Bứt phá trong tuyển sinh khối nghệ thuật
Sau một năm thực hiện tuyển sinh riêng, số lượng thí sinh dự thi vào một số trường ĐH, CĐ khối nghệ thuật tăng cao và các trường này có điều kiện nhận được sinh viên đúng với yêu cầu.
Nhờ có thời gian tập trung ôn luyện môn năng khiếu, chất lượng thí sinh thi các ngành nghệ thuật tăng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Số lượng thí sinh tăng vọt
Được chủ động về thời gian, lại chỉ tổ chức thi môn năng khiếu nên ở đợt tuyển sinh năm vừa qua, các trường tuyển sinh riêng có nhiều lợi thế để thu hút thí sinh hơn các năm trước. NSƯT Nguyễn Trung Tín, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lượng thí sinh tăng vọt so với những năm trước thi chung. Thí sinh có năng khiếu vừa có thể thi 3 đợt chung vừa có thể thi thêm vào trường. Các năm trước, trường chỉ nhận mỗi năm khoảng 500 hồ sơ, năm 2013 nhận được hơn 1.000 hồ sơ”.
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cho biết: “Thực ra lâu nay Nhạc viện TP.HCM vẫn thi riêng, chỉ có 3 năm 2010, 2011, 2012 là thi chung môn văn. Nay trở lại thi riêng với hình thức xét tuyển môn văn, thời gian lại không trùng với các đợt thi khác nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn hẳn”.
Video đang HOT
Được biết, những năm trước Nhạc viện TP.HCM nhận được 500 hồ sơ mỗi năm. Trong năm 2013, trường thu hút hơn 600 thí sinh dự thi. Tương tự, lượng thí sinh thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%.
Chất lượng đầu vào tăng lên
PGS-NSƯT Vũ Chí Nguyện, giảng viên Khoa Kèn, gõ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhận định: “Khi tuyển sinh riêng, trường lẫn thí sinh đều có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho các môn năng khiếu. Thí sinh thay vì phải ôn tập một lúc nhiều môn như trước, giờ chỉ còn phải tập trung vào môn năng khiếu. Nhà trường cũng chủ động hơn trong khâu tổ chức thi. Thậm chí thi còn khó hơn những năm trước. Do đó, chất lượng đầu vào rõ ràng tăng lên”.
PGS Nguyện cho biết, tại học viện có một số môn năng khiếu tổ chức thi làm nhiều vòng, như sơ tuyển, trung tuyển và được bố trí làm nhiều đợt. Nhờ thế, thí sinh sẽ không có cảm giác dồn dập, nặng nề, có tinh thần thoải mái để bộc lộ năng khiếu ở mức cao nhất. Đồng thời, việc tuyển chọn các môn này cũng khắt khe hơn, các ngành như lý luận, sáng tác, chỉ huy, thanh nhạc chấm tới 6 đầu điểm.
NSƯT Nguyễn Trung Tín thông tin: “Có 2 điều nhìn thấy rõ nhất là lượng thí sinh và chất lượng đầu vào đều tăng. Năm 2013, điểm chuẩn nhiều ngành vào trường cao hơn năm trước 2 điểm. Ngay cả điểm trúng tuyển bậc CĐ cũng cao hơn điểm trúng tuyển bậc ĐH của năm 2012. Có lẽ do thí sinh không phải thi môn văn nên tập trung thời gian luyện thi môn năng khiếu nhiều hơn”.
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương cho rằng việc tăng lượng thí sinh dự thi và chỉ tập trung vào thi môn năng khiếu sẽ giúp trường có cơ hội chọn được người tài hơn. “Những năm trước nhiều em đậu thủ khoa là nhờ điểm môn văn cao chứ không phải điểm chuyên môn cao. Năm 2013, các nhạc viện thống nhất với nhau điểm xét tuyển môn văn thấp nhất là 3,5 để tránh tình trạng các em giỏi năng khiếu chỉ vì điểm văn không cao mà bị rớt”, tiến sĩ Hương chia sẻ.
Theo TNO
Thi riêng không cần theo khối
Tại buổi đối thoại trực tuyến về tuyển sinh năm 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định sẽ thực hiện một số quy định về tuyển sinh riêng trong năm 2014.
Lãnh đạo Bộ kỳ vọng thi riêng theo kiểu mới sẽ tránh được những tiêu cực như luyện thi tràn lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không ra đề theo kiểu cũ
Trước những lo lắng của xã hội về việc nếu để các trường thi riêng thì sẽ lặp lại các tiêu cực về luyện thi, ôn thi như trước đây, Thứ trưởng Ga cho biết: "Nếu các trường tổ chức thi riêng thì phải có cách tuyển sinh khác với việc thi riêng như trước đây và phải khác với kỳ thi 3 chung hiện nay". Theo ông Ga, thi 3 chung (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả) cũng chỉ là kiểm tra kiến thức chứ không đánh giá được năng lực của người học. Vì thế khi thi riêng, các trường phải hướng đến việc kiểm tra năng lực, không lặp lại cách thi trước đây nên xã hội không phải lo lắng sẽ xảy ra những tiêu cực như quá khứ.
Thứ trưởng Ga nói: "Chúng ta đi một con đường khác không giống trước đây. Các trường phải nghĩ ra cách thi, đề thi để việc ôn thi không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ thi kiến thức tổng hợp thì thí sinh không thể ôn thi một vài môn và không nhất thiết phải học thuộc lòng". Ông Ga nhấn mạnh: "Nếu các trường thi theo kiểu cũ thì không nên thi riêng. Chúng ta phải thay đổi căn cơ. Trong tương lai, Bộ chỉ lo quản lý nhà nước, không dính dáng đến chuyên môn nên không làm đề thi nữa. Các trường có thể đề nghị tổ chức nào đó ra đề và các trường có thể sử dụng chung. Hiện cả nước đã có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trung tâm này có thể sẽ cung cấp đề thi tổng quát để các trường dùng. Việc ra đề sẽ giao cho các tổ chức độc lập làm. Bộ chỉ là cơ quan kiểm tra giám sát".
Tự chọn môn thi
Thứ trưởng Ga cũng cho biết các trường tuyển sinh riêng được tự chọn môn thi và cách đánh giá thí sinh, Bộ không quy định khối thi và môn thi. Các trường có thể ra đề thi theo hướng chọn được những thí sinh có sở trường về một lĩnh vực nào đó. Đây là việc mà đề thi 3 chung không làm được. Vì vậy sẽ là cơ hội cho những thí sinh có năng lực phù hợp. Ví dụ thí sinh chỉ giỏi mỗi môn toán, có thể chọn trường chú trọng môn này mà không phải dự thi cả môn lý và hóa như thi 3 chung. Cách thi mới sẽ đảm bảo không bỏ sót những thí sinh có năng lực phù hợp. Đây cũng là ưu điểm của việc tổ chức thi riêng khác với cách thi trong quá khứ.
Không xét tuyển chung
Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) một lần nữa khẳng định những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ không được dùng kết quả của kỳ thi 3 chung để xét tuyển. Ông Nghĩa giải thích: "Bộ không đồng ý với việc thi riêng nhưng vẫn lấy kết quả thi 3 chung để xét tuyển vì 2 chuẩn đánh giá khác nhau. Nếu cho sử dụng đồng thời thì sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường không phải để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà mục đích là để các trường tìm ra cách tuyển sinh tốt hơn hiện nay".
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ không cho các trường thi riêng xét tuyển chung thì thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay: "Thí sinh thi riêng sẽ không được xét tuyển vào trường khác nhưng cơ hội vào đại học sẽ nhiều hơn. Năm 2014, Bộ vẫn tổ chức thi chung bên cạnh trường thi riêng nên thí sinh có cơ hội thi nhiều lần và xác suất đậu sẽ cao hơn". Ông Trần Văn Nghĩa giải thích rằng điểm yếu của thi riêng là không dùng chung kết quả được nhưng Bộ cho phép các trường được thi 2 lần trong năm, vì vậy thí sinh có 2 cơ hội đăng ký tuyển sinh. Bộ cũng cho phép các trường thi theo nhóm và dùng chung kết quả nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường thi theo nhóm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy mâu thuẫn với luật Giáo dục đại học. Thứ trưởng Ga lý giải: "Mục đích của việc thi riêng là để tìm thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường mà khi thi theo 3 chung trường không làm được. Vì vậy, các trường thi riêng không thể lấy nguồn tuyển của 3 chung để lắp một phần vào tuyển với những thí sinh thi riêng. Như vậy sẽ không đúng ý nghĩa tuyển sinh riêng. Các trường cần hiểu rõ bản chất của thi riêng chứ Bộ không gây khó khăn cho các trường".
Theo TNO
Hồ sơ ĐKDT có phải ghi tên chuyên ngành? Lỡ ghi tên chuyên ngành có bị trả về? Thi vào ĐH Mỹ thuật Việt Nam có phải nộp giấy chứng nhận điểm thi tốt nghiệp môn Văn? Nộp hồ sơ đăng ký NV1 vào hệ CĐ của Trường ĐH Y dược TPHCM có được không? Học trường Học viện Ngoại giao ra trường làm gì? Năm nay em thi ngành ngôn ngữ...