Buồn lòng bạn trai không muốn có con
Chúng em rất yêu nhau nhưng anh lại không muốn có con sau khi cưới.
Em và bạn trai quen nhau gần hai năm. Anh rất tốt, được mọi người quý mến. Xét về tính cách, chúng em cũng hợp nhau, nên chuyện tình cảm khá thuận lợi.
Tuy nhiên, mỗi lần đề cập đến việc kết hôn, chúng em đều không tìm được tiếng nói chung. Anh có quan điểm về gia đình và con cái rất khác thường. Anh khẳng định, nếu kết hôn, anh không muốn có con. Anh giải thích, sống trên đời không có gì sung sướng cả, nên cho ra đời một đứa trẻ là đưa nó vào một cuộc sống đầy khổ sở; ví dụ như nó phải đi học, phải học giỏi, phải vâng lời… Tất cả những điều đứa trẻ làm đều theo ý của người lớn chứ không vì hạnh phúc của chính nó. Ngay cả việc con cái là niềm vui, là cầu nối giữa hai vợ chồng, anh cũng cho đó là sự ích kỷ của người lớn. Em phân vân rất nhiều. Em thương anh và không muốn chia tay nhưng em biết mình không chịu được cuộc sống gia đình không con cái. Em phải làm sao?
Hoàng Vân (Q.Bình Thạnh)
Trả lời:
Video đang HOT
Em Vân mến! Bạn trai em đúng là có suy nghĩ hơi khác thường về vấn đề con cái. Suy rộng ra, đó cũng có thể là quan điểm sống của anh ta, ảnh hưởng từ cách nghĩ khá phổ biến “đời là bể khổ”. Tuy nhiên, bạn em đã hiểu lệch vấn đề. Đó là cách nghĩ mà nhiều người vẫn dùng để tự an ủi, thậm chí tự động viên, khích lệ mình khi gặp những sóng gió, bất hạnh trong đời.
Cần thống nhất và đi tới một quan điểm chung về chuyện con cái trước khi kết hôn nếu không hôn nhân sẽ thành bi kịch khi cả hai không hòa hợp (Ảnh minh họa)
Thật ra, đau khổ – bất hạnh và vui sướng – hạnh phúc là hai mặt luôn tồn tại song song trong đời, ai đã sống thì cũng một đôi lần phải nếm trải. Có từng khổ đau người ta mới có thể cảm nhận sâu sắc được hạnh phúc, mới biết quý trọng, nâng niu, gìn giữ nó. Hai mặt ấy, chẳng thể triệt tiêu được mặt nào. Hiểu “đời là bể khổ” là để biết chấp nhận và vượt lên, biết sống sao cho hữu ích để “đời” ta và cả “đời” những người chung quanh bớt khổ hơn, chứ không phải để bi quan, tiêu cực phủ nhận cuộc đời. Con cái cũng vậy, sướng hay khổ cũng là do bản lĩnh sống sau này của chúng quyết định, chứ không phải sinh ra là tất nhiên phải… khổ. Xem con cái là “vật sở hữu”, “để phục vụ cho bản thân” chỉ là suy nghĩ ở một thiểu số những người làm cha mẹ, không phải suy nghĩ phổ biến; bạn em không thể chụp mũ tất cả như thế được. Sao anh ta lại đóng đinh cái nhìn của mình vào những gia đình đổ vỡ mà không nhìn sang những gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái thành đạt nên người?
Với người bạn này, em còn phải tranh cãi, thuyết phục nhiều để anh ta thay đổi cách nghĩ, nếu không, chính anh ta sẽ tự biến đời mình thành “bể khổ”. Vừa tranh luận, em còn vừa phải tìm những sách vở thích hợp cho anh ta đọc, may ra anh ta có thể “nhiễm” những quan điểm khác mà thay đổi cách nhìn về cuộc sống một cách tích cực hơn. Sau khi đã cố gắng hết mình, nếu anh ta vẫn cứ cố chấp thì dù có yêu, em cũng nên cân nhắc. Hai người, hai cách nhìn về cuộc sống khác nhau thì khó mà tìm thấy sự hòa hợp, hạnh phúc.
Theo Eva
Tập 2: cũng đáng để thử...
Tôi cũng cùng cảnh "lỡ một lần đò" như chị Hoàng Anh trong bài Chả dại chui đầu vào rọ! Tôi cũng từng bi quan, từng tuyệt vọng, từng mất lòng tin vào hôn nhân như chị.
Khoảng tám năm trước, tôi "cất bước sang ngang" với người yêu từ thời đại học. Thú thật, đến giờ nhớ lại "quãng đời đen tối" đó, tôi vẫn còn ớn lạnh. Dù yêu nhau nhưng cả hai đều còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống. Hôn nhân đổ vỡ cũng chẳng phải tại ai, chỉ tại hai cái tôi quá lớn, tại "hai khoảng trời riêng" đập vào nhau chan chát. Hai bên cãi nhau đều đặn một tuần vài bận, vì đủ thứ lý do trên trời dưới đất. Cuộc hôn nhân của chúng tôi chẳng mấy chốc đã đậm mùi "thuốc súng", thậm chí đến đoạn cuối của cuộc hôn nhân, tôi cứ tưởng mình đang sống trong địa ngục trần gian.
Sau ba năm "trầm luân", tôi ly hôn, sung sướng trở lại thiên đường của một thằng đàn ông độc thân. Ôi hạnh phúc biết bao! Ôi tự do muôn năm! Không còn cái cảnh đi làm cả ngày về mệt nhoài lại phải chịu đựng một bộ mặt hầm hầm của vợ (vì một lý do nào đó mà chẳng chịu nói). Không còn phải chịu đựng những lời lèng èng đến nhức đầu nhức óc, bất kể thời gian, bất kể trạng thái của người nghe... Lúc đó, hễ nghe ai nhắc đến mấy chữ "lên xe bông tập 2" là tôi lắc đầu quầy quậy, tự thề với lòng "không bao giờ dại nữa!"...
Nhưng rồi 5 năm sau khi ly hôn, đột nhiên tôi lại thấy thèm cái cảm giác có một gia đình. Tôi thèm một mâm cơm ấm áp, thèm bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, thèm một bến đỗ bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng... Và không ngờ, khi gặp được một người con gái tốt, biết thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của mình, tôi lại vi phạm lời thề năm xưa, chuẩn bị "cất bước sang ngang" lần nữa...
Ở thời điểm hiện tại, tôi mới thấy những quan niệm của chị Hoàng Anh về việc tái hôn có phần hơi phiến diện, hơi tiêu cực, chắc có lẽ vì đàn ông dễ quên, dễ nguôi ngoai hơn phụ nữ. Sau nỗi đau với người chồng "vô trách nhiệm lại ích kỷ, hay ghen tuông và thích thể hiện mình", chị sợ "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa", nhưng sao chị dám chắc rằng tất cả những người đàn ông còn lại đều là "vỏ dừa"? Với kinh nghiệm của một lần vấp ngã, tôi nghĩ chị có thể dễ dàng phân biệt được đâu là "vỏ" và đâu là "quả ngọt".
Chị cho rằng người thứ hai đến với mình sẽ phải chịu "nhiều áp lực từ trên trời rơi xuống", do "con chim sợ cành cong" nên khó chịu, nên xét nét, nên đề phòng hơn những con chim bình thường. Rồi người thứ hai sẽ cũng phải chịu một gánh nặng khổng lồ từ chuyện con chung - con riêng, chuyện tài sản chung riêng, rồi quan hệ họ hàng mới cũ rối rắm. Đó là những nỗi lo có thật. Tuy nhiên, chị quên rằng đối với người đã một lần tan vỡ, người ta đã có thừa kinh nghiệm, thừa bản lĩnh và quan trọng nhất là thừa sự trân trọng, sự nâng niu đối với một cuộc hôn nhân mới. Những nỗi lo có thật ở trên vẫn có thể giải quyết được, nếu hai người trong cuộc thật lòng muốn gắn bó với nhau.
Như tôi và vợ sắp cưới, trước khi quyết định đến với nhau, cả hai có một buổi nói chuyện thật thẳng thắn. Tôi nói rõ cho nàng biết rằng nếu lấy tôi, nàng sẽ phải chịu một gánh nặng, một sức ép nhất định. Nàng phải hiểu rõ rằng nàng đang xài đồ "second hand", rằng nàng phải chấp nhận tôi thỉnh thoảng gặp lại vợ cũ trong những buổi họp lớp hay sinh nhật - đám cưới bạn học cũ, rằng tôi vẫn còn rất thân thiết với ông anh vợ cũ, thỉnh thoảng vẫn sang nhà thăm hỏi ba má vợ cũ... Rút kinh nghiệm tập 1, tôi cũng nói cho nàng biết rằng tôi rất ghét khi vợ lục lọi những thứ riêng tư (bóp, điện thoại, sổ tay...), rất ghét những lời cằn nhằn cử nhử dài lê thê... Và ngược lại, nàng cũng nói hết những điều nàng không thích trong khi sống chung. Từ đó, chúng tôi đặt ra một quy định để cả hai cùng tôn trọng, để có thể sống lâu dài với nhau.
Tôi không dám chắc "tập 2" của mình sẽ "trăm năm hạnh phúc", nhưng tôi quả quyết mình đã làm đúng khi đi bước nữa. Tôi không dám áp đặt ý nghĩ của mình cho chị Hoàng Anh chỉ khuyên chị rằng một lần đổ vỡ chưa chắc là cả đời bất hạnh rằng nếu có đủ sự chân thành và kiên trì đến từ hai phía, hạnh phúc vẫn có thể mỉm cười với chị. "Tập 2" - cũng đáng để thử một lần lắm chứ!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Vô sinh, đừng quá bi quan Đừng bao giờ nghĩ rằng mình vô sinh là mình hết đường sống, còn nhiều cơ hội với bản thân mình! Nói cho cùng, không gì hạnh phúc bằng việc có một mái ấm gia đình, có tiếng cười trẻ thơ. Mà đứa con đó là do mình đứt ruột sinh ra thì còn hạnh phúc hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó...