Bữa trưa của học sinh bán trú trong nhà ăn mới
Gần 200 học sinh trường Phổ thông thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim đã có nhà ăn mới, thoát khỏi cảnh nóng bức trong nhà tôn lắp ghép.
Từ hôm khai giảng năm học mới đến nay, cứ gần 11h trưa, các học sinh của trường đã kết thúc buổi học và đi ăn trưa tại nhà bán trú nằm bên cánh gà ngôi trường. Trong bếp, ba người cấp dưỡng đã nấu xong cơm, thức ăn đặt lên kệ.
Bữa ăn của học sinh có bốn món gồm trứng, thịt nấu với đậu phụ, rau xào và canh bí đỏ. Ảnh: Đắc Thành.
Trước khi vào nhà ăn, các em bỏ dép ngoài cửa, bước trên nền gạch men sáng bóng. Bốn bức tường màu xanh nhạt còn toả mùi thơm. Các em không ai bảo ai tự đến lấy ghế ngồi. Bảy thầy cô giáo trong trường điều phối, bàn nào nhiều học sinh thì chuyển một số em đến bàn ít và bố trí thức ăn, cơm.
“Từ ngày có nhà ăn và bếp mới chúng em có chỗ ngồi rộng rãi hơn hẳn. Mùa hè mở cửa sổ, trên tường có quạt, dưới nền có ba quạt công nghiệp thổi gió mát”, em Hồ Văn Cành, học sinh lớp 9 nói.
Nhà ăn mới đưa vào sử dụng, lũ trẻ không còn cảnh ngồi chật chội, oi bức trong căn nhà lợp tôn ở sân trường. Bếp và nhà ăn nằm cạnh nhau, đi vài bước chân là đến nơi. “Trước đây phải mang thức ăn hơn 20 m đi giữa trời, những lúc mưa phải dùng ô dù, áo mưa che tránh nước vào thức ăn. Có hôm di chuyển không cẩn thận bị đổ ra ngoài”, Cành kể.
Học sinh ăn trong nhà mới. Video: Đắc Thành.
Cuối tháng 10/2020, những trận mưa lớn của bão Molave đã gây sạt lở đất, lũ quét khiến bếp, nhà ăn sập một phần móng, trơ hàm ếch bên con suối và có nguy cơ sụp đổ. Nhà ăn không thể sử dụng, những ngày đầu sau bão thầy cô giáo dùng 10 tấm bạt che ở sân trường làm nơi ăn tạm. Mỗi khi trời mưa gió nước tạt vào, bữa ăn của học sinh càng trở nên cơ cực.
Một nhóm thiện nguyện đã giúp dựng lại căn nhà tôn lắp ghép. Địa điểm được chọn là giữa sân trường, vì không còn nơi nào bằng phẳng và đủ diện tích. Nhà rộng chừng 60 m2, toàn bộ được làm bằng tôn và bố trí hai chiếc quạt công nghiệp được bật hết công suất. Ba cánh cửa ra vào, cùng năm cửa sổ được mở toang nhưng vẫn không giảm được nóng khi trời nắng. Nhà ăn như một cái lò nóng hừng hực, trời mưa thì sân trường nhão nhoét bùn đất.
Chia sẻ những khó khăn cho học sinh, dự án nhà bếp và nhà ăn bán trú ở Phước Kim đã được xây dựng. Công trình nằm trong chương trình “Ánh sáng học đường”, do quỹ Hy vọng phát động, có sự đồng hành của độc giả VnExpress , quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty tư vấn Xây dựng Việt Nam VNCC.
Công trình khởi công 6/2021 và hoàn thiện sau hơn 2 tháng đúng dịp bước vào năm học mới. Nhà bếp và nhà ăn có diện tích hơn 146 m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó Quỹ Hy vọng tài trợ một tỷ đồng.
Nhà ăn và bếp rộng gần 150m2 thoáng mát. Ảnh: Đắc Thành.
Thầy Trần Văn Thắng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim cho biết, niềm mơ ước của học sinh và giáo viên đã trở thành hiện thực. “Gần một năm sau sạt lở, học sinh vui mừng khi có nhà ăn mới. Quanh nhà ăn được trang bị quạt điện, hệ thống cửa sổ thông thoáng, kết cấu bê tông cốt thép vững chắc”, ông Thắng nói và cho hay từ đó bữa cơm của học sinh cũng ngon hơn.
Ngoài xây dựng bếp, nhà ăn, quỹ Hy vọng còn tài trợ 5.000 đồng một ngày mỗi học sinh, trong vòng một năm. Số tiền này cộng với 25.000 đồng từ ngân sách nhà nước giúp mỗi bữa cơm có ba đến bốn món, đảm bảo học sinh được ăn no, đầy đủ dinh dưỡng để học tập.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn cho biết, mặc dù thời điểm xây dựng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nhưng không ảnh hưởng đến quá thi công. Tiến độ xây dựng công trình nhanh, đưa vào sử dụng đầu năm học mới.
“Huyện Phước Sơn cảm ơn quỹ Hy vọng và báo VnExpres giúp địa phương xây dựng ngôi nhà ăn, bếp. Đây là công trình đẹp, thuận lợi cho học sinh và nhà trường có nơi sinh hoạt, ăn uống an toàn, sạch sẽ, thoáng mát”, ông nói.
Bở kè ngoài nhà ăn và bếp đang tiếp tục hoàn thiện. Ảnh: Đắc Thành.
Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, nhà ăn nằm sát bờ suối được chính quyền đầu tư 5 tỷ đồng xây bờ kè bảo vệ trường và khu hành chính xã Phước Kim. “Vị trí đặt nhà ăn ở đây sẽ đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến”, ông nói.
Trước đó, quỹ Hy vọng đã tài trợ xây dựng nhiều phòng học và phòng bán trú tại Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La. Trong năm 2021, quỹ đặt mục tiêu xây thêm 10 công trình với khoảng 30 phòng học và các công trình phụ trợ, giúp học sinh và giáo viên vùng cao có điều kiện dạy, học tốt hơn.
Trao tặng 8.190 'túi gạo nghĩa tình' tới TP Hồ Chí Minh
Tiếp nối chuỗi hoạt động "Tiếp sức cho tâm dịch", quỹ Hy vọng đã triển khai trao tặng lương thực tới 8.190 hộ gia đình khó khăn tại TP Hồ Chí Minh.
Những túi gạo nghĩa tình trên đường tới tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, những "túi gạo nghĩa tình" bắt đầu được FPT cùng quỹ Hy vọng triển khai vận chuyển tới những hộ gia đình khó khăn tại TP Hồ Chi Minh với 8.190 suất, mức hỗ trợ 20 kg gạo tới mỗi hộ sẽ được trao đi trong những ngày tới. Chương trình góp phần chia sẻ khó khăn với các lao động, trẻ em cơ nhỡ và người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trước đó, FPT đã đồng hành cùng quỹ Hy vọng trao 5.000 túi rau củ quả cho các hộ nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh để ổn định cuộc sống thường nhật.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch" nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Song song với hoạt động hỗ trợ nhóm yếu thế, chương trình còn tiếp sức lực lượng tuyến đầu, gồm các chiến sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đang tham gia chống dịch tại các điểm nóng trên cả nước, thông qua hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế.
Hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho phụ nữ khó khăn Hương Khê 20 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa được trao hỗ trợ vốn quay vòng phát triển kinh tế và phòng tránh thiên tai với tổng giá trị 500 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai và Quỹ Thiện tâm vừa trao...