Bức thư xúc động của bố gửi con gái đạt điểm kém cuối học kỳ
Những lời chia sẻ, động viên tâm lý và sâu sắc của người cha dành cho con gái khi đạt điểm môn Toán không như mong muốn trong đợt thi cuối kỳ khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Người cha đã nhẹ nhàng chỉ cho cô con gái mình rằng điểm số không phải quan trọng nhất.
“Điểm thi không thể cho mọi người biết con đã có bao nhiêu trải nghiệm, rằng con đã đi, con đã biết, đã yêu thương bao nhiêu người nghèo khó. Nó cũng không cho mọi người biết về những niềm vui, nỗi buồn và những ước mơ cao đẹp của con, cách mà con đang cố gắng để tiến dần đến ước mơ đó”, người cha viết.
Trong khi nhiều bậc phụ huynh đau đầu tìm mọi cách để con mình có thành tích cao nhất, những lời tâm sự của ông bố này khiến nhiều người phải tự ngẫm lại.
Sau vài tiếng được tài khoản Facebook Lenguyen Nguyen đăng tải, bức thư đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều người bày tỏ sự khâm phục trước cách suy nghĩ và dạy con của ông bố này, bởi không phải vị phụ huynh nào cũng làm được như vậy.
Một bạn đọc chia sẻ: “Em ngưỡng mộ chú quá. Em làm giáo viên mà còn không sâu sắc được như thế này”.
Nhiều người cho rằng đây chính là “ông bố mơ ước”, “ông bố quốc dân” và ngưỡng mộ cô gái trong thư có được người cha tâm lý như thế.
Video đang HOT
Người cha khẳng định điểm số không nói lên điều gì cả. Ảnh: FB Lenguyen Nguyen.
Dưới đây là nguyên văn bức thư đang gây sốt trên mạng:
“Con yêu thương!
Kết quả kỳ thi học kỳ này bố đã xem rồi, nó không quá tệ nhưng không làm cho bố mẹ vui, con và anh con cũng vậy. Nhưng, xem cách anh con bảo vệ con, khen con về điểm Lịch sử cao nhất lớp, bố rất vui vì anh con rất thông minh và thương em nữa.
Thật lòng mà nói, điểm về môn Toán của con không làm ai vui được, nhưng còn những điểm khác thì cũng khá đấy. Con cần cố gắng thêm nhé nhất là về môn Toán con nhé.
Bố nghĩ, kết quả điểm thi không phản ánh được những khả năng đặc biệt ở một con người. Các thầy cô ra đề và chấm điểm không thể hiểu con và các bạn của con như cô, bác, chú dì và nhất là bố mẹ của con hay bố mẹ của các bạn con.
Điểm thi không thể cho mọi người biết con đã có bao nhiêu trải nghiệm, rằng con đã đi, con đã biết, đã yêu thương bao nhiêu người nghèo khó. Nó cũng không cho mọi người biết về những niềm vui, nỗi buồn và những ước mơ cao đẹp của con, cách mà con đang cố gắng để tiến dần đến ước mơ đó.
Điểm thi không thể cho mọi người biết con có thể hài hước trêu chọc, làm cho mọi người vui cười (và đôi khi quá đã làm mọi người giận).
Điểm thi không cho mọi người biết con đánh piano hay như thế nào. Con có thể làm thơ rất nhanh và tình cảm nữa.
Nói tóm lại, điểm thi không thể cho mọi người biết con là người tốt, biết yêu thương mọi người và có nhiều khả năng đặc biệt khác.
Vì vậy, điểm thi chỉ là điểm số. Chúng ta tự hào về điểm số của mình và sẽ luôn cố gắng để có điểm số cao. Nhưng nếu chẳng may điểm số không mong muốn, con hãy luôn nhớ rằng, chúng ta có nhiều phương cách để chứng minh bản thân mình. Thi cử tuyệt đối không phải là cách duy nhất!”.
Theo Zing
Thi thử đại học, áp lực thật
Ngày thi THPT quốc gia 2017 đang đến gần, những kỳ thi thử càng dồn dập. Kết quả từ những đợt thi này ít nhiều ảnh hưởng tâm lý của học sinh.
Những kỳ thi thử là một phần quan trọng trong quá trình ôn luyện của học sinh lớp 12. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực, thi thử cũng mang lại những áp lực nhất định cho sĩ tử.
Nhiều kỳ kiểm tra
Trong một năm, học sinh phải làm nhiều bài kiểm tra, những bạn lớp 12 còn có thêm nhiều kỳ thi thử chuẩn bị cho ngày vượt vũ môn.
Một học sinh ở Bình Định cho biết từ đầu học kì II đến nay, em đã thi thử 4 lần do trường tổ chức. Theo nam sinh này, em còn một lần thi thử nữa. Đó là chưa kể 2 đợt thi giữa kỳ, cuối kỳ, rất nhiều bài kiểm tra ở lớp, giải đề mẫu, thi thử ở các trung tâm ôn luyện, học thêm. Cậu chia sẻ em ngán ngẩm với những kỳ thi, vì lịch quá dày đặc.
Đến nay, học sinh tại TP.HCM đã trải qua một kỳ thi tập dượt. Nhiều trường có kế hoạch tổ chức thêm từ một đến hai đợt thi thử trong thời gian tới.
Học sinh trường THPT Trưng Vương trong lần thi thử gần đây. Ảnh: Minh Nhật.
Em Nguyễn Thúy An (lớp 12 chuyên Anh ở Quãng Ngãi) cho biết trường tổ chức thi thử, 100% học sinh tham gia. Một số môn bị điểm thấp khiến em xấu hổ, lo lắng.
"Các kỳ thi thử do trường tổ chức, giáo viên thường ra đề khó hơn các năm và đề mẫu. Tâm lý thầy cô cho rằng đề khó, điểm thấp, các em sẽ cố gắng ôn luyện nhiều hơn", cô Võ Lê Hải Phương (Tuy Phước, Bình Định) cho hay.
Áp lực điểm số
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của những lần thi thử. Học sinh sẽ được làm quen đề, không khí kỳ thi, tập đối mặt áp lực tâm lý thi cử và hiểu rõ năng lực của mình để phấn đấu. Từ điểm số ban đầu của các em, giáo viên sẽ có kế hoạch ôn tập chu đáo cho từng bạn, nhóm học sinh.
Tuy nhiên, điểm số trong các kỳ thi thử cũng mang đến cho học sinh cả áp lực. Không ít bạn phải thay đổi nguyện vọng vì điểm thi thử thấp so với điểm chuẩn các năm của trường đăng ký.
Lịch thi THPT quốc gia 2017. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
"Ban đầu, em định thi Đại học Bách khoa, nhưng sau khi thi thử thấy không khả quan nên đổi sang trường có điểm chuẩn thấp hơn", Võ Ngọc Hùng (lớp 12 ở TP.HCM) cho biết.
Điểm số trong các kỳ thi thử ảnh hưởng khá nhiều tâm lý học sinh. Nhiều em vì điểm thi không như ý, với áp lực, kỳ vọng từ nhiều phía, phải học đêm học ngày dẫn đến căng thẳng.
TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) khuyên: "Áp lực về điểm số là điều bình thường trong cuộc sống, tạo cho các em sức đề kháng tâm lý cho kỳ thi quan trọng phía trước. Tuy nhiên, học sinh nên xác định rằng đó chỉ là thử, cơ hội vẫn còn, không nên quá căng thẳng. Các em cứ cố gắng hết sức mình, kết quả thế nào cũng nên chấp nhận".
Theo Zing
Nam sinh khuyết tật xin dùng máy tính thi học sinh giỏi Dù chân bước không vững, tay không thể cầm bút, Nguyễn Đức Thuận, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Xuân, Bắc Ninh, vẫn quyết tâm đi học. Em khao khát con chữ và muốn tự lập. Ngày 26/4 vừa qua, một phụ huynh chạy xe máy, đưa con đến tận phòng thi học sinh giỏi cấp huyện, xin phép thầy giám thị...