Bữa sáng thơm ngon nhất
Trong trí nhớ của tôi, bữa sáng của gia đình tôi chưa bao giờ thay đổi. Suốt nhiều năm qua bữa nào cũng giống bữa nào, chỉ duy nhất một món mì trứng.
Trứng là trứng gà ta, mỳ là loại mỳ gạo của Bắc Giang, sợi không to cũng không bé.
Hình như mẹ chỉ biết làm mỗi món đó, hành hoa cắt nhỏ cho vào nồi, sau đó cho nước, nước sôi thì cho mỳ vào và cuối cùng là đến trứng, mỗi người một quả. Hồi nhỏ, khi còn chưa biết phân biệt thích hay không thích, người lớn làm gì thì mình ăn nấy, bởi thế sáng nào cũng vậy, mọi người trong nhà đều ăn duy nhất một món mỳ đó. Ngày đó tôi tưởng nhà ai cũng ăn sáng như vậy.
Món canh trứng của mẹ. Ảnh minh họa.
Đến khi học trung học, tôi đã vô tình phát hiện ra rằng trong căng tin tồi tàn của trường còn có cháo, bún, quẩy, bánh ngọt, thực ra cũng không được nhiều nhặn cho lắm nhưng nó cũng đủ “thịnh soạn” khiến tôi ngạc nhiên, ngay lập tức nó giúp tôi thay đổi khái niệm về bữa sáng suốt 10 năm qua. Kể từ đó, khát vọng về bữa sáng của tôi hoàn toàn được thức tỉnh, cuối tuần về nhà, ăn món mì mẹ nấu dường như không còn mùi vị gì nữa.
Tôi bắt đầu từ chối bữa sáng của mẹ, lý do là sáng nào cũng ăn, ăn đủ rồi. Sau đó tôi xin tiền mẹ ra ngoài ăn, đương nhiên tôi biết ngoài phố có năm hàng bảy quán, về độ phong phú của nó chắc chắn hơn đứt căng tin ở trường. Kể từ đó, rất ít khi tôi ăn bữa sáng của mẹ trừ khi quá lười không muốn ra ngoài hoặc bị ép phải ăn.
Sau đó tôi học đại học. Mỗi lần được nghỉ về nhà, tôi thấy bữa sáng của mẹ vẫn là món mỳ trứng, vẫn cách làm ấy, trình tự ấy, loại mỳ ấy, mẹ một bát bố một bát, trong bát là một quả trứng và mấy cái hành trang trí bên trên cho đẹp mắt.
Hôm đó tôi ăn sữa với bánh bao, vừa ăn tôi vừa trêu mẹ: “Mẹ, con thật phục mẹ, mấy chục năm vẫn như một…” rồi quay sang bố: “Bố, ăn từng ấy năm mà không thấy chán sao ạ?”. “Ăn chán thì sao nào, mẹ con chỉ biết làm mỗi món đó thôi”, bố cười nói: “Hồi còn con gái mẹ con được chiều lắm, chẳng biết nấu nướng gì ngoài món mỳ trứng này đâu, mãi gần đến lúc lấy chồng bà ngoại mới dạy cho đấy”. Nói rồi bố cúi xuống gắp sợi mỳ cuối cùng trong bát, trông ông không có vẻ gì là chán ăn cả.
Mẹ cầm đũa chọc vào tôi một cái: “Thằng quỷ, con lớn lên nhờ món này đấy, giờ tự nhiên lại không ăn nữa, món mỳ trứng này làm sao chứ? Con cũng cao 1m8, cũng khỏe mạnh vạm vỡ đấy thôi”. Những gì mẹ nói là thật. Tôi uống một ngụm sữa rồi nói: “Nếu ngày nào cũng uống sữa, không khéo con đã sang NBA chơi bóng rổ rồi…”.
Video đang HOT
Kể từ đó chẳng bao giờ tôi ăn bữa sáng của mẹ nữa, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lấy vợ. Vợ tôi cũng là nhà con một, ở nhà được chiều, thậm chí đến món mỳ trứng cũng không biết nấu, một ngày 3 bữa của chúng tôi đều ra ngoài ăn hoặc mua mang về… Khoảng hơn 1 năm sau, sau khi ăn chán cơm ở ngoài rồi hai đứa mới bắt đầu học cách nấu cơm. Thực ra học nấu ăn không khó, rất nhanh chóng chúng tôi đều học được món tủ của mình. Vợ chồng tôi phân công nhau, bữa sáng tôi lo, bữa trưa ăn ở cơ quan, bữa tối đương nhiên là do vợ đảm nhiệm.
Mẹ tôi đã nấu canh trứng cho bố tôi nhiều năm.
Dần dần tôi hiểu được rằng, cuộc sống là một gánh nặng cơm áo gạo tiền. Trong mảng sáng tối của nó, con cái của chúng tôi ngày một khôn lớn, bố mẹ cũng dần nghỉ hưu và già yếu mỗi ngày. Năm mẹ 66 tuổi, sức khỏe bắt đầu yếu hẳn, đi viện kiểm tra mới phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối, 3 tháng sau thì bà mất. Mẹ mất khiến bố vô cùng cô đơn, năm đó ông đã gần 70 tuổi, tôi không đành lòng để ông sống một mình, vợ tôi cũng đề xuất đưa cụ lên đây ở cùng. Vì thế, sau khi mẹ tôi mất được 1 tháng thì chúng tôi đón ông lên Hà Nội ở cùng.
Sau khi chuyển lên đây, vì muốn ông được ăn uống ngon miệng, sáng nào tôi cũng thay đổi làm các món ăn đa dạng từ cháo, bún, miến, bánh chưng, thậm chí tôi còn học cả cách làm bánh, nhưng hình như ông mấy nhiệt tình với mấy món đó, so với trước đây ông ăn kém đi rất nhiều. Tôi hỏi ông có phải mấy món đó bố ăn không hợp khẩu vị không thì ông lắc đầu giải thích: “Giờ bố già rồi, ăn cũng kém hơn trước”.
Tôi cứ nghĩ bố nói thật, cho đến một buổi sáng của vài tháng sau đó. Hôm đó là cuối tuần, vợ chồng tôi quen thói ngủ nướng nên khi tỉnh dậy đã hơn 9 giờ. Bố đã xuống dưới nhà tập thể dục xong xuôi, ông không đánh thức chúng tôi mà ngồi trên ghế sô-fa đọc báo. Nhớ ra là chưa nấu bữa sáng cho ông, tôi vội vàng chạy vào bếp vừa rửa rau vừa quay đầu ra hỏi ông: “Bố, bố đói chưa?”. Ông lắc đầu: “Bố không đói, bố vừa ăn rồi”. Tôi hơi nghi ngờ hỏi lại: “Bố ra ngoài ăn ạ?”. Ông có vẻ hơi e ngại trả lời: “Bố ra ngoài mua bánh đa, tự nấu một bát mỳ trứng ăn rồi, biết các con không thích ăn nên bố không nấu”.
Tôi kéo ngăn kéo bếp, quả nhiên có một túi bánh đa vừa bóc dở. Tôi chạy ra ngồi cạnh ông: “Bố, hơn nửa cuộc đời ăn mỳ trứng mẹ nấu bố thấy vẫn chưa đủ sao ạ?”. Ông đặt tờ báo xuống, bỏ kính ra nhìn tôi: “Chàng trai ngốc nghếch, làm sao mà đủ chứ? Cả đời này ăn cũng không đủ, trên đời này không có bữa sáng nào ngon bằng món mỳ trứng do mẹ con nấu cả”. Ông thở dài rồi nói tiếp: “Chỉ tiếc là bố không có được diễm phúc đó”. Ông nói mà đôi mắt ướt lại, tôi muốn nói điều gì đó mà cổ họng bỗng dưng nghẹn cứng.
Cùng một bữa sáng, bố mẹ tôi đã bắt đầu ăn từ năm hơn 20 tuổi, ngày này qua này khác, cứ thế họ đã ăn suốt hơn 40 năm. Mẹ cứ nấu, bố cứ ăn, chưa bao ông giờ kêu chán hay đòi đổi món. Thì ra, trong trái tim bố, đó là bữa sáng thơm ngon nhất trên đời này. Mãi đến giờ tôi mới hiểu, đây có lẽ mới là tình yêu mà bố mẹ dành cho nhau suốt hơn 40 năm chung sống, thứ tình yêu không cần nói thành lời, là lời giải thích đẹp nhất về tình yêu.
Tình yêu là gì? Là buổi sáng khi không có một người thì người còn lại sẽ lại nhớ đau đáu về một bữa sáng do người kia từng nấu, một bữa sáng không bao giờ thay đổi.
Minh An
Theo Gia đình Việt Nam
Mẹ chồng lo cả cái Tết để con dâu chỉ việc về ăn chơi, ngày lên thành phố bà còn dúi cho thêm 15 triệu
Không biết với những mẹ chồng khác thì thế nào, mẹ chồng em thì luôn tuyệt vời, rộng rãi, bà thương con trai 9 thì thương con dâu 10.
Mẹ chồng em trước làm bên khối ngân hàng, vì thế bà quảng giao vô cùng và tâm lý cực kỳ tân tiến. Ngày vợ chồng em còn yêu nhau, dù chưa biết mặt em thế nào, chỉ nghe con trai kể thôi mà cứ thấy em ốm, cảm xoàng là bà đã gọi điện hỏi han nhiệt tình. Bà cứ dặn em phải giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn uống khiến em cảm động lắm.
Ngày em về ra mắt, mẹ chồng em cũng tâm lý. Bà nấu những món ngon em thích ăn. Lúc em về, bà còn gói ghém cho đủ thứ. Rồi từ đó, những ngày lễ hoặc cuối tuần, bà đều giục chồng em dậy sớm mua quà sang đón em đi chơi.
Đến hôm vợ chồng em chuẩn bị đám cưới, bà gọi 2 vợ chồng em về và đưa cho thêm 50 triệu. Bà bảo số tiền này bà cho thêm để 2 vợ chồng em thích mua thêm đồ gì thì mua. Vì bà hiểu, vợ chồng em mới đi làm nên chưa có tích lũy gì. Cỗ cưới, phông bạt, một tay mẹ chồng cũng lo hết, chúng em không phải lo lắng gì cả.
Trưa 30 Tết vợ chồng em về nhà chồng mà mẹ chồng đã sắm đầy đủ đâu vào đấy. Ảnh minh họa.
Ngày đầu tiên ở nhà chồng, thấy em dậy sớm chuẩn bị bữa sáng và quét dọn nhà cửa, mẹ chồng dậy thấy vậy nên quát em bảo lên ngủ tiếp đi, không cần phải dậy sớm. Từ buổi sau cứ 7h dậy chuẩn bị đồ ăn là được rồi.
Ở cùng với bố mẹ chồng, cuộc sống của em rất thoải mái. Càng ngày em càng phát hiện ra là em với mẹ chồng rất hợp nhau. 2 mẹ con em ngồi nói chuyện tâm sự với nhau hết ngày không hết chuyện.
Ngày vợ chồng em ra ở riêng ở cách nhà mẹ chồng 27km, mẹ chồng lúc nào cũng gọi điện tâm sự rồi còn dặn con dâu phải quản lý hết tiền bạc của chồng, không để chồng cầm tiền. Rồi những lúc vợ chồng em giận nhau, mẹ chồng đều đứng ra dàn hòa và đứng về phía con dâu.
Nhất là Tết này, vì công việc của cả 2 vợ chồng em quá bận rộn đến tận 30 Tết mới được nghỉ. Em liền gọi về bảo mẹ chồng rằng, Tết này không sắm sửa được vì bận quá. Có gì mẹ mua sắm, chuẩn bị Tết hộ vợ chồng em. Thấy em nói vậy, mẹ chồng bảo bận cứ làm việc, để bà lo tất cho.
Trưa 30 Tết vợ chồng em về nhà chồng mà mẹ chồng đã sắm đầy đủ đâu vào đấy. Mẹ đã gói bánh chưng, gói giò, đặt thịt gà, thịt bò, thịt bê đâu vào đấy. Thậm chí, chiều 30 Tết, bà còn dặn cho chồng em mang quà Tết, mang gà và giò bà làm về biếu thông gia.
Em cũng đưa tiền Tết mà mẹ chồng em nhất định không lấy. Em phải nói mãi bà mới chịu lấy. Nhưng đến sáng mùng 1, bà mừng tuổi vợ chồng em và con trai em còn quá số tiền em đưa cho mẹ chồng.
Bà bảo bà cho thêm 2 vợ chồng em để đóng học cho cháu. Ảnh minh họa.
Hôm mùng 5 Tết, vợ chồng em ở nhà mẹ chồng đến 5h chiều thì lên lại thành phố để mùng 6 Tết đi làm. Khi đi, mẹ chồng chất lên xe cho vợ chồng em đủ thứ quà quê mang đi. Vậy mà lúc vợ chồng em lên xe, bà cứ dúi cho em, bắt em cầm 15 triệu. Bà bảo bà cho thêm 2 vợ chồng em để đóng học cho cháu hoặc mua cho cháu 1 bảo hiểm. Em nhất quyết không cầm thì bà giận bảo chê tiền của bà. Em khó nghĩ quá nên đành phải cầm tiền mẹ chồng cho sau Tết.
Thật sự mẹ chồng em là người rất tốt và tâm lý với các con. Dù cho cả đời vất vả vì chồng vì con và bà cũng có nhiều tâm sự buồn khó nói. Bà coi em chẳng khác gì con gái của bà. Bản thân em cũng rất thương mẹ chồng mình. Nhiều lúc chồng em bất đồng với mẹ chồng, em cũng toàn phải đứng ra bênh bà và dàn hòa cho cả hai.
Mẹ chồng của các chị thế nào, có tuyệt vời như mẹ chồng em không?
Minh Anh
Theo phunusuckhoe.vn
Sáng sớm tinh mơ thấy mẹ đẻ đang chống nạnh trước cổng, tôi định bước ra nhưng bố chồng đi vào bảo: "Con cứ ngồi im trong này" Phải đến tận trưa tôi sang nhà mẹ đẻ thì mới biết được nguyên nhân vì sao sáng sớm mẹ tôi đã chạy sang nhà thông gia và kêu gào ầm ĩ như thế. Mẹ chồng và mẹ đẻ tôi không ưa nhau. Hai bà từng là bạn học, hồi đi học thì cũng ganh ghét nhau chuyện học hành rồi nhan sắc....