Buồn chỉ vì chồng chỉ ‘muốn’ 3 lần/tháng
Em 24 tuổi, chồng em 45 tuổi. Mỗi tháng anh ấy chỉ “muốn” có ba lần trong khi em thì lúc nào cũng sẵn sàng.
ảnh minh họa
Em than, anh bảo: vừa “đánh” vừa “dưỡng” mới lâu bền. Em hỏi mấy người bạn, ai cũng bảo: ông ấy thế là “yếu sinh lý” rồi. Liệu chồng em có bị bệnh gì không? Có thể cho anh ấy uống thuốc gì?
Yếu sinh lý là cụm từ dễ gây “mất đoàn kết nội bộ” nhưng nó đã trở nên thông dụng trong cộng đồng, dù cụm từ này xét về mặt y học thì không chính xác. Ai cũng hiểu nó muốn ám chỉ đàn ông ít ham muốn gần gũi vợ, còn không làm gì được hoặc đôi lúc “gật gù” thì ngày xưa chúng ta dùng từ “liệt”, khiến các anh ấy mặc cảm. Vì thế, các nhà tình dục học đã thống nhất dùng cụm từ “rối loạn cương dương”.
Vợ chồng bạn có khoảng cách đến 21 tuổi, có thể gọi là hai thế hệ nên xảy ra hiện tượng lệch pha trên giường là phải. Trong khi bạn đang ở thời kỳ sung mãn, tràn trề sinh lực, có thể tham chiến mỗi ngày thì chồng của bạn đã tứ tuần, tóc bắt đầu lốm đốm sương khuya.
Nếu áp dụng hệ số 9 thì 4 x 9 = 36, tức là sáu tuần anh ấy chỉ nên sinh hoạt ba lần (hai tuần một lần). Tính toán như vậy bạn sẽ mừng là chồng bạn đã “tăng năng suất” làm việc tới 50% rồi. Chồng của mấy cô bạn bạn có thể ngang tuổi họ nên khác.
Nếu các anh ấy ở độ tuổi dưới 30 thì 2 x 9 = 18 tức là trong một tuần họ có thể “ra quân” đến tám lần. Mang người dưới 30 tuổi so sánh với người trên 40 thì quả là khập khễnh và không công bằng. Khi bạn chấp nhận lấy chồng hơn mình nhiều tuổi để có chỗ dựa về tài chính, để được anh chỉ bảo về kinh nghiệm sống… là những thứ mà bạn ngưỡng mộ thì bạn cũng nên hiểu, tuổi tác sẽ tạo ra sự chệch lệch về “chuyện ấy”. Chồng của bạn đã nói vừa “đánh” vừa “dưỡng” mới lâu bền chứng tỏ anh là người hiểu biết, chiều vợ nhưng có chừng mực chứ không đến mức ăn vội, nuốt chửng để rồi một ngày đẹp trời cơ quan chuyên biệt sụm luôn thì bạn còn buồn hơn.
Bạn hỏi “chồng em có bị bệnh gì không?” – sự phân vân này cũng có lý do. Theo các nhà tình dục học, đàn ông trên 40 tuổi nếu sức khỏe giảm, mau mệt, khối cơ giảm, bụng to ra, tóc rụng, tóc bạc, giảm ham muốn tình dục (ít đòi hỏi) và rối loạn cương (lúc “lên” lúc không) thì được xếp vào hàng “mãn dục nam”.
Mãn dục nam là đề cập đến tình trạng tế bào sản xuất ra hormone nam tính testosteron (tế bào Leydig) ở tinh hoàn bắt đầu làm việc kém song song với sự lão hóa toàn thân. Cụm từ này còn quá mới đối với đàn ông, thỉnh thoảng chúng ta nghe “mãn kinh nam” bây giờ có thể thay bằng “mãn dục nam”. Khác với phụ nữ, mãn dục nam không có nghĩa là tắt ngúm mà chỉ là tình trạng giảm ham muốn, cần tác động, khôi phục đúng để nâng cao chất lượng sống cho đàn ông.
Nhưng làm thế nào? Quý ông nào cẩn thận thì nên đến bệnh viện xin xét nghiệm testosteron, nếu nó giảm, cần gặp một bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được hướng dẫn điều trị. Đàn ông hay sĩ diện nên ít gặp bác sĩ, thường lén vợ đi tìm mua thuốc uống (công khai sợ bị bà xã cho là “yếu” thì quê độ lắm).
Tuy nhiên, đôi khi nghe chữ “yếu” người bán thuốc bèn bán loại chữa rối loạn cương chứ không nhằm trúng nguyên nhân của bệnh. Có một loại mà quý anh cảm thấy “yếu” dùng được lại vô hại là sản phẩm từ cây bá bệnh (Eurycoma Longgifolia). Cây này mọc ở Malaysia, Lào, Campuchia, miền Trung và vùng Quảng Ninh nước ta. Bà con mình thường dùng chữa rôm sảy, mụn nhọt, vừa tắm vừa nấu nước uống. Ít người biết rằng nó có khả năng kích thích tế bào Leydig sản xuất testosteron.
Tuy nhiên, với chồng bạn, nếu vẫn còn phong độ ở mức ba lần một tháng mà chưa có những dấu hiệu của lão hóa thì vẫn được xem là bình thường.
Theo VNE