Buộc thôi học 7 thí sinh trường Quân đội sau khi chấm thẩm định
Bộ Quốc phòng nhất trí với đề nghị của các học viện, trường sỹ quan buộc thôi học, trả về địa phương 7 thí sinh bị giảm điểm sau khi chấm thẩm định có tổng điểm thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển.
7 thí sinh thuộc các Học viện, Trường sỹ quan Quân đội bị buộc thôi học do liên quan đến gian lận điểm thi. (Nguồn: TTXVN)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sáng 25/4, các học viện, trường sỹ quan trong Quân đội công bố quyết định và buộc thôi học, bàn giao 7 thí sinh về Ban Chỉ huy Quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi phát lệnh gọi thí sinh nhập ngũ, do bị giảm điểm sau khi chấm thẩm định.
Nhận được thông tin về các thí sinh có sự thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định, Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các học viện, trường sỹ quan trong Quân đội phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La tổ chức kiểm tra, rà soát danh sách thí sinh trúng tuyển.
Kết quả rà soát phát hiện 11 thí sinh nằm trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào các học viện, trường sỹ quan trong Quân đội có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định (7 thí sinh dự thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, 4 thí sinh dự thi tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La); trong đó, 2 thí sinh không đến nhập học (Học viện Hậu cần 1 thí sinh, Trường sỹ quan Phòng hóa 1 thí sinh); 1 thí sinh đến nhập học tại Trường sỹ quan Lục quân 1 nhưng do thí sinh vi phạm quy định sơ tuyển, Bộ Quốc phòng đã buộc thôi học, trả về địa phương từ tháng 10/2018.
Bộ Quốc phòng nhất trí với đề nghị của các học viện, trường sỹ quan buộc thôi học, trả về địa phương đối với 7 thí sinh bị giảm điểm sau khi chấm thẩm định có tổng điểm thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển.
Cụ thể, Học viện Kỹ thuật Quân sự: 3 thí sinh, Học viện Hậu cần: 2 thí sinh, Trường sỹ quan Chính trị: 1 thí sinh, Trường sỹ quan Không quân: 1 thí sinh.
Bộ Quốc phòng cho phép 1 thí sinh được tiếp tục học tập tại Học viện Khoa học Quân sự, vì lý do môn Văn giảm điểm từ 7,75 xuống 5,75; các môn thi khác không thay đổi kết quả; sau khi c hấm thẩm định thí sinh vẫn đủ điều kiện tốt nghiệp Trung học phổ thông và đủ điểm trúng tuyển.
Video đang HOT
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có văn bản gửi Học viện Khoa học Quân sự: Kết quả điều tra cho đến nay chưa có căn cứ xác định sai phạm của thí sinh này. Trong thời gian tới, nếu Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện thí sinh có vi phạm quy chế thi, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục xử lý theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định tuyển sinh quân sự của Bộ Quốc phòng./.
Hồng Pha
Theo TTXVN/Vietnam
Gian lận thi cử: Làm rõ và trừng trị các phụ huynh "mua" điểm
222 thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia đã bị "trả về địa phương" sau khi điểm thật được phanh phui với chênh lệch "trên trời-dưới đất". Dư luận cho rằng chỉ buộc thội học với các sinh viên đó là chưa đủ, mà cần làm rõ hành vi sai phạm của các bậc phụ huynh...
Niềm tin vụn vỡ
Những ngày qua, chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội và cả ở đời thực đều xoay quanh việc gian lận điểm thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Có lẽ trong hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa công khai đoạn clip ghi lại cảnh tiêu cực trong kỳ thi THPT năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), thì vấn nạn gian lận thi cử lại mới "nóng" trong xã hội tới như vậy.
Ngoại trừ 114 thí sinh được nâng điểm tại Hà Giang đã được đưa về điểm gốc trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, thì có tới 64 thí sinh tới từ Hòa Bình, 44 thí sinh đến từ Sơn La đã nhập học vào các trường đại học trên cả nước. Dư luận bức xúc cho rằng "108" chỗ ngồi mà các sinh viên gian lận điểm đã chiếm chính là tương lai của 108 em học sinh khác, học thật và thi thật mà không trúng tuyển.
Việc xử lý nghiêm các cán bộ, phụ huynh liên quan gian lận điểm thi sẽ tạo niềm tin về sự trung thực, công bằng cho kỳ thi THPT quốc gia (ảnh minh họa). Ảnh: V.P
Em M.H (Sơn La) tâm sự, em đã thở phào nhẹ nhõm khi điểm thi ĐH của mình chỉ "tầm tầm bậc trung". Vì không chỉ các thủ khoa đến từ các tỉnh bị phanh phui gian lận điểm thi năm 2018 bị nghi ngại mà các thủ khoa từ năm 2016, 2017 đều bị bạn bè "đặt dấu hỏi". Niềm tin của xã hội vào hai từ "thủ khoa" - vốn trân trọng, ngưỡng mộ, bỗng chốc vụ vỡ.
Được biết, cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm thi THPT 2018 vừa qua tại Sơn La có nhiều người đứng trong hàng ngũ cán bộ cấp cao của tỉnh, thành phố, thậm chí, có cả Phó Giám đốc Sở GDĐT, Chánh thanh tra Sở GDĐT Sơn La.
Hiện tại, đã có nhiều cán bộ trong ngành công an, giáo dục bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra về vụ bê bối sửa điểm thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, dư luận cũng bức xúc cho rằng những phụ huynh đã chạy điểm cho con đều phải được điều tra, nếu có sai phạm phải được xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin cho nhiều bậc phụ huynh và các học sinh khác.
"Ngoài xử lý theo các quy định của pháp luật, phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, bêu gương trước xã hội. Nếu điều tra, xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật".
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Phụ huynh không thể vô can
"Không ai tự ý đi nâng điểm không công cho các thí sinh này cả!". Đó là nhận định của TS Lê Viết Khuyến ở Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam). TS Khuyến cho rằng để làm rõ việc liên đới của các phụ huynh có con em được nâng điểm không hề khó: "Việc phụ huynh tác động bằng vật chất hay quyền lực để con được nâng điểm trong kỳ thi THPT 2018 có thể được xác định qua tin nhắn hay các cuộc nói chuyện điện thoại. Cơ quan chức năng có thể xác định việc này thông qua việc kiểm tra liên lạc số thuê bao của các cá nhân đã bị khởi tố, bắt giữ có liên quan gian lận điểm thi".
Theo TS Khuyến, việc tác động về mặt điểm số để nâng điểm dù là 1 điểm hay 20 điểm đều cần được xử lý theo đúng quy định, không có chuyện nâng ít thì xử lý nhẹ, nâng nhiều thì xử lý nặng. "Ngoài ra, tôi chưa thấy được rõ vai trò của người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi. Nhiều năm nay việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Nhà nước giao cho địa phương. Vì vậy để xảy ra gian lận thi cử, người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm" - TS Khuyến chia sẻ.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ vụ việc gian lận điểm thi đến cùng. Có hay không việc phụ huynh hối lộ, đã có dấu hiệu vi phạm thì cần công bố rõ danh tính và xử lý sai phạm để lấy lại niềm tin của xã hội. Việc giấu diếm danh tính phụ huynh có con được nâng điểm là hành vi nguy hiểm, bởi nó sẽ làm cho người dân mất đi niềm tin.
"Nếu đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng mà mức độ xử lý trước pháp luật không sòng phẳng, không tương ứng với hành vi vi phạm sẽ tạo ra sự gian dối mang tính dây chuyền. Gian lận khi thi, gian lận khi học ĐH và gian lận khi đi làm, hậu quả là tạo ra những "mẻ sản phẩm" gian dối vì quyền lực và tiền bạc. Tôi đề nghị xử lý các phụ huynh vì xét về bản chất sự việc thì đó là hành vi cố tình và chủ động hối lộ, thậm chí là lừa đảo" - thầy Hiếu nhấn mạnh.
Thày Hiếu cũng cho rằng, năm 2018 không phải là lần đầu tiên việc gian lận thi cử THPT quốc gia diễn ra. Năm 2017, Kỳ thi THPT quốc gia có hiện tượng "mưa điểm 10" do đề thi có độ khó thấp nên các thí sinh gian lận không "nổi lên" mà thôi. Năm 2018, đề thi được điều chỉnh khiến cho nhiều bài thi có điểm cao vượt trội bị lộ ra.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khẳng định, hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng và phải trừng trị đích đáng. Ông Vân cho rằng hai nhóm người hối lộ và nhận hối lộ để có hành vi gian lận điểm thi cần phải bị trừng trị bằng pháp luật để răn đe, ngăn chặn những hậu quả sau này.
222 thí sinh bị nghi ngờ liên quan gian lận điểm
114 thí sinh Hà Giang bị trả về điểm gốc trước khi xét tuyển đại học
64 thí sinh Hòa Bình bị trả về điểm gốc
44 thí sinh bị xử lý, 20 chưa xác định
44 thí sinh Sơn La bị trả về điểm gốc
27 thí sinh bị xử lý, 17 chưa xác định
Theo Dân Việt
Gian lận thi cử: Xử lý thế nào cho thỏa đáng? Nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia đang được đặt ra với cái nhìn nhiều chiều để tìm ra nguồn gốc của sự việc. Người chạy điểm, người nhận hối lộ và người trực tiếp nâng điểm cho thí sinh... đều phải được công khai xử lý một cách nghiêm minh và triệt để. Tổ công tác tiến hành rà soát công...