Bồng lai tiên cảnh Lộc Yên
Những năm gần đây, khi Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch xanh thì Tiên Phước trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách.
Ngoài tiềm năng được thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, người dân nhiều đời qua đã vun đắp tạo nên những ngôi nhà, khu vườn độc đáo. Trong đó điểm nhấn thu hút du khách là Làng cổ Lộc Yên, nơi vẻ đẹp thể hiện đúng như tên gọi – miền Tiên Cảnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm gian hàng trưng bày các nông sản của huyện Tiên Phước.
Nhiều người nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên xã Tiên Cảnh trở thành điểm đến du lịch tiềm năng của Tiên Phước. Bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, mà còn có cảnh quê yên bình, khí hậu mát mẻ tạo nên những mảnh vườn xanh hút mắt. Thổ nhưỡng nơi đây cũng thích hợp với nhiều loại cây trái mà du khách ngỡ chỉ những miệt vườn miền Nam mới có được. Ngoài ra, những khu vườn được bao bọc bởi những bờ đá xếp gọn gàng, những hàng chè tàu xanh ngút, cắt tỉa thẳng tắp tạo nên không gian trữ tình, lắng đọng.
Làng cổ Lộc Yên được nhiều người biết đến hơn khi năm 2019, nơi đây được Bộ VH TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia – một trong 4 ngôi làng cổ của cả nước. Ngôi làng tọa lạc trong một thung lũng hình tròn khá đẹp, bao bọc xung quanh bởi các dãy núi Rừng Cấm, Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm… Dưới các chân núi có các sông suối Đá Giăng, Vực Dài, Đồng Rộc và các mương nước bao bọc lấy ngôi làng.Từ khi được xếp hạng Di tích Quốc gia, người dân trong làng nâng cao hơn ý thức vun vén, phát triển vườn tược. Đến nay, đã có khoảng 80 hộ dân tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Người dân Lộc Yên gánh trái bòn bon ra chợ bán.
Đặt chân đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh yên bình, thơ mộng mà khó nơi nào có được. Sau khi thăm thú những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm; du khách được chủ nhân các ngôi nhà cổ đích thân hái những loại trái cây đặc sản, như: bòn bon, măng cụt, sầu riêng, bưởi… có sẵn trong vườn để đãi khách. Hoặc muốn trực tiếp trải nghiệm, du khách có thể tự mình hái những loại trái cây để ăn và mang về làm quà cho người thân. Ngoài ra, khi đến đây du khách còn được thưởng thức các món ăn, nước uống được chế biến từ những sản vật sẵn có tại địa phương. Những món ăn dân dã, truyền thống đặc trưng của vùng quê trung du xứ Quảng khiến du khách trầm trồ, ngợi khen.
Tại Làng cổ Lộc Yên, những mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái khá phổ biến. Như hộ ông Nguyễn Đình Sưu với mảnh vườn khoảng nửa héc-ta, song ông Sưu kết hợp trồng các loại cây như bòn bon, sầu riêng, măng cụt, tiêu, cam, thanh trà… rất khoa học. Cạnh đó, ông cũng chỉnh trang sân ngõ, nhà cửa, trồng cây kiểng, đào ao thả cá… làm điểm dừng nghỉ cho du khách. Mỗi năm, doanh thu từ kinh tế vườn gắn với du lịch đạt hơn 100 triệu đồng. “Trước đây, tới mùa thu hoạch trái cây, gia đình tôi phải lo toan đầu ra, giá cả. Nhưng nay, du khách đến thăm vườn đông, thưởng thức và mua trái cây về làm quà. Giá chuẩn nhà vườn nên du khách rất thích” – ông Sưu chia sẻ.
Video đang HOT
Một góc Làng cổ Lộc Yên với vẻ đẹp thơ mộng.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, thời gian qua, việc triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án các cấp đang trở thành chìa khóa phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết 35 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 2025. Nghị quyết đã khuyến khích, định hướng nông dân Tiên Phước cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện Tiên Phước có 500 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện và vườn đạt tiêu chí xanh – sạch – đẹp hiệu quả; 600 vườn tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Thu nhập từ kinh tế vườn hơn 150 triệu đồng/ha.
Công an xã Tiên Cảnh tuần tra, đảm bảo ANTT, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
Cũng theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước phát triển đúng hướng, đạt kết quả tích cực là nhờ vào sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân địa phương. Và chính người dân là chủ thể đang hưởng lợi từ các nghị quyết, chương trình, dự án. Đối với Làng cổ Lộc Yên, địa phương đã ban hành Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên – Thạnh Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030″, với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 312 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, ngôi làng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái làng quê đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.
“Tỉnh Quảng Nam đang ưu tiên đầu tư cho Tiên Phước từ các nghị quyết, chương trình để xây dựng huyện nông thôn mới, làm du lịch… Với nền tảng là kinh tế vườn và trang trại, nếu phát triển đúng như hiện nay, Tiên Phước sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Đồng thời tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững, từng bước nâng cao thu nhập của người dân”, ông Trầm Quế Hương chia sẻ.
Khám phá làng cổ Lộc Yên - Vùng đất 'tiên cảnh phước lộc'
Là nơi lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ từ 100 đến 200 năm tuổi, những ngõ đá, bờ đá rêu phong độc đáo cùng cảnh sắc hữu tình, làng cổ Lộc Yên được mệnh danh là vùng đất 'tiên cảnh phước lộc.'
Ngõ đá rợp bóng cây xanh ở làng cổ Lộc Yên. (Ảnh: Thanh Hòa/Báo Ảnh Việt Nam)
Là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) còn được mệnh danh là vùng đất "tiên cảnh phước lộc"
Không biết vì cảnh đẹp nơi này tựa chốn tiên cảnh bồng lai hay vì địa danh gắn liền với nhiều chữ Tiên nên người ta gọi ngôi làng này là "Xứ Tiên." Thế nhưng, vì lý do gì đi chăng nữa, cảnh đẹp ở làng cổ sẽ đủ sức để níu chân du khách từ lần đầu ghé thăm. Bởi lẽ, đặc điểm địa hình và khí hậu đặc trưng đã giúp ngôi làng càng thêm đẹp.
Theo tư liệu, làng cổ Lộc Yên gắn với cuộc khai hoang, lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Đến thời Tây Sơn (1771-1802) làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh, với tên gọi ban đầu là Lộc An và sau này là làng Lộc Yên. Làng hiện có tổng diện tích tự nhiên 279ha, gồm 4 tổ đoàn kết với 191 hộ, 896 khẩu.
Hiện nay, làng Lộc Yên còn khoảng 50 ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cột gỗ, tường đá ba gian, hai chái với mái ngói âm dương ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt... như giữ nguyên lối kiến trúc thuần Việt, đậm bản sắc vùng miền của người Quảng xưa.
Làng cổ Lộc Yên hiện có nhiều ngôi nhà cổ làm bằng gỗ có tuổi đời hơn 100 năm. (Ảnh: Thanh Hòa/Báo Ảnh Việt Nam)
Đa phần những ngôi nhà ở đây đều được xây dựng với địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng lúa bình yên, khoáng đạt. Đặc biệt, ngôi làng ẩn mình trong một thung lũng tròn, bao quanh là các dãy núi, dưới chân núi lại có sông suối nên cảnh sắc nơi này lúc nào cũng bình yên, tươi mát.
Sân gạch rộng rãi, thoáng đãng, những hàng cau cao vút ôm lấy những lối đi bằng đá sâu hun hút đẹp mắt chính là đặc trưng dễ nhận thấy ở những ngôi nhà cổ nơi đây.
Những ngôi nhà được xây dựng kết hợp giữa những ngõ đá, những hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận tạo nên nét đặc trưng của làng quê Lộc Yên.
Sự kết hợp hài hòa giữa nhà cổ, ngõ đá, vườn cây, đồng ruộng cùng những lối đi quanh co tạo nên cảm giác thân thuộc, hiền hòa cho những ai lần đầu bước chân đến nơi đây. Sự khéo léo và tinh tế trong cách bố trí quần thể những ngôi nhà cổ khiến Lộc Yên đẹp nên thơ như một bức tranh hữu tình.
Trải qua nhiều thế hệ, chủ nhân của những ngôi nhà cổ nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt bình dị như bao thế hệ ông cha. Điều đó cũng chính là nhân tố góp phần tạo dựng nên một làng Lộc Yên trầm mặc, nguyên sơ, chạm tới đáy tâm hồn của những du khách muốn tìm về không gian văn hóa làng quê của người Việt bao đời.
Đặc biệt, ngôi nhà cổ lớn nhất ở làng Lộc Yên có tuổi đời gần 200 năm, thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Đình Sưu. Ngày nay, ngôi nhà trở thành địa điểm được nhiều du khách thường xuyên ghé tham quan.
Một nét riêng độc đáo ở Lộc Yên chính là các ngõ đá, bờ đá, giếng đá cổ. Xưa người dân xếp đá thành bờ kè, ngõ đá để giữ bờ đất khỏi bị mưa lũ làm xói mòn, rửa trôi đất đai, hoặc phân chia ranh giới những khu vườn nối liền với nhau.
Trước đây còn có nhiều ngôi nhà dân gian được trát vách bằng đất sét, đất bùn trộn rơm theo phương pháp truyền thống của người Việt xưa, nhưng những bức vách được trát rất phẳng như tường vôi.
Những bậc đá xếp ngay ngắn tạo thành lối dẫn lên sân nhà. (Ảnh: Thanh Hòa/Báo Ảnh Việt Nam)
Điểm độc đáo ở những hàng rào, ngõ đá này chính là nghệ thuật xếp đá làm nên những bức vách phẳng phiu, không cần đến vôi vữa, ximăng nhưng vẫn liên kết chắc chắn, làm tường đá bảo vệ ngôi nhà.
Những tảng đá được xếp gài xen kẽ, tạo sự liên kết bằng góc cạnh và trọng lực, do vậy khá vững chắc. Thời gian làm cỏ hoa, cây lá sinh sôi ở những khe hở của đá, vươn ra, bám sâu vào đất đá càng khiến những ngôi nhà cổ, đường làng, đồng ruộng thật nên thơ.
Người ta gọi Lộc Yên là nơi lưu giữ một "Việt Nam thu nhỏ" bởi nơi đây hội tụ đầy đủ cảnh sắc tuyệt đẹp của khắp 3 miền non nước. Đó là hình ảnh ruộng bậc thang của miền núi Tây Bắc, có làng quê cổ kính của Bắc Bộ, có vườn trái cây Nam Bộ, có sông suối đặc trưng của cả miền đất Trung Bộ.
Tháng 9/2019, Lộc Yên được xếp hạng Di tích Quốc gia, trở thành điểm đến ở Quảng Nam được nhiều du khách yêu thích. Thăm ngôi làng nhỏ này, du khách sẽ hiểu vì sao nơi đây trở thành một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Việt. Từ những nếp nhà trăm tuổi, con đường làng cho đến vườn cây, tất cả đều như bước ra từ tranh cổ tích./.
Tham quan tour du lịch xanh tại Tiên Phước Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức chương trình tham quan tại các điểm đến trên địa bàn huyện Tiên Phước như làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng (xã Tiên Cảnh), thác Ồ Ồ (xã Tiên Châu)... Tại các điểm đến, đoàn tham quan tìm hiểu và trải nghiệm về những nét đẹp văn hóa...