‘Bút phê’ trên lý lịch: Chính trường cũng gây khó dễ cho sinh viên
Ngoài lỗi từ chính quyền địa phương, các trường đại học cũng đang “hành” sinh viên của mình về sơ yếu lý lịch.
Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện tân sinh viên bị “hành” vì những dòng phê của đại diện chính quyền địa phương trên sơ yếu lý lịch khiến dư luận bức xúc.
Dù Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định sinh viên phải cung cấp sơ yếu lý lịch có chứng nhận của địa phương, nhiều trường vẫn yêu cầu phải nộp, gây ra nhiều trường hợp dở khóc dở cười.
Nhọc nhằn vì ‘bút phê’
Mới đây, gia đình chị Trần Thị Vân (42 tuổi), trú thôn Yên Tràng, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phản ánh việc cán bộ xã này “bút phê” vào lý lịchcủa con trai chị khi lên xác nhận hồ sơ, gây khó khăn cho việc nhập học và quá trình sau này của con mình.
Bản sơ yếu lý lịch với bút phê của vị Phó Chủ tịch xã. Ảnh: NVCC.
Cụ thể, cán bộ xã này đã viết: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn” vào phần xác nhận sơ yếu lý lịch của công dân.
Trước đó, trao đổi Zing.vn, anh Đỗ Văn Đồng cho biết em trai anh (cựu học sinh trường THPT Yên Định 3, Thanh Hóa) cũng bị một trường trung cấp y ở Hà Nội trả hồ sơ nhập học vì dòng bút phê trên sơ yếu lý lịch của chính quyền địa phương.
Một trường hợp khác, cô gái (ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) sau khi tốt nghiệp ra trường, xin xác nhận sơ yếu lý lịch để xin việc làm cũng bị gây khó dễ.
Lý lịch của cô bị lãnh đạo xã phê: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”, dù cô chỉ mới học xong.
Trường quá cứng nhắc
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết : “Những năm trước, sinh viên phải cắt hộ khẩu nên đòi hỏi có lý lịch để nhập khẩu, làm tạm trú tạm vắng, còn bây giờ địa phương vẫn quản lý sinh viên về hành chính, nghĩa vụ quân sự. Vì thế, sơ yếu lý lịch không còn ý nghĩa đối với trường”.
Tân sinh viên nhập thông tin cá nhân tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: Huỳnh Nhi.
Video đang HOT
Ông Dũng ủng hộ việc đơn giản thủ tục hành chính cho sinh viên. Theo ông, ngoài việc để sinh viên yên tâm chuẩn bị nhập học, đây còn là lần đầu tiên các em bước ra đời, nhà trường và các đơn vị hành chính không nên gây thêm áp lực từ những việc mà lẽ ra các em không cần chịu trách nhiệm.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng nên tránh những thủ tục gây phiền toái cho sinh viên, nhất là các bạn mới nhập học để các em không bị sốc khi vừa bước vào ngưỡng cửa đại học.
Theo ông Lý, với những trường hợp nêu trên, lỗi của chính quyền địa phương đã rõ nhưng ngay cả các trường đại học cũng đang “hành” sinh viên của mình.
“Lý lịch, hồ sơ của sinh viên đã có trong hồ sơ đăng ký dự thi rất đầy đủ, cộng thêm những dữ liệu thi đã được cập nhật. Các trường chỉ cần đồng bộ dữ liệu, không cần phải làm thủ công, tránh tình trạng ‘mua việc để làm’ rất mất công sức của cán bộ nhà trường và sinh viên, phụ huynh”, ông Lý nói.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ Đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng trường quá cứng nhắc khi trả hồ sơ sinh viên chỉ vì dòng phê trên lý lịch.
“Không hiểu đến nay, trường nào vẫn còn tư duy lý lịch như vậy. Sơ yếu lý lịch chẳng qua là cách lấy thông tin từ các em để nhà trường có thể quản lý ngoại trú và quản lý sinh viên được tốt hơn, chứ không có ý nghĩa xác nhận bất kỳ vấn đề nào khác”, ông Sơn thông tin.
Hiện tại, nhiều đại học phía Nam đã cho tân sinh viên khai lý lịch trực tuyến trên trang web của trường. Sinh viên có thể khai trước ở nhà hoặc nhập dữ liệu trực tiếp tại trường vào ngày nhập học.
Không bắt buộc phải có lý lịch
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết năm 2007, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định quy định về hồ sơ học sinh, sinh viên. Các em phải đảm bảo nộp đủ 8 loại giấy tờ, trong đó có lý lịch, để các trường làm tốt công tác quản lý người học, thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên, nhất là nhóm thuộc diện chính sách.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM. Ảnh: Phương Linh.
Ngày 25/1, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư về Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy và một số trường cao đẳng. Trong đó, khoản 3 điều 14 của quy chế quy định hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường gồm 5 loại giấy tờ: Học bạ, giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp trung học, giấy khai sinh, các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên, giấy triệu tập trúng tuyển. Như vậy, không có lý lịch học sinh, sinh viên.
Quy định tại khoản 3 điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nêu rõ: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Như vậy, từ năm học 2017, học sinh, sinh viên khi làm thủ tục nhập học không cần phải làm xác nhận sơ yếu lý lịch.
Theo bà Dung, trong những trường hợp khác, học sinh, sinh viên thực hiện việc xác nhận các nội dung khai trong sơ yếu lý lịch (nếu có yêu cầu) tại UBND các phường/xã nơi cư trú thì tuân theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Theo Zing
Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục về việc bút phê lý lịch
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) - khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ... Chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
Ông Nguyễn Công Khanh trả lời tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp (Ảnh: Thế Kha).
- Từ năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT yêu cầu UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. Nhưng tại sao vừa qua ở Hải Dương và Hà Nội lại xảy ra chuyện xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch như vậy, thưa ông?
- Chúng tôi vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về chuyện này. Đến nay tinh thần hướng dẫn trong Công văn số 1520 vẫn đúng. Suốt từ năm 2014-2016 thì không có vấn đề gì, nhưng có thể thời gian vừa rồi cán bộ tư pháp, lãnh đạo xã đã thay mới nên không tiếp cận được văn bản hướng dẫn này.
Năm 2014, xuất phát từ việc người dân yêu cầu xác định lý lịch cá nhân khiến địa phương thực hiện không thống nhất, có nơi chỉ xác nhận anh A, chị B sinh sống ở đây, có nơi xác nhận chữ ký đã khai trong lý lịch này là đúng, có nơi lại xác nhận "chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật tốt",....
Khi đó chúng tôi đang dự thảo Luật Chứng thực có đưa vào hành vi xác nhận của UBND cấp xã với yêu cầu của người dân, nhưng khi dự thảo luật trình lên thì lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu trước mắt chưa làm Luật Chứng thực.
Chính vì thế, căn cứ vào Nghị định 23 của Chính phủ về chứng thực, chúng tôi đã hướng dẫn xác nhận hành chính như thế nào đó cho thuận lợi với người dân. Vận dụng pháp luật về chứng thực thì nếu trường hợp ông Chủ tịch xã biết chắc về gia đình này rồi thì xác nhận nội dung khai là đúng.
Nếu không biết, mà nhiều trường hợp không biết thật, thì chỉ xác nhận chữ ký, áp dụng thủ tục xác nhận chữ ký đã nêu trong Nghị định 23 thôi. Tức là cho người ta phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin khai về ông bà, bố mẹ, anh em gì đó, còn UBND xã chỉ chứng thực chữ ký trong đó là đúng, ký trước mặt mà thôi.
UBND xã không xác nhận kiểu "chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật", bởi câu đó rất chung chung. Cả hệ thống pháp luật to đùng gồm cả hình sự và dân sự mà bây giờ bảo xác nhận "chấp hành pháp luật" là chấp hành cái gì?
Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng rất rộng lớn mà xác nhận chung chung thế cũng không ổn. Pháp lý phải chặt chẽ.
Chúng tôi đã yêu cầu không xác nhận chấp hành pháp luật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật thì đã có quy định về lý lịch tư pháp rồi. Xác nhận một cái vô thưởng vô phạt như thế, cấp xã cũng chưa có văn bản nào quy định xác nhận cái đó của công dân cả.
Chúng tôi đã hướng dẫn áp dụng Nghị định 23 về chứng thực, chữ ký, không đưa xác nhận chủ trương, chính sách, pháp luật vào.
Nhiều địa phương áp dụng cái này và năm 2015-2016 thì không có gì cả. Năm nay các cháu xin xác nhận lý lịch để đi học thì nổ ra chuyện ở Hà Nội, Hải Dương.
UBND xã ở Hà Nội xác nhận theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Trong phần Lý lịch học sinh, sinh viên (bản có đóng dấu treo của Bộ GD-ĐT), ở Mục "Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú" có yêu cầu rất chi tiết: "Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương". Như vậy yêu cầu này của ngành giáo dục là không đúng với hướng dẫn của Bộ Tư pháp?
- Nếu yêu cầu đó là của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để làm việc với bộ phận pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ. Hơn nữa cấp xã phải thực hiện theo đúng Luật Chính quyền đia phương. Các lĩnh vực chuyên ngành đều đã có văn bản quy định cả rồi. Giáo dục thì có Luật giáo dục.
Nếu ngành giáo dục lại quy định cấp xã phải xác minh về cái này cái kia thì phải xem lại. Tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp rồi, chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
- Nhưng về lâu dài thì vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khi nào xây dựng Luật Chứng thực thì trong đó sẽ bổ sung phạm vi vào; trong đó có việc chứng thực, chứng nhận về hành vi xác nhận hành chính.
Đến nay nhiều việc của UBND xã chưa có cơ sở pháp lý, chủ yếu áp dụng pháp luật thôi. Ví dụ như xác nhận gia đình có công với cách mạng thì dễ nhưng xác nhận gia đình chính sách, hộ nghèo thì hiện nay chưa được hướng dẫn. Chính vì thế các thủ tục giải quyết phải làm sao cho hợp lý, chứ hiện nay ở cấp xã toàn vận dụng thôi.
- Xin cảm ơn ông!
Theo công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.
"UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân" - công văn nêu rõ. Theo ông Nguyễn Công Khanh, hiện nay tinh thần của Công văn số 1520 vẫn phải được áp dụng thực hiện.
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với Bộ GD&ĐT về việc bút phê lý lịch Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) - khẳng định, "Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ... Chúng...