Bức ảnh động có giá gần 1 triệu USD
DeeKay Kwon, một nghệ sĩ hoạt họa ( graphic designer) vừa bán thành công tác phẩm NFT của mình với giá 1 triệu USD.
Ngày 8/4, DeeKay Kwon thông báo trên Twitter việc bán thành công một vật phẩm NFT với giá 310 ETH (khoảng gần 1 triệu USD). Người mua tác phẩm này là chủ nhân tài khoản Twitter nổi tiếng trong giới đầu tư NFT, @CozomoMedici. Snoop Dogg, rapper nổi tiếng người Mỹ từng tuyên bố mình là Cozomo Medici.
NFT vừa được bán của DeeKay là một hình động về vòng lặp cuộc đời với tên gọi “Life and Death” (sự sống và cái chết). Tác phẩm mô tả quá trình lớn lên, trưởng thành và chết đi của một một người đàn ông dưới dạng hoạt họa 2D.
Tác phẩm hoạt họa Life an Death vừa được bán với giá 1 triệu USD.
“Đôi khi một tác phẩm xuất hiện và cho bạn thấy sức mạnh của nghệ thuật, lay động trái tim và tâm hồn. Đó là lý do tại sao tôi cảm nhận Life and Death của DeeKay sẽ là tác phẩm đại diện của thời kỳ này. Tôi rất vui khi có được nó hôm nay với giá gần 1 triệu USD (310 ETH)”, Cozomo Medici viết trên Twitter.
Người mua cho biết đã ra giá 1 triệu USD để tác giả không thể từ chối. Mức chi phí này cao hơn 20% so với tác phẩm có giá cao nhất được bán trước đó của DeeKay Kwon.
“Tôi thấy hạnh phúc, nhưng đi kèm là sự lo lắng. Tôi không chắc bản thân có thật sự xứng đáng với số tiền 1 triệu USD đó không. Tôi luôn nghĩ tác phẩm của mình là một thứ gì đó đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức. Nó giống như một meme, không phải thứ trưng bày trong viện bảo tàng”, DeeKay viết trên Twitter.
Video đang HOT
DeeKay Kwon rao bán các NFT giới hạn, chỉ một phiên bản của mình trên nền tảng Superrare.com. Ngoài Life and Death, còn có 8 tác phẩm khác của nghệ sĩ này đang được rao bán. Giá của những NFT hoạt họa này dao động 16.000-680.000 USD. Theo thống kê của Crypto Art, các tác phẩm của DeeKay Kwon đang có tổng giá trị khoảng 2,8 triệu USD.
Chân dung nghệ sĩ hoạt họa DeeKay Kwon.
Trong một bài phỏng vấn với The Money Report, DeeKay Kwon cho biết bản thân sinh ra tại Hàn Quốc và đến Mỹ từ năm 12 tuổi. Anh từng có khoảng thời gian làm việc cho Google và Apple nhưng đã nghỉ việc việc từ 3/2021 để theo đuổi NFT.
“Tôi đã có một công việc tốt tại Apple với mức lương khá ổn, nhưng chỉ có vậy. Ở đó, tôi không vui vẻ và thiếu thách thức. Nếu không thể sáng tạo trong công việc, tôi sẽ phát điên”, DeeKay Kwon nói.
Dù nhiều tác phẩm giá trị cao được chào bán thành công, NFT đang có dấu hiệu thoái trào. Dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey, người sáng lập Twitter được bán dưới dạng NFT vào tháng 3/2021 với giá 2,9 triệu USD. Tuy nhiên, chủ nhân hiện tại của vật phẩm này gặp khó khăn trong việc tìm người mua lại. Cho đến nay, NFT nói trên mới chỉ có 7 lượt trả giá với số tiền cao nhất khoảng 7.000 USD.
NFT và hành trình một năm nhìn lại
Vào thời điểm này năm ngoái, một tác phẩm nghệ thuật đã được bán với giá 69 triệu USD bởi nhà đấu giá danh tiếng Christie's và ngay lập tức mở đường cho làn sóng tài sản kỹ thuật số mới.
Tác phẩm nêu trên không phải là sản phẩm nghệ thuật của họa sĩ vĩ đại bậc nhất thế kỷ 20 Henri Matisse, hay một bức họa hiếm khi nhìn thấy của van Gogh. Thay vào đó, nó là một bộ sưu tập kỹ thuật số tổng hợp của nghệ sĩ Beeple tương đối vô danh lúc bấy giờ. Điều khiến tác phẩm Everydays: the First 5000 Days thực sự đáng chú ý là nó đã được bán dưới dạng mã thông báo không thể thay thế (NFT).
Sau đợt bán đấu giá, từ một hiện tượng tương đối ít người biết đến của thế giới công nghệ, NFT đã nhanh chóng trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu. NFT là các mã thông báo tồn tại trên một hệ thống lưu trữ hồ sơ an toàn gọi là blockchain. NFT giống như giấy chứng nhận quyền sở hữu mà một phòng trưng bày có thể cấp cho một nhà sưu tập nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này là các mặt hàng kỹ thuật số, thay vì sản phẩm vật lý.
Tác phẩm nghệ thuật Everydays: the First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple được bán dưới dạng NFT
Những người nổi tiếng như rapper Eminem và người dẫn chương trình truyền hình của Mỹ Jimmy Fallon đã giúp nâng cao giá trị hồ sơ NFT nói chung thông qua bộ sưu tập ảnh Bored Ape. Bộ sưu tập này phổ biến đến mức Twitter hiện cho phép người dùng sử dụng chúng làm hình ảnh đại diện.
Đối với các nhà sưu tập, NFT được cho là phiên bản kỹ thuật số của việc theo đuổi thú vui lành tính. Trước đây, các nhà sưu tập thường bị cuốn vào việc vất vả tìm kiếm những tấm thẻ Magic The Gathering hoặc những con tem ít người biết đến. Ngày nay, những người muốn sở hữu các món đồ quý hiếm lại có xu hướng bị thu hút vào một thế giới nơi mà mức độ quý hiếm được ghi lại minh bạch và dễ dàng xác minh.
Đối với người sáng tạo, NFT cung cấp con đường rõ ràng để kiếm tiền. Trước đây, nghệ sĩ thường phải vật lộn để kiếm tiền từ công việc nghệ thuật. Nhưng với NFT, người sáng tạo có thể kiếm được tiền bản quyền. Nền kinh tế Ethereum được duy trì bởi NFT đã mang về cho những người sáng tạo 3,5 tỉ USD trong năm ngoái.
NFT vẫn khó hiểu với nhiều người
Mặc dù ngày càng phổ biến, nhưng NFT vẫn khiến không ít người cảm thấy khó hiểu. Nguyên nhân một phần được cho là do sở hữu nghệ thuật kỹ thuật số vẫn còn là khái niệm xa lạ. Giống với các loại tiền tệ, NFT có giá trị vì ý nghĩa mà một cộng đồng quy định cho chúng. Về mặt trực tuyến, NFT thuộc về mục "on-chain" trên blockchain, nghĩa là giao dịch đã được xác thực, được cập nhật cho mạng blockchain tổng thể. Khi bạn sở hữu một mặt hàng trên blockchain, mọi người trong cộng đồng đều có thể nhìn thấy điều này. Đặc biệt, nó có thể chuyển thành uy tín, khi các doanh nhân giàu có đặt giá thầu cho mặt hàng NFT quý hiếm.
Không phải lúc nào cũng tích cực
Khi NFT phát triển, thì cũng là thời cơ cho các trò gian lận và lấy tiền gia tăng, đặc biệt là từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ví dụ, một số YouTuber như Logan và Jake Paul thời gian qua đã gây tai tiếng với dự án NFT "rút thảm" (rug pulls). Họ tạo ra dự án NFT chất lượng thấp, sau đó đột ngột từ bỏ dự án, đem theo số tiền của các nhà đầu tư đổ vào.
Các nhà phân tích blockchain phát hiện ra rằng, một trong những dự án như vậy được mua không bởi ai khác ngoài chính người tạo ra loại NFT đó. Hoạt động này, được gọi là giao dịch rửa (wash trading), một hình thức thao túng thị trường liên quan đến việc người sáng tạo NFT mua các tác phẩm của riêng họ, do thiếu sự quan tâm từ công chúng, hoặc để tạo ra những lời thổi phồng xung quanh với mục đích tăng giá của lần bán tiếp theo.
Thất bại hay tương lai?
Một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất về NFT đến từ thế giới nghệ thuật truyền thống, họ coi cơ sở hạ tầng của NFT là có vấn đề. NFT chủ yếu tồn tại trên chuỗi khối Ethereum, dựa vào các nguồn tài nguyên tính toán khổng lồ để hoạt động.
Có lẽ yếu tố kích hoạt "cơ chế phòng vệ" của NFT đối với phần còn lại của thế giới nghệ thuật nằm ở cách chúng đẩy phương tiện nghệ thuật kỹ thuật số theo những hướng thú vị. Damien Hirst, người đứng sau dự án NFT Currency, đã thách thức người sưu tập chọn giữ NFT hay đổi nó để lấy một tác phẩm nghệ thuật vật lý. Điều này buộc nhà sưu tập phải đặt cược vào tương lai: vật lý hay kỹ thuật số, cái nào giữ lại nhiều giá trị nhất?
NFT hiện vẫn ở vị trí gây tò mò. NFT xuất hiện ban đầu như sự theo đuổi sở thích lành mạnh, một phương tiện để định giá và kiếm tiền cho những tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số khan hiếm, một cơ chế mới để gây quỹ trực tuyến và con đường khám phá cho nghệ thuật hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, như chúng ta thấy, NFT đã hoàn toàn trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số, ngày càng nhận thêm sự chú ý và có khả năng sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Nghệ sĩ 42 tuổi kiếm hơn 700.000 USD chỉ trong 32 phút Trong 32 phút, một nghệ sĩ tại California đã bán hết 10.000 tác phẩm trong bộ sưu tập NFT vẽ con bò dạng hoạt hình, thu về hơn 700.000 USD. Đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến thu nhập của Cam Rackam, nghệ sĩ 42 tuổi sống tại California (Mỹ). Các buổi triển lãm bị hủy bỏ, doanh thu giảm và...