Bước qua hủ tục
Là người Rơ Măm đầu tiên trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021 – 2026, anh A Thái, Trưởng thôn Le (xã Mô Rai, H.Sa Thầy), luôn canh cánh việc giúp dân thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục.
Trời biên ải nắng như nung, những ngọn gió như thổi ra từ lò lửa, phả vào mặt người bỏng rát. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi muốn ghé thăm A Thái (28 tuổi) ở Mô Rai, xã biên giới nằm ở phía tây nam của tỉnh Kon Tum. Anh là một trong những người đầu tiên của dân tộc Rơ Măm có trình độ đại học, đồng thời cũng là người đầu tiên của dân tộc mình trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum.
Người trưởng thôn trẻ nói được, làm được để dân tin và làm theo – ĐỨC NHẬT
Nhân tố của làng
Nhiều năm trước, Mô Rai được mệnh danh là “ốc đảo” vì giao thông chia cắt. Từ xã đến trung tâm huyện chỉ khoảng 60 km nhưng phải đi gần 4 – 5 tiếng đồng hồ đường rừng. Vì giao thông cách trở, đời sống của người dân ở xã vẫn quanh quẩn với đói nghèo, lạc hậu. Vài năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương, Mô Rai đã có nhiều đổi thay nhất định. Song vì nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cuộc sống của người dân vẫn chưa thực sự sung túc.
Trong căn nhà khang trang nhất làng, A Thái đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng nhiệt. Anh bảo ngày trước người Rơ Măm còn lạc hậu, cả cộng đồng hơn 600 người nhưng rất ít người biết chữ. Con cái đi học thường bỏ giữa chừng về làm rẫy, rồi lập gia đình. Thiếu chữ, sinh con nhiều nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.
Ngay từ khi còn nhỏ, A Thái đã nhận thức được tầm quan trọng của con chữ nên anh luôn cố gắng học tập thật tốt. Thương con, bố mẹ anh dù còn khó khăn, nhưng luôn động viên A Thái đi học để sau này có điều kiện xây dựng cuộc sống, tương lai rộng mở hơn.
Suốt 12 năm ròng rã, A Thái miệt mài theo đuổi con chữ, không ngại đường xa, mưa nắng đạp xe về trung tâm H.Sa Thầy học tập. Tốt nghiệp THPT, A Thái thi đậu vào Trường cao đẳng Tài chính ngân hàng. Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện tiếp tục theo học, anh đành tạm gác lại giấc mơ con chữ.
Sau khi xếp bút nghiên, anh tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Ở môi trường quân đội, A Thái luôn cố gắng học hỏi, rèn luyện, phát huy các thế mạnh của bản thân, phấn đấu trở thành một chiến sĩ tốt. Năm 2013, A Thái vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một năm sau, anh đã trở thành Trung đội phó kiêm Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội trinh sát, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum.
Video đang HOT
Đầu năm 2015, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, A Thái xuất ngũ. Trở về địa phương, vừa là đảng viên, vừa là quân nhân xuất ngũ, anh được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn khi mới 24 tuổi.
A Thái trong vườn cây cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Chống lại ý Yàng
Ngày mới làm trưởng thôn, một trong những điều khiến A Thái luôn trăn trở, đó là bà con nơi đây còn mang nặng các hủ tục và chính hủ tục ấy đã khiến bà con nghèo mãi. Hiểu được điều này, anh tìm cách tuyên truyền để bà con dần bước qua hủ tục. Anh kể, từ thời xa xưa, cha ông người Rơ Măm đã từng nuôi bò. Thế nhưng không hiểu vì sao đàn bò của họ cứ rủ nhau đổ bệnh rồi chết hàng loạt. Cũng bắt đầu từ đây, người Rơ Măm lập lời thề không bao giờ nuôi bò. Trong làng nếu ai nuôi bò thì cả làng sẽ bị Yàng (trời) phạt vạ. Từ đó người làng chỉ dám nuôi trâu.
Là con cháu của người Rơ Măm, A Thái đã nghe về cái lệ làng này nhưng anh chưa biết làm sao để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của dân làng. Có lần nhà nước hỗ trợ bò nhưng bà con không dám nhận về nuôi vì sợ làng phạt vạ. Không ít lần anh cùng chính quyền địa phương đến năn nỉ bà con nhận bò về nuôi, nhưng rồi lời cán bộ nói cứ như nước đổ lá khoai, chẳng ai trong làng chịu nhận bò cả.
Năm 2020, A Thái được vinh dự tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10, và được Ủy ban MTTQ VN trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước.
“Mình đến từng nhà vận động, bảo rằng tất cả chỉ là mê tín dị đoan. Các nơi khác vẫn nuôi bò, thì tại sao dân làng mình không dám nuôi. Mình nói rõ cái lợi của việc nuôi bò, vừa có thịt để bán, vừa có phân để bón cho cây trồng. Dần dần bà con cũng hiểu ra, nhiều nhà nhận bò về nuôi. Thời gian sau không thấy bò chết, không thấy ai bị Yàng phạt nên nhiều nhà đã mua thêm bò về nuôi”, A Thái hào hứng kể.
Thấy dân làng mãi chìm trong hủ tục, men say và nghèo đói, A Thái đã phối hợp với xã đến gặp già làng để họp bàn gỡ bỏ những hủ tục cúng bái gây tốn kém.
Mới đầu, chàng trưởng thôn trẻ đã gặp rất nhiều sự phản đối của người dân Rơ Măm, nhiều lúc bà con đã có ý định đuổi A Thái ra khỏi làng. Bị phản ứng gay gắt, anh liền tìm đến hội đồng làng nói rõ lợi hại. Trước những lý lẽ của trưởng thôn, hội đồng làng liền quyết định đối với những lễ nghi trong làng phải thực hiện thật đơn giản, giảm bớt chi phí.
Đuổi theo con chữ
Được dân làng bầu làm trưởng thôn bởi A Thái biết chữ, sáng dạ trong làm kinh tế. Anh thường xuyên gần gũi bà con, hướng dẫn cho họ làm kinh tế để thoát nghèo; trăn trở về những mô hình làm giàu, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Sau khi xuất ngũ, A Thái khởi phát trồng cao su. Sau đó, anh trồng cây mì. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã khai hoang được 2 ha đất rẫy. Khác với cách làm của bà con là chọc trỉa, chàng trai Rơ Măm đã biết cày đất tươi xốp, đợi những giọt mưa đầu mùa xong mới thả cây mì xuống. Những vụ đầu trồng mì trúng lớn, A Thái dành dụm tiền và mua thêm đất để mở rộng diện tích, trồng thêm cây điều…
Để chăm sóc tốt cây trồng, A Thái không ngại tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây của xã, huyện tổ chức. Sau khi đã nắm bắt được kỹ thuật, anh quay về áp dụng trên chính mảnh đất của gia đình.
Những vùng đất trơ sỏi đá, A Thái thuê máy cày xới lên cho tơi xốp. Khi cây mì, cây điều bắt đầu bám rễ xuống đất và vươn mình lên xanh tốt, cũng là lúc A Thái biết mình đã thành công. Đến nay, sau nhiều năm chăm bón, vườn cây của gia đình anh cho thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Biết A Thái làm được, dân làng kéo nhau đến học tập kinh nghiệm. Anh cũng không ngại hướng dẫn bà con để cùng nhau làm giàu. Những câu nói của vị trưởng thôn trẻ tuổi dần thấm vào tâm khảm bà con dân bản.
Vừa lo làm kinh tế, A Thái vừa nghĩ đến việc tiếp tục học tập. Ban ngày đi làm, ban đêm chong đèn ôn tập, anh quyết viết tiếp hành trình đi tìm tri thức. Năm 2016, A Thái thi đậu Khoa Luật – Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
“Nhà tôi cách trường gần 100 cây số, mỗi lần đi học là một lần vất vả. Thế nhưng nghĩ đến việc phải học tập, phải có kiến thức mới thay đổi được cuộc sống, xây dựng được quê hương, mình lại cố gắng học thật tốt. Giờ mình đã tốt nghiệp đại học rồi, nhưng mình muốn ở lại giúp đỡ bà con giảm nghèo trước đã. Chuyện tìm việc làm từ từ rồi tính”, A Thái nói.
Thí điểm phần mềm điện thoại giúp xác định tình trạng hộ nghèo và cận nghèo
Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Văn phòng đang triển khai thí điểm phần mềm đăng ký, xác định hộ nghèo, cận nghèo tại Quảng Nam, Bình Phước.
Phần mềm sẽ được nhân rộng trên toàn quốc trong thời gian tới.
Hộ mới thoát nghèo làm thủ tục nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã. Ảnh: Lan Chi
Văn phòng giảm nghèo quốc gia đã trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xây dựng phần mềm để người dân đăng ký xác định hộ nghèo, còn cơ quan quản lý rà soát, quản lý được số hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đó, tại Quang Nam và Bình Phước, người dân có nhu cầu đăng ký là hộ nghèo có thể dùng smartphone hoặc máy tính đăng nhập và kê khai. Mẫu kê khai chủ yếu là tích mục đã định sẵn. "Khi người dân khi kê khai xong thì phần mềm sẽ hiện thị điểm tự đánh giá có đủ điều kiện xem xét là hộ nghèo, cận nghèo hay không. Qua đó, người dân tự xác định được tình trạng nghèo của mình. Sau khi bấm gửi, mẫu đăng ký hộ nghèo, cận nghèo sẽ được chuyển đến UBND cấp xã", ông Tô Đức cho biết.
UBND cấp xã sau khi nhận được giấy đăng ký hộ nghèo, cận nghèo sẽ giao Ban chỉ đạo về giảm nghèo và cán bộ LĐTBXH phối hợp với rà soát viên, trưởng thôn thẩm định lại thông tin và lấy ý kiến nhân dân tại thôn, tổ dân phố để niêm yết công khai. Trên cơ sở đó, xã sẽ báo cáo huyện xem xét kết quả rà soát. Sau đó, Chủ tịch xã ra kết quả công nhận hộ nghèo, cận nghèo nếu đủ điều kiện.
"Trước đây, cán bộ địa phương phải cầm phiếu đi lấy ý kiến từng nhà về tiêu chuẩn hộ nghèo. Còn khi các tỉnh áp dụng phần mềm, người dân tự mở phần mềm ứng dụng để kê khai. Tất cả thông tin người dân kê khai sẽ được phần mềm phân tích, báo cáo theo các trường thông tin, mẫu báo cáo, biểu mẫu mà Chính phủ và Bộ LĐTBXH ban hành. Phần mềm được xây dựng trên đúng chế độ báo cáo, bảng biểu tổng hợp mà đã được ban hành. Khi thông tin người dân kê khai thì thông tin người dân đăng ký hộ nghèo, cận nghèo sẽ hiển thị cả 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã", ông Tô Đức cho biết.
Hiện nay, những địa phương chưa ứng dụng phần mềm thì cán bộ cơ sở đang là người nhập dữ liệu, còn địa phương đang triển khai phần mềm thì khuyến khích người dân tự nhập dữ liệu của bản thân họ và gia đình.
Khi triển khai, Bộ LĐTBXH tập huấn cho tỉnh và hướng dẫn trực tiếp cấp xã. và tuyên truyền đến người dân, đặc biệt chú trọng đến nhóm dân cư khó khăn, xác định sơ bộ có khả năng sẽ rơi vào nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, địa phương sẽ mời người dân nằm trong nhóm đối tượng khó khăn đến nhà văn hóa thôn, xã để hướng dẫn tập trung hoặc trực tiếp thông báo cách sử dụng phần mềm và tự đăng ký kê khai hoặc có cán bộ hỗ trợ .
"Trường hợp người dân không đăng ký, có nghĩa là không có nhu cầu. Nguyên tắc xác định hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 là giao quyền cho người dân. Người dân có nhu cầu xác định là hộ nghèo, cận nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ. Họ có thể chủ động đăng ký và kê khai ở bất cứ đâu, phương thức nào và trên nguyên tắc không ép hộ dân vào hộ nghèo. Đồng thời, để bảo đảm để người dân không bị bỏ sót thì trách nhiệm trưởng thôn tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về cách thức đăng ký", ông Tô Đức cho biết.
Sau khi triển khai tại Bình Phước và Quảng Nam, phần mềm này sẽ triển khai trên toàn quốc giai đoạn 2022-2025. "Chúng tôi kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ mang lại sự chủ động, thuận tiện cho người dân, đồng thời đơn giản hóa tất cả thủ tục hành chính, không phải đến xã, phường đăng ký. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là năng lực cán bộ cơ sở khi tiếp nhận, xử lý thông tin trên hệ thống phần mềm và hệ thống hạ tầng thông tin như máy tính, di động, sóng, internet. Do phụ thuộc năng lực cơ sở và gắn quyền lợi người dân nên việc triển khai ứng dụng phần mềm này cần lộ trình phù hợp. Việc triển khai đồng bộ sẽ mang lại sự minh bạch, loại bổ sự trùng lắp', ông Tô Đức chia sẻ.
"Quan điểm của Văn phòng giảm nghèo quốc gia và Bộ là xây dựng phần mềm ứng dụng chung trên cả nước và giao cho các địa phương tự chủ động sử dụng công cụ đó để phục vụ công tác rà soát, quản lý hộ nghèo. Do đó, địa phương tự bố trí máy chủ tại địa phương. Địa phương đầu tư phần cứng đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông để quản lý dữ liệu, bảo mật và sử dụng số liệu cho công tác quản lý tại địa phương. Trung ương chỉ cung cấp và hỗ trợ hướng dẫn sử dụng phần mềm kỹ thuật", ông Tô Đức nhấn mạnh.
App Connection cho phép đăng ký xác định là hộ nghèo.
Theo Văn phòng quốc gia giảm nghèo, phần mềm tải app có tên là"Connection" trên kho ứng dụng Play Store với Android. Người dùng cũng có thể tải và truy cập theo địa chỉ https://dangky.giamngheo.gov.vn/ . Hệ thống hiển thị màn hình cho phép người dùng lựa chọn địa phương mà mình sinh sống.
Anh em song sinh cùng mê nghiệp lính Chào đời cùng thời điểm, 2 anh em Danh Tấn Lực và Danh Hữu Nghị (cùng sinh năm 2003) không chỉ giống nhau về ngoại hình, mà còn có cùng sở thích, tính cách và niềm đam mê làm việc trong môi trường quân đội. Với nỗ lực học tập xuyên suốt 12 năm, các em đã "chạm tay" vào cổng trường mơ...