“Bốn mùa áo mới cho em”: Ước mơ của những đứa trẻ Bana
Dưới mái nhà cũ kỹ, những đứa trẻ Bana ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) được sinh ra trong thiếu thốn, cơ cực. Khi năm học mới bắt đầu, khát khao cháy bỏng được khoác lên mình chiếc áo mới, trang bị đầy đủ dụng cụ học tập đến lớp lại trỗi dậy trong lòng các em.
Mẹ mất vì ung thư, cha bỏ đi biền biệt
Giữa trưa, chúng tôi đến căn nhà nhỏ của em Đinh Hồ Phương Trâm nằm ẩn sau cung đường ngoằn ngoèo ở làng Kon Mon (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn). 6 tuổi, làn da đen nhẻm, khuôn mặt của Trâm chất chứa những nỗi buồn tuổi thơ mà chẳng đứa trẻ nào muốn mình phải trải qua.
“Năm nay con đã lên lớp 1 (Trường tiểu học xã Vĩnh An), may mà có ông bà ngoại, rồi dì thương cho con ăn học tử tế”, Trâm tóm tắt cuộc đời mình bằng vài ba câu ngắn gọn khi được tôi mở lời chào hỏi.
Những đứa trẻ được mẹ bồng lên rẫy sau giờ học ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Ảnh: Dũ Tuấn
Tiếp chúng tôi, bà Đinh Thị Phát (45 tuổi, dì ruột cháu Trâm) kể: “Mẹ của Trâm mắc bệnh ung thư khi đang mang bầu nhưng gia đình nghèo không có tiền chạy chữa. Sinh cháu được 1 tháng thì mẹ cháu mất, người cha cũng bỏ đi biền biệt vì không chịu nổi cảnh nghèo khó. Sau đó, ông bà ngoại nhận nuôi nhưng giờ ông bà đã mất nên cháu sống với tôi”.
Nhưng ngoặc nỗi, gia cảnh bà Phát cũng không khấm khá gì mấy, chồng bà mất cách đây vài năm vì căn bệnh quái ác, rồi 2 đứa con lập gia đình ra ở riêng để bà một mình nuôi cháu. Gia đình là hộ nghèo, bản thân bà lại mắc bệnh u nang, làm việc “bữa được, bữa mất”, gia cảnh thiếu trước, hụt sau.
Căn nhà em Đinh Hồ Phương Trâm và dì ruột của mình nằm ẩn sâu trong làng. Ảnh: Dũ Tuấn
“Cháu Trâm sinh ra thiếu thốn tình thương nhưng lại rất ngoan, ham học nên tôi nhất định phải để cháu đến lớp. Năm học mới, tôi chạy đôn chạy đáo kiếm tiền sắm quần áo, đồ dùng học tập. Thế nhưng, mỗi ngày công việc lột vỏ cây chỉ kiếm được 100.000 đồng, làm một ngày phải nghỉ đến ba ngày vì bệnh tật. Tôi chỉ mong sao ai giúp được cho cháu chiếc áo mới, sách vở… để đến lớp. Còn ước mơ xa hơn của hai dì cháu là cố gắng tiết kiệm để mua con bò về nuôi nhưng chưa đủ tiền”, bà Phát chia sẻ.
Mẹ mất sớm, bố bỏ đi nên em Trâm phải sống nhờ vào người dì. Ảnh: Dũ Tuấn
Cuộc sống cơ cực và thiếu thốn đang là nỗi lo của nhiều gia đình Bana trong chặng đường đến lớp của những đứa trẻ nơi đây. Tại xã này, có đến hơn 200 học sinh mầm non và tiểu học thuộc gia đình hộ nghèo.
Video đang HOT
“Thú thật, nhờ sự quan tâm của nhà nước, đường giao thông rồi cơ sở hạ tầng trường học tại đây được xây dựng bê tông hóa, rất kiên cố. Thế nhưng, phần lớn học sinh đều là con em người Bana có cuộc sống rất khó khăn. Mỗi năm học đến, giáo viên chúng tôi phải đi vận động xin quần áo, sách vở… để các em được đến trường đầy đủ. Vì vậy, trường rất cần sự quan tâm của các mạnh thường quân khi năm học mới bắt đầu”, thầy Nguyễn Văn Hóa – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh An thổ lộ.
Đường vào làng Cam (xã Tây Xuân) – nơi có 100% hộ nghèo sinh sống. Ảnh: Dũ Tuấn
Trường vắng phòng vệ sinh, “trắng” sân chơi
Tại ngôi làng Cam (xã Tây Xuân), hai trường mầm non và tiểu học được xây chung với nhau, vỏn vẹn chỉ 4 phòng học. Ngôi trường này được hình thành bởi sự chung tay của các mạnh thường quân và giữa vùng quê khốn khó, các em học sinh phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Cô Trần Thị Dùa – Hiệu trưởng Trường mầm non Tây Xuân, kể khổ: “Tại làng Cam, học sinh tiểu học và mầm non học chung trường nhưng trường lại không có phòng vệ sinh, sân trường thì không có đồ chơi cho trẻ. Nhiều lúc chứng kiến cảnh trong giờ học, các em phải xin về nhà để đi vệ sinh, chúng tôi rất buồn nhưng không có cách nào khác vì kinh phí không có thì tiền đâu mà xây dựng”.
Trường tiểu học và mầm non ở làng Cam được xây chung nhưng không có phòng vệ sinh. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo các giáo viên, vì cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên nhà trường chưa thể thực hiện việc đồng phục cho trẻ đến lớp. Có quần áo gì thì trẻ mặc nấy, kể cả việc mặc quần áo rách, mang dép hỏng đi học.
“Chúng tôi thấy thương và đồng cảm lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Nói về khó khăn của các em thì vô vàn nhưng cái cần nhất hiện nay chính là quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… để các em được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nơi khác”, cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Xuân chia sẻ.
Những đứa trẻ làng Bana sắp bước vào năm học mới. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Huỳnh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho hay: “Làng Cam có 53 hộ dân thì 100% là hộ nghèo. Đa số là người dân Bana đã định canh, định cư nhưng cuộc sống kinh tế của họ còn rất thiếu thốn. Ngoài sự quan tâm của địa phương, chúng tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn của trẻ em ở làng, trong giai đoạn bước vào năm học mới”.
Trong khi đó, làng M6 (xã Bình Tân) – nơi có 63 hộ dân Bana sinh sống, năm học mới bắt đầu cũng là lúc xuất hiện nỗi lo trong những căn nhà cũ kỹ.
“Làng M6 nằm xa với khu vực trung tâm xã, rất đông người dân Bana quy tụ về đây sinh sống. Cuộc sống khó khăn nên học sinh cần nhiều thứ như: sách vở, quần áo và cả xe đạp đến đến trường. Chúng tôi thấu hiểu nỗi khổ của trẻ em vùng này nhưng chỉ giúp đỡ được một phần nên sự quan tâm từ tấm lòng của cộng đồng là điều rất trân quý”, ông Nguyễn Thanh Điền – Chủ tịch UBND xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) nói.
Một góc trường tiểu học ở làng M6 (xã Bình Tân). Ảnh: Dũ Tuấn
1.000 áo trắng đến với học sinh mầm non, tiểu học
Từ ngày 23.8-24.8, Báo Nông Thôn Ngày Nay (điện tử Dân Việt- Danviet.vn) tổ chức chương trình “Bốn mùa áo mới cho em” tại các trường mầm non và tiểu học ở huyện Tây Sơn (Bình Định). Ban tổ chức chương trình sẽ tặng máy lọc nước, 1.000 áo trắng mới cho học sinh, vở, bàn chải, kem đánh răng, áo sơ mi mới cho thầy cô giáo… với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Theo Dân Việt
Chiếc xe đạp ngự trên giường của cậu học trò nghèo
Đi nhiều nơi, lắng nghe nhiều ước mơ của các bạn nhỏ, không có ước mơ nào nhiều bằng "ước có một chiếc xe đạp để đi học".
Học sinh ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bên những chiếc xe đạp mới được một quỹ khuyến học trao tặng - Ảnh: L.TH.
"Đến gần hơn các cô cậu bé học trò nghèo để nhìn thấy từng niềm vui nhỏ, để thấy mình cũng đã từng khát khao, mơ ước, từng vui khi có ai đó trao tặng một món quà cần thiết giúp nối dài sự học... Mỗi khi người lớn chúng ta cúi xuống gần hơn như thế thì hẳn sẽ có nhiều niềm yêu được trao tặng, nhân rộng, lan tỏa...
HOÀI SÂM (thành viên Quỹ Nguyễn Hiến Lê)
650.000 đồng cho một chiếc xe đạp cũ tân trang, nhưng là cả một ước mơ với học trò nghèo. Vì thế khó mà hình dung đủ niềm vui của các em khi nhận được một chiếc xe đạp nếu không tận mắt nhìn thấy các em nâng niu "giấc mơ" ấy.
Cùng điều hành một quỹ chuyên săn sóc sự học cho các học trò hiếu học có gia cảnh khó khăn, 10 năm qua chúng tôi có dịp thăm nhà nhiều em học sinh ở nhiều vùng miền phía Nam.
Đi nhiều nơi, lắng nghe nhiều ước mơ của các bạn nhỏ, không có ước mơ nào nhiều bằng "ước có một chiếc xe đạp để đi học".
Bởi có em ở Tiên Phước, Quảng Nam nhà quá xa, ngày nào mệt chút đành bỏ học vì không đi bộ nổi đến trường; có em ở Tánh Linh, Bình Thuận cứ mãi đi ké xe bạn hàng xóm trong nỗi ước ao một ngày mình có được chiếc xe riêng, không còn phải phiền bạn.
Có em ở Phú Tân, An Giang phải ngồi trên sườn ngang phía trước xe của mẹ vì yên sau mẹ còn chở chuối luộc đi bán; có em ở Thạnh Phú, Bến Tre cả thời tiểu học phải lội bộ 5km mỗi ngày, có đoạn ngang rừng ngập mặn, mẹ phải cõng em đi, một tay vịn lưng con, một tay cầm bị cua mới bắt chờ ghé ngang buổi chợ...
5, 10, 15km từ nhà đến trường học, hành trình bám trường bám lớp của các em gặp thêm một rào cản không hề nhỏ, đòi hỏi sự ham học và cả sức dẻo dai từ những vóc dáng vốn bé nhỏ, còi cọc...
Hằng năm, trong những phần quà các nhóm thiện nguyện hay tổ chức phi lợi nhuận mang đến cho các em, lúc nào cũng có xe đạp là vậy. Riêng nhóm chúng tôi, với học sinh tiểu học, quỹ tặng xe đạp cũ tân trang (giá 650.000 đồng/chiếc) cùng quà khai trường.
Với học sinh được nhận học bổng toàn phần cho bảy năm học từ lớp 6 đến lớp 12, phần quà chuẩn bị cho các em bước vào cấp trung học cơ sở luôn có một chiếc xe đạp mới (giá khoảng 1,8-2 triệu đồng).
Trong chuyến trao học bổng cho học sinh Vĩnh Long giữa tháng 6 này, ghé thăm nhà em T. - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc xe đạp mới quỹ tặng "ngự" ngay trên giường ngủ của em.
Chiếc xe đạp của T. được em nâng niu để trên giường ngủ - Ảnh: L.TH.
Ngoại em kể: "Nó vui hết biết luôn, vừa chạy về từ buổi lễ nhận học bổng ở trường là mang xe ra rửa ngay (đường về nhà em có những đoạn sình lầy), rồi để trên giường mới chịu, để ở dưới sợ dơ xe (nền nhà em là nền đất)".
T. cười tít sau lời kể của ngoại. Khi nghe chúng tôi nói: "Tối nay con cứ mang xe để xuống đất nha, dính đất có sao đâu!", em lắc đầu cười và nói ngay: "Con còn chỗ khác để ngủ".
Ghé thăm nhiều gia đình ở Vĩnh Xuân sau đó, ngoại, nội, dì, chú, tía, má các em đều bảo con cháu mình thích chiếc xe đạp lắm, có em "vui đến bỏ cơm trưa"... Nhưng "cưng" xe như T. thì thật là khiến chúng tôi khó quên. Cũng như khó quên được những gì em đã viết trong thư gửi quỹ: "Cha mẹ em đã ly hôn nên em cảm thấy rất là buồn. Mẹ em đi làm xa, lâu lắm mới có tiền gửi về...".
"Nhà của bà vách lá cũng hư hết rồi, mỗi lần mưa tới là dột đủ chỗ hết... Ngoại em cứ đợi tới kỳ dừa khô có trái để đi bán cho người ta nhưng bà chỉ có một cây dừa duy nhất. Nhờ ngoại có nuôi gà thì mới có tiền cho em ăn học...".
Hôm ở nhà T., chúng tôi không nhìn thấy nỗi buồn nào trên gương mặt em như nỗi buồn của câu chữ trong thư, giữa những vách lá còn lóa nắng, chỉ có nụ cười trong veo và ánh mắt lấp lánh của em khi nhìn "bạn đường" mới, khi chăm chút bao từng cuốn sách giáo khoa lớp 6 và tập vở mới vừa được tặng.
Có vẻ như trước mắt em không phải là một mùa hè, mà là một năm học mới đang đến gần với tất cả sự háo hức. Chúng tôi không khỏi thầm ước mong: sẽ còn có thật nhiều phần quà, chiếc xe đạp gửi đến tất cả bạn nhỏ hiếu học, cần rất nhiều bàn tay tiếp sức các em đến trường, cho đường học gần lại, cho các em đi xa hơn chúng ta hôm nay, và những ước mơ của trẻ nhỏ vùng quê không chỉ cứ mãi là "một chiếc xe đạp để đi học"...
Từng chút đổi thay một, mong thay sẽ đến từ từng chút niềm yêu được gieo nơi sự học của trẻ thơ.
Theo tuoitre.vn
3 nguyên tắc học tập của Thủ khoa Đại học Kinh tế Đã từng chọn Đại học Ngoại thương là nguyện vọng số 1 nhưng Mỹ Hạnh lại bất ngờ thay đổi quyết định để chọn về học Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Với số điểm 25,05 (Toán: 8,6 điểm, Vật Lý: 8,25 điểm và Anh văn: 8,2 điểm), Đặng Thị Mỹ Hạnh, cựu học sinh trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám...