Bún cá thì là thoang thoảng hương thơm
Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thì là rất hấp dẫn.
Bún cá thì là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Chế biến món này khá đơn giản với thành phần chính là cá thác lác, cà chua, dứa và tất nhiên là không thể thiếu thì là.
Bát bún chả cá hấp dẫn người ăn bởi sự pha trộn giữa hương và vị. Ảnh: Khánh Hòa.
Cá thác lác làm sạch, dùng thìa nạo lấy phần thịt cá, phần xương dể dành nấu nước dùng cho có vị ngọt. Quết phần thịt cá đã nạo cho thật dai, nhuyễn với thì là thái nhỏ, tiêu bột. Thoa ít dầu ăn vào tay, viên chả cá thành từng phần nhỏ vừa ăn. Xếp cá vào chiếc đĩa hoặc cái xửng và đem hấp chín. Riêng phần còn lại, đặt chảo lên bếp, cho nhiều dầu vào và đun sôi, sau đó cho chả cá vào chiên vàng đều.
Ngoài chả cá, nước dùng chính là thành phần làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn đơn giản này. Xương cá thác lác cho vào ninh để lấy vị ngọt, khi nước dùng sôi, vớt phần xương cá đem bỏ. Hòa tan một ít cơm mẻ, để lắng cặn, cho vào nước dùng để lấy vị chua. Tiếp đến cho cà chua thái múi cau, dứa thái lát vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn là được.
Chả cá thác lác khi ăn mềm, dai có vị ngọt cùng hương thơm của thì là rất ngon miệng. Ảnh: Khánh Hòa.
Các nguyên liệu còn lại được rửa sạch, đầu hành thái khúc, thì là thái nhỏ, hành tây thái lát mỏng. Xếp bún vào bát, bên trên là chả cá, đầu hành, hành tây và thì là rồi chan nước dùng vào. Ăn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, rau thơm, thì là, cùng chén nước mắm chanh, ớt. Bát bún chả cá có vị thơm thơm của thì là, vị cay của ớt, chua chua của cơm mẻ và đặc biệt nhất là cái dai mềm, ngọt thơm của chả cá thác lác.
Theo Vnexpress
Những món bún cá ăn ngon nhớ mãi ở Sài Gòn
Bún chả cá thanh ngọt, bún cá ngừ đậm đà hay bún cá rô đồng thơm mùi thì là... là những món bún cá ngon được người Sài Gòn ưa thích.
Bún cá nói chung là một món ăn hấp dẫn nhiều thực khách đủ mọi lứa tuổi. Cái hay của món ăn này là dù để nguyên con hay chế biến thành từng lát chả cá... vẫn giữ được hương và vị đặc trưng riêng,không lẫn vào đâu được. Dưới đây là một số món bún cá ngon miệng dành cho bạn:
Video đang HOT
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng bình dị như chính tên gọi nhưng ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, dịu nhẹ mà nó mang lại. Nguyên liệu chính làm nên hương vị cho món ăn là cá rô đồng. Những con cá rô sau khi bắt về được đánh vẩy, làm sạch ruột, rửa sạch. Dùng dao lóc xương, tách lấy phần thịt, sau đó cho phần thịt cá vào chảo dầu chiên vàng.
Bún cá rô muốn ngon không thể thiếu vị ngọt thanh của nước dùng. Cho phần xương và đầu cá vào ninh nước dùng, có thể cho thêm một ít xương heo vào ninh chung để nước dùng có vị ngọt hơn. Nướng một củ gừng hơi cháy vỏ, đập dập, thả vào nồi ninh cùng để nước dùng không tanh, có mùi quyến rũ và làm ấm lòng người thưởng thức.
Ngoài cá rô và nước dùng, dọc mùng (bạc hà) là thành phần ngon miệng, tăng thêm hương vị cho món ăn. Bát bún nóng hổi, thơm ngon những lát cá được chiên vàng ươm lẫn trong màu xanh của hành lá, hương thơm của thì là nhẹ nhàng, quyến rũ người ăn.
Địa chỉ: Quán bún cá rô đồng - 76 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Quán bán từ 6h sáng đến 10h tối.
Bún chả cá
Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của người miền Trung với nhiều thương hiệu như: bún chả cá Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... Món ăn đơn giản với nước dùng trong, chả cá và những sợi bún loại nhỏ xíu. Chả cá ngon và nổi tiếng do làm từ cá tươi, đảm bảo độ dai. Nguyên liệu thường là cá thu, cá mối, cá cờ... Khi chế biến, người ta thường làm thành hai loại là chả hấp và chả chiên. Dù là chiên hay hấp, chả cá luôn có một vị đặc trưng giống nhau: dai, mềm, ngọt vị cá.
Bên cạnh lát chả cá thơm ngon, đậm đà thì nước dùng cũng rất quan trọng. Điều đặc biệt của nước dùng là được nấu từ xương cá tươi, thường là xương cá thu, cá cờ hoặc có thể mua những loại cá nhỏ nổi tiếng của vùng biển miền Trung như cá chỉ vàng, cá liệt... Những loại cá đó tạo cho nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà và không tanh.
Đặc biệt, khi ăn bún chả cá phải ăn kèm với tương ớt. Vị ngọt, cay nồng của tương ớt tăng thêm hương vị cho chả cá, để sự ngon miệng gần như được thể hiện trọn vẹn. Cũng như bún cá dầm, bún chả cá không thể thiếu đĩa rau sống thái nhỏ với rất nhiều loại rau như xà lách, rau thơm, húng quế, bắp chuối thái nhỏ, giá...
Địa chỉ: Bún chả cá Lệ ở số 2-4 đường Đồng Nai, quận 10 Bún chả cá Nha Trang ở 49 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 Bún chả cá Đà Nẵng, ở 321 Điện Biên Phủ, quận 3.
Bún cá dầm Nha Trang
Bún cá dầm là món ăn bình dị của thành phố biển. Bún được nấu với cá dầm, là loại cá đặc sản nổi tiếng ở vùng biển Khánh Hòa. Chế biến cá dầm không khó, những con cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn.
Bên cạnh cá dầm, trong bát bún còn có những lát chả chiên vàng, thơm ngon. Cá thu, cá mối, cá cờ... là những nguyên liệu chính để làm nên những lát chả cá dai, mềm và thơm ngon. Nước dùng không nấu từ xương heo như các loại bún khác mà được nấu từ xương của các loại cá như cá thu, cá cờ hoặc mua các loại cá nhỏ về ninh để lấy nước. Chính nhờ điều đó nên nước dùng của món ăn này có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được. Bạn sẽ thấy thêm ngon khi ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm...
Địa chỉ: Bún lá Nha Trang - 561 Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10. Quán bán từ 6h đến 22h hàng ngày.
Bún cá ngừ
Tuy không quá cầu kỳ nhưng bún cá ngừ lại là một món ăn hấp dẫn, đậm đà và cay nồng. Món ăn này được chế biến rất đơn giản, vài lát cá tươi, hành tây thái mỏng, ớt trái. Cho tất cả các nguyên liệu đó vào nồi và đặt lên bếp, để lửa hơi lớn. Sau khi thấy nồi cá sôi thì cho nhỏ lửa để gia vị thấm đều vào từng thớ thịt cá. Một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế, giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh...
Cho một ít bún tươi vào chén, một lát cá ngừ, một ít rau sống, chan nước cá vào và thưởng thức. Vị hơi chua của nước dùng, vị cay nồng của ớt, thêm một miếng cá ngừ vừa thơm vừa béo cùng bún tươi và rau sống. Món ăn ngon nhưng cay xé lưỡi làm cho bạn vừa ăn vừa hít hà và không bao giờ quên được.
Địa chỉ: Quán Khoái - 3A Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3, TP HCM.
Bún cá miền Tây
Bún cá là món ăn dân dã có mặt khắp các tỉnh thành ở miền Tây, nổi tiếng với các thương hiệu như bún cá Kiên Giang, bún cá Châu Đốc (An Giang)... Thành phần chính làm nên sự nổi tiếng của món ăn là cá lóc. Cá lóc làm sạch, đầu cá được cắt rời nhưng vẫn giữ nguyên bộ lòng.
Cá luộc hoặc hấp chín, sau đó được lột da và lóc hết xương, những thớ thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Bên cạnh đó, những con tép biển to bằng ngón tay được cắt bỏ đầu, rửa sạch, ướp gia vị và đem rim vàng. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nước dùng, chính cái vị ngọt thanh làm cho món ăn trở nên hấp dẫn và ngon miệng.
Nước dùng không được nấu từ xương lợn hay xương gà mà từ cá tươi. Những loại cá biển nhỏ được mua về nấu để lấy nước dùng. Trong quá trình nấu, cho vào một ít khô mực đã nướng làm cho nồi nước dùng vừa có vị ngọt thanh vừa có vị mặn mà đậm đà. Ăn kèm bún cá là đĩa rau tươi ngon gồm xà lách, bắp chuối, giá đỗ, rau răm, húng thơm... Nếu như gặp mùa cá có trứng, người ta sẽ đánh tơi trứng và cho vào nồi, những mảng trứng vàng tươi làm cho món ăn thêm đẹp mắt và ngon miệng.
Địa chỉ: Từ đầu đường Vườn Chuối (quận 3) đi vào khoảng 400m, bạn sẽ thấy bảng hiệu bún cá Kiên Giang nằm bên tay phải.
Bún num bò chóc
Có nguồn gốc từ Campuchia, num bò chóc là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng của người dân xứ chùa tháp. Nhiều người mới nghe tên gọi sẽ rất e ngại mùi vị của mắm bò hóc mà không dám thưởng thức món ăn đầy hấp dẫn này. Nhưng khi ngửi mùi thơm của nước lèo thì sẽ không thể cưỡng lại được bởi vị đậm đà của mắm, cái hương thơm của ngải bún, sả và trái chúc... Các nguyên liệu đó hòa cùng với mắm bò hóc làm nên nước lèo có vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh rất đặc trưng.
Nguyên liệu nấu bún gồm có cá lóc, mắm bò hóc, trái chúc (giống trái chanh dây nhưng có mùi vị khác), ngãi bún (có mùi giống củ riềng) chỉ có ở Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc tươi nguyên và nước mắm bò hóc, nêm các gia vị gồm trái chúc lấy vỏ giã nát cùng ngãi búng và củ sả. Khi thưởng thức, bún được ăn kèm với các loại rau quen thuộc như bắp chuối, rau muống, đậu đũa, dưa leo thái nhỏ, giá đỗ, bông súng...
Địa chỉ: quán Tư Xệ, hẻm 382 Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM. Quán bán từ 6h đến 10h sáng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Bún ngon của xóm chài Bún xóm chài không thể thiếu cá và chỉ dùng để đãi khách hoặc cả nhà cùng ăn. Từ lâu, các loại bún bò, bún giò, bún rạm, bún cua, bún mắm, bún ốc... là những đặc sản nổi tiếng của nhiều địa phương khắp các vùng miền ở đất nước. Căn cốt vẫn là bún với nồi nước dùng, rồi khi ăn...