thực khách sẽ thấy rất lạ lẫm nhưng khi đã quen miệng ắt hẳn sẽ là một trong những món ăn được nhớ tới đầu tiên khi quay lại Đắk Lắk.
Loại quả cực khó ăn mà nấu chung với đủ thứ rau rừng, thành món ăn hấp dẫn "mê hoặc" Canh cà đắng là món ăn thân thuộc và không thế thiếu của người dân người dân Ê Đê. Vị đặc trưng của canh là hơi đắng và the vị của các loại rau, mùi thơm của lá lốt và cay cay của ớt xiêm khiến món ăn trở nên hấp dẫn cực kỳ "mê hoặc". Nguyên liệu cho 4 người ăn: -...