‘Bùng nổ’ giáo sư, phó giáo sư vì sao?
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn vì một vài quy định cũng như nhu cầu thực tế “sinh giáo sư” nên nhiều người cố gắng tìm mọi cách để có được hàm phó giáo sư cũng là điều dễ hiểu.
ảnh minh họa
Xung quanh việc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách hơn 1200 giáo sư và phó giáo sư mới được phong năm 2017, mời độc giả cùng Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đang sinh sống tại Úc mổ xẻ việc phong hàm giáo sư cũng như tâm lý sinh giáo sư hiện nay của người Việt.
Hiện nay tại Việt Nam có hai luồng ý kiến nên để hai mô hình đó là do quốc gia phong hàm và phân cho trường. Theo ông, Việt Nam nên chọn mô hình nào?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thì nghiêng về xu hướng để cho trường đại học phụ trách việc đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Vấn đề là quản lí qui trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn học thuật, và nhất là thành phần của hội đồng bổ nhiệm. Chúng ta có thể tham khảo cách làm ở nước ngoài. Một đại học có một “hội đồng khoa bảng”, hội đồng này bao gồm các thành viên cấp giáo sư trong và ngoài trường, trong nước và quốc tế. Nếu trường không đủ thành viên có tư cách khoa học, thì có thể mời thành viên từ ngoài, và điều này rất bình thường. Hồ sơ của ứng viên được gửi ra ngoài để bình duyệt, và sau khi có bình duyệt, hội đồng chỉ phỏng vấn ứng viên và ra quyết định.
Nhưng tôi cũng hiểu tại sao vẫn còn tồn tại cách làm “trung ương hóa” như hiện nay. Ở Việt Nam, nhiều khi “nói vậy mà không phải vậy”, hay có nhiều tiêu chuẩn và qui trình được đặt ra rất hợp lí, nhưng khi trao về cho trường và địa phương thì xảy ra nhiều vấn đề. Mỗi trường có một lịch sử phát triển và nhu cầu riêng, cho nên tiêu chuẩn cũng khác nhau. Do đó, tôi nghĩ cần phải có quản lí qui trình, nhưng không can thiệp vào nội bộ của trường.
Như GS Tuấn có nói đã đến lúc chúng ta giải tán hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, và giao việc bổ nhiệm giáo sư về cho trường đại học. Nhưng với một môi trường vốn “sính danh” như ở Việt Nam thì việc giao cho trường có đạt được những GS thật đúng như mình mong muốn không, kinh nghiệm học hỏi cho Việt Nam là gì?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Ở các nước như Mĩ và Úc, chức danh giáo sư thường gắn liền với một trường đại học hay một viện nghiên cứu. Do đó, khi nói “giáo sư” người ta phải kèm theo tên trường. Ngay cả ở Úc và Mĩ, giáo sư cũng có nhiều đẳng cấp. Trường danh tiếng có tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm cao hơn trường kém danh tiếng hay trường địa phương. Nhưng tôi nghĩ dù là trường nào thì cũng phải làm theo một qui trình chuẩn, và một số tiêu chuẩn tối thiểu để tham khảo.
Theo Giáo sư, ông có nhiều năm nghiên cứu ở Úc cũng như tham dự nhiều hội thảo khoa học trên thế giới. Có nơi nào có chức danh PGS không? Theo ông, Việt Nam có nên bỏ chức danh PGS đi không?
Video đang HOT
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tùy theo cách chúng ta dịch thôi. Ở Mĩ có ba bậc giáo sư: Assistant Professor, Associate Professor, và Professor. Tuy danh xưng là “Assistant” nhưng họ chẳng phụ tá cho ai cả, mà là một nhà khoa học độc lập. Nếu chức danh “Assistant Secretary” có thể hiểu là “Thứ Trưởng”, thì chức danh “Assistant Professor” của Mĩ có thể dịch là “Phó giáo sư”. Nhưng vấn đề ở đây là Việt Nam xem chức danh “Phó giáo sư” tương đương với chức danh “Associate Professor” của Mĩ. Theo tôi thì nếu cải cách triệt để, Việt Nam nên có ba bậc giáo sư như Mĩ, vì đó là xu hướng chung trên thế giới.
Trong lĩnh vực y khoa, ông có đánh giá như thế nào về các công trình nghiên cứu khoa học và việc ngày càng có nhiều bác sĩ cố phấn đấu lên PGS, GS?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Hiện nay, trong số các giáo sư được công nhận thì số giáo sư y khoa chiếm nhiều nhất. Chẳng hạn như trong năm nay, số người được công nhận giáo sư thuộc ngành y chiếm lệ này cao nhất so với các chuyên ngành khác. Điều này có thể giải thích được, vì công bố quốc tế ngành y sinh học chiếm gần 1/4 tổng số công bố quốc tế từ nghiên cứu khoa học Việt Nam.
Tuy nhiên, có một sự thật khác là đa số những bài báo ngành y từ Việt Nam là do người nước ngoài đứng tên tác giả chính (có lẽ vì họ chủ trì đề tài nghiên cứu) và người Việt chỉ đứng tên tác giả phụ. Theo tôi biết thì hội đồng chưa xem xét đến vị trí và vai trò của tác giả trong các công bố quốc tế. Sự thiếu sót này có thể giúp cho những người chẳng nghiên cứu gì, nhưng do có vai trò quản lí, nên họ có tên trong rất nhiều bài báo khoa học, và do đó họ rất dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn về công bố quốc tế.
Tôi lấy ví dụ chỉ riêng trong lĩnh vực y khoa ở Việt Nam, nếu người bệnh có bệnh tới bệnh viện hay các phòng khám khám bệnh họ sẽ phải trả số tiền khám gấp đôi thậm chí gấp 3 cho một lần vào để được bác sĩ chỉ định nếu bác sĩ đó là PGS hoặc GS. Theo ông là tâm lý “sính giáo sư” của người dân có là nguyên nhân nhiều người cố gắng để được phong hàm PGS, GS?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Về nguyên lí, đề bạt chức lên chức vụ giáo sư là một hình thước tưởng thưởng và ghi nhận những đóng góp của ứng viên cho khoa học và cho trường đại học. Khi đóng góp của ứng viên đạt được tiêu chuẩn sàn thì họ có quyền yêu cầu được đề bạt. Ở nước ngoài, giáo sư hưởng lương cao hơn giảng viên đại học, nhưng mức độ khác biệt không quá đáng kể. Do đó, lương bổng không phải là một động cơ để người ta phấn đấu trở thành giáo sư.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi nghĩ động cơ để xin công nhận chức danh giáo sư có khi xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở. Theo tôi biết thì có qui định trường đại học phải có giáo sư hay phó giáo sư và số tiến sĩ mới có thể mở ngành đào tạo. Ở các bệnh viện thì giáo sư được trả tiền khám cao hơn bác sĩ không có danh xưng giáo sư. Tất cả những yếu tố đó có thể giải thích tại sao ngành y có nhiều người xin chức danh giáo sư so với các ngành khác.
Nhưng từ đó vấn đề đặt ra là chức danh giáo sư để làm gì. Ở nước ngoài, người ta phân biệt hai nhóm giáo sư, một nhóm tạm gọi là “giáo sư chính thống” và một nhóm gọi là kiêm nhiệm. Giáo sư chính thống có nghĩa là những người được trường đại học bổ nhiệm và trả lương. Giáo sư kiêm nhiệm là những người làm trong kĩ nghệ hay bệnh viện, nhưng có đóng góp trong đào tạo cho trường, nên được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, tiêu chuẩn ít khắt khe, nhưng trường không trả lương. Giáo sư kiêm nhiệm phải ghi rõ là “Adjunct Professor” chứ không được ghi “Professor” trước tên mình. Nhìn theo cách đó thì đa số những giáo sư y khoa ở Việt Nam là thuộc hình thức giáo sư kiêm nhiệm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet
Vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng 60%?
Theo GS Trần Văn Nhung, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng do yếu tố khách quan, chất lượng vẫn được đảm bảo.
ảnh minh họa
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên . Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
Trao đổi với Báo chiều 2/2, GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - lý giải về sự tăng đột biến của số giáo sư, phó giáo sư trong năm 2017.
- Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng khoảng 60% so với năm trước. GS có thể lý giải về con số tăng đột biến này?
- Việc tăng giáo sư, phó giáo sư là lý do khách quan, trong khi đó chất lượng không thay đổi. Thậm chí, chất lượng có phần tăng lên.
Năm nay, thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng so với năm trước. Nếu như hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ngày 5/11, thì năm 2016 là ngày 25/5, bởi chờ quy chế mới thay thế Quyết định 174 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thời hạn nộp hồ sơ dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng tới 1.537 hồ sơ. Trong đó, 151 ứng viên giáo sư và hơn 1.300 ứng cử phó giáo sư.
Đồng thời, số lượng đăng ký đầu vào cũng cao hơn. Quá trình xem xét chất lượng được đảm bảo, không thay đổi so với các năm.
- Cụ thể, chất lượng của giáo sư, phó giáo sư năm nay thay đổi như thế nào so với các năm?
- Những con số tăng trưởng cho thấy chất lượng của giáo sư, phó giáo sư được đảm bảo. Số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng, số thành viên là nữ và nằm ngoài Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong sự mong muốn.
Cụ thể, trình độ ngoại ngữ của các ứng viên tăng lên rõ rệt. Nhiều người đã được cử đi học nước ngoài theo Đề án 911 và có sự hợp tác với nước ngoài.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư là nữ tăng lên 28%-29%, trong khi trước đây chỉ 25%. Số lượng bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI/Scopus của ứng viên năm 2017 tăng. Cụ thể, ngành Vật lý có hơn 1.170 bài, ngành Hóa học - Công nghệ Thực phẩm là 1.020.
Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/Scopus, chỉ số H cao (thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế), hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đáng được biểu dương.
Đặc biệt, nhiều ứng viên đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Điển hình là Nguyễn Thế Hoàng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) được giải thưởng A.v.Humboldt, APKO, J.N. Von Nussbaum của Đức; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp...
- Lần xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư này, ông ấn tượng với trường hợp nào?
- Ứng viên giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 35 tuổi, ngành Toán học. Đây là kỷ lục giáo sư trẻ nhất Việt Nam (năm 2016, giáo sư trẻ nhất là 37 tuổi).
Ứng viên phó giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi, ngành Toán học, đạt kỷ lục phó giáo sư trẻ nhất (người trẻ nhất năm 2016 là 28 tuổi).
Theo Zing
Hơn 1200 giáo sư, phó giáo sư mới: Vét 'chuyển tàu' chót mang số hiệu 174 Ngày 31/01/2018 và 01/02/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhiệm kỳ 2014-2019 đã họp Kỳ họp lần thứ VII. Tại Kỳ họp HĐCDGSNN đã xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. ảnh minh họa Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2017 "bão" chức...