Bữa cơm 3 nghìn đồng của học sinh tiểu học Đăk Rong
Ba nghìn đồng chưa đủ mua một bó rau, vậy mà bữa cơm hàng ngày của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (huyện Kbang, Gia Lai) cũng chỉ có giá 3.000 đồng.
Sau buổi học trên lớp, 209 em học sinh (HS) người Bahnar Trường Tiểu học Đăk Rong liền ào tới bàn ăn. Bữa ăn trưa hôm đó của các em có 3 món: một chậu cơm, một chậu canh “đại dương” lõm bõm vài lá rau và mì tôm, món cuối cùng là 2 đĩa trứng rán được các thầy, cô chia nhỏ ra sẵn. Phần cơm này dành cho 10 HS/bàn. Sau khi chờ cho bàn mình có mặt đầy đủ, các em lần lượt tự bới cơm vào bát và ăn một cách ngon lành khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi suất cơm của 10 em HS giá chỉ bằng một dĩa cơm bình dân được bán trên phố.
Thầy Phạm Quốc Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo quy định của Nhà nước, những HS dân tộc thiểu số nhà cách trường từ 3km trở lên sẽ được hỗ trợ 460 nghìn đồng/tháng/em theo hình thức bán trú. Nhưng Đăk Rong là xã vùng sâu đường xá đi lại rất khó khăn, nhiều thôn làng cách trường trên 20km (xa nhất 25km), gia đình phần lớn là hộ nghèo, cha mẹ quanh năm bám rẫy nên không có điều kiện đưa đón con đến trường hàng ngày khiến nhiều em có nguy cơ phải bỏ học. Để giúp các em có thể gắn bó với trường lớp, thầy Tuấn quyết định giữ các em ở lại trường để nuôi theo hình thức nội trú. Sáng kiến này của thầy được toàn trường đồng ý, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng tán thành.
Với số tiền 460 nghìn đồng/tháng/em, để nuôi 209 HS theo hình thức nội trú (từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6, mùa mưa thì cả tuần) không phải là điều đơn giản. Do cơ sở vật chất còn nhiều hạn hẹp, tất cả các khâu nấu nướng từ cơm đến đồ ăn đều phải sử dụng bếp củi trong khi nhân lực của trường không có nên trường phải thuê thêm cấp dưỡng phục vụ việc ăn uống hàng ngày cho HS. Trường phải trích 60 nghìn đồng/em/tháng từ số tiền hỗ trợ bán trú để trả cho 5 cấp dưỡng.
Bữa cơm của 10 em học sinh Trường Tiểu học trường Đăk Rong.
Số tiền còn lại là 380 nghìn đồng, trong đó tiền dầu gội, bột giặt, kem đánh răng… phục vụ sinh hoạt cho các em mất 3 nghìn đồng/ngày/em. Mỗi em sẽ còn lại 10 nghìn đồng/ngày tiền ăn, bữa sáng 3 nghìn đồng, hai bữa trưa và chiều 7 nghìn đồng. Trong khi giá cả tại địa phương rất đắt đỏ, do các tiểu thương phải vận chuyển hàng hóa từ trung tâm huyện vào với quãng đường trên 50km đường rừng núi nên giá đã được tăng lên khá cao như 1kg thịt heo giá 100 nghìn đồng tăng lên 130 nghìn đồng, các loại thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cũng tăng giá.
Với số tiền trên, các thầy, cô phải tính toán rất giỏi mới có thể lo cho các em HS được ăn no. Buổi sáng, các em sẽ được ăn bữa sáng 3 nghìn đồng với các món mì tôm hoặc bún, miến. 2 buổi còn lại, các em sẽ được ăn cơm với thịt, hoặc cá, hoặc trứng và một món canh. Nói là cá, thịt cho sang chứ thực chất bữa ăn của các em chủ đạo vẫn là món cơm và canh “đại dương”.
Video đang HOT
Các em học sinh ăn cơm sau một buổi học.
Trước thực trạng trên, vì xót học trò, nhà trường đã tìm đủ cách để cải thiện bữa ăn cho các em: “Lúc nào trường biết được trong làng có người bán heo thịt khoảng hơn 2 triệu đồng/con, thì trường sẽ mua về xẻ thịt nấu cho các em ăn. Một con heo có thể chia làm 5 ngày cho các em ăn. Mua như vậy giá rẻ hơn rất nhiều so với mua của tiểu thương bán, nhưng phải rất lâu chúng tôi mới mua được như vậy”, thầy Tuấn cho biết. Ngoài ra, vào mùa thu hoạch nông sản, nhà trường còn vận động phụ huynh góp bầu, bí để nhà trường thêm vào khẩu phần ăn cho con em mình.
Một bữa ăn ngon luôn là ước mơ của cả thầy và trò nơi đây: “Do trường phải nấu cơm bằng bếp củi, lại phải nấu nhiều nên có lúc cơm bị cháy ăn không ngon rất tội cho các em. Tôi rất mong có những nồi cơm điện lớn để nấu cơm cho các em được ăn ngon hơn”, thầy Tuấn bộc bạch.
Theo Dantri
Nửa đêm đi "kéo" học trò đến lớp
"Muốn tìm được các em thì phải vào nhà lúc 23h đêm may ra mới gặp, vì lúc này các em mới đi xem ti vi về. Chỉ cần nghe tiếng xe máy của thầy, cô là các em chạy đi... trốn nên đến đầu làng là chúng tôi phải tắt máy".
Đó là tâm sự rất thật của thầy giáo Phạm Quốc Tuấn (43 tuổi) - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (xã Đăk Rong, Kbang, Gia Lai). Để động viên các em quay lại trường, các thầy cô phải vào làng lúc nửa đêm mới có thể tìm và đón được học sinh về trường.
"Mật phục" lúc nửa đêm
Vượt quãng đường gần 200km, PV Dân trí vừa tìm về xã vùng sâu Đăk Rong để được "tận mục sở thị" công tác vận động học sinh của các giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (TH Đăk Rong). Trường TH Đăk Rong có 338 học sinh, trong đó học sinh dân tộc Bahnar có 328 em. Với quan niệm, chỉ có đi rẫy mới làm no được cái bụng", và học xong cũng chỉ để... làm rẫy, nên các bậc phụ huynh nơi đây ít quan tâm đến việc học của con em mình. Việc gieo chữ đối với giáo viên vùng sâu Đăk Rong càng thêm khó khăn bội phần, để giữ vững được con số 338 em học sinh đến lớp thường xuyên là cả một quá trình tận tụy hết mình vì sự nghiệp giáo dục của các thầy cô Trường TH Đăk Rong.
Một "bí mật" mà chúng tôi được các thầy cô chia sẻ là để vận động học sinh đến lớp, các thầy cô phải vào làng lúc các em chuẩn bị lên giường đi ngủ thì mới gặp được các em. Một ngày tháng 4, vào khoảng 9h tối, PV cùng 3 thầy, cô trong trường mặc áo mưa vượt 25km đường đồi đất để vào làng Kon Trang 1. Mục đích chuyến đi là "kéo" em Đinh Văn Nhuốc (đã nghỉ học một tuần nay do bị sốt) về trường. Sau 4 ngày ốm đau, Nhuốc đã khỏi bệnh nhưng lại sinh bệnh lười học, không muốn quay về trường. Ban ngày Nhuốc đi lang thang vào rừng cùng bạn bè chơi, lúc đói bụng cậu bé chờ bố mẹ đi vắng lẻn vào nhà ăn cơm rồi lại bỏ đi. Tối đến, Nhuốc cũng không về nhà mà tìm nơi không ai biết để ngủ.
Khi chúng tôi vào đến làng Kon Trang 1, thầy Phạm Quốc Tuấn cùng đồng nghiệp liền tắt xe máy, đi bộ cả km vào làng. Chúng tôi tìm đến nhà Trưởng thôn Đinh Văn Chuân (56 tuổi) để nhờ ông cùng đến nhà em Nhuốc động viên phụ huynh tìm con về. Vào tới nhà Nhuốc, mẹ cậu bé là chị Đinh Thị Đậu (SN 1980) cho biết nói chị cũng chẳng biết con mình đang ở đâu.
Thầy Phạm Quốc Tuấn cùng đồng nghiệp vào nhà trưởng thôn để cùng đi vận động em Nhuốc đến trường.
Thầy giáo tặng sữa cho mẹ em Nhuốc để động viên em đến trường học.
Gần 11h đêm, các giáo viên phải nhờ thêm một số thanh niên trong làng tìm ở các kho lúa, các ngôi nhà khác nhưng cũng chẳng tìm thấy em Nhuốc ở đâu. Mặt các thầy, cô như buồn hẳn và dặn cha mẹ Nhuốc động viên con đến trường. Chia tay làng Kon Trang 1, chúng tôi quay lại trường. Thầy Tuấn và đồng nghiệp "nạp năng lượng" bằng mì tôm, rồi thầy một mình đi đến hai làng khác để "kéo" 2 học sinh khác đang nghỉ học về trường.
Hơn 6h sáng hôm sau, thầy Tuấn vui vẻ cho biết, cả 2 học sinh đã được thầy và đồng nghiệp chở về trường lúc 2h sáng. Sĩ số cả trường giờ chỉ thiếu mỗi mình em Nhuốc.
Khó khăn chồng chất
Xã Đăk Rong có 15 thôn làng, trong đó có 4 thôn làng cách trường trên 20km. Nhà xa, cha mẹ lại gần như "khoán trắng" con em mình cho các thầy, cô nên sự vất vả đối với người gieo chữ lại tăng gấp nhiều lần. Ở trường, các em không chỉ được học hành, vui chơi mà còn được các thầy, cô lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc khi ốm đau. Chiều thứ 6 hàng tuần, các em sẽ được về nhà thăm cha mẹ 2 ngày. Do vậy mà cứ vào chiều chủ nhật hàng tuần, 26 giáo viên Trường TH Đăk Rong chia làm nhiều nhóm đến tất cả 4 thôn, làng để chở học sinh về trường.
Chiều chủ nhật hàng tuần, các giáo viên lại vào làng chở học sinh ra tận trường.
Không chỉ vất vả trong việc động học sinh đến lớp, mà sự nghiệp gieo chữ của giáo viên nơi đây cũng đối mặt với không ít hiểm nguy. Vào mùa mưa, đường rừng núi trơn trượt nhưng các thầy cô vẫn phải bám làng đi vận động, đưa đón học sinh. Những hôm trời mưa to, các thầy, cô vẫn phải qua những ngầm nước để đưa học sinh về trường, trong khi lũ trên cao có thể ập về lúc nào không hay...
Thầy Tuấn (đi đầu) cùng các giáo viên lội qua ngầm nước cõng học sinh đến trường.
Các thầy cô vượt qua qua ngầm nước để đưa học sinh về trường.
Khó khăn nhất đối với các giáo viên nơi đây khác có lẽ là việc phụ huynh khá thờ ơ với việc học của các con. Thậm chí có những ông bố, bà mẹ thay vì đưa con đến trường thì lại mang lên rẫy không chịu về nhà khiến cho các thầy cô rất vất vả vận động.
"Các thầy, cô khổ lắm, đi vào làng miết, tuần nào cũng đi. Các thầy, cô giúp thế hệ trẻ của làng hiểu biết hơn về cái chữ, biết làm ăn hơn nhưng cha, mẹ các em lại nghĩ khác", ông Đinh Văn Chuân - Trưởng thôn Kon Trang 1 cho biết.
Theo Dantri
Cảm động tình thầy, cô bám trường dạy chữ Hết lòng vì học sinh, các thầy cô Trường Bán trú Tiểu học Đăk Rong (Gia Lai) thay nhau chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. Mỗi năm nhà trường phát động 4 đợt góp tiền mua quần áo cho học trò. Nếu em nào đau ốm, thầy cô lại tất tả chăm lo... Giáo viên góp tiền mua quần...