Bức xúc với trường học ‘tối như hũ nút’
“Xin hãy cứu lấy đôi mắt của các cháu”, đây là lời “kêu cứu” khẩn thiết của một phụ huynh học sinh THPT Mê Linh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc.
Theo lời vị phụ huynh này, từ nhiều tháng nay hàng nghìn học sinh của trường đang phải học trong cảnh “thầy không rõ mặt trò”…Vị phụ huynh này còn cho biết thêm, lớp con gái anh theo học đã có hơn 30/42 học sinh bị cận (?!)
“Thầy không nhìn rõ mặt trò”
Khi chúng tôi có mặt tại trường THPT Mê Linh, hầu hết các lớp đều phải học trong tình trạng “điện có cũng như không”, hoặc theo cách nói đầy chua chát của vị phụ huynh là “thầy không nhìn rõ mặt trò”. Tất cả các cánh cửa sổ, cửa đi lại đều mở toang để tận dụng… ánh sáng ngoài trời nhưng cũng chẳng “ăn thua” gì. Nhìn từ xa qua cửa lớp, tất cả chỉ là màu đen ngòm, tối thui, phải đến rất gần chúng tôi mới biết có lớp đang học.
Nhìn từ xa lớp học tối như “hũ nút”- ảnh Lê Thu
Theo lời kể của cô Nguyễn Thị L, giáo viên môn Vật lý, tội nhất là những hôm trời mưa, các cửa sổ đóng kín, các em phải cúi gần sát mặt xuống bàn, lắng tai nghe tiếng thầy mà viết chứ không dám nhìn lên bảng vì nhức mắt. Trường hợp mưa to quá các em phải nghỉ học không phải là hiếm.
“Thầy trò chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để đối phó. Nào là cắt cử các em đến sớm 1h để bật đèn, nhưng chỉ được một hai tiết đầu, khi các lớp đồng loạt bật đèn thì ngay lập tức các bóng cùng tắt “phụt”, may mắn lắm thì được vài cái sáng… “nhấp nháy”. Khổ nhất là mùa đông, với các lớp học buổi chiều thầy trò phải học chạy đua với… ánh sáng trời bằng cách cho các em học sớm về sớm, không ra chơi …”, cô L. xót xa. “Mùa đông đã vậy, mùa hè “sáng sủa” hơn thì thầy trò THPT Mê Linh lại phải đối mặt với cái nóng ngột ngạt, nhìn các em vừa học vừa đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại mà thương lắm!”, cô L. tiếp.
Cận cảnh một lớp học “không đèn” – Ảnh Lê Thu
Lê Thị Thu H, học sinh lớp 10A2 kể: “Em ngồi bàn đầu mà nhìn cũng không rõ, chỉ thấy chữ hơi mờ mờ. Từ đầu năm đến giờ lớp em thêm bao nhiêu bạn bị cận”.
Gần 250 triệu để mua… bóng tối
Video đang HOT
Qua tìm hiểu của phóng viên, tình trạng yếu điện đã diễn ra tại THPT Mê Linh từ nhiều năm trước. Nhưng đến mức “thảm hại” như hiện nay, trớ trêu lại từ khi thực hiện dự án: “Cải tạo hệ thống chiếu sáng” cho nhà trường. Theo đó, toàn bộ hệ thống bóng đèn cũ được thay mới, từ 6 bóng lắp thành 12 bóng. Dự án trị giá 228 triệu đồng, được thực hiện từ ngày 26/10/2009 và kết thúc vào ngày 10/11/2009. Tuy nhiên, một giáo viên trong Ban lãnh đạo trường thừa nhận: “Sau khi kết thúc dự án vẫn chưa được nghiệm thu” (?!?)
Trường THPT Mê Linh – Ảnh Lê Thu
Khi nghe tin dự án gần 250 triệu đồng được đầu tư để thay đổi hệ thống điện, rất nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên đều phấn khởi háo hức. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy nửa tháng, tất cả đều vô cùng thất vọng trước kết quả mà dự án mang lại. Kể từ đó đến nay, vấn đề điện chiếu sáng cho học sinh luôn là đề tài nóng hổi trong tất cả các cuộc họp bàn của Ban lãnh đạo nhà trường, và giữa nhà trường và phụ huynh. Thế nhưng, gần hết một năm học mà vẫn đề vẫn “giậm chân tại chỗ”.
“Chúng tôi đã gọi điện lên thầy cô Hiệu trưởng, Hiệu phó đề nghị có phương án sớm mang lại ánh sáng cho các em học tập, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời “vô trách nhiệm” từ phía nhà trường. Nếu cứ thế này, sẽ thêm bao nhiêu cháu bị “hỏng” mắt nữa”, anh Nguyễn Văn T, một phụ huynh bức xúc.
Không tìm được tiếng nói chung, quá bức xúc nhiều phụ huynh đã có những phương án “tự giải quyết” như: đề xuất cho học sinh mang đèn ắc quy ở nhà đi, nhờ thợ điện đến lắp lại bóng cho lớp học. Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận với Hiệu trưởng nên các “phương án này” đều không được áp dụng.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi Trần Xuân Hữu, Hiệu trưởng THPT Mê Linh cho biết: “Đây là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn chứ không riêng gì THPT Mê Linh. Vấn đề này đâu chỉ giải quyết được trong ngày một, ngày hai” (?!?).
Không biết “ngày một, ngày hai” mà ông Hữu đề cập là đến khi nào. Nhưng có một điều dễ nhận thấy là hứng thú học của nhiều học sinh đã giảm đi đáng kể. Chính cô L, cô Nguyễn Thị Đ., Cô Lê Thị A… và nhiều giáo viên khác trong trường cũng thừa nhận, việc học trong tình trạng “tranh tối tranh sáng” đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức học của các em.
Được biết, không chỉ bóng đèn mà quạt trần, máy chiếu, đài điện sử dụng cho việc học Tiếng anh của trường đa phần dùng… làm cảnh.
Lê Thu
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lời kêu cứu từ nơi đốt đất cũng cháy
(Dân trí) - Là vùng trung chuyển xăng dầu từ thời chiến, vùng đất Hương Long mấy chục năm qua đã thấm bao nhiêu xăng dầu, đất đốt lên cũng có thể cháy phừng phừng, nước sinh hoạt đặc quánh váng xăng. Hàng chục người chết vì ung thư là hậu quả nhãn tiền...
Xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là nơi trung chuyển các mặt hàng chiến lược quốc phòng, trong đó có đường ống dẫn xăng dầu thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Tại khu vực Động Lặt - địa điểm đặt Trạm xăng dầu Động Lặt (thuộc Trạm trung chuyển vận hành đường ống xăng dầu Bộ Tư lệnh tiền phương 559), bom mìn làm đường ống dẫn bị đứt, xăng dầu chảy ra với khối lượng lớn không xác định.
Hậu quả là hơn 40 năm qua, lượng xăng dầu ngấm dưới lòng đất đã lan toả khắp trên các ao hồ, giếng nước, kênh mương, đồng ruộng, đặt biệt là nhiễm sâu vào nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Ghi nhận củaDân trí, hơn 300 giếng nước sinh hoạt, gần 400ha đồng ruộng ao hồ, đất sản xuất nông nghiệp tại các xóm 6, 12, 13 xã Hương Long bị nhiễm xăng dầu ở mức độ rất cao, nhiều chỗ lấy cuốc đào ở độ sâu 2 - 3m, bật lửa đốt đất có thể phát cháy.
Nước ao, hồ đặc quánh váng xăng
Bị xăng "bủa vây", cuộc sống của người dân Hương Long khốn khổ đủ đường. Ông Phan Anh Đào, xóm 13, kể: "Nhà tui đào đến hơn 15 cái giếng, cái mô cũng sâu trên 13m nhưng nước khi múc lên vẫn ngả váng, sặc mùi xăng, để một lúc sẽ ngả màu đỏ như nước bùn non".
Ông Lưu Văn Sửu, trưởng thôn 12 cũng cho biết, ở xóm ông nhiều nhà đào đến 6, 7 chiếc giếng nhưng không cái nào sử dụng được vì tỷ lệ xăng trong nước quá cao. Nhiều người trong lúc đào giếng xuống độ sâu 7- 8 m phải đi cấp cứu vì ngạt xăng. Có nhà đào một cái giếng mà chết đến hai mạng người.
Do phải sử dụng nước nhiễm xăng nên người dân Hương Long lâu nay mắc đủ thứ bệnh. từ viêm dạ dày, sỏi thận, gan, nấm ngoài da tới ung thư. Chính quyền xã Hương Long cho biết, chỉ tính từ năm 2007 đến nay có hơn 20 người bị chết vì ung thư, nhiều gia đình chết 2 - 3 người. Đau buồn nhất phải kể đến nhà ông Lê Triện ở xóm 13 có tới ba người chết vì ung thư còn một người em ông cũng đang bị bệnh gan, con gái ông mắc bệnh ngoài da.
Người dân thiếu nước sạch trầm trọng
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học công nghệ tỉnh này đánh giá mức độ nhiễm xăng, trên cơ sở đó tìm giải pháp cứu cuộc sống cùng cực của hàng trăm hộ dân xã Hương Long. Trong khi chờ kết quả, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư kinh phí xây dựng công trình lọc, chứa nước. Người dân Hương Long đã triển khai, nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn.
Những hình ảnh thể hiện nỗi khổ của người dân Hương Long mà PV Dân trí ghi lại được:
Đào hồ cá rồi cũng phải bỏ vì cứ thả cá xuống hồ là cá chết
Một giếng nước nhiễm xăng ở xóm 12 không còn được gia chủ sử dụng
Một giếng nước vừa đào đã được người dân xã Hương Long bịt kín vì nhiễm xăng
Không có nước sạch, người dân Hương Long chỉ còn cách đi chở nước ở vùng khác về dùng tạm
Các bể chứa nước mưa chỉ đủ dùng trong 3 tháng/năm.
Ông Phan Quang Long chỉ là một trong hàng chục người dân xã này bị ung thư.
Minh Chiến - Văn Dũng