Brazil tìm thấy hóa thạch của loài bò sát giống cá sấu cổ đại
Hóa thạch của loài bò sát nhỏ giống cá sấu có tên Parvosuchus aurelioi được tìm thấy ở miền Nam Brazil, bao gồm một hộp sọ hoàn chỉnh, 11 đốt sống, xương chậu và một số xương chi.
Mô hình bộ xương của loài cá sấu cổ đại Sarcosuchus tại Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia ở Paris, Pháp. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Một nhà khoa học người Brazil cho biết đã tìm thấy hóa thạch của một loài bò sát nhỏ giống cá sấu sống trong kỷ Tam Điệp, vài triệu năm trước khi xuất hiện những con khủng long đầu tiên.
Báo cáo được công bố trên Tạp chí báo cáo khoa học ngày 20/6 cho biết, hóa thạch của loài săn mồi có tên Parvosuchus aurelioi được tìm thấy ở miền Nam Brazil, bao gồm một hộp sọ hoàn chỉnh, 11 đốt sống, xương chậu và một số xương chi.
Parvosuchus, sống cách đây khoảng 237 triệu năm, đi bằng 4 chân và dài khoảng 1 m, là loài săn mồi trên cạn và ăn các loài bò sát nhỏ hơn.
Parvosuchus có nghĩa là “cá sấu nhỏ”, thuộc về một họ bò sát đã tuyệt chủng được gọi là Gracilisuchidae. Cho đến nay, loài này chỉ được biết đến ở Argentina và Trung Quốc.
Theo nhà cổ sinh vật học Rodrigo Muller thuộc Đại học Liên bang Santa Maria, đồng thời là tác giả của nghiên cứu, họ Gracilisuchidae là những sinh vật rất hiếm trong thế giới hóa thạch.
Nhóm này đặc biệt thú vị vì chúng sống và tuyệt chủng khoảng 7 triệu năm trước buổi bình minh của loài khủng long.
Ngoài ra, Gracilisuchidae cũng là đại diện cho một trong những nhánh sớm nhất của dòng họ Pseudosuchia – sau này đã tiến hóa thành cá sấu.
Parvosuchus sống vào thời điểm đổi mới tiến hóa sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt tồi tệ nhất trên Trái Đất cách đây 252 triệu năm.
Sự kiện tuyệt chủng này đã mở đường cho các nhóm bò sát đa dạng cạnh tranh giành các hốc sinh thái, trước khi khủng long trở thành loài thống trị./.
Phát hiện hóa thạch 'rồng' 240 triệu năm tuổi
Các nhà khoa học vừa tiết lộ mẫu vật hoàn chỉnh đáng chú ý của một loài bò sát thủy sinh dài 5 m, BBC đưa tin hôm 23/2.
Hóa thạch 240 triệu năm tuổi. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Scotland.
Mới đây, Hiệp hội Khoa học Trái Đất và Môi trường (thuộc Hiệp hội Hoàng gia Edinburgh, Scotland) đã công bố hóa thạch có niên đại cách đây 240 triệu năm, được phát hiện trong các mỏ đá vôi cổ ở miền nam Trung Quốc.
Đây là hóa thạch của Dinocephalosaurus Orientalis, một loài bò sát biển cổ dài, giống rồng Trung Quốc được xác định lần đầu tiên vào năm 2003. Sinh vật này được mệnh danh là "rồng" vì sở hữu chiếc cổ siêu dài.
Mẫu vật ngoạn mục đã cho phép các nhà khoa học xem xét toàn bộ giải phẫu của loài vật kỳ quái thời tiền sử. Theo tiến sĩ Nick Fraser của Bảo tàng Quốc gia Scotland, thành viên nhóm quốc tế nghiên cứu hóa thạch, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể chiêm ngưỡng mẫu vật hoàn chỉnh để mô tả đầy đủ về sinh vật này.
Nghệ sĩ Marlene Donelly tái hiện cảnh Dinocephalosaurus Orientalis bơi cùng đàn cá thời tiền sử. Ảnh: M.D.
"Nó có chân chèo (chi trước hoặc sau của sinh vật dưới nước - PV) cùng chiếc cổ dài hơn cả thân và đuôi cộng lại", ông nói.
Chính chiếc cổ dài, uốn cong và linh hoạt cộng với 32 đốt sống cổ riêng biệt đã mang lại lợi thế săn mồi, cho phép Dinocephaloosaurus Orientalis tìm kiếm thức ăn trong kẽ hở dưới nước.
Phát hiện về hóa thạch của Dinocephaloosaurus Orientalis đã làm tăng thêm sự kỳ lạ và tuyệt vời của kỷ Trias, theo ông Nick.
Kỷ Trias (hay kỷ Tam Điệp) là một kỷ địa chất kéo dài từ khoảng 200 đến 251 triệu năm trước. Đây là kỷ đầu tiên của Đại Trung Sinh, kỷ Trias kế tiếp kỷ Permi và kế tiếp nó là kỷ Jura.
Tìm thấy hóa thạch rùa khổng lồ cổ đại đã tuyệt chủng 57 triệu năm Các nhà cổ sinh vật học vừa phát hiện hóa thạch rùa khổng lồ niên đại 57 triệu năm trước ở Colombia. Hóa thạch rùa khổng lồ cổ đại được tìm thấy ở Đông Bắc Colombia. (Nguồn: The Business Standard) Đại học del Rosario, đơn vị dẫn đầu cuộc thám hiểm cho biết, hóa thạch của loài bò sát Puentemys mushaisaensis, ước tính...