Bùng nổ bán trú ngoài nhà trường
Từ TP.HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, số lượng học sinh tăng mạnh khiến nhiều trường tiểu học không thể đáp ứng được nhu cầu học bán trú. Vì vậy, các cơ sở bán trú ngoài nhà trường ( bán trú vệ tinh) bùng nổ khắp nơi.
Học sinh tiểu học ở bán trú tại cơ sở Hồng Hà (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) – TRÁC RIN
Nhà ở thành trường học
Buổi chiều tháng 10 khá nóng nực, chúng tôi đến một căn nhà nằm sát con hẻm nhỏ trên hương lộ 2 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM). Trong đó khoảng 30 học sinh (HS) đang ê a học chữ theo hướng dẫn của cô giáo.
Đây là những HS theo diện bán trú vệ tinh tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa (BDVH) Hồng Hà. HS học buổi sáng ở Trường tiểu học Bình Trị 1 gần đó, đến giờ nghỉ được các thầy cô, nhân viên ở cơ sở này đón về, cho ăn, ngủ trưa, sau đó học buổi chiều bằng cách ôn bài trên lớp và học bài mới. Tầng trệt của ngôi nhà được kê nhiều dãy bàn chật kín HS. Hẻm nhỏ nên HS vừa học vừa nghe tiếng xe máy chạy liên tục bên ngoài.
Khoảng 16 giờ 30, một cơn mưa nặng hạt ào xuống. Một nhân viên tại cơ sở này lại qua trường, đón một nhóm HS vừa tan học về đây chờ bố mẹ đến đón.
Cơ sở Hồng Hà có đến 2 địa điểm xung quanh khu vực này với số lượng HS đăng ký bán trú khá đông. Điều này khá dễ hiểu vì nhu cầu phụ huynh gửi con học bán trú ở Trường tiểu học Bình Trị 1 rất lớn nhưng trường không thể đáp ứng hết. Ngay từ đầu tháng 8, phụ huynh đã rồng rắn nộp hồ sơ xin cho con học bán trú. Một phụ huynh cho biết lớp 1 năm nay có đến 800 HS nhưng ban đầu chỉ có 2 lớp bán trú. Sau đó, trường nâng lên 4 lớp nhưng không thấm vào đâu so với nhu cầu. Phụ huynh không còn cách nào khác phải đăng ký bán trú vệ tinh.
Không chỉ có cơ sở BDVH Hồng Hà mà ngay cổng sau Trường tiểu học Bình Trị 1 còn có cơ sở Thiên Phát tiếp nhận khá nhiều HS học bán trú. Chiều 12.10, khi chúng tôi ghé vào cơ sở Thiên Phát thì có gần 30 HS học ngay tầng trệt của ngôi nhà.
Nhân viên bán trú tại cơ sở Hồng Hà (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) đón học sinh bán trú sau khi tan học ở trường
Trong vai một người đến xin cho con ở bán trú, chúng tôi được người chủ cơ sở đón chào và giới thiệu niềm nở. Cũng như những cơ sở bán trú khác, ở đây nhận HS đã học nửa buổi ở trường khác rồi đưa sang. Học phí cho mỗi HS là 1,1 triệu đồng/tháng. HS sẽ ăn ngủ ngay tại đây, sau đó ôn bài trên lớp. Mỗi tuần, HS sẽ được học một buổi tiếng Anh. Trong số các giáo viên cũng có người đang dạy tại Trường tiểu học Bình Trị 1. Hằng ngày các giáo viên cũng chịu trách nhiệm đưa đón HS từ trường qua cơ sở và ngược lại.
Khi chúng tôi tỏ ý lo lắng việc xin cho con vào học lớp 1 khá khó khăn, người chủ cơ sở cho biết có quan hệ tốt bên trường và sẽ giúp việc này. Bà đã xin cho một số HS vào học trước đó, giá là 8 triệu đồng…
Video đang HOT
200 m, 6 cơ sở bán trú
Q.12 cũng là một điểm nóng về số lượng HS tiểu học khiến các trường không thể đáp ứng hết nhu cầu học bán trú. Khu vực có các cơ sở bán trú vệ tinh nổi tiếng nhất ở đây là xung quanh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (đường Nguyễn Thị Kiểu), chỉ một đoạn đường khoảng 200 m có ít nhất 6 cơ sở nhận HS bán trú.
Cơ sở có nhiều HS nhất, mở đến 2 địa điểm gần nhau là Uy Vũ. HS học và ăn ngủ ngay dưới tầng trệt. Một loạt cơ sở khác mọc lên gần đó như Khai Trí, Đức Thắng, Ngôi Sao… Theo chủ cơ sở Khai Trí, nơi này cũng hoạt động giống như những nơi khác: đưa đón HS về, cho ăn ngủ, học bài mới… HS học ca sáng học bán trú buổi chiều, học ca chiều sẽ học vào buổi sáng. Học phí cho mỗi HS là 1,26 triệu đồng/tháng. Cơ sở Ngôi Sao thì rẻ hơn một ít. Nếu HS đăng ký bán trú vào thứ bảy sẽ đóng thêm 200.000 đồng/tháng.
Ngay cả trường mầm non cũng được huy động vào tổ chức bán trú cho HS tiểu học. Trường mầm non Anh Đức nhận trẻ mầm non kiêm luôn bán trú HS từ lớp 1 – 5. Theo chủ cơ sở, HS bán trú ở trường mầm non có lợi thế là được ăn theo suất của mẫu giáo, bảo đảm vệ sinh; có không gian chơi. Mỗi tuần, các em cũng được học lớp tiếng Anh riêng.
Đối diện cổng Trường tiểu học Nguyễn Trãi (KP.1, P.Hiệp Thành, Q.12), các đường HT31, Nguyễn Thị Đặng cũng có hàng loạt cơ sở bán trú vệ tinh. Ngoài Uy Vũ, còn có ít nhất có 5 cơ sở khác cùng hoạt động.
Nhiều năm nay, con hẻm 51 Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp) nổi tiếng với “thương hiệu” bán trú vệ tinh vì ở vị trí đối diện Trường tiểu học An Hội. Con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ xíu nhưng có tới ít nhất 4 cơ sở đang hoạt động và luôn tấp nập HS ra vào.
Trong các cơ sở này, nhóm bán trú Trí Đức có hẳn một tòa nhà 3 tầng, được chia làm các phòng học, ăn ngủ riêng cho HS cũng như có khoảnh sân phía trước mát mẻ làm sân chơi. HS cũng được ôn bài, học tiếng Anh, luyện viết chữ đẹp… HS buổi chiều học từ trường được đón về đây sẽ ăn xế trước khi cha mẹ đến đón.
Thuê nhà dân để học sinh học buổi thứ hai
Tăng HS cũng là áp lực cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Con em của người nhập cư, công nhân tăng mạnh khiến các lớp bán trúkhông đủ đáp ứng.
Năm nay, số lượng HS ở nhiều trường tiểu học tại TX.Thuận An, Bến Cát, Dĩ An, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tăng cao nên địa phương phải cắt giảm các lớp bán trú để đủ phòng học. Hàng loạt trường bỏ hẳn lớp học 2 buổi/ngày, dồn gần 50 HS/lớp.
Trước thực tế này, các cơ sở bán trú vệ tinh nhanh chóng mở ra để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Xung quanh Trường tiểu học Dĩ An (đường Nguyễn An Ninh, TX.Dĩ An) có rất nhiều cơ sở bán trú. Theo chị Q., một phụ huynh có con học lớp 1 tại trường này, việc học bán trú vệ tinh ở đây không giống như TP.HCM. Trường học sẽ thuê các cơ sở nhà dân gần trường hoặc cô giáo chủ nhiệm đưa HS về nhà để dạy thêm một buổi. Các cơ sở này dĩ nhiên không tốt bằng bên trong trường nhưng phụ huynh không còn cách nào khác.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dĩ An, trường hiện có 2.402 HS với 52 lớp. HS của trường chỉ học một buổi ở cơ sở chính, buổi còn lại phải nhường phòng học cho Trường tiểu học Dĩ An B mượn theo sự chỉ đạo của UBND TX.Dĩ An vì trường này đang được xây dựng và cải tạo các phòng học xuống cấp. Buổi sáng, nhà trường bố trí 13 lớp, buổi chiều có đến 39 lớp học bán trú tại các điểm bên ngoài nhà trường… (còn tiếp)
Tình thế bắt buộc nên cũng phải gửi con ở đây. So với trước kia học bán trú trong trường, bây giờ mỗi tháng tôi phải đóng thêm khoảng 200.000 đồng. Trong khi gửi ở đây cũng không thể yên tâm như ở trong trường được. Một phụ huynh ở TX.Dĩ An, Bình Dương
Hoạt động chuyên nghiệp như trường học
Tại TX.Bến Cát (Bình Dương), phụ huynh phải chủ động tìm cơ sở bán trú vệ tinh cho con. Khoảng 4 tháng nay, cơ sở bán trú Tiểu học Tân Định An (P.Tân Định, TX.Bến Cát) được nhiều người biết đến vì khác với những nhà dân chật chội, thiếu chuyên nghiệp xung quanh, cơ sở này hoạt động như một trường học. Một miếng đất rất rộng của gia đình được xây thành 6 phòng học mới, lắp máy lạnh với camera theo dõi. Xung quanh là vườn cây, sân chơi rộng rãi, mát mẻ. Có một khoảnh đất dành riêng trồng rau cho bữa ăn của HS.
Chị Nguyễn Thanh Thơ, chủ cơ sở, cho biết đã từng mở lớp mầm non nhưng sau đó thấy nhu cầu gửi HS học bán trú cao nên quyết định đầu tư thành bán trú vệ tinh. Các phòng học ở đây đều được xây mới, có nhà vệ sinh nam nữ riêng, nhà bếp riêng, sân chơi rộng… đúng tiêu chuẩn như một trường học. Giáo viên đa số là tốt nghiệp ngành sư phạm. HS học một buổi ở trường, hết giờ cơ sở sẽ đưa xe 16 chỗ đến tận trường rước về để ăn uống, ngủ nghỉ. Hiện có khoảng 50 HS đang học bán trú ở đây. Cũng theo chị Thi, ở Bình Dương hiện đang nở rộ mô hình này.
Theo thanhnien
Đắk Nông: Nhiều trường công chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên
Nhiều năm liền lâm vào cảnh thiếu giáo viên các bậc học từ mầm non đến THCS, nhiều trường mầm non tại TX.Gia Nghĩa - Đắk Nông đã chủ trương hợp đồng với các giáo viên bằng nguồn xã hội hóa. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh trên địa bàn.
Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (phường Nghĩa Tân, TX. Gia Nghĩa) năm học mới có gần 600 học sinh. Đối chiếu với quy định, nhà trường hiện đang thiếu 6-7 giáo viên và là trường mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Trước mắt, để giải quyết tình trạng này, tất cả cán bộ quản lý, nhân viên văn thư, kế toán của trường đều được huy động để xuống quản lý lớp học.
Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vàng cho biết, những năm qua thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (lớp lá) nên nhà trường tiếp nhận tất cả các trẻ đăng ký vào trường. Theo quy định, đây là nhóm trẻ phải được đáp ứng yêu cầu tối thiểu 2 cô/ lớp nên nhà trường bắt buộc phải bố trí đầy đủ số giáo viên.
Nhiều trường học tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa rơi vào tình trạng thiếu giáo viên
Tuy nhiên trên thực tế, trường Hoa Phượng Vàng nằm ở trung tâm của thị xã nên trẻ ở các lớp dưới 3 tuổi, mầm và chồi đăng ký vào trường cũng rất lớn dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các lớp này.
"Vì nhu cầu học bán trú của phụ huynh các lớp nhà trẻ, mầm, chồi cao nên trong buổi họp phụ huynh tuần trước, nhà trường đã đề ra chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên. Theo chủ trương này, phụ huynh học sinh các lớp nhà trẻ, mầm, chồi sẽ đóng tiền để nhà trường hợp đồng với một số giáo viên. Về cơ bản chủ trương này được hơn 80% phụ huynh học sinh đồng thuận", cô Nguyên thông tin.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, nếu 100% phụ huynh đồng thuận và được sự đồng ý của Phòng GD-ĐT, UBND thị xã Gia Nghĩa thì nhà trường sẽ tiến hành thu khoảng 70.000 đồng/học sinh/tháng (trừ học sinh lớp lá). Tuy nhiên, trong trường hợp không nhận được sự đồng thuận của toàn bộ phụ huynh, nhà trường buộc phải chuyển thành học hai buổi/ ngày để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao sĩ số của các lớp học.
Hàng năm Trường mầm non Sơn Ca (phường Nghĩa Đức, TX. Gia Nghĩa) cũng là một trong những "điểm nóng" tuyển sinh ở thị xã Gia Nghĩa với số lượng hồ sơ đầu năm học lên đến vài trăm trường hợp. Tương tự trường Hoa Phượng Vàng, Trường mầm non Sơn Ca cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các lớp nhà trẻ, mầm và chồi với khoảng 5-6 giáo viên đứng lớp.
Việc hợp đồng xã hội hóa giáo viên sẽ diễn ra ở các lớp trẻ dưới 4 tuổi
Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca cho biết, trường nằm ngay trung tâm của thị xã nên số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu dạy, học, trong buổi họp phụ huynh lần thứ nhất, nhà trường cũng đề xuất chủ trương kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh để hợp đồng với một số cô giáo.
"Vì là trường công lập, lại là năm đầu tiên chủ trương xã hội hóa hợp đồng nên cũng có một số ít phụ huynh chưa hiểu rõ. Tuy nhiên, về cơ bản sự đồng thuận của phụ huynh là rất cao. Nhiều phụ huynh lớp lá (trẻ 5 tuổi) còn muốn góp cùng nhưng riêng trẻ ở độ tuổi phổ cập giáo dục thì trường không đề nghị đóng góp", cô Hồng cho hay.
Trong các trường học mầm non tại TX. Gia Nghĩa, Trường mầm non Hoa Bưởi (phường Nghĩa Thành) có chủ trương thu tiền xã hội hóa của phụ huynh thấp nhất, với trung bình khoảng 9.000 đồng/học sinh/ tháng, trong khi đó Trường mầm non Hoa Phượng Vàng đề xuất mức thu khoảng 70.000 đồng. Theo ban giám hiệu các trường, mức đóng góp phụ thuộc và số lượng học sinh, nhu cầu giáo viên của từng trường.
Anh Nguyễn Văn Công, một phụ huynh có con ba tuổi đang theo học tại Trường mầm non Sơn Ca cho biết, phần lớn phụ huynh đều đồng thuận với chủ trương này của nhà trường bởi mỗi tháng chỉ bỏ thêm khoảng vài chục ngàn. Đối với những cán bộ viên chức như vợ chồng anh Công, nếu không cho con học bán trú thì hai vợ chồng rất khó khăn để sắp xếp thời gian đưa đón, chăm sóc con hàng ngày.
Giải thích về chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên này, bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng GD- ĐT TX. Gia Nghĩa cho biết, năm học 2018-2019, trên địa bàn thị xã tăng khoảng 1000 học sinh các cấp nên nhu cầu giáo viên rất cao.
Thị xã phân bổ chỉ tiêu hợp đồng về các trường vùng sâu vùng xa để giảm gánh nặng cho phụ huynh
Trong năm học này, UBND tỉnh Đắk Nông phân bổ cho địa phương 22 chỉ tiêu hợp đồng giáo viên. Trên thực tế, việc phân bổ hợp đồng này diễn ra sau khi các trường đã tuyển sinh xong, nên khi phân đều về các trường vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thừa học sinh. Để giải quyết, chúng tôi đã sắp xếp đưa giáo viên hợp đồng về giảng dạy tại các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn của TX. Gia Nghĩa. Chính điều đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại các trường trung tâm thị xã
"So với thành thị, các cháu ở vùng sâu, vùng xa có cuộc sống khó khăn, thậm chí thiếu thốn nên đưa giáo viên về đây sẽ giúp giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh. Tại trung tâm thị xã, đời sống có phần ổn định hơn nên chúng tôi mới đề ra chủ trương xã hội hóa hợp đồng giáo viên. Số tiền đóng góp của mỗi học sinh cũng không quá lớn. Theo báo cáo sơ bộ của các trường, đều nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh", bà Hà cho biết.
Cũng theo bà Hà, đây mới là chủ trương của ngành giáo dục để nhà trường thông báo với các phụ huynh chứ chưa thực hiện. Hiện Phòng GD-ĐT thị xã đã tham mưu để Phòng Nội vụ làm công văn trình UBND thị xã.
Dương Phong
Theo Dân trí
Khánh Hòa: Nghị lực đến trường của nam sinh "tí hon" 18 tuổi, nặng 20kg Nhiều người không khỏi xúc động trước nghị lực trong 9 năm qua của em Trương Hoàng Thiện, học sinh lớp 9/2 trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang, Khánh Hòa) dù em bị khuyết tật, bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Em Trương Hoàng Thiện, học sinh lớp 9/2 trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang) nỗ lực đến trường...