Bông hoa rừng Tây nguyên ‘vẽ’ giấc mơ cho hàng trăm em nhỏ
‘Con thích cô, yêu cô và muốn cô làm mẹ được không cô?’, Điểu Thị My ngước đôi mắt tròn xoe lên nhìn cô Trinh và khẽ hỏi. Trong giây phút ấy, Trinh thấy tim mình như nghẹn lại.
Trần Thị Thu Trinh năm nay 28 tuổi, cô về công tác ở Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, xã Hưng Bình, huyện Đăk r’lấp, tỉnh Đăk Nông từ năm 2010 đến nay.
Cô giáo dạy mỹ thuật với vóc dáng cao ráo, khuôn mặt xinh và mái tóc dài gần quá hông được không chỉ một mà còn nhiều nhiều học sinh gọi bằng “mẹ”. Tình cảm xúc động ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho Trinh vượt qua bao khó khăn của điểm trường nghèo miền núi, vẽ giấc mơ cho hàng trăm em nhỏ.
Một lớp chỉ có 5 học sinh
Cô giáo Trần Thị Thu Trinh sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2010, cô Trinh tốt nghiệp và bắt đầu công tác ở huyện Đăk r’lấp, tỉnh Đắk Nông cách huyện Krông Nô, quê hương của cô gần 180 km.
Ngày đó, ba Trinh mới qua đời được vài tháng, Trinh muốn có thể sớm đi làm, phụ thêm mẹ chi phí sinh hoạt hằng ngày. May sao có người thân cho biết ở huyện Đăk r’lấp đang có đợt xét tuyển giáo viên dạy mỹ thuật, Trinh làm hồ sơ và được nhận.
Đăk r’lấp là một miền đất hoàn toàn xa lạ, để tới huyện này, phải đi qua đường biên giới quốc lộ 14B, toàn đường rừng vắng tanh. Cô giáo trẻ vẫn chưa thể quên những ngày đầu mới nhận công tác, cô hồi tưởng: “Trường Nguyễn Đức Cảnh có 1 điểm chính và 3 phân hiệu, trong đó phân hiệu ở bon (giống như bản, làng) Châu Mạ khó khăn nhất, đây cũng là nơi tôi dạy học.
Lần đầu đến đây, tôi thấy trường còn khó khăn, cũng có chút lo lắng, vì sắp bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi không một người quen, xa mẹ, xa các em. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến các anh chị đồng nghiệp đi trước, vì yêu học sinh mà đi qua khó khăn, bùn lầy, làm gương khai sáng thì tôi cũng sẽ vượt qua được”.
Video đang HOT
Cô Trinh và những trò cưng
Tại Châu Mạ, nơi chủ yếu học sinh là dân tộc M’Nông, có khi một lớp học chỉ có 4 -5 học sinh, nên cảnh thường thấy ở trường học của Trinh là một lớp với 2 chiếc bảng để sát nhau, một bên dạy lớp 2, bên kia dạy lớp 3. “Chúng tôi ghép học sinh lại, để các bé thấy lớp đông vui hơn, nhờ thế sẽ yêu thích đến trường hơn”, Trinh giải thích.
Nơi Trinh công tác, phụ huynh của học sinh chủ yếu làm nương rẫy hoặc đi làm thuê, gia cảnh khó khăn, Trinh và nhiều đồng nghiệp rất nhiều lần phải đến từng nhà động viên các học trò không được nghỉ học nữa mà phải tiếp tục đến trường. May mắn với Trinh là môn mỹ thuật được các trò thích, số học trò đến lớp đầy đủ. Cô Trinh chưa quên, có những trò, tranh thủ đi trút mủ cao su phụ cho ba mẹ, bị ong đốt sưng vù mặt vẫn cố gắng đến trường.
Cô giáo Tây nguyên xinh đẹp
Cô Thu Trinh từng tham gia Duyên dáng áo dài TP.HCM 2017
Tuy điều kiện vật chất khó khăn nhưng môn mỹ thuật được nhiều phụ huynh và nhà trường quan tâm. Đặc biệt, Trinh được học sinh yêu mến, gần gũi, nhiều trò còn hái hoa rừng để tặng Trinh trong giờ nghỉ khiến cô giáo sinh năm 1989 càng thêm xúc động. “Tôi còn nhớ mãi, em Điểu Thị My, cô bé tôi hay tết tóc và trò chuyện thường tâm sự với tôi, con thích cô, yêu cô và muốn cô làm mẹ, được không cô, đó là động lực để tôi công tác tốt hơn”, cô giáo mỹ thuật bộc bạch.
Hạnh phúc giản dị của người mẹ đơn thân
Cô Trinh đã lập gia đình song cuộc hôn nhân không như ý, hiện cô và con gái 5 tuổi đang sống tại khu nội trú của nhà trường.
Cuộc sống của cô Trinh và con gái khá giản dị, cô giáo Tây nguyên luôn thấy mình may mắn khi được động viên tinh thần từ mẹ đẻ và cha mẹ chồng. Cô trải lòng: “Con gái là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống của tôi, tuy còn nhỏ nhưng con luôn an ủi, biết động viên, chăm sóc mẹ lúc ốm. Hạnh phúc đơn giản của tôi là nhìn bé khôn lớn từng ngày và mạnh khỏe”.
Vẽ đẹp và còn vẽ được tay trái rất siêu, đó chưa phải là tất cả những năng khiếu của cô giáo 28 tuổi. Cô Trần Thị Thu Trinh từng tham gia cuộc thi Duyên dáng áo dài TP.HCM năm 2017 và được trao giải người có mái tóc dài nhất.
Hoa khôi Tây nguyên nhiều lần được cùng các anh chị nhiếp ảnh và những người mẫu thực hiện các bộ ảnh trong tà áo dài thướt tha, đó là những trải nghiệm khó quên. Cô giáo sở hữu mái tóc dài gần 2 m : “Tình yêu dành cho mái tóc dài kết hợp với tà áo dài khiến tôi như được tiếp sức, thêm mạnh dạn và tự tin hơn trong khi trình diễn”.
Xa sân khấu, sàn catwalk long lanh, cô Trần Thị Thu Trinh trở về ngày thường với ngôi trường nhỏ trên đồi cao, nơi mà những cô cậu bé da ngăm đen, tóc đỏ hoe mong ngóng “mẹ Trinh” về. Đó là mái ấm, là hạnh phúc có thật.
Một lớp với 4 học sinhTHU TRINH
Học trò nhận giày từ thiện của những nhà hảo tâmTHU TRINH
Cô Trinh mong những điều kiện tốt hơn sẽ đến với các em nhỏ ở bon Châu Mạ
“Mẹ” của những cô cậu nhóc nói với chúng tôi, nguyện vọng của cô là muốn học sinh có đủ đầy đồ dùng mỹ thuật để thực hành tốt hơn, còn cô sẽ vẽ được những bức tranh tường cho phân hiệu Châu Mạ, nhằm tạo hứng thú cho học sinh khi đến lớp. Cô giáo trẻ cũng nhắn gửi những người bạn phương xa, nếu có chút tấm lòng, có thể nhớ đến những học sinh còn nhiều khó khăn nơi Châu Mạ.
“Nhiều đoàn từ thiện đến với Châu Mạ tặng các con giày dép, quần áo, đồ dùng học tập, các con vui lắm. Nhìn các con tung tăng mang đôi giày mới, mình cũng thấy ấm áp lây, chỉ mong có nhiều hơn những tấm lòng thương các con như thế…”, cô bộc bạch.
Theo TNO
'Sao cô giáo cứ bắt cháu tôi tả bà tóc bạc?'
Chị Đỗ Ngọc Bích, 27 tuổi, sống ở Quảng Ninh bức xúc: 'Cháu tôi học lớp 2, cô giáo ra đề văn tả bà em. Bà ngoại cháu trẻ, tóc vẫn đen, cháu viết như vậy thì cô gạch đi, bắt sửa thành 'tóc bà em bạc trắng'".
Học sinh một trường ở TP.HCM nói không với văn mẫu
Mới đây, cư dân mạng lan truyền một clip học sinh đọc bài văn tưởng tượng mình biến thành một con lợn trước cả lớp. Bài văn sinh động, cách liên tưởng thú vị cộng với cách đọc bài diễn cảm của cậu bé đã khiến nhiều người thích thú. Phải chăng, bài văn sáng tạo của cậu bé trở thành hiếm hoi, giữa lúc các giáo viên thích học sinh viết văn trong khuôn mẫu?
Chị Bích, phụ huynh có cháu học lớp 2 với Thanh Niên: "Tôi rất buồn cho cách dạy của nhiều giáo viên hiện nay. Cháu tôi thật thà, cháu nhìn và thấy gì từ thực tế đều viết vào trong bài văn của mình. Thế nhưng, cô giáo muốn tóc bà thì phải bạc trắng, khuôn mặt xinh đẹp... Cháu tôi đã nói với tôi, cháu cảm thấy buồn khi bài văn của mình bị cô giáo phê bình, vì không đúng ý của cô".
Câu chuyện của chị Bích không phải cá biệt. Thầy Trần Cao Duyên, giáo viên dạy môn ngữ văn tại tỉnh Quảng Ngãi kể với PV Thanh Niên: "Một học sinh của tôi chuyển từ trường huyện lên trường trong thành phố, cháu tả bà là: bà em tóc bạc, đi phải chống gậy, bà nằm đắp mền hoài. Lâu lâu bà ló đầu ra hỏi cơm chín chưa. Cô giáo thành phố không chấp nhận và cho 3 điểm. Cô nói người bà thành phố phải chạy xe máy, bà cùng ông hát karaoke, mang giày thể thao chạy bộ...".
Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 5 tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM buồn bã: "Cô giáo ra đề tả con chó. Cháu bị ảnh hưởng lối so sánh các bộ phận con chó với các đồ vật khác do các cô dạy nên viết văn gượng gạo, khiên cưỡng. Cháu viết 4 chân con chó thẳng như 4 cây thước, lông chó mượt như lông chim. Học sinh hiện nay cũng bị hạn chế kiến thức thực tế, nên có buổi cô nói miêu tả cây chuối, cháu viết cây chuối hữu ích cho con người, quả để ăn, lá để gói bánh, thân để xẻ gỗ đóng bàn ghế rất chắc chắn".
Một giáo viên dạy ngữ văn tại Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay những học sinh mà chị từng giảng dạy có thể chia thành 2 dạng, một là viết có chất văn, sáng tạo trên sự bài bản, khoa học. Dạng thứ 2 là tự nhiên, chân thật, có gì viết đó, bài văn giống như cách nói chuyện. Giáo viên này thừa nhận, hiện nay đang có kiểu học sinh viết văn không dám sáng tạo, mà phải đi theo một mô típ, khuynh hướng, để đạt được yêu cầu của các bài kiểm tra, các kỳ thi.
"Quan điểm của tôi, dạy văn không áp đặt học sinh. Tôi thích ra đề mở cho học sinh để các bạn tự do thể hiện suy nghĩ cá nhân. Song, mặt khác, học sinh hiện nay cũng đang có điều kiện được tiếp cận với nhiều phương tiện truyền thông, nên thông tin nhiều khi chưa rõ ngọn ngành, quan điểm cá nhân có phần lệch lạc, giáo viên cần định hướng cụ thể", nữ giáo viên cho biết.
Thầy Trần Cao Duyên nêu ý kiến: "Nên dẹp bỏ văn mẫu. Hãy để cho học sinh nói thật viết thật. Một câu thật vẫn hơn 10 câu văn mẫu".
"Tôi dạy học sinh thấy gì kể nấy. Có gì viết nấy. Khi gặp học sinh chép văn mẫu tôi không cho điểm và đưa học sinh về viết lại, nếu bài dở tôi vẫn cho điểm vì đó là sự thật", anh Trần Cao Duyên thẳng thắn.
Theo TNO
Cô giáo đam mê đổi mới, sáng tạo trong dạy học Để mang đến cho học sinh (HS) những tiết học thú vị, bổ ích, hiệu quả, cô giáo Trần Thị Kim Nhung (GV Sinh học, Trường THCS Văn Lang, Quận 1, TPHCM) đã có nhiều đổi mới trong dạy học qua các dự án tích hợp liên môn, được HS hào hứng tham gia. Học sinh hào hứng học nhóm trong tiết Sinh...