Bốn năm Trump thay đổi nước Mỹ
Chính quyền Biden tuyên bố đảo ngược các chính sách của Trump, nhưng giới quan sát cho rằng nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều sau 4 năm qua.
Khi nhiệm kỳ của Donald Trump khép lại, nhiều người có lẽ sẽ nhớ về ông là tổng thống một nhiệm kỳ hay tổng thống đầu tiên hai lần bị xem xét bãi nhiệm. Tuy nhiên, Maegan Vazquez, biên tập viên của CNN, cho rằng nhiều năm về sau, các quyết sách của Trump trong 4 năm ở Nhà Trắng vẫn tác động tới mọi mặt cuộc sống của người dân Mỹ.
Ứng phó với Covid-19 là trọng tâm lớn nhất của chính quyền Trump trong năm cuối nhiệm kỳ và cũng là thất bại lớn nhất. Việc đánh giá thấp mối đe dọa của virus và chậm trễ ứng phó trong giai đoạn đầu dịch đã khiến Mỹ nhanh chóng trở thành vùng dịch lớn nhất trên thế giới. Mỹ đã báo cáo hơn 24,6 triệu người nhiễm và hơn 408.000 người chết kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
Những thông điệp chống dịch thiếu nhất quán và việc coi thường các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người đã khiến Mỹ đối mặt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nhà tang lễ.
Chiến thắng duy nhất của chính quyền Trump là việc phát triển nhanh vaccine ngừa Covid-19, được cấp phép sử dụng vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng phần lớn cách xử lý đại dịch còn lại của chính quyền là những sai lầm lớn và cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng này chưa có dấu hiệu chấm dứt ở Mỹ.
Tổng thống Donald Trump thăm tường biên giới ở bang Texas hôm 12/1. Ảnh: AP.
Trước đại dịch, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid từng là vấn đề y tế cộng đồng trọng tâm của chính quyền Trump. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề này và ký thành luật việc tăng tài trợ ứng phó khủng hoảng. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Nhiều động thái khác của Trump về lĩnh vực y tế cũng có tác động lâu dài đến cuộc sống của người dân Mỹ, như nỗ lực tìm cách ngăn chặn tình trạng phá thai hay ký thành luật “quyền được thử”, giúp bệnh nhân mắc bệnh nan y có thể tiếp cận các phương pháp điều trị chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hoàn toàn phê duyệt.
Vấn đề nhập cư từng được xem là một trong số trọng tâm tranh cử của Trump năm 2016, cũng như trong suốt 4 năm ở Nhà Trắng. Chính quyền Trump đã có hàng trăm hành động hạn chế nhập cư cả hợp pháp và trái phép vào Mỹ. Một trong những động thái đầu tiên của ông là lệnh cấm nhập cảnh, từng bị nhiều người chỉ trích xem là nỗ lực cấm người Hồi giáo tới Mỹ. Sau nhiều tranh cãi pháp lý, Tòa án Tối cao năm 2018 quyết định duy trì lệnh cấm.
Trump đã cắt giảm đáng kể số hồ sơ xin tị nạn được tiếp nhận và xem xét ở biên giới hàng ngày và ban hành Quy trình Bảo vệ Người di cư (MPP), chính sách buộc những người xin tị nạn phải chờ đợi trên lãnh thổ Mexico trong khi hồ sơ của họ được xem xét.
Một số nỗ lực hạn chế người nhập cư khác của chính quyền Trump từng bị tòa án bác bỏ, như đưa câu hỏi nhập cư vào điều tra dân số và hủy bỏ Chương trình hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).
Ông cũng lấy đại dịch Covid-19 làm lý do để trục xuất hàng chục nghìn người di cư, đóng băng thị thực và hạn chế cấp thẻ xanh mới.
Biden dự kiến sẽ đảo ngược các chính sách nhập cư này của Trump ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tuy nhiên giới quan sát cho rằng điều này có thể “nói dễ hơn làm”.
Kinh tế vốn được xem là thế mạnh của Trump nhờ xuất thân là doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng. Thành tựu lập pháp được đánh giá nổi bật nhất của Trump là Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế do phe Cộng hòa đề xuất, tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với lĩnh vực thuế. Theo bình luận viên Joseph Zeballos-Roig của Business Insider, đạo luật này là cuộc đại tu lớn nhất trong ngành thuế suốt ba thập kỷ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ năm 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, nhưng đó là trước khi đại dịch Covid-19 tấn công và làm chao đảo nền nền kinh tế, đẩy hàng chục triệu người vào cảnh không có việc làm. Hơn 10 tháng sau khi đại dịch bùng phát, khoảng 4 triệu việc làm ở Mỹ bị mất vĩnh viễn. Trump cũng rời nhiệm sở với mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bất kỳ ai trong số 12 tổng thống tiền nhiệm.
Với chính sách thương mại dán nhãn “Nước Mỹ trước tiên”, Trump cũng rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump phát động cuộc chiến thuế quan về nhôm và thép với nhiều đối tác lớn của Mỹ, khiến giá cả nhiều mặt hàng hóa được sản xuất từ các kim loại này tăng vọt. Trong đó, nổi lên là cuộc chiến thương mại đầy căng thẳng, với các đòn áp thuế qua lại với Trung Quốc, góp phần đẩy hai nước tiến sát bờ vực “Chiến tranh Lạnh”.
Các đòn thuế quan của Trump đã khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD. Chúng cũng gây tổn hại nghiêm trọng đối với nông dân và các nhà sản xuất Mỹ, do cánh cửa xuất khẩu hàng hóa Mỹ tới Trung Quốc và nhiều nơi khác bị đóng lại. Không chỉ vậy, chính phủ cũng phải chi hàng chục tỷ USD để cứu trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Ngoài ra, để thực hiện lời hứa “phục hưng” ngành sản xuất Mỹ, Trump cũng có nhiều quyết sách ngăn các công ty Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, lời hứa này cho đến nay vẫn còn dang dở.
Trong số di sản về chính sách dưới thời Trump, các bổ nhiệm tư pháp của ông được hứa hẹn có ảnh hưởng lâu dài nhất. Trump đã bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang và ba thẩm phán Tòa án Tối cao, đảm bảo duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ của phe bảo thủ trong hàng thập kỷ.
Trump cũng ban lệnh ân xá và giảm án cho hàng loạt đồng minh, bạn bè và người quen biết, trước khi cân nhắc tới các đơn xin giảm án của nhiều người Mỹ khác.
Chính quyền Trump hồi tháng 7/2019 thông báo khôi phục án tử hình liên bang. Trong vòng 6 tháng sau đó, 13 tử tù liên bang đã bị hành quyết.
Tuy nhiên, trong 4 năm ở Nhà Trắng, Trump thường công khai về việc thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch thách thức kết quả bầu cử của Joe Biden tại các tòa án. Hệ quả dễ thấy nhất là sự cuồng loạn của những người ủng hộ Trump với đỉnh điểm là cuộc bạo loạn gây chấn động ở Đồi Capitol hồi đầu tháng này.
Tổng thống Mỹ ngồi khoanh tay, trước mặt ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo G7 khác trong cuộc họp G7 tại Canada tháng 6/2018. Ảnh: AP.
Chiến lược quốc phòng của Trump từng được đánh giá cao nhờ nỗ lực rút Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Dưới chính quyền Trump, Mỹ đã rút quân khỏi Syria, Đức, Somalia, Afghanistan và Iraq.
Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất nhiệm kỳ của Trump là vụ đột kích vào tháng 10/2019 giúp tiêu diệt thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới tính đến thời điểm đó, giáng một đòn mạnh vào IS.
Một chính sách có ảnh hưởng khác của chính quyền Trump là cấm người chuyển giới phục vụ quân đội. Lệnh cấm có hiệu lực từ năm 2019, song nhiều người dự đoán nó dễ bị đảo ngược dưới thời chính quyền Biden.
Chiến lược ngoại giao của Trump bị chi phối bởi niềm tin rằng Mỹ đang bị các nước khác, trong đó có cả đồng minh, lợi dụng. Niềm tin này khiến Mỹ không còn “mặn mà” với các liên minh truyền thống hay các tổ chức hợp tác quốc tế. Trump đã khiến mối quan hệ với các đồng minh trở nên căng thẳng, khi từng yêu cầu các nước thành viên NATO phải chi nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng chung.
Ngoài ra, di sản chính sách của Trump cũng từng gây nhiều tranh cãi trên các lĩnh vực khác như giáo dục, năng lượng, môi trường hay mạng lưới an ninh xã hội. Đáng chú ý nhất là việc Trump thông báo rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, khi cho rằng thỏa thuận đặt gánh nặng tài chính quá lớn lên vai người dân Mỹ.
Đây là một trong số nhiều thỏa thuận quốc gia mà Mỹ đơn phương rút lui trong suốt nhiệm kỳ của Trump khi ông theo đuổi cam kết “Nước Mỹ trước tiên”. Giới quan sát nhận định vị thế và hình ảnh của nước Mỹ trên vũ đài quốc tế đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau 4 năm của Trump.
“‘Nước Mỹ trước tiên’ của Trump là ‘Nước Mỹ đơn độc’”, Brian McKeon, cố vấn chính sách đối ngoại của Biden, từng nói.
Người ủng hộ Trump tuần hành ở Nhật
Nhóm người ủng hộ Trump tuần hành trên đường phố Tokyo, reo hò ủng hộ cựu tổng thống Mỹ vài giờ trước khi Biden nhậm chức.
Khoảng 120 người tham gia cuộc tuần hành ở trung tâm Tokyo chiều tối 20/1, vẫy cờ Mỹ và Nhật Bản, cầm biểu ngữ tuyên bố cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là "người chiến thắng thực sự" trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Cuộc tuần hành diễn ra chỉ vài giờ trước khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ tại Washington, cách Tokyo nửa vòng Trái đất. Biden đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với 306 phiếu đại cử tri, trong khi Trump giành được 232 phiếu.
Cuộc tuần hành ủng hộ Trump trên đường phố Tokyo ngày 20/1. Video: Reuters .
"Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng nhiều người ở Nhật đang ủng hộ Tổng thống Trump", người tổ chức tuần hành Naota Kobayashi nói. "Tất cả chúng tôi cùng nhau hô vang để tiếng nói của chúng tôi có thể bay qua Thái Bình Dương và đến được nước Mỹ".
Một số người ủng hộ Trump ở Nhật bị thu hút bởi lập trường cứng rắn của ông với Trung Quốc, đối thủ của Nhật trong khu vực. Những người như Kobayashi là một phần của giáo phái Cơ đốc bảo thủ, trong khi những người khác vẫn theo QAnon, một thuyết âm mưu cho rằng Trump đang bí mật chiến đấu với một nhóm toàn cầu gồm những kẻ ấu dâm, gồm các nghị sĩ đảng Dân chủ nổi tiếng, giới tinh hoa Hollywood và "nhà nước ngầm".
Tokyo đã chứng kiến một loạt cuộc tuần hành ủng hộ Trump kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với những người tham gia vẫy biểu ngữ tranh cử và đội mũ MAGA màu đỏ đặc trưng của ông. Cuộc tuần hành hôm qua có quy mô nhỏ hơn một số sự kiện trước đó.
Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người từ chức tháng 8 năm ngoái, đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Trump. Hai lãnh đạo khi tại nhiệm thường chơi golf, họp và điện đàm với nhau.
Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ tại lễ nhậm chức ở thủ đô Washington. Sự kiện với quy mô được thu nhỏ hết mức có theer do đại dịch Covid-19 và lo ngại an ninh sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở quốc hội.
Bên trong Phòng Bầu dục của Biden Những đồ trang trí và các bức tranh được trưng bày trong Phòng Bầu dục của Biden dường như đều cho thấy kiểu lãnh đạo mà ông muốn hướng tới. Tổng thống Joe Biden đã thay đổi cách bài trí trong Phòng Bầu dục của mình tại Nhà Trắng bằng những hình ảnh về các cựu lãnh đạo và biểu tượng Mỹ. Nổi...