Bỗng chốc anh trai “biến” thành… thầy giáo
Thật chẳng ai ngờ, từ một người anh trai lại trở thành một người thầy đối xử bất công với cậu em – học trò của mình! Những tranh cãi, đối đầu với anh,… rồi cuối cùng tôi cũng hiểu ra được tấm lòng của người “anh thầy” ấy.
Bỗng chốc anh trai “biến” thành… thầy giáo
Nhà có hai anh em, anh trai hơn tôi sáu tuổi, đang học Sư phạm Hà Nội. Ba năm cấp ba của tôi có lẽ sẽ trôi qua êm đềm, lặng lẽ và chẳng có gì đáng nhớ nếu như không có một ngày, anh trai tôi tốt nghiệp đại học và xin về trường tôi giảng dạy. Run rủi thế nào, anh ấy lại phụ trách môn Hóa của chính lớp tôi và khi được nhà trường thông báo rằng giữa học kì 1, anh ấy sẽ làm chủ nhiệm, thì tôi biết… đây quả là đại họa.
Chuyện thì nào có ai ngờ. Tôi vốn thuộc dạng lười học “kinh niên”, đến lớp gọi là cho có mặt chứ chẳng học hành gì. Ngày thi hay kiểm tra thì tôi quay ngang, quay dọc, copy bài của tụi bạn nên phải học hai năm lớp 10, còn lớp 11 may mắn lắm mới đủ điểm lên lớp. Tóm lại bằng một câu, có thể nói kiến thức cấp ba trong đầu tôi rỗng tuếch, bởi mang tiếng là học chính, rồi học thêm đầy đủ nhưng thực ra tôi chẳng biết cái gì cả. Môn Hóa, tôi lại càng tệ hơn khi đã từng khiến tụi bạn ở lớp cười lăn lóc khi gọi kí hiệu “Hồi anh trai tôi còn học cấp 3, ở nhà anh thường kèm tôi học (dĩ nhiên là hồi ấy tôi chưa ghét môn Hóa rồi). Những buổi học cùng anh, thường là những buổi khẩu chiến đẫm nước mắt và thậm chí phải hứng chịu những cú cốc đầu, quật thước vào tay đau điếng của anh vì… lười. Nhớ lại những buổi học như tra tấn bản thân, nặng nề như đeo đá, tôi không khỏi khiếp sợ.
Khi anh ấy xem bảng điểm “không thể ngửi nổi” của tôi, anh tức lắm. Giờ, anh ra trường và về chính trường tôi giảng dạy cũng đồng nghĩa với việc thường xuyên theo sát chuyện học hành của tôi. Tóm lại, tôi không thể nói được thêm gì về điều này ngoài hai từ: đáng sợ.
Mai là buổi học đầu tiên anh đứng lớp. Tôi đang ngồi chơi game thì anh ra bảo: “Nhóc, không học hành gì đi còn ngồi đây! Năm nay anh dạy em môn Hóa nên trên lớp phải gương mẫu, chăm chỉ học hành, làm gương cho các bạn. Anh là không có chuyện ưu tiên cho ai đâu đấy!”
Nghe câu này, tôi đã xác định là năm nay mình mệt với anh rồi. Anh tôi rất nghiêm, nghe anh ấy nói trước thế này, tôi biết là mình cũng chẳng thể dựa dẫm vào anh ấy được. Đành tự thân vận động, vào bàn ngồi học trước khi tính lười trỗi dậy – nếu như tôi không muốn hứng trọn cú cốc đầu quen thuộc của anh.
Video đang HOT
Rồi chẳng biết đứa nào tung tin mà cả cái lớp 12E nhỏ bé lại biết chuyện thầy dạy Hóa mới năm nay lại là ông anh trai quý hóa của tôi. Bọn nó mừng ra mặt, nghĩ rằng anh trai tôi đứng lớp thì sẽ được “linh động” phần nào. Ít ra đề kiểm tra cũng nhẹ nhàng hơn mấy lớp khác, vì lỡ đề khó thì em trai của thầy – vốn là một thằng học dở tệ thế kia sẽ làm thế nào được!? Nhưng bọn chúng đã lầm to! Riêng chuyện học hành này thì anh trai tôi là người nghiêm túc hơn bao giờ hết.
“Anh thầy” khiến tôi tổn thương
Buổi học Hóa đầu tiên của năm chẳng có gì đáng ngại. Anh lên lớp, nói qua loa vài câu về mục tiêu, nội dung của môn Hóa học 12 rồi nhắc lại vài kiến thức cũ.
Buổi học thứ hai. Bất ngờ, lớp có bài kiểm tra chất lượng đầu năm. Lớp nhốn nháo. Đề bài ngắn ngủn một dòng “Viết lại dãy đồng đẳng của rượu”, một câu hỏi cũ của môn Hóa lớp 11. Với mấy đứa học giỏi thì chẳng có gì đáng ngại nhưng với một thằng học Hóa dở tệ như tôi thì là cả một thử thách lớn. Đã vậy, anh tôi còn coi nghiêm lắm, đi vòng quanh lớp ngó nghiêng từng đứa một, ai “ho he” gì là “e hèm” ý kiến nhắc nhở ngay. Tới chỗ tôi, thấy tôi chưa viết được chữ nào, anh lắc đầu, chau mày tỏ vẻ không hài lòng. Tôi cứ tưỡng anh sẽ nhắc cho tôi vài chữ để kiếm chút điểm, nhưng lại chẳng có gì cả… Kết thúc 15 phút, lớp nộp bài, tôi để giấy trắng. Trong lòng tôi lúc này nhục nhã, ê chề, có anh làm giáo viên mà chẳng nhờ cậy được gì cả.
Về nhà, anh ấy chẳng nói với tôi câu nào. Tôi cũng vậy, bực vì cái cách giảng dạy của anh ấy. Rõ ràng buổi đầu tiên, anh ấy rất thoải mái, dễ chịu cơ mà. Tại sao buổi hôm nay, anh ấy lại quay ngoắt thái độ 180 độ vậy? Tôi nằm lì trong phòng cả tối, chẳng thèm học hành gì. Anh đứng ở ngoài, gọi tôi ra để dạy kèm thêm. Tôi giả bộ như không nghe thấy rồi ngủ bẵng đi lúc nào không hay…
Mấy ngày sau…
Anh trai tôi bước vào, đưa xấp bài kiểm tra hôm nọ cho lớp trưởng phát lại cho các bạn. Hầu hết bài kiểm tra để giấy trắng toàn được 2 với 1. Còn tôi nhận về cho mình một “trứng ngỗng béo tròn”. Tôi điên lên khi nhận ra ở lớp tôi là người duy nhất bị 0 điểm.
Tôi giơ tay, thắc mắc bằng cái giọng tức tưởi như sắp khóc: “Sao bài của em lại bị 0 điểm, trong khi các bài khác đều để giấy trắng lại được 1 với 2 vậy? (Nghĩ lại thì tôi thấy mình thật ngớ ngẩn, vì 0, 1, 2 điểm thì có khác nhau gì cơ chứ!? Nhưng lúc ấy tôi bực quá, tại sao anh ấy lại có thể đối xử với em trai mình như vậy được?)”
Anh chẳng nói gì, chậm rãi đi lên bục giảng. Rồi bằng chất giọng trầm trầm, vẻ mặt thoáng buồn, anh nói: “Trước hết, em muốn phát biểu gì thì đứng lên, thưa thầy hẳn hoi. Tới trường, các em không chỉ học kiến thức mà còn học làm người nữa. Ở đâu ra cái kiểu ngồi ghế phát biểu trống không như chất vấn thầy như thế chứ hả? Cậu lên bảng đứng cho tôi! Tôi không thể chấp nhận thái độ thiếu tôn trọng giáo viên và lớp học của em đến như vậy!”
Tôi gào lên như sắp khóc: “Tại sao lại đối xử với em như thế?” rồi chạy ra khỏi lớp. Để nguyên sách vở lại, tôi đùng đùng bỏ về nhà.
Tôi ngủ một giấc xuyên trưa, không ăn uống gì cả. Tới chập tối, tôi tỉnh dậy, mắt mũi tèm lem. Có lẽ trong mơ, tôi đã khóc. Trong đầu tôi lúc này tràn ngập hàng loạt những câu hỏi. Tại sao anh trai lại đối xử bất công với em mình đến như thế? Tôi liệu có phải là em ruột của anh ấy không? Anh ấy thậm chí còn ưu tiên tụi bạn lớp tôi hơn chính thằng em bé bỏng của anh ấy vậy.
Rồi một ngày tôi nhận ra tấm lòng của “anh thầy”
Tình cờ bố mẹ vắng nhà, anh tranh thủ xuống bếp nấu vài món ăn ngon mà tôi ưa thích nhất. Vừa ăn, anh vừa tâm sự rồi nhẹ nhàng xin lỗi tôi…
“Chuyện trên lớp hôm nay… thật sự anh cũng hơi nóng tính. Có lẽ vì là lần đầu tiên đứng lớp nên anh có chút áp lực. Em hãy hiểu cho anh. Thôi, coi như bữa ăn tối nay là quà anh đền cho nhóc nhé!” – anh nhẹ nhàng nói với tôi từng câu, từng chữ như thế. Tôi ngồi thừ ra, nhìn anh. Trông thầy giáo của tôi lúc này cũng gượng gạo chẳng khác gì trẻ con cả.
Ăn xong, thình lình anh đưa tôi bộ sách Hóa từ lớp 8 đến lớp 11 còn mới tinh tươm có điền sẵn tên tôi vào đấy. Tôi trố mắt nhìn anh, khẽ hỏi: “Anh định bắt em học hết mấy quyển này à?” Anh liền trả lời: “Chứ còn sao nữa. Em là mất căn bản trầm trọng lắm rồi.”
Tôi ngồi xuống, mở sách và bắt đầu nghe anh giảng những bài Hóa học đầu tiên của năm lớp…8. Anh cho tôi biết thế nào là đơn chất, hợp chất… Lạ kì thay, sau bao nhiêu năm anh ấy không kèm cặp tôi, thì hôm nay tôi không còn cảm thấy sợ hãi và chán ngắt như những buổi học của anh ấy năm nào. Tôi nghe như “nuốt” lấy từng lời của anh và thấy lúc này, môn Hóa sao thú vị đến thế. Rồi anh nói với tôi nhiều chuyện lắm, lí do anh chọn nghề giáo, tâm sự của anh khi đứng trên bục giảng – trước mặt em trai mình, rồi cả kì vọng lớn mà anh gửi trọn vào bản thân tôi… Đến nửa đêm rồi mà những câu chuyện học hành, trường lớp giữa anh và tôi vẫn chưa muốn chấm dứt…
Bây giờ thì tôi mới hiểu ra mọi chuyện, đầu óc như được “thông suốt”. Rồi tôi quyết tâm lao vào học một cách điên cuồng, không ngừng nghỉ trong năm cuối cấp. Tôi phải bắt đầu thay đổi bản thân mình. Không thể vì anh trai làm giáo viên mà lại có thể dựa dẫm vào anh, vô trách nhiệm với tương lai của mình và kì vọng của anh tôi – một thầy giáo dạy Hóa như thế được.
Giờ đây, tôi đã là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học lớn ở Hà Nội (vì nghe theo lời anh, và cũng chẳng tự tin về trình độ ngoại ngữ “không thể tệ hơn” của mình nên tôi quyết định tạm gác việc sang Singapore du học sang một bên). Nhưng mỗi lần gặp anh, tôi lại ngỡ mình vẫn còn là cậu học trò cấp 3 của “anh thầy” ngày nào.
Những kỉ niệm ngày xưa sao mà vẫn gần gũi, thân thương và đáng nhớ như mới xảy ra đến thế. Anh vẫn luôn gần gũi, theo sát và động viên việc học tập của tôi, gọi điện chúc mừng khi biết tôi được một con 9 môn Triết hay “buzz Yahoo” an ủi khi hay tin tôi mất học bổng vì… môn thể dục.
Ngày ấy, nếu không có bài kiểm tra điểm 0 và những lời tâm sự trong buổi tối anh kèm tôi học thì giờ đây, chắc tôi khó có cơ hội trở thành sinh viên, được bước chân vào giảng đường. Giờ đây, tôi đã có thể hãnh diện, mỉm cười thật hạnh phúc khi cuộc sống mang tới cho mình một ông anh tuyệt vời và dĩ nhiên còn là một người thầy đáng kính. Gần đến ngày kỉ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11 này, thằng em bé bỏng – cậu học trò năm xưa xin gửi tới “anh thầy” lời tri ân chân thành nhất!
“Anh thầy” – một người anh tuyệt vời và một người thầy đáng kính của tôi.
Theo PLXH