Bùng nổ dịch vụ dạy kỹ năng sống
Nắm bắt nhu cầu phụ huynh cho con em tham gia rèn luyện vào dịp hè, TP.HCM bắt đầu nở rộ việc quảng bá và triển khai nhiều chương trình dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.
Ngay từ đầu tháng 5, nhiều tổ chức đã bắt đầu lên kế hoạch mở các chương trình dạy kỹ năng sống cho thanh thiếu niên. Tại Nhà văn hóa Thanh Niên (NVHTN), Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TTTTNMN)… rất đông phụ huynh đến đăng ký học cho con em. Tại TTTTNMN, dù chi phí học không rẻ, có lớp lên đến 35 triệu đồng nhưng đến giữa tháng 5 đã có gần 10.000 học viên, nhiều lớp học ngừng đăng ký vì quá tải.
Nhộn nhịp học kỹ năng sống
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc TTTTNMN, cho biết so với hè năm 2010, năm nay số lượng học viên đăng ký tăng 30%, dự kiến đào tạo khoảng 133.000 thanh thiếu niên. Ông cũng cho biết tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng 60 đơn vị, riêng TP.HCM có khoảng 40 đơn vị tham gia đào tạo.
Theo chị Thùy Dung, cán bộ Phòng Đào tạo NVHTN, trung tâm sẽ mở sáu khóa học, trong đó có ba khóa huấn luyện Học kỳ quân đội. Các em sẽ được đến Côn Đảo, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Lữ đoàn 171 Vũng Tàu học tập trong một tuần. Các em sẽ rèn luyện các bài tập và tác phong quân đội, làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, quản lý thời gian, giúp đỡ mọi người… thông qua trải nghiệm những hoạt động thực tế và vui chơi dã ngoại trong môi trường quân đội.
Các học sinh trong một buổi học kỹ năng sống của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam. Ảnh: TL
Video đang HOT
Trung tâm Phát triển kỹ năng sống IDO cũng mở hai khóa học trong dịp hè, mỗi khóa hai tuần. Các em sẽ được vui chơi và trải nghiệm thông qua những hoạt động thực tế gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như chữa cháy, làm quà từ rác tái chế, đố vui toán học, luyện tập thể thao, ăn uống đúng cách… để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, biết giúp đỡ lẫn nhau, khả năng tư duy, ý thức chia sẻ và phát triển tính tự lập.
Lên chùa học
Theo hòa thượng Thích Tâm Từ, chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), chương trình rèn luyện kỹ năng sống của chùa sẽ diễn làm hai đợt, mỗi đợt có 2.500 em tham gia. Các em sẽ được học về trách nhiệm của người con, xây dựng nét đẹp học đường và định hướng lối sống lành mạnh, tham dự các tọa đàm về dinh dưỡng sức khỏe và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khóa học năm nay sẽ đưa thêm hai chủ đề về bạo lực và nạo phá thai học đường.
Hơn 300 thanh thiếu niên ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác sẽ tham gia khóa học kỹ năng sống tại chùa Phật Quang (Bà Rịa-Vũng Tàu). Thích nữ Tường Phổ, Phó Tổng đạo tràng chùa Phật Quang, cho biết đây là lần thứ năm chùa tổ chức khóa học kỹ năng này. Các em sẽ được giảng dạy đạo lý, cai nghiện game và tránh xa các vấn đề tiêu cực trong học đường. Ngoài ra, các em sẽ được trải nghiệm và huấn luyện các kỹ năng cứu hộ cứu nạn, cấp cứu, kỹ năng sinh tồn, vượt qua khó khăn trong các tình huống rủi ro.
Kỹ năng sống là gì?
Bản chất của kỹ năng sống là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả… Kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống.
Kỹ năng sống gắn với bốn trụ cột của giáo dục: Học để biết gồm các kỹ năng tư duy như phê phán, sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả… Học làm người gồm các kỹ năng cá nhân như ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,… Học để sống với người khác gồm các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông. Học để thực hành gồm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,…
QV (Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc – UNESCO)
Gian nan sinh viên thực tập
Cuối mỗi khóa học, hầu hết sinh viên (SV) đều phải trải qua một kỳ thực tập. Tuy nhiên, tìm được chỗ thực tập đúng như mong muốn không phải là chuyện đơn giản. Hơn nữa, môi trường thực tập hiện nay chưa thực sự là cầu nối để SV dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp...
Nỗi niềm SV thực tập
Từ sau tết đến nay, Nguyễn Đình K., SV ngành CNTT (ĐH Giao thông Vận tải) đã chạy đôn chạy đáo để tìm nơi thực tập phù hợp. Cuối cùng K. cũng được một công ty chuyên về CNTT nhận vào thực tập. Tuy nhiên, khi được hỏi về hiệu quả của đợt thực tập, K. thở dài: "Điểm thì cao thật nhưng kiến thức và những trải nghiệm thực tế lại chẳng bao nhiêu". K. cho biết, khi vào thực tập mới biết không đúng chuyên ngành của mình. "Chuyên ngành học của mình là viết phần mềm, thiết kế, đồ họa nhưng công ty chủ yếu kinh doanh phần cứng máy tính. Bởi vậy nên ngay từ buổi đầu tiên đến thực tập, em đã nhận nhiệm vụ đi áp tải hàng và lắp ráp máy tính cho một đơn vị ở ngoại thành. Những ngày tiếp theo, hôm nào có việc thì công ty gọi lên đi giao máy tính, còn không thì ở nhà chơi", K. cho hay.
Sinh viên Trường Công nghệ Kỹ thuật TPHCM trong giờ thực hành tại trường.
Riêng Cao Thị H., SV ngành quản trị du lịch - khách sạn, không khó để tìm nơi thực tập vì rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đón nhận. H. là một trong số 5 SV được một khách sạn có tiếng ở quận 1 nhận về thực tập ở bộ phận nhà hàng, tiệc cưới. "Công việc phải làm theo ca, nhiệm vụ là bưng bê thức ăn cho khách không khác gì nhân viên của nhà hàng. Khác chăng là nhân viên có lương và được nhận tiền "típ" còn tụi em thì không. Nói thật, nếu không là SV thực tập, với công việc này tụi em đi làm thêm kiếm không dưới 100.000 đồng/ca" - H. trần tình. Cùng cảnh ngộ, nhóm của Đ.Ng. (SV ngành xây dựng) thực tập tại chi nhánh một tổng công ty xây dựng tại TPHCM cho biết, phải làm đủ thứ, từ trộn hồ, vác gạch đến xây trát... nhưng chỉ làm không công.
Còn theo H., SV ngành kế toán một trường cao đẳng, đây là ngành có đông SV theo học và liên quan đến vấn đề bảo mật nên khó tìm chỗ thực tập. Qua quen biết, cuối cùng H. cũng tìm được nơi thực tập. "Những tưởng kỳ thực tập phần nào giúp SV tự tin hơn khi ra trường, vậy mà ngay ngày đầu đến trình diện ở phòng kế toán, em được người hướng dẫn thông báo cứ ở nhà. Đợi gần hết đợt thực tập, anh ấy nói sẽ đưa cho em số liệu về làm báo cáo. Nếu cần thiết, sẽ cho luôn báo cáo của mấy SV khóa trước về tham khảo..." - H. kể.
Thời gian "thử việc"
Dù đã trải qua thời gian thực tập, nhưng khi ra trường, đi làm, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại SV - làm mất thời gian và chi phí cho cả hai bên. SV đi thực tập hầu hết mang tính "hình thức" với tư tưởng chủ yếu là kiếm đủ điểm để tốt nghiệp mà hầu như không tham gia làm việc, trải nghiệm thật sự. Nguyên nhân một phần là do SV có thời gian thực tập rất ngắn hoặc vì doanh nghiệp ngại mất thời gian hướng dẫn, điều chỉnh khi SV làm sai. Mặt khác, SV thực tập cũng chưa chứng minh được năng lực của mình để tạo lòng tin nơi doanh nghiệp.
Theo chương trình thực tập hiện nay, các trường ĐH, CĐ khuyến khích SV tự tìm nơi thực tập. Chỉ khi nào SV không liên hệ được, nhà trường mới bố trí nơi thực tập dựa trên các mối quan hệ, hợp tác giữa trường với doanh nghiệp. Điều này nhằm giúp SV chủ động trong công việc, tạo mối quan hệ với doanh nghiệp - yếu tố quan trọng để có thể được tuyển dụng khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít SV xin được thực tập tại chỗ người quen chỉ để xin bản xác nhận thực tập tốt nộp nhà trường.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận là chưa mặn mà tiếp nhận SV thực tập. Bởi lẽ, nhiều SV vừa đến công ty đã đòi xin số liệu, đòi được trực tiếp làm việc, trong khi đối với nhân viên mới của công ty cũng phải làm quen một thời gian. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn xem chuyện nhận SV vào thực tập là một gánh nặng. Không ít SV và doanh nghiệp luôn trong tư tưởng đi thực tập là làm việc vặt và đến chỗ thực tập là chờ nhận việc vặt để làm. Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc đào tạo và phát triển nhân sự Tập đoàn Hoa Sen, cho biết, doanh nghiệp này thường xuyên nhận SV thực tập và hợp tác với các trường để chọn các ngành mình đang cần. SV vào thực tập cũng là nguồn để doanh nghiệp phát hiện và tuyển dụng. Tuy nhiên, điều quyết định chất lượng đợt thực tập vẫn phụ thuộc vào ý thức và thái độ học tập của SV. SV đi thực tập với tinh thần nhiệt tình, hăng hái, thậm chí phản biện một số vấn đề rất thú vị.
"Thực tập là thời gian SV tiếp xúc một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đây là thời điểm để SV vận dụng các kiến thức được học ở trường lớp để khẳng định mình. Đây cũng là thử thách ban đầu và giúp SV tạo dựng cho mình những kinh nghiệm làm việc. Chính vì vậy mà cả doanh nghiệp, nhà trường và SV cần coi đây là thời gian thử việc để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực", ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, bày tỏ.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Giáo dục kỹ năng sống: Nơi hào hứng, nơi kêu khó Khó khăn lớn nhất khi giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học là phần lớn giáo viên chưa quen, còn xem là việc của người khác Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học được Bộ GD-ĐT triển khai vào năm học 2010-2011. Để áp dụng, bộ "gợi ý" đây là môn học mở, tùy điều...