Bước tiến từ Hội đồng tự quản
GD&TĐ – Một trong những điểm nhấn của Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN), là Hội đồng tự quản lớp. Đây được coi là biện pháp GD mới giúp HS được phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập. Đồng thời giúp các em có điều kiện rèn luyện phát triển kỹ năng mềm, kĩ năng lãnh đạo và kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Một trong những điểm nhấn của Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN), là Hội đồng tự quản lớp. Đây được coi là biện pháp GD mới giúp HS được phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập. Đồng thời giúp các em có điều kiện rèn luyện phát triển kỹ năng mềm, kĩ năng lãnh đạo và kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Những “lãnh đạo” nhí chuyên nghiệp
Video đang HOT
Là phụ huynh của em Và Bá Xa – HS lớp 3C Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An), anh Và Bá Chịa không giấu nổi niềm vui khi nhận thấy sự tiến bộ của con trai trong từng ngày.
Anh cho biết: “Thấy con bảo, ở lớp con được các bạn bầu làm Chủ tịch Hội đồng tự quản, tức là tham gia quản lý lớp gì đó nên tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện.Nhưng kể từ khi làm nhiệm vụ này, tôi thấy con tự tin hơn rất nhiều. Nói năng lưu loát, lễ phép, ở nhà chăm chỉ học bài và sẵn sàng giúp đỡ bố mẹ. Đôi khi tôi đi làm về mệt, có bày bừa một số thứ hoặc thi thoảng có sang nhà hàng xóm chơi mà quên cả giờ ăn cơm tối, ngay lập tức tôi được con nhắc nhở và đưa ra lời khuyên. Tôi rất vui và hãnh diện vì sự tiến bộ vượt bậc của con mình”.
Được trực tiếp tham dự một lớp học VNEN của Trường Tiểu học Trung Chải (Sapa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi vừa mới bước vào cửa lớp, Trưởng Ban đối ngoại Lý Tả Mẩy đã nhanh chóng đứng lên làm nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp và rất “ngọt”. Mẩy giới thiệu rành rọt về bản thân, về cô giáo và các bạn trong lớp. Cô Vù Thị Chung – giáo viên chủ nhiệm lớp 4 mà Mẩy đang học cho biết: Ở tất cả các lớp học VNEN, Trưởng Ban đối ngoại có nhiệm vụ giới thiệu với khách khi đến thăm quan lớp về lớp học của mình. Đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong lớp, HS với giáo viên, lớp học với gia đình và làm công việc ngoại giao…
Song điều quan trọng là tham gia công việc này, các em đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều và phát triển được nhiều kỹ năng mềm. Nhất là đối với HS dân tộc, thì điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cô Chung cho hay, ngày trước Mẩy cũng là một HS nhút nhát, mỗi khi có khách lạ đến thăm lớp, em rất kiệm lời và gần như không giao tiếp với người lạ.
Thế nhưng từ khi tham gia vào Hội đồng tự quản mà trực tiếp là Trưởng Ban đối ngoại của lớp thì em đã có tiến bộ vượt bậc. “Để tất cả các thành viên trong lớp đều được trải nghiệm làm thành viên của Hội đồng tự quản, tôi tiến hành tổ chức cho HS luân chuyển nhiệm vụ đến từng thành viên trong lớp, kể cả Chủ tịch Hội đồng tự quản. Mục đích là tạo cơ hội bình đẳng cho các em được trải nghiệm và cùng nhau phát triển toàn diện” – cô Chung trao đổi.
VNEN dệt “áo mới” cho GD dân tộc
Có thể nói, VNEN đã dệt lên những “chiếc áo mới” cho các trường vùng dân tộc, mà ở đó điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học.
Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản HS”, các “ban” trong lớp, do HS tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “Hội đồng tự quản HS”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh, sự tích cực, trách nhiệm của HS.
Theo thầy Hoàng Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Chải, ở các lớp học VNEN HS phát triển về nhiều mặt, trong đó nổi trội là kỹ năng sống. “Trước đây, HS dân tộc đối thoại với thầy hiệu trưởng là chuyện không tưởng.Nhưng bây giờ thì đó lại là chuyện thường ngày. Không chỉ là các thành viên trong Hội đồng tự quản, mà các bạn trong lớp cũng sẵn sàng trao đổi, phản ánh và đề xuất nguyện vọng của mình với lãnh đạo nhà trường. Nào là chuyện đề nghị cho lớp, nào là theo em nhà trường nên thay đổi thế này, thay đổi thế kia hoặc giá mà thầy làm thế này, thế kia thì sẽ rất tốt… Tất cả những điều đó có được là nhờ VNEN mang lại” – thầy Cương cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thơm – Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai) nhận xét: Không chỉ phát triển các kỹ năng mềm, khi tham gia vào Hội đồng tự quản các em cũng có động lực để học tập. Bởi khi các em đang tham gia vào việc quản lý và điều hành lớp nếu học lực không tốt bằng các bạn thì sẽ không hay cho lắm. Mà Hội đồng tự quản và các nhóm trưởng được các lớp luân chuyển thường xuyên nên em nào em nấy đều cố gắng, nỗ lực trong học tập và có những tiến bộ rõ rệt.
“Với cách làm này đã tạo khí thế thi đua học tập sôi nổi ngay trong từng lớp học, giữa các lớp trong cùng một khối và giữa các khối lớp với nhau. Từ đó cũng tác động đến nhận thức của giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và không ngừng sáng tạo trong mỗi tiết học” – cô Thơm chia sẻ.
Theo GD&TĐ