Bên trong Phòng Bầu dục của Biden
Những đồ trang trí và các bức tranh được trưng bày trong Phòng Bầu dục của Biden dường như đều cho thấy kiểu lãnh đạo mà ông muốn hướng tới.
Tổng thống Joe Biden đã thay đổi cách bài trí trong Phòng Bầu dục của mình tại Nhà Trắng bằng những hình ảnh về các cựu lãnh đạo và biểu tượng Mỹ. Nổi bật trong căn phòng là bức chân dung lớn của cố tổng thống Franklin D. Roosevelt treo phía đối diện Bàn Kiên định. Bức tranh thể hiện sự ngưỡng vọng rõ ràng của tân Tổng thống Mỹ đối với người lãnh đạo từng đưa đất nước vượt qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đây cũng là một thách thức mà Biden hiện phải đối mặt.
Phòng Bầu dục là hình ảnh luôn đi kèm với quyền lực và sự uy nghiêm của tổng thống Mỹ. Tất cả các tân tổng thống trước khi nhậm chức đều thay đổi cách bài trí, trang hoàng căn phòng mang tính biểu tượng này nhằm tạo dấu ấn cá nhân, đồng thời mang đến những gợi ý về kiểu lãnh đạo mà họ muốn hướng tới.
Phòng Bầu dục đã được bài trí lại cho tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Washington Post .
Phòng Bầu dục của Biden gây ấn tượng với hàng loạt bức chân dung và tượng bán thân các nhân vật lịch sử nổi tiếng nước Mỹ. Một số được ghép thành cặp, như bức tranh của cựu tổng thống Thomas Jefferson và nhà khai quốc Alexander Hamilton được treo cạnh nhau. Hai người thường xuyên bất đồng và việc đặt họ gần nhau nhằm minh họa cho những lợi ích đến từ các quan điểm khác nhau.
Văn phòng của Tổng thống Biden cho biết các bức tranh được ghép cặp nhằm “xác nhận rằng khác biệt về quan điểm là điều cần thiết đối với nền dân chủ”.
“Căn phòng này hôm nay được đặc biệt sắp đặt cho ngày làm việc đầu tiên”, Ashley Williams, phó giám đốc phụ trách hoạt động của Phòng Bầu dục, cho biết trong lúc đưa phóng viên Washington Post tham quan căn phòng trước khi Tổng thống Biden đến.
“Điều quan trọng là Tổng thống phải bước vào một Phòng Bầu dục trông giống như nước Mỹ và cho thấy toàn cảnh về mục tiêu ông muốn hướng tới trên cương vị lãnh đạo đất nước”, Williams nói.
Tượng bán thân của mục sư Martin Luther King Jr. và cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy được đặt bên cạnh lò sưởi trong phòng. Biden thường nhắc tới ảnh hưởng của hai người đối với đất nước như một phần của phong trào dân quyền.
Tân Tổng thống Mỹ cũng có xu hướng bày tỏ sự trân trọng các giá trị của cơ sở đảng Dân chủ thông qua những tài liệu tham khảo lịch sử. Phía sau Bàn Kiên định là tượng bán thân nhà hoạt động dân quyền gốc Latinh Cesar Chavez.
Căn phòng còn bày cả tượng bán thân của hai nhà hoạt động Rosa Parks và Eleanor Roosevelt cùng một tác phẩm điêu khắc người cưỡi ngựa do nghệ nhân Allan Houser thuộc bộ lạc Chiricahua thực hiện. Tác phẩm từng thuộc về cố thượng nghị sĩ Dân chủ bang Hawaii Daniel K. Inouye, người Mỹ gốc Nhật đầu tiên chạy đua thành công vào quốc hội Mỹ.
Bức chân dung bán thân nhà lập quốc Benjamin Franklin treo bên trái Bàn Kiên định nhằm thể hiện sự trân trọng của Biden đối với việc theo đuổi khoa học. Bức tranh được treo gần tảng đá Mặt trăng đặt trên giá sách nhằm nhắc nhở người dân Mỹ về khát vọng và sự đồng hành của những thế hệ trước.
Căn phòng còn có hai bức tranh cố tổng thống George Washington và Abraham Lincoln cùng tượng bán thân cố thượng nghị sĩ Daniel Webster, người đã mạnh mẽ bảo vệ Liên minh miền Bắc.
Những tấm rèm màu vàng nhạt dưới thời tổng thống Donald Trump được thay thế bằng rèm màu vàng sẫm hơn, từng được tổng thống Bill Clinton chọn. Tấm thảm màu xanh da trời đậm cũng từng có mặt trong Phòng Bầu dục thời cựu tổng thống Clinton được Biden chọn bởi ông thích màu sắc trầm của nó.
Các đồ nội thất, bao gồm cả trường kỷ và những bàn nhỏ khác, đều đến từ bộ sưu tập của Nhà Trắng, vì vậy, chúng trông quen thuộc với những ai từng quan sát kỹ căn phòng.
Những lá cờ của các quân binh chủng quân đội từng được Trump treo phía sau Bàn Kiên định nay không còn. Tổng thống Biden thay vào đó là quốc kỳ Mỹ và một lá cờ khác có hình huy hiệu tổng thống.
Một đồ vật bị chuyển đi khỏi Phòng Bầu dục là bức chân dung cựu tổng thống Andrew Jackson. Trump và Jackson đều tranh cử với tư cách những người theo chủ nghĩa dân túy và Jackson là tổng thống đầu tiên được bầu trực tiếp. Ông đã đề xuất chấm dứt cơ chế cử tri đoàn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Phòng Bầu dục ngày 20/1. Ảnh: AP .
Nhưng việc Trump chọn treo chân dung Jackson từng khiến ông đối diện các cáo buộc về phân biệt chủng tộc. Jackson duy trì chế độ nô lệ và ký Đạo luật Loại bỏ Người da đỏ, dẫn đến cái chết của hàng nghìn người Mỹ bản địa, trong khi hàng chục nghìn người khác bị đuổi khỏi nơi cư trú để nhường chỗ định cư cho người da trắng.
Đạo luật đã góp phần dẫn tới thảm kịch “Con đường Nước mắt”. Ước tính khoảng 4.000 người Cherokee đã chết trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do họ bị di dời cưỡng bức vào năm 1838, 1839. Người Cherokee gọi Jackson là “kẻ giết người da đỏ”.
Trump cũng bày tượng bán thân của thủ tướng Anh Winston Churchill trong Phòng Bầu dục. Nó ban đầu được Anh cho tổng thống George W. Bush mượn, sau đó được tổng thống Barack Obama trả lại khi nhậm chức. Đến Biden, ông không bày bức tượng này.
Một thứ tại Phòng Bầu dục không được chạm đến là Bàn Kiên định. Biden vẫn giữ chiếc bàn nơi người tiền nhiệm Trump và hàng loạt tổng thống khác từng sử dụng. Một trợ lý cho biết không ai động đến chiếc bàn kể từ khi tổng thống Trump rời đi vào sáng 20/1.
Mỹ cảm ơn WHO
Tiến sĩ Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Biden, cảm ơn WHO vì đã dẫn dắt nỗ lực ứng phó Covid-19, trái ngược với chỉ trích thời Trump.
"Trong những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức này đã tập hợp cộng đồng khoa học, nghiên cứu, phát triển để đẩy nhanh vaccine, liệu trình và phương thức chẩn đoán ứng phó với đại dịch", nhà khoa học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, người được chỉ định là cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden, nói trong cuộc họp trực tuyến ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay.
Theo ông, WHO đã "làm việc không ngừng với các quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19".
Tiến sĩ Anthony Fauci họp trực tuyến với ban điều hành WHO hôm nay. Ảnh: AFP .
Những bình luận của Fauci đánh dấu sự khác biệt rõ ràng trong cách tiếp cận của chính quyền Biden với WHO, so với những chỉ trích gay gắt thời cựu tổng thống Donald Trump. Trước khi mãn nhiệm, Trump đang xúc tiến quá trình rút Mỹ khỏi WHO.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Biden đã đảo ngược quyết định này. "Mỹ có ý định tiếp tục là thành viên của WHO", Biden viết trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi bình luận của tiến sĩ Fauci. "WHO là đại gia đình của các quốc gia và tất cả chúng tôi đều vui mừng vì Mỹ đang ở trong đại gia đình", ông nói trong cuộc họp.
Ông Fauci cũng nhấn mạnh rằng Washington, nhà tài trợ hàng đầu của WHO, cam kết nối lại việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức, thêm rằng Washington có kế hoạch "làm việc mang tính xây dựng với các đối tác để củng cố và quan trọng là cải tổ WHO", đồng thời hỗ trợ phản ứng quốc tế với Covid-19.
Theo Fauci, Tổng thống Biden đang chuẩn bị ban hành sắc lệnh, gồm ý định tham gia Covax, nỗ lực do WHO lãnh đạo nhằm mua và phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu để giúp các nước tiếp cận vaccine công bằng. Fauci cũng đề cập sứ mệnh quốc tế đang được tiến hành tại Trung Quốc để điều tra nguồn gốc Covid-19.
Cả WHO và Trung Quốc đều vấp phải chỉ trích vì hành động không kịp thời để ngăn đại dịch trong thời kỳ đầu bùng phát.
"Chúng tôi cam kết minh bạch, gồm cả những sự kiện xung quanh những ngày đầu đại dịch", Fauci nói. "Chúng ta buộc phải học và rút ra những bài học quan trọng về cách ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Cuộc điều tra quốc tế cần phải dứt khoát, rõ ràng, và chúng tôi mong muốn được đánh giá nó".
Cháu nội 8 tháng tuổi của Biden gây chú ý trong lễ nhậm chức Cháu nội Beau, 8 tháng tuổi, và cũng là người cháu nhỏ tuổi nhất của Tổng thống Biden, gây chú ý trong lễ nhậm chức với vẻ ngoài đáng yêu. Khoảnh khắc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, 78 tuổi, bế cháu út Beau Biden trên tay và đung đưa theo điệu nhạc của buổi lễ nhậm chức 20/1, đã chạm đến trái...