Bứt tốc giải ngân đầu tư công – Bài 4: Đưa dự án về đích
Là bộ có nguồn vốn đầu tư công lớn nhất trong các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để đưa các dự án về đích.
Qua đó nguồn vốn sẽ góp phần kích cầu nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.
Một góc công trường thi công hầm chui trên đường Thống Nhất – Thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2021 Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nguồn vốn đầu tư công gần 43.000 tỷ đồng để hoàn thành 24 dự án và khởi công 19 dự án.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai một số dự án, công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách…
Ngoài ra, ngành cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án như: cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2)…
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ trong năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết mốc tiến độ của từng dự án, đồng thời Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình…
Thực tế, qua các năm trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt lần lượt từ trên 82% đến trên 88%. Riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất trong kỳ trung hạn với trên 95%. Đây chính là kinh nghiệm và cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đặt mục tiêu năm 2021 phấn đấu ở “top đầu” các bộ thực hiện tốt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư tại buổi giao ban công tác quý III và 9 tháng năm 2021 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết hơn 42.972 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021 được giao. Dự kiến hết quý III/2021, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước giải ngân được 24.332 tỷ đồng đạt 63,5%; vốn nước ngoài giải ngân được 2.390 tỷ đồng, đạt 49,1%.
“Như vậy, 9 tháng năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải là một trong 4 bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì giải ngân được trên 60% kế hoạch”, ông Nguyễn Trí Đức thông tin.
Bộ Giao thông Vận tải đáp cũng đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đến hết tháng 9/2021, các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân được tối thiểu 60% kế hoạch năm 2021. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Video đang HOT
Với khối lượng giải ngân khoảng 20.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông; 14 dự án đường bộ, đường sắt cấp bách và các dự án trọng điểm giao vốn lớn như cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất…
Để đưa nguồn vốn này kịp thời vào nền kinh tế, đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án giao thông. Nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án.
Là chủ thể trực tiếp giải ngân vốn đầu tư, các ban quản lý dự án đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo không để dịch bệnh làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Trần Hữu Hải, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, cao tốc Bắc – Nam đang là “mỏ” giải ngân lớn nhất của các ban quản lý dự án. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các ban quản lý phải đưa ra những giải pháp mới vừa thi công, vừa phòng dịch trên công trường để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn.
Ông Trần Hữu Hải nhấn mạnh: “Mấu chốt giải ngân là việc dự án phải có sản lượng thi công và khối lượng nghiệm thu thanh toán. Ngay sau khi tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu trong tháng 7 vừa qua, đơn vị đã thiết lập hệ thống phần mềm họp trực tuyến với ban điều hành dự án, các nhà thầu, tư vấn để chỉ đạo tổ chức thi công hàng ngày, hàng tuần”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, Tổ phó tổ công tác đặc biệt thừa nhận: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn nặng nề, bởi chỉ còn 3 tháng là hết năm nhưng hiện tại, miền Trung đã bước vào mùa mưa, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng diễn ra tại nhiều dự án, giá thép tăng cao, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là những thách thức không nhỏ trong việc đẩy mạnh thi công và giải ngân nguồn vốn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: “Nhiều tháng qua, các cán bộ ban quản lý dự án, kỹ sư đều “trực chiến” trên công trường để cùng ăn, cùng ở với công nhân, kịp thời đôn đốc tiến độ, khối lượng công việc, làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán kịp thời ngay tại công trường. Tới đây, Tổ công tác đặc biệt sẽ sát sao hơn nữa về tiến độ dự án như: yêu cầu mốc cụ thể từng ngày, từng tuần, từng tháng, thi công những hạng mục gì, khối lượng ra sao. Nếu chưa kịp phải tăng tốc để bù vào sản lượng đang thiếu cho kịp tiến độ”.
Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn khác, Bộ cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên “luồng xanh” cho máy móc, xe vật liệu xây dựng vào công trường để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đối với những khó khăn về nguồn vaccine, Bộ cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, nhà thầu, ban quản lý dự án.
Đánh giá tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, nhờ tỷ lệ giải ngân cao, hàng năm Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào nền kinh tế kịp thời 30.000 – 40.000 tỷ đồng. Nhiều dự án về đích đúng hạn, giúp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn về sử dụng nguồn vốn này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu, đánh giá cân đối các nguồn lực để đảm bảo đầu tư được hài hòa giữa các lĩnh vực, tránh tình trạng tập trung nhiều vào đường bộ trong khi các lĩnh vực khác có tiềm năng như đường thủy, đường sắt lại có tỷ lệ đầu tư rất thấp, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của các lĩnh vực này.
Chia sẻ về huy động các nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội theo phương thức PPP (hợp tác công tư) để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân đối các nguồn lực để đầu tư hài hòa, cân đối giữa các lĩnh vực giao thông; trong đó có chú trọng những dự án giao thông lớn, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng kinh tế.
Bứt tốc giải ngân đầu tư công - Bài 2: Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt cho cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, trong đó lĩnh vực xây dựng và vật liệu kèm theo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nhiều công trình đình trệ, vốn giải ngân đạt thấp, nhiều công nhân, lao động trong lĩnh vực này lao đao vì không có việc làm.
Tình huống đặc biệt đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp tương ứng, linh hoạt để có thể giúp các dự án đầu tư công tại Thủ đô không bị kéo dài thời gian ngưng trệ, dẫn tới đóng băng nguồn tiền-vốn được coi là động lực của phát triển kinh tế.
Khi nguồn vốn phải "đắp chiếu"!
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây thêm một làn, song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (ảnh). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Có thể thấy, chưa có năm nào ngành xây dựng Thủ đô chật vật đến như vậy, đặc biệt là phần lớn các công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn phải "đắp chiếu" nghỉ gần 60 ngày đêm giãn cách toàn xã hội để thành phố tập trung cho phòng, chống dịch.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn thành phố đạt chưa đầy 50% kế hoạch năm 2021. Đây là con số mà UBND thành phố Hà Nội đánh giá ở mức giải ngân thấp, không đạt theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và UBND thành phố đề ra. Như vậy, với kết quả này, thành phố sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là đến hết quý III, tỷ lệ giải ngân của toàn thành phố đạt 60% kế hoạch vốn năm 2021.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, trước tình hình khó khăn, quận đã cố gắng nỗ lực bằng mọi hình thức, đẩy nhanh làm việc trực tuyến, mọi công đoạn của khâu chuẩn bị đầu tư như thiết kế, duyệt thiết kế, thẩm định, họp hội đồng giải phóng mặt bằng... đều qua online. Quận gửi hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng công khai đến từng gia đình, đồng thời niêm yết những vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư cho người dân được biết. Vậy nhưng vẫn gặp rất nhiều trở ngại, do các công trình phải nghỉ vì dịch bệnh, vật liệu xây dựng chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh ngoài về cũng khó khăn, giải phóng mặt bằng cũng phải dừng vì không thể đi điều tra khảo sát thực tế, không gặp gỡ được với người dân.... Mặc dù vậy, toàn quận đã giải ngân đạt 49% theo kế hoạch và nỗ lực phấn đấu những tháng cuối năm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 100% kế hoạch, với số vốn 308 tỷ đồng.
Hà Đông là quận đang phát triển mạnh, tập trung rất nhiều dự án, công trình xây dựng lớn, có nhiều tòa nhà, khu đô thị mới. Đợt giãn cách xã hội vừa qua các công trình tạm dừng thi công, hàng chục nghìn lao động nghỉ việc; trong đó, có 13.000 lao động tỉnh ngoài mắc kẹt tại địa bàn. Bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận luôn tranh thủ thời gian trống để bố trí thi công hợp lý nhất. Tính đến cuối tháng 9 này, quận Hà Đông giải ngân vốn đầu tư công ngân sách quận gần 298 tỷ đồng, đạt 77,7% so với dự toán thành phố giao và đạt 48,1% so với dự toán quận giao.
Còn tại huyện Ba Vì, là "vùng xanh" của thành phố, thời gian qua cũng tăng cường nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công và đã đạt được 54,5% kế hoạch thành phố giao. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đã rất chủ động thẩm định, phê duyệt phương án lao động, sản xuất của 62 dự án trên địa bàn để chờ hết giãn cách xã hội là bắt tay vào thi công ngay.
Dịp này, doanh nghiệp xây dựng công trình đầu tư công gặp khó khăn. Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 hiện đang là nhà thầu thi công và liên danh thi công tại một số dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Tại Hà Nội, công ty đang triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3...
Trong thời gian qua, việc đảm bảo tiến độ thi công an toàn và nhanh chóng luôn được đơn vị này đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà các dự án đang thi công bị ảnh hưởng. Đại diện Công ty Cienco 4 cho biết, dịch bệnh đã khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị xây lắp gặp nhiều khó khăn. Do quy định không thống nhất giữa các địa phương về các biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Các đơn đặt hàng vật liệu, thiết bị từ các địa phương khác chuyển vào vùng dịch, giãn cách xã hội trong thời điểm này bị chậm tiến độ đề ra. Điều này đã làm nhiều công trình gặp tình trạng thiếu vật tư, thiết bị cần thiết để thi công.
"Vào thời điểm này, nguyên vật liệu xây dựng đầu vào, đặc biệt là giá thép có xu hướng tăng giảm thất thường. Có thời điểm giá thép tăng giá mạnh khiến chúng tôi gặp khó trong nhập vật liệu cho các công trình", đại diện Cienco 4 cho biết.
Trước những khó khăn này, Cienco 4 đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo các dự án đầu tư công được thi công đúng tiến độ. Công ty đã đề xuất với chính quyền nơi thực hiện dự án có thêm cơ chế, chính sách để các xe vận chuyển vật liệu được vào thành phố nhanh hơn, giao đủ vật liệu để tiếp tục hoàn thành dự án; kiến nghị các bộ, ngành xem xét các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu cần thiết. Bên cạnh đó, công ty chỉ đạo hoàn thiện các hạng mục công trình có thể chủ động trong nguồn vật liệu xây dựng sẵn có và dễ mua trong thời gian chờ nguồn vật liệu khác, duy trì nguồn nhân lực đầy đủ sẵn sàng thực hiện các mũi thi công công trình, không để công trình bị dừng lại.
Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt
Trước tình hình cấp bách trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố Hà Nội đang tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.
UBND thành phố Hà Nội tiếp tục kiên định đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021; trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn 2020 kéo dài.
Thành phố chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 trước khi giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với dự án có cả kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch năm 2020 kéo dài.
UBND thành phố Hà Nội xác định việc thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. UBND thành phố đã có nhiều giải pháp về điều hành nguồn vốn của cấp thành phố đối vớỉ nguồn vốn ODA cấp phát, ODA vay lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, các chủ đầu tư gồm Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện kế hoạch năm 2021 trên tinh thần nỗ lực triển khai ở mức cao nhất các dự án sử dụng vốn ODA cấp phát và ODA vay lại.
Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát, vay lại trong trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn năm 2021. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND thành phố thực hiện thủ tục phân bổ kế hoạch vốn đối với các dự án ngay sau khi đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn. |
UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực ở mức cao nhất; các đơn vị tiếp tục đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 như điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và phải nêu rõ lý do. Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đối với các dự án có khả năng giải ngân tốt, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để hoàn thành trong năm 2021, các dự án mới có đủ thủ tục và đảm bảo điều kiện đấu thầu, thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao bổ sung. Các dự án đề xuất bổ sung vốn phải đảm bảo có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.
Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với địa phương bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, thành phố và bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã khi đề xuất bổ sung vốn cho dự án mới phải rà soát kỹ, đảm bảo dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư... đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, khởi công trong năm 2021 ngay sau khi được thành phố bố trí vốn hỗ trợ bổ sung năm 2021.
Đối với ngân sách cấp huyện, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 rà soát, đánh giá khả năng thu ngân sách theo dự toán đã giao; trường hợp dự toán thu không đảm bảo, báo cáo xem xét điều chỉnh giảm dự toán chi tương ứng nhưng phải đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.
Bứt tốc giải ngân đầu tư công - Bài 1: Đưa nguồn vốn 'mồi' vào nền kinh tế Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công được thực hiện trong bối cảnh khu vực và thế giới có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn, phức tạp hơn so với...