Buổi trò chuyện thú vị của GS người Mỹ về ‘học cách học’ tại trường ĐH VinUni
GS Barbara Oakley người nổi tiếng thế giới với khóa học ‘Learning How to Learn’ – mới đây đã tới trường ĐH VinUni để chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả với hàng nghìn giảng viên, giáo viên và học sinh phổ thông ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh…
Tự thay đổi bộ não để biến môn học khó ưa thành niềm đam mê
GS Barbara Oakley (Đại học Oakland Michigan, Hoa Kỳ) kể thời trẻ bà là một cô gái ghét môn Toán, Khoa học, thậm chí coi chúng như “thuốc độc”.
“Tôi yêu động vật, thích đồ thủ công, ghét các con số. Tôi không hiểu được các nút bấm trên ti vi, thời đó lại chưa có điều khiển từ xa nên nếu không được anh chị em xử lý phần “kỹ thuật” thì tôi không xem được các chương trình trên ti vi”, GS Barbara tự họa chân dung mình thời trẻ.
Ghét Toán, Khoa học, cô gái Barbara trước đây phải chọn học Tiếng Nga để có thể vào đại học. Thế rồi, bà hiểu ra chỉ theo đuổi một đam mê thì không có nhiều lựa chọn. Mở rộng đam mê sẽ có nhiều cơ hội tuyệt vời và hoàn toàn có thể bắt đầu lại với những môn học từng chán ghét, nhưng với một phương pháp học mới: Làm chủ quá trình tự học.
Và bà đã thay đổi, trở thành một giáo sư xuất sắc ngành kỹ thuật, chuyên gia về các phương trình Toán và khái niệm khoa học phức tạp. Những thứ bà ghét thời trẻ trở thành niềm đam mê và thành công sau này của bà.
Buổi chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả của GS Barbara Oakley tại VinUni thu hút hàng nghìn giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh phổ thông ở nhiều tỉnh thành.
Cơ chế tập trung và cơ chế phân tán trong học tập
Từ kinh nghiệm của mình, GS Barbara cho rằng khi biến học tập thành quá trình chủ động tự học, người học sẽ dần dần có hứng thú.
GS Barbara đưa ra khái niệm “chế độ tập trung” và “chế độ phân tán” là hai cách hoạt động của não bộ. Chế độ tập trung là chú ý làm một việc giống như giải một bài toán, còn khi phân tán là lúc tâm trí thư giãn và tự do. Để học hiệu quả, mọi người cần biết chuyển đổi hợp lý giữa hai chế độ tập trung và phân tán.
“Hãy đạp xe, tập thể dục, làm gì đó khác hẳn với việc học trước đó. Nhưng không nên thư giãn theo cách chăm chú chơi game, nói chuyện trên mạng. Vì như thế bạn lại chuyển từ một sự tập trung này sang sự tập trung khác”, GS Barbara nói.
Video đang HOT
Nói về tình trạng học sinh Việt Nam bị ép học thêm quá nhiều, GS Barbara cho rằng cách “nhồi” kiến thức đó không hiệu quả. Và cho dù có cố đưa được vào đầu đứa trẻ một lượng kiến thức nào đó thì việc ép buộc cũng khiến trẻ mất khả năng sáng tạo, mở rộng tư duy.
Theo bà Barbara, phụ huynh nên đồng hành với con trong hành trình học tập theo cách nhẹ nhàng, bố trí khoa học xen kẽ các khoảng nghỉ, thư giãn giữa những giờ học tập trung cao. Và tuyệt đối không để trí não trẻ in sâu gương mặt cau có, cáu kỉnh của cha mẹ khi thúc giục con học tập.
GS Barbara đưa ra kỹ thuật hẹn giờ Pomodoro, để chuyển đổi giữa hai chế độ tập trung và phân tán. Theo đó, người học có thể để chuông báo sau khi kết thúc khoảng thời gian 25 phút. Trong thời gian này, người học tắt mọi thứ có thể làm mình xao nhãng. Sau quãng thời gian tập trung, sẽ có 5 phút giải lao tự thưởng cho mình khoảng thư giãn, tự do. Quy trình lặp lại vài lần thì có thể bố trí 30 phút nghỉ giải lao. Bà nhấn mạnh đây là thời gian phát huy sáng tạo khi trí não được tự do bay bổng.
Lan tỏa “học cách học” theo hướng mở của VinUni
Ngoài kỹ thuật học, GS Barbara bày tỏ quan điểm cần đa dạng hình thức dạy học cũng như phát huy năng lực tự học với các học sinh lớp lớn. Theo bà, chỉ những học sinh lớp nhỏ mới cần hình thức học tập trực tiếp 100%. Học sinh THPT có thể giảm thời gian đến trường và kết hợp hai hình thức: học trực tiếp và học từ xa ở nhà qua video.
Theo GS, nhiều quốc gia hiện trả lương từ ngân sách cho giáo viên rất thấp dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên không đồng đều. Nếu có thể tập trung ngân sách trả lương cao hơn cho một đội ngũ giáo viên tinh nhuệ để dạy trực tuyến, phủ sóng toàn quốc sẽ có nhiều ưu điểm. Đây không chỉ là tài nguyên dùng chung cho chính giáo viên mà học sinh dù ở đâu cũng có thể tiếp cận bài giảng chất lượng, từ đó tạo ra hiệu quả lan tỏa.
Giáo sư Barbara và Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Trường VinUni đồng quan điểm về việc lan tỏa tri thức rộng rãi và xây dựng cộng đồng học tập mở.
Cũng nói về sự lan tỏa trong giáo dục, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni cho biết VinUni mong muốn đóng vai trò là một đơn vị học tập nòng cốt, là một điểm đến kết nối trí tuệ thế giới đến Việt Nam và lan tỏa tri thức này tới cộng đồng học tập tại Việt nam.
Chính vì thế, buổi nói chuyện của GS Barbara được thực hiện với hình thức bài giảng đại chúng, trực tiếp và hoàn toàn miễn phí tới hàng ngàn học sinh, sinh viên của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Giáo sư nổi tiếng thế giới chia sẻ với HSSV Việt Nam về 'học cách học'
GS. Barbara Oakley - chuyên gia nổi tiếng thế giới về huấn luyện não bộ - đã chia sẻ trực tiếp trước hàng nghìn HSSV Việt Nam về 'học cách học'.
GS. Barbara Oakley với bài giảng "học cách học"tại VinUni.
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các bài giảng đại chúng do Trường ĐH VinUni tổ chức miễn phí. Không chỉ sinh viên trong trường mà bất kỳ học sinh, sinh viên, nhà giáo dục, phụ huynh,... nào quan tâm cũng có thể tham gia (trực tiếp hoặc trực tuyến).
Các bài giảng đại chúng này có chủ đề đa dạng, được dẫn dắt bởi những nhà giáo dục, chuyên gia, học giả nổi tiếng trên toàn cầu, với mục tiêu trở thành một "kênh học liệu mở", mang đến những thông tin, nội dung hữu ích, lan tỏa tri thức đến cộng đồng.
Bài giảng "học cách học" của GS. Barbara Oakley đề cập đến cách não bộ hoạt động và tiếp thu kiến thức; phương pháp giúp học sinh học nhanh, nhớ lâu, ứng dụng kiến thức sâu rộng với thời gian và công sức bỏ ra ít nhất có thể. Bài giảng rất hấp dẫn bởi các vấn đề hóc búa, phức tạp được GS. Barbara Oakley giải thích bằng những cách hết sức thú vị, đơn giản, sinh động.
Bài giảng thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, các nhà làm giáo dục tham gia.
Đặt câu hỏi "Bạn thường xuyên sử dụng kỹ thuật nào trong quá trình học tập?", GS. Barbara Oakley đưa ra 4 phương án trả lời: Đọc đi đọc lại; nhấn mạnh bằng bút dạ quang hoặc gạch chân; thực hành truy xuất (gợi nhớ) và tạo bản đồ khái niệm (mind-map).
Người ta tưởng rằng, việc tạo bản đồ khái niệm là cách tốt nhất, nhưng khi nghiên cứu, GS. Barbara Oakley cho biết thực hành gợi nhớ mới chính là cách tốt nhất, hữu hiệu nhất trong học tập. Việc thực hành đi thực hành lại giúp chúng ta gợi nhớ lại từ chính trí não của mình, giúp tăng cường các kết nối học tập, tạo ra một cách "học sâu", hiệu quả hơn nhiều. Do đó, giáo viên cần khích lệ quá trình thực hành, gợi nhớ từ trí não của học sinh; có thể bằng cách đặt nhiều câu hỏi để học sinh ôn lại bài bằng trí nhớ chứ không phải là mở sách ra xem.
Khẳng định vai trò quan trọng của việc học chủ động, GS. Barbara Oakley cho rằng, chúng ta chính là người "giáo viên" quan trọng của chính mình. Học từ một giáo viên giỏi và chủ động học tập với những gì mình có thể chủ động là bí quyết để chúng ta có thể học tập thành công.
Sinh viên nghe bài giảng "học cách học" được trình bày bởi GS. Barbara Oakley.
Trong quá trình học, GS. Barbara Oakley lưu ý đừng học "nhồi nhét", nghĩa là trì hoãn đến phút chót mới học. Các cơ cấu học tập tốt như những bức tường gạch vững chắc, chúng phải triển từng chút và trở nên vững chắc hơn theo thời gian. Ví dụ, nếu có 5 tiếng để học một vấn đề thì hãy chia nhỏ mỗi tiếng 1 ngày để học sẽ tốt hơn học dồn trong 5 tiếng 1 ngày. Chính giấc ngủ cung cấp "vữa" giúp bức tường kiến thức vững chắc hơn.
Việc chúng ta cố gắng quá mức đôi khi lại trở thành vấn đề. Cho biết điều này, theo GS. Barbara Oakley, đôi khi chúng ta cần mất tập trung để có thể suy nghĩ mạch lạc hơn. Các nhà thần kinh học khám phá ra não bộ hoạt động theo hai cách khác nhau: Chế độ tập trung và chế độ phân tán. Cả hai chế độ này đều quan trọng giúp chúng ta học tập. Cần thay đổi luân phiên hai chế độ này để học tập hiệu quả.
Chỉ dẫn sơ bộ là, nếu thấy bí sau ít nhất 10 đến 15 phút tập trung (có thể là 3-5 phút nếu còn nhỏ) thì có lẽ đó là lúc nên giải lao. Khi giải lao, cần chắn nó đủ lâu để tâm trí hoàn toàn không nghĩ tới dữ kiện nữa. Thời gian nghỉ giải lao bao lâu phụ thuộc vào bạn và khối lượng bài vở cần hoàn thành hôm đó. Khoảng thời gian phù hợp là 5 hoặc 10 phút.
Học sinh, sinh viên xin GS. Barbara Oakley chữ ký cho cuốn sách "Learning how to learn" trong đó GS. Barbara Oakley là một đồng tác giả.
Một vấn đề người học cũng thường gặp phải là trì hoãn. Để khắc phục điều này, GS. Barbara Oakley nhắc đến kỹ thuật Pomodoro - phương pháp giúp những người có tính trì hoãn của Francesco Cirillo. Kỹ thuật này hoạt động như sau:
Tắt mọi thứ gây xao nhãng, có thể là điện thoại, tivi, âm nhạc... - bất cứ thứ gì cản trở sự tập trung của bạn. Tìm một nơi yên tĩnh, không bị làm phiền để làm việc. Nếu có điều kiện, hãy cân nhắc mua một tai nghe chặn tiếng ồn... Đặt hẹn giờ mỗi 25 phút. Bắt tay tập trung cao nhất có thể vào nhiệm vụ. Sau 25 phút, hãy tự thưởng cho bản thân. Lưu ý, đừng đổi qua đổi lại giữa các nhiệm vụ khi thực hiện Pomodoro. Hãy chọn một nhiệm vụ và thực hiện cho đến khi chuông reo.
Trong bài giảng, nhiều nội dung khác được GS. Barbara Oakley chia sẻ giúp huấn luyện não bộ và phương pháp học tập hiệu quả hơn.
Với một não bộ thiên về tư duy ngôn ngữ và trí tưởng tượng, GS. Barbara Oakley chưa từng dám nghĩ rằng bản thân có thể học tốt, thậm chí những bài toán, hay khoa học cơ bản nhất.
Thế nhưng, bà đã tự huấn luyện để trở thành giáo sư kỹ thuật nổi tiếng tại ĐH Oakland, Michigan, Hoa Kỳ; từng đứng tại các giảng đường danh giá nhất thế giới như Harvard, Yale, Princeton hay công ty hàng đầu như Google, Bloomberg News để chia sẻ về phương pháp học tập, tư duy và phát triển bộ não một cách khoa học.
GS. Barbara Oakley cũng là chủ nhân Giải thưởng Chester F. Carlson của Hiệp hội Giáo dục Kỹ thuật Hoa Kỳ về những đổi mới trong giáo dục và Giải thưởng Học giả Thế kỷ mới của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Khóa học "Learning how to learn" của GS. Barbara Oakley hiện cũng là một trong những khóa học có đông người học nhất trên Coursera - một trong những nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới.
4 phương pháp học tập hiệu quả, giúp cải thiện điểm số của trẻ Phương pháp học tập đúng cách sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ. Trong cùng một lớp học, nội dung giảng dạy của giáo viên giống nhau nhưng một số học sinh đạt điểm số tốt, một số em lại có thành tích lẹt đẹt. Nguyên nhân của điều này liên quan rất lớn đến phương pháp học tập của các em. Thực...