Bỏng điện nguy cơ lớn, hậu quả đau lòng
Vừa nghỉ hè, bé trai 11 tuổi đã bị bỏng khá nặng do cánh diều của em vướng vào đường dây điện cao thế. Em không phải là trường hợp đầu tiên bị tai nạn kiểu thế này, trong thời gian qua rất nhiều trường hợp trẻ em do thả diều, câu cá, trèo cây dưới đường dây điện cao thế, hoặc trèo lên cột điện, trạm biến áp để bắt chim… đã bị bỏng điện khá nặng, để lại hậu quả đau lòng. Tình trạng này ở mức đáng báo động, mà các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè này.
Chỉ một phút sơ ý mà thương vong
Chiều 5/6, bé Nguyễn Trọng Minh, 11 tuổi, ở Lâm Đồng và các bạn cùng thôn rủ nhau đi thả diều ở bãi đất trống đầu làng. Khi cánh diều của một người bạn cùng thôn gặp gió bay lên cao, bé Minh cũng chạy theo và nắm vào dây diều đó để giữ cho bạn. Nào ngờ, trong lúc bé Minh đang chạy thì dây diều đó đã vướng vào đường điện cao thế, một luồng điện từ đường dây cao thế theo dây diều (dây bằng đồng) đã giật bé Minh ngã bất tỉnh, quần áo và cơ thể bé đều cháy xém, hoảng sợ đám trẻ đang chơi vội bỏ chạy và kêu cứu.
Ngay sau đó, bé Minh nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, do bị bỏng quá nặng nên bé được chuyển ngay đến bệnh viện Nhi Đồng 2 – TP HCM. Hiện tại, bé Minh đã qua giai đoạn nguy hiểm, nhưng do bị bỏng điện ở mức nặng nên bé đã bị cháy phần lớn da vùng ngực và hai bên đùi. Nếu lớp da này không lành thì bệnh viện sẽ phải tiến hành ghép da cho bé Minh.
Bệnh nhân bỏng điện cấp cứu tại bệnh viện
Trước đó vào ngày 20/5, cháu Trần Việt Anh, 13 tuổi, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang chơi với các bạn thì nhìn thấy một tổ chim trên cột điện, Việt Anh liền trèo lên bắt chim về chơi. Nhưng khi vừa trèo đến gần tổ chim, Việt Anh đã bị một luồng điện phóng vào người, cháu bị rơi xuống đất nằm bất tỉnh. Rất may, do Việt Anh ngã xuống bụi cây dưới chân cột điện, nên cháu không bị chấn thương nặng. Cháu Trần Việt Anh được mọi người nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng ở mặt, ngực, cánh tay và bàn tay phải.
Video đang HOT
Cũng liên quan đến việc trèo cột điện bắt chim, vào một buổi chiều hè cách đây một năm, cháu Đặng Thái, 13 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội và các bạn cùng xóm đang chơi thì phát hiện một tổ chim trên cột điện ở đường làng. Do lúc đó trong xã đang mất điện, nên cháu Thái nảy ý định trèo lên cột điện để bắt chim. Nhưng thật không may cho cháu Thái, khi cháu trèo được mấy bậc trên cột điện thì trạm điện xã đóng điện. Điện giật làm cháu Thái rơi xuống đất và bất tỉnh. Khi phát hiện việc trên, mọi người đã hô hấp cho Thái tỉnh lại rồi vội vàng đưa cháu đến cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng hai tay, ngực và bụng của cháu bị lột toàn bộ da do bỏng điện.
Bé Đặng Quốc Trung, 9 tuổi, ở Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên được đưa đến cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng bị bỏng quá nặng, tại đây các bác sỹ đã phải cưa cụt hai tay của cháu. Bộ phận sinh dục của bé Trung cũng bị bỏng sâu và tổn thương nghiêm trọng. Được biết nguyên nhân dẫn đến việc bé Quốc Trung bị bỏng nặng như vậy là do cháu đã cầm một chiếc gậy bằng sắt để khều quả bóng đang nằm trên đường điện cao thế. Một trường hợp bị điện giật gây bỏng nặng, phải cưa bỏ một chân là em Nguyễn Văn Mai, 15 tuổi, ở Cao Bằng. Mai trèo lên cây xoài trong vườn nhà mình để hái quả, nhưng trên cây soài có một đường điện cao thế đi qua, nên Mai đã bị điện giật và ngã từ trên cây xuống, bị bỏng độ 4 nên đã phải cắt một chân…
Đặc biệt vào ngày 3/5 vừa qua, bố con ông Vũ Văn Mai, ở xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng đang dựng rạp tại một ngôi chùa ở địa phương. Trong khi bố con ông Mai đứng chỉnh cột chống mái che (cột bằng sắt), thì đầu cột chống mái che (cách vị trí đường điện cao thế chạy qua sân gần 1m) đã bị một luồng điện của đường dây cao thế phóng thẳng vào, ông Vũ Văn Mai đã bị điện giật chết. Thấy vậy, con trai ông Mai cuống cuồng lao vào để cứu bố nhưng cũng bị điện giật chết tại chỗ.
Bỏng điện thường để lại di chứng nặng nề
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Viện Bỏng Quốc gia cho biết, thời gian qua (nhất là vào dịp hè), có rất nhiều trường hợp trẻ em được đưa đến Viện Bỏng quốc gia cấp cứu do bị bỏng điện. Trong đó số trẻ em ở nông thôn chiếm nhiều nhất các trường hợp bị bỏng điện. Nguyên nhân dẫn đến việc các em bị bỏng điện là do thả diều dưới đường dây điện cao thế, hoặc trèo lên cột điện, trạm biến áp để bắt chim, hay trèo cây và cả những trường hợp câu cá dưới đường điện cao thế, đã bị phóng điện gây bỏng nặng. Bên cạnh đó là một số trường hợp trẻ em nghịch các ổ điện, dây điện của các thiết bị điện trong nhà… Vì vậy, các gia đình phải chú ý và nhắc nhở con em mình không chơi và trèo cây dưới đường dây điện cao thế, hay trèo lên cột điện… Cùng với việc trên, mỗi gia đình phải che chắn các ổ phích điện, xem lại dây của các thiết bị điện trong nhà… để đề phòng xảy ra chuyện tương tự như trên.
Một cháu bé bị bỏng điện do trèo lên cột điện bắt chim
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, trong các loại bỏng thì bỏng điện thường để lại di chứng nặng nề nhất. Trong bỏng điện có bỏng điện dân dụng và bỏng điện đường dây cao thế, nhưng bỏng
điện cao thế là loại bỏng gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất. Vì đa số các trường hợp khi bị bỏng điện do đường điện cao thế đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cả xương ở những nơi điện đi qua. Điện vào cơ thể có sức phá hủy rất lớn, đặc biệt những thành phần dẫn điện tốt thì lại bị phá hủy nhanh nhất như mạch máu, cơ, làm thủng cả bụng, dạ dày… Do vậy, người bị bỏng điện có tỷ lệ tử vong khá cao, và nếu có được cứu sống thì cũng bị tàn phế nhiều hơn so với các trường hợp bị bỏng khác… như trường hợp của các nạn nhân trên cháu thì bị cắt bỏ chân, có cháu phải cắt bỏ hai cánh tay, hoặc bị bỏng bộ phận sinh dục…
Theo khuyến cáo của Viện Bỏng Quốc gia, trong trường hợp bị bỏng điện, mọi người cần bình tĩnh tách nạn nhân khỏi nguồn điện. Nếu thấy nạn nhân (nhất là trẻ em) có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở thì cần thực hiện ngay biện pháp ấn tim và hà hơi thổi ngạt, sau đó xả nước lạnh vào chỗ bị bỏng từ 15-20 phút liên tục để hạ nhiệt độ phần vết bỏng để tránh cho nạn nhân bị bỏng sâu. Tiếp đó, dùng gạc, hoặc vải thích hợp không có lông tơ để che phủ vết thương, tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Lưu ý cách sơ cứu này không áp dụng cho trường hợp bị bỏng hóa chất.
Theo Petrotimes
Những điều nên biết về bỏng điện
Bỏng điện, nhất là điện cao thế, rất nguy hiểm, di chứng nặng nề.
Tai nạn khi gần điện cao thế
Có nhiều hộ gia đình xây nhà sống quá gần đường điện cao thế. Vì vậy tai nạn dễ xảy ra. Nhẹ nhất là bỏng, nặng hơn là bị điện giật tử vong. Trường hợp của anh Nguyễn Văn D. (22 tuổi, ở Hưng Yên) mới đây là một ví dụ. D. cùng một nhóm bạn liên hoan tại nhà người bạn, nhà này xây sát đường điện cao thế, ngay tại ban công tầng 2 là đường điện đi qua. Đang tiệc, D. ra ban công nghe điện thoại và bị phóng tia lửa điện siêu mạnh khiến D. ngã lăn, vì sóng điện từ, vật thể kim loại mang trên người (dây chuyền) quá gần với đường dây cao thế. Tia lửa điện làm bỏng mặt còn bàn chân D. bị dòng điện đi qua làm đen thui. D. nhập Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) điều trị và phải đối mặt với tình trạng tháo các ngón chân.
Bỏng do điện gây ra - Ảnh: T.L
Bỏng điện là nguy hiểm nhất
Khác với các loại bỏng khác như bỏng lửa, bỏng nước sôi, bỏng điện là loại bỏng nguy hiểm nhất. Nếu các loại bỏng khác thường gây ra bỏng từ ngoài vào trong, thì bỏng điện lại gây bỏng từ trong ra ngoài. Bỏng điện xảy ra khi chúng ta bị tiếp xúc với đường điện cao thế, bị điện giật, đứt dây điện, cột điện đổ và trong các trường hợp nhà xây sát đường điện.
Biểu hiện bên ngoài của bỏng điện không có các nốt phỏng nước hay các đám đỏ rát da như trong bỏng nước sôi, mà là các đốm da cháy đen tại vị trí đường điện đi qua. Một vài ngày sau, các đoạn cơ thể tiếp theo cứ lần lượt bị hoại tử và chết, đến đoạn nào mà dòng điện không còn tác dụng nữa thì thôi. Vì thế thường là trong những giờ đầu tiên, trông nạn nhân không nghiêm trọng nhưng càng về sau, bệnh biểu hiện ra càng rõ. Dòng điện càng cao, thời gian tiếp xúc càng lâu thì mức độ bệnh càng nguy hiểm. Có bệnh nhân phải tháo chân hay tháo tay do bỏng điện, nếu không sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc đe dọa tính mạng. Bỏng điện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu vị trí dòng điện đi vào gần với não bộ và tim như đầu, ngực, tay trái.
Sơ cứu cho nạn nhân bỏng
Với bỏng điện, việc duy nhất phải làm ngay là tách nạn nhân ra khỏi đường điện càng sớm càng tốt. Sử dụng các dụng cụ cách điện như cây khô, gậy khô, gậy nhựa để tách đường điện ra khỏi nạn nhân. Tuyệt đối không dùng tay lôi nạn nhân ra vì sẽ gây hiệu ứng điện giật "dây chuyền". Ngay sau đó đặt nạn nhân trong tư thế nằm trên nền cứng, tốt nhất là nền nhà để cơ thể giải phóng điện tích ở trong các mô. Sau đó khẩn trương làm hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân. Không được chuyển bệnh nhân nếu bệnh nhân chưa tỉnh hẳn. Nếu có phương tiện, chúng ta vừa chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất vừa hô hấp nhân tạo để tăng cơ hội sống sót.
Theo Thanh niên
Xuất huyết não có để lại di chứng Con nhà cháu được 40 ngày tuổi,cháu bị xuất huyết não bên 2 bên theo kết luận của bác sĩ siêu âm não. Biểu hiện bệnh của cháu là: da tái xanh, nôn ra sữa, khóc, bỏ bú nhưng không sốt. Cháu phát hiện ra sớm và đưa vào BV Nhi Trung Ương cấp cứu sau khi có các biểu hiện trên. Bác...