Bốn vị vua lên ngôi vào mùng 1 Tết
Trong lịch sử Việt Nam, vua Mạc Thái Tông, Lê Thế Tông, Minh Mạng, Thành Thái lên ngôi đúng vào ngày mùng 1 Tết.
Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh, 1500-1540) là hoàng đế thứ hai nhà Mạc, quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông là con trưởng của Thái Tổ (Mạc Đăng Dung).
Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, “năm Canh Dần (1530), tháng giêng, mùng 1 là ngày Đinh Hợi, Đăng Doanh tiếm ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính”.
Mạc Thái Tông được xem là ông vua có nhiều đóng góp to lớn trong việc trị nước. Là người chú trọng khoa cử, đều đặn 3 năm, ông mở một khoa thi để tuyển chọn người tài.
Khi mới lên ngôi, Mạc Thái Tông thấy trong nước nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường. Ai trái lệnh sẽ bị trị tội. Từ đó, những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải mang khí giới tự vệ.
Cũng theo Đại Việt thông sử, “trong vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm lại”.
Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm, 1566-1599) là con thứ năm của Lê Anh Tông, được Trịnh Tùng đưa lên ngôi vua đúng ngày đầu năm mới năm 1573.
Vua Thế Tông cai trị trong thời kỳ mà Trịnh Tùng chiếm được kinh thành từ tay nhà Mạc. Kể từ đây, quyền lực thực sự rơi vào tay Trịnh Tùng. Vua không có thực quyền, bắt đầu thời kỳ được gọi là thời vua Lê chúa Trịnh.
Ngày 24/8/1599 âm lịch, vua Thế Tông mất, ở ngôi được 26 năm, thọ 33 tuổi.
Vua Minh Mạng.
Video đang HOT
Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (thường được gọi là hoàng đế Minh Mạng, 1791-9841) là vua thứ 2 của triều Nguyễn. Ông tên thật Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ tư của vua Gia Long, lên ngôi sáng mùng 1 năm Canh Thìn (1820).
Trong thời gia trị vì, vua Minh Mạng đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, góp công xây dựng đất nước hùng cường, lớn mạnh nhất khu vực.
Vốn là người tinh thông nho học và sùng đạo Khổng Mạnh, vua Minh Mạng rất quan tâm việc học tập và củng cố thi cử. Năm 1822, ông mở lại các kỳ thi Hội, Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài.
Dưới thời cai trị của vua Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam được mở rộng hơn so với các triều đại trước, kéo dài từ Lạng Sơn tới tận Cà Mau.
Hoài Trạch Công Hoàng Đế (Thành Thái) là vị hoàng đế thứ 10 của triều Nguyễn. Ông tên thật Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ 7 của vua Dục Đức.
Ngày 27/12/1888 (Mậu Tý), vua Đồng Khánh mất vì bệnh khi mới 25 tuổi. Bửu Lân được chọn lên ngai vàng ngày mùng 1 tháng giêng năm Kỷ Sửu (1889), lấy niên hiệu là Thành Thái.
Tuy lên ngôi lúc mới 10 tuổi, vua Thành Thái đã bộc lộ tố chất yêu nước, có quan điểm chống Pháp, không ưa quan lại xu nịnh.
Những hành động của vị vua trẻ tuổi bị quan lại của Pháp để ý, theo dõi. Chúng tìm mọi cách loại bỏ vua khỏi ngai vàng.
Ngày 29/7/1907, vua Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Pháp và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận. Chúng tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong đại nội.
Ngày 3/9/1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, với lý do sức khoẻ không bảo đảm.
Xem xong bản dự thảo, vua Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào. Ngày 12/9/1907, ông bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay).
Đến nm 1916, ông bị đày ra đảo cùng con trai. Phải đến đầu tháng 5/1945, nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông (vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường), cựu hoàng Thành Thái mới được về sống ở Vũng Tàu.
Đến tháng 3/1953, ông mới được cho về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ. Vua mất ngày 24/3/1954, được an táng tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
Theo Zing
'Tứ trụ sử Việt' - GS Đinh Xuân Lâm qua đời ở tuổi 92
Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một trong "tứ trụ" của ngành sử học, mất ngày 25/1 (tức 28 tháng chạp năm Bính Thân) tại Hà Nội.
Theo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, lớn lên ở Thanh Hóa.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một trong những giáo sư Trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa, GS Đinh Xuân Lâm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Dưới sự dìu dắt của GS Trần Văn Giàu, ông ở lại Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi để lần lượt góp tên vào các công trình: "Lịch sử Việt Nam 1897 - 1914" năm 1957, "Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế" năm 1958, "Lịch sử Việt Nam cận đại" năm 1959 - 1961...
GS Đinh Xuân Lâm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong đội ngũ những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại ngày nay. Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 1980 và giáo sư năm 1984, ngành sử học.
Năm 1988, GS Đinh Xuân Lâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của ngành giáo dục.
GS Đinh Xuân Lâm là một trong "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khi bước vào nghề làm sử (những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước), GS Đinh Xuân Lâm đã định hướng và thành công trong nghiên cứu về phong trào dân tộc cuối thế kỷ XIX, những đặc điểm của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, trong khi đội ngũ các nhà sử học lúc đó tuy chưa nhiều nhưng có không ít người đã nổi danh như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Văn Tân, Hoa Bằng...
Với sức viết bền bỉ, dẻo dai và khả năng cộng tác, làm việc theo nhóm hiếm có của mình, GS Đinh Xuân Lâm đã viết và đứng tên hơn 370 bài báo, 7 đề tài nghiên cứu khoa học và 90 đầu sách. Ông đặc biệt có duyên với loại sách giáo khoa phổ thông, sách công cụ, từ điển.
Gần đây nhất, bộ sách "Đại cương lịch sử Việt Nam" do ông tham gia chủ biên đã trở thành giáo trình chuẩn của sinh viên khoa sử các trường đại học và cao đẳng.
Với những đóng góp to lớn đó trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, GS Đinh Xuân Lâm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba và hạng nhất, Huy chương Vì thế hệ trẻ...
Năm 1990, GS Đinh Xuân Lâm nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông tiếp tục công việc của một chuyên gia đầu ngành. Thời gian rảnh rỗi, ông đi thăm bè bạn và học trò như thuở trước và giúp đỡ các tỉnh soạn địa chí địa phương.
"Con người ông là thế, ân tình, ân nghĩa từ trong cách nghĩ đến việc làm. Sự lớn lao của ông không chỉ ở trong tảng nền tri thức mà còn toát lên từ tình cảm, nhân cách làm người.
Ông vẫn là cây lớn sừng sững xanh tươi và là tấm gương phấn đấu không ngừng cho lớp trẻ noi theo. Đến đâu, về đâu, ông cũng tìm được hơi ấm gia đình từ những đứa con tinh thần mà ông đào tạo, dẫn dắt", tác giả Trần Nho Thìn - Phạm Văn Hưng viết như vậy trong bài đăng trên website kỷ niệm 100 năm thành lập đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội với tiêu đề "GS Đinh Xuân Lâm - cây đời xanh mãi".
Cùng với GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại.
Trả lời VietNamNet, ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết lễ viếng GS Đinh Xuân Lâm bắt đầu từ 7h30 đến 8h30 ngày 27/1/2017 (tức 30 tháng chạp năm Bính Thân) tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. GS Đinh Xuân Lâm sẽ được an táng tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.
Theo VNE
Gia đình phá sản, sinh viên ở lại thủ đô làm thêm dịp Tết "Năm nay, ba mẹ làm ăn thua lỗ, gia đình phá sản. Tớ ở lại làm Tết kiếm tiền đóng học phí kỳ tới", Trần Thị Lan, sinh viên năm cuối Đại học Lao động Xã hội buồn bã nói. Tết là thời điểm sinh viên mong ngóng để được đoàn tụ với gia đình. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội...