Bức ảnh lưng áo bố đẫm nước mưa vì lo che ô cho con vào phòng thi: Cả đời này, bố mẹ sẽ luôn đợi chúng ta!
Một bức ảnh được chụp tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Huân đã khiến rất nhiều người xúc động. Trong ảnh, ông bố chỉ mải che dù cho con không ướt mà chẳng màng đến mình. Con vào phòng thi rồi, bố vẫn đứng dưới cơn mưa và trông ngóng từng bước chân con đi.
Kì thi THPT Quốc gia 2018 đã khép lại với rất nhiều cảm xúc dành cho các sĩ tử và cả phụ huynh. Hoang mang, bồn chồn, âu lo, căng thẳng, áp lực thì cũng qua rồi, đây là lúc để cả học sinh và các bậc cha mẹ nghỉ ngơi, thư giãn.
Trong suốt 3 ngày thi, nhiều hình ảnh đẹp đã được ghi lại khiến nhiều người xúc động. Đó là cảnh 1 ông bố cùng còn đập tay để tiếp cho con thêm sức mạnh hay bức ảnh “Con ơi… bố ở đây” với ông bố vượt lên cả biển người đã vẫy tay với con.
Ông bố vượt lên cả biển người để vẫy con (Ảnh: phununews)
Mới đây, hình ảnh một ông bố mải che dù cho con mà để lưng áo mình ướt nhem được fanpage “Sài Gòn của tôi” chia sẻ cũng nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Được biết, bức ảnh được chụp tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Huân.
Ông bố chờ con dưới mưa (Ảnh: Fanpage “Sài Gòn của tôi”)
“ Sau khi được các bạn tình nguyện viên đưa em vào trường, bác vẫn đứng yên đó một lúc đủ lâu với tấm lưng ướt sẫm cùng đôi mắt không rời khỏi con trai cho đến khi khuất tầm nhìn. Cảm động nhất là hình ảnh bác nhường hết phần che dù cho con trai, để nó vào phòng thi mà không bị ướt, còn bác thì che dù như không che” – fanpage này chia sẻ.
Hình ảnh này khiến nhiều người thấy trong đó bóng dáng của cha mẹ mình – những người luôn yêu thương và chờ đợi con khôn lớn với sự kiên nhẫn và bao dung vô hạn. Cứ đến cổng trường những ngày thi, bạn sẽ hiểu được tấm lòng cha mẹ dành cho con của mình!
Dưới đây là nguyên văn câu chuyện của page “Sài Gòn của tôi” đang được quan tâm, chia sẻ:
Video đang HOT
Đây là bức hình mình vô tình bắt được khoảnh khắc 2 ba con cầm một chiếc dù đi cùng nhau tới cổng trường Nguyễn Hữu Huân vào chiều hôm nay thi môn tiếng Anh. Sau khi được các bạn tình nguyện viên đưa em vào trường, bác vẫn đứng yên đó một lúc đủ lâu với tấm lưng ướt sẫm cùng đôi mắt không rời khỏi con trai cho đến khi khuất tầm nhìn. Cảm động nhất là hình ảnh bác nhường hết phần che dù cho con trai, để nó vào phòng thi mà không bị ướt, còn bác thì che dù như không che.
Mình nghĩ trên thế giới này chắc chỉ có Việt Nam mới có hình ảnh ba mẹ đứng đợi ngoài cổng khi chúng ta thi Đại Học, với mình, nó là một trong những hình ảnh đẹp nhất cuộc đời, cũng như cái cách họ mỉm cười hạnh phúc, giành nhau bế con, khi ta vừa chào đời. Ba mẹ, những người luôn dành cả đời để đợi chúng ta …
Đợi chúng ta lên 3, cai sữa và tập đi.
Đợi chúng ta lên 6, tập tọe a bờ cờ, cộng-trừ-nhân-chia.
Đợi chúng ta lên trung học, chứng kiến ta dậy thì.
Đợi chúng ta lên phổ thông, chứng kiến ta thi Đại Học.
Đợi chúng ta tốt nghiệp, chứng kiến ta trưởng thành và bắt đầu cuộc đời.
Đợi chúng ta có người yêu; đợi chúng ta lập gia đình; đợi chúng ta sinh con đẻ cái; khi đó chúng ta sẽ bắt đầu hiểu thấu được làm ba mẹ thì phải vất vả như thế nào…
Ba mẹ là người sẽ đợi chúng ta suốt cuộc đời này, không hề than vãn, không hề nản lòng, không hề thay đổi, chỉ mong chúng ta trưởng thành và nên người.
Bạn có thấy hình dáng ba mẹ của mình trong này không?
Theo Helino
Kết thúc kì thi THPT quốc gia 2018: 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi
Chiều 27/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo kết thúc kì thi THPT quốc gia 2018. Theo Bộ GD&ĐT, kì thi diễn ra an toàn. Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 cảnh cáo: 01 khiển trách).
Theo Bộ GD&ĐT, kì thi năm nay các địa phương đã chủ động chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương nhất là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập; hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn; thành lập 05 đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ thường trực chỉ đạo công tác tổ chức thi tại 05 vùng trên cả nước nhằm chỉ đạo kịp thời các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức thi; huy động hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt ở 2.144 Điểm thi trên toàn quốc; Thanh tra Bộ đã thành lập 11 đoàn Thanh tra thi lưu động nhằm tăng cường giám sát công tác tổ chức thi tại các Hội đồng thi.
Bộ GD&ĐT cũng đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi - tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức Kỳ thi.
Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn, lũ quét, gây sạt lở ách tắc giao thông tại một số tuyến đường. Tuy nhiên, do đã có sẵn các phương án ứng phó với thời tiết và các tình huống bất thường này, các sở, ban, ngành của các địa phương đã chủ động huy động các phương tiện chuyên dụng của Quân đội, Công an để kịp thời hỗ trợ hầu hết các thí sinh đến Điểm thi đúng giờ.
Tuy nhiên, ở hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang mặc dù địa phương đã cố gắng khắc phục tối đa nhưng vẫn còn một số thí sinh không đến được Điểm thi để dự thi. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi các địa phương thống kê, báo cáo cụ thể, đồng thời đề xuất phương án để kịp thời quyết định phương án xử lí phù hợp vừa đúng Quy chế vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Tổng cộng có 15 em không thể thi THPT quốc gia vì mưa lũ. Do đó có thể xét đặc cách cho các em đỗ tốt nghiệp.
Về đề thi, theo Bộ GD&ĐT, đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi.
Đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với hình thức thi đã công bố, tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hoá kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài Ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của Kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ, TC.
Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các Điểm thi trên phạm vi cả nước. Một số hiện tượng vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Kỳ thi có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 Điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.
Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74,3% (năm 2017 là gần 75%). So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99.34%; Hóa học: 99.22%; Sinh học: 99.35%; Ngoại Ngữ: 99.63%; Lịch sử: 99.35%; Địa lí: 99.44%; GDCD: 99.56%).
Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được các Hội đồng thi tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi. Các Hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.
Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Việc tăng cường công tác tuyên truyền, học tập quy chế Quy chế thi đối với học sinh và tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ tham gia làm công tác thi đã góp phần duy trì kỷ cương thi cử.
Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 cảnh cáo: 01 khiển trách).
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế, đáp ứng các mục tiêu đề ra, đảm bảo phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Nghệ An: Thí sinh "dị nhất", 11 lần đi thi, từng học 5 trường đại học Khi nhắc đến thí sinh Nguyễn Văn Mão (SN 1988) thì ai ai cũng trầm trồ, khen ngợi trước nghị lực phi thường của cậu học trò ở vùng quê nghèo miền núi huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đây là thí sinh được xem là "dị nhất" trong các thí sinh dự thi. 11 lần đi thi, từng học 5 trường Đại học,...