Buôn bán pháo nổ: Trên đình chỉ, dưới bảo không oan
Theo quyết định giám đốc thẩm, thời điểm hai ông buôn bán pháo nổ (ngày 19-11-2015) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Điện (51 tuổi, trú huyện Giao Thủy, Nam Định) và Đinh Trọng Khang (55 tuổi, trú huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết đang trong quá trình yêu cầu TAND tỉnh Nam Định xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại vì đã kết án oan đối với mình.
Lên mạng tìm hiểu, biết mình bị oan
Vụ việc bắt đầu từ ngày 19-11-2015, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang ông Khang điều khiển xe máy chở theo 25,289 kg pháo nổ. Tại cơ quan điều tra, ông Khang khai nhận số pháo này mua của ông Điện. Sau đó cả hai bị khởi tố, truy tố về tội buôn bán hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS 1999.
Ngày 27-1-2016, tại bản án sơ thẩm số 07/2016 (gọi tắt là bản án số 07), TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt hai ông Điện và Khang cùng mức án 12 tháng tù và phạt bổ sung 3 triệu đồng. Đến tháng 11-2016 thì cả hai ông chấp hành xong hình phạt trên.
Sau khi ra tù, ông Điện thường xuyên lên mạng Internet đọc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thời điểm này, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014, trong đó có quy định kinh doanh pháo nổ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Kiểm tra lại Luật Đầu tư 2014, ông Điện bất ngờ phát hiện thời điểm ông bị bắt thì hành vi kinh doanh pháo nổ được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là hành vi cấm đầu tư như luật sửa đổi. Tức là thời điểm ông bị bắt thì người buôn bán pháo nổ sẽ không bị xử lý hình sự và chỉ bị xử phạt hành chính.
Sau khi bàn bạc và thống nhất với ông Khang, hai ông quyết định đến TAND tỉnh Nam Định để kêu oan. Nhưng sau một số lần trực tiếp tới trụ sở TAND tỉnh để yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan bằng miệng, hai ông đều bị từ chối. Không bỏ cuộc, hai ông tiếp tục đi dò hỏi, tham khảo ý kiến các luật sư để tiếp tục việc kêu oan.
Ông Vũ Văn Điện (trái) và ông Đinh Trọng Khang trình bày về vụ án oan hy hữu của mình. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hủy án, tuyên 2 ông không phạm tội
Một diễn biến khác mà hai ông cũng không ngờ tới, đó là vào tháng 11-2017, chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định kháng nghị bản án số 07 của TAND tỉnh Nam Định. Chánh án đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm vụ án theo hướng tuyên hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Ngày 12-3-2018, tại quyết định giám đốc thẩm số 59/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án số 07 của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông Điện, Khang không phạm tội buôn bán hàng cấm và đình chỉ vụ án.
Video đang HOT
Theo quyết định giám đốc thẩm, tại Phụ lục 4 kèm theo Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) quy định kinh doanh các loại pháo nổ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định kinh doanh pháo nổ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vì thế kể từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2017, không xác định pháo nổ là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa quy định tại Điều 155 BLHS 1999.
Do chính sách pháp luật thay đổi, vì vậy hành vi buôn bán 25,289 kg pháo nổ của ông Điện và ông Khang vào ngày 19-11-2015 không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải được xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ đó quyết định giám đốc thẩm cũng chuyển vụ việc cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính để xử phạt theo thẩm quyền với hai ông.
Nhận được quyết định giám đốc thẩm, hai ông mừng khôn xiết và chính thức mời luật sư soạn thảo các văn bản yêu cầu TAND tỉnh Nam Định bồi thường oan. Tuy nhiên, thêm một lần nữa TAND tỉnh này từ chối vì cho rằng trường hợp của hai ông không phải oan, sai.
Không chấp nhận, ông Điện và ông Khang quyết định khởi kiện TAND tỉnh Nam Định ra TAND TP Nam Định. Thế nhưng TAND TP Nam Định đã trả lại đơn khởi kiện vì cho rằng hai ông không bị oan, cũng không cung cấp được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, hai ông cho biết kể từ khi có quyết định của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội tới nay, cơ quan chức năng tỉnh cũng chưa tiến hành xử phạt hành chính như bản án đã yêu cầu.
TAND tỉnh Nam Định nói gì về việc từ chối bồi thường oan cho ông Điện, ông Khang và lãnh đạo TAND Tối cao nói gì về vụ án này, Pháp Luật TP.HCM sẽ phản ánh trong số báo tới.
Tố cáo thẩm phán chủ tọa phiên xử sơ thẩm
Cùng với yêu cầu bồi thường, ông Điện và ông Khang còn làm đơn tố cáo đối với thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vào ngày 27-1-2016. Hai ông cho rằng quyết định của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã khẳng định rõ là hai ông không phạm tội. Việc TAND tỉnh kết án 12 tháng tù khiến các ông phải ngồi tù oan ức.
“Khi được phân công xét xử thì thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết. Vậy thời điểm xét xử vụ án, thẩm phán với vai trò chủ tọa phiên tòa có nắm được quy định của Luật Đầu tư năm 2014 rằng kinh doanh pháo nổ không thuộc các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay không?” – đơn viết.
Hai ông cũng cho biết vì phải chịu bản án oan mà cuộc sống gia đình đảo lộn. Thời điểm ông Điện bị bắt, vợ đang mổ tim, mọi hoạt động kinh doanh đều bị chững lại, con cái phải tự xoay sở sinh hoạt. Còn ông Khang, cũng vì vụ án mà vợ bị trầm cảm, cha ông thì mất đúng vào thời điểm ông đang phải thụ án. “Không gì có thể đánh đổi với những ngày tháng chúng tôi phải ngồi tù, chúng tôi yêu cầu xin lỗi và bồi thường để lấy lại danh dự, còn chuyện tiền bạc có lẽ bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại được” – ông Điện nói.
TUYẾN PHAN
Theo PLO
Pháo nổ nhập lậu rộ... giữa hè
Nhiều đối tượng khi bị bắt đã khai nhận mua pháo nổ "găm" để bán dịp tết Trung thu và cuối năm. Tình trạng này trái với diễn biến các năm trước, khi mà từ nay đến tết Trung thu và tết Nguyên đán Canh Tý 2020 còn khá xa.
Đối tượng Lê Văn Khoái (cầm giấy trắng) cùng tang vật 205 kg pháo nổ bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Lạng Sơn cung cấp.
Những ngày gần đây, tại một số địa phương như Lạng Sơn, Nghệ An.., các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo trái phép. Lượng pháo lậu, vận chuyển trái phép được lực lượng chức năng bắt giữ đến thời điểm hiện tại lên đến hàng tấn đang khiến cho công tác xử lý của lực lượng chức năng "nóng" lên từng ngày.
Chỉ trong tháng 5, lực lượng Hải quan, Công an Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo ở khu vực biên giới với số lượng lên tới trên 416 kg pháo nổ.
Điển hình, ngày 8/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn đang làm nhiệm vụ tại thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn phát hiện xe ô tô taxi đang di chuyển hướng từ trung tâm TP ra đường Quốc lộ 1A có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tiến hành dừng xe kiểm tra phát hiện bên trong khoang ghế và dưới sàn xe sau ghế lái có 11 bao tải dứa và 1 thùng bìa cát tông chứa pháo nổ các loại gồm pháo dàn, pháo băng và pháo có dạng hình tròn, tổng trọng lượng 205 kg. Qua điều tra lực lượng Công an xác định, toàn bộ số pháo trên do đối tượng Lê Văn Khoái 1996, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Làm việc với Công an, Khoái khai anh ta mua từ Trung Quốc với giá gần 8 triệu đồng với mục đích vận chuyển về quê tiêu thụ.
Ngày 10/5, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực Barie số 2, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, thuộc khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị phát hiện trong ca bin và cốp xe ô tô tải BKS 98C-12.331, do lái xe Nguyễn Minh Tuấn, sinh năm 1990, trú tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang điều khiển có dấu hiệu chở hàng lậu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại ca bin và cốp xe có cất giấu 114 giàn pháo (loại 36 lỗ/giàn), được đựng trong 19 túi nilon màu đen, với tổng trọng lượng lên tới 156 kg.
Tại trụ sở cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Minh Tuấn khai nhận, trước đó, khi lái xe chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đối tượng đã mua số pháo nổ trên với giá 10 triệu đồng với mục đích mang về Việt Nam để sử dụng và bán kiếm lời.
Đối tượng Nguyễn Minh Tuấn cùng tang vật 156 kg pháo nổ bị Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Quang Huy (Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị).
Mới đây nhất, ngày 29/5, khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Công an huyện Cao Lộc phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị và Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị phát hiện xe ô tô BKS 34C.056.73 đang di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam vận chuyển hàng cấm. Kiểm tra xe ô tô trên, lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm 2 túi ni lông bên trong chứa 2 giàn pháo nổ và 6 giàn pháo hoa (loại 36 quả/ giàn), tổng trọng lượng 9,5 kg.
Lái xe là Bùi Kim Thêm, sinh năm 1982, trú tại khu 8, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khai nhận đã nhờ một người đàn ông bên Trung Quốc mua số pháo trên với giá 680.000 đồng, sau đó giấu cùng các loại hàng hóa khác trong cabin để tránh lực lượng chức năng phát hiện.
Trước đó, qua một thời gian theo dõi đường dây mua bán trái phép pháo nổ từ tỉnh Lạng Sơn về Nghệ An tiêu thụ, khoảng 1 giờ sáng ngày 23/5, tại địa bàn xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Ban chuyên án của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Nghệ An) bắt quả tang 2 đối tượng đang có hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ trên xe tải mang BKS 29C-99.367.
Ban chuyên án đã tiến hành di lý các đối tượng về trụ sở, thu giữ 520 kg pháo nổ trong đó bao gồm pháo ông sư và pháo kết tràng, tạm giữ xe ô tô tải các đối tượng dùng để vận chuyển. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận là Hoàng Văn Hùng, sinh năm 1986, trú tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu và Phan Văn Yên, sinh năm 1972, trú tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối tượng Hùng khai nhận là người đứng ra tìm mối mua pháo cho các đối tượng miền Bắc, còn đối tượng Yên là người nhận vận chuyển số hàng trên từ sân bay Nội Bài về đến TP Vinh với tiền công là 12 triệu đồng.
Đánh giá từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 5 tới nay, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo lậu qua biên giới đang có dấu hiệu "nóng" lên, với số lượng lớn. Pháo lậu được các đối tượng cất giấu tinh vi dưới hầm xe ô tô, thậm chí giấu trong các bao tải chứa hàng hóa trên xe khách rồi đưa qua biên giới để về nội địa. Đặc biệt, một số lượng lớn pháo được chuyển lậu qua biên giới chủ yếu do "đội quân" cửu vạn mang, vác, cõng qua đường mòn, lối mở biên giới, các điểm nóng hai bên cánh gà cửa khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm nay, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo nổ tại các địa phương diễn ra sớm hơn năm ngoái và hoạt động này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, khối lượng pháo lậu trong mỗi vụ do đối tượng buôn lậu tổ chức "đánh hàng" từ bên kia biên giới tuồn vào Việt Nam ngày càng lớn, bất chấp các quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lâu nay pháo nổ được bán công khai trên thị trường Trung Quốc với giá rất rẻ: 1 bánh pháo cối, dài 10 m có giá khoảng 800.000 đồng (tiền Việt Nam), nhưng vận chuyển trót lọt về Việt Nam bán, sẽ được khoảng 5 đến 7 triệu đồng. Nếu vận chuyển thuê 1 thùng pháo từ 20 đến 25 kg qua biên giới, tiền công cũng được 500.000 đồng. Chính vì khoản lợi nhuận cao khiến cho các đối tượng không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để vận chuyển pháo nổ qua biên giới. Khi bị bắt giữ, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ hàng hóa để tháo chạy, khiến cho lực lượng chức năng rất khó xác định chính xác chủ hàng.
Thực tế, tuyến biên giới Lạng Sơn nhiều năm nay luôn là điểm nóng của pháo lậu, nhất là dịp Trung thu, tết Nguyên đán. Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị thường xuyên triển khai kế hoạch và hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới. Đặc biệt, triển khai lực lượng kiểm soát, giám sát chặt chẽ, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong đó có mặt hàng pháo các loại.
Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết thêm, để xử lý vấn đề này không phải chuyện đơn giản vì chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, lực lượng chức năng khi phát hiện, bắt giữ, dù biết chắc đó là pháo nổ nhưng theo nguyên tắc vẫn phải gửi mẫu đi giám định, rồi căn cứ vào số lượng để có biện pháp xử lý (phần lớn là xử phạt vi phạm hành chính).
Hải quan Hữu Nghị phối hợp bắt 49kg pháo
Sáng ngày 12/6, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 49 kg pháo nổ.
Vào khoảng 9 giờ ngày 12/6, khi đang làm nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, hành khách tại luồng nhập cảnh, Tổ công tác đã phát hiện và kiểm tra xe ô tô BKS 29C-96245 do Vũ Văn Tiến, sinh năm 1985, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang điều khiển đến làm thủ tục nhập cảnh có biểu hiện cất giấu hàng trái phép.
Tại đây, qua kiểm tra, Tổ công tác thu giữ 36 giàn pháo loại 36 lỗ/giàn.
Tại trụ sở cơ quan chức năng, lái xe Vũ Văn Tiến khai nhận chở thuê cho một người đàn ông không rõ tên tuổi với tiền công 3,8 triệu đồng.
Hiện toàn bộ người, tang vật, phương tiện đã được bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định.
Đảo Lê
Theo baohaiquan
Liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển pháo nổ các loại Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), vào khoảng 9 giờ ngày 12/6, khi đang làm nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, hành khách tại luồng nhập cảnh. Tổ công tác của Hải quan và Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 29C-96245 đến làm thủ tục...