‘Bồi lấp Biển Đông đe dọa nghiêm trọng hòa bình khu vực’
Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại Hội nghị G7 mở rộng diễn ra ở Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản, hôm nay.
Theo VGP News, sáng 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên họp thứ nhất Hội nghị G7 mở rộng. Ngoài lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển là Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy, hội nghị có sự tham gia của đại diện Liên minh châu Âu và các khách mời gồm Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Gồm 2 phiên, Hội nghị G7 mở rộng tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Ảnh: VGP
Cam kết chung tay chống biến đổi khí hậu
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung”.
Thủ tướng cho rằng, phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, trong đó cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á và Sáng kiến Kết nối Mekong – Nhật Bản; hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước G7 khác, trong đó có Mỹ và Nhóm Những người bạn của Hạ nguồn Mekong (FLM) cho sự phát triển bền vững của lưu vực Mekong với sáng kiến mới về Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững (SIP).
Video đang HOT
Việt Nam khẳng định lại cam kết chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP21 Paris vừa qua. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long – hạ lưu sông Mekong.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Ông cũng hoan nghênh những sáng kiến mới của Nhật Bản trong các lĩnh vực quan trọng như bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, chăm sóc y tế, bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ, cũng như những nỗ lực của Nhật Bản hỗ trợ châu Phi trong đó có khuôn khổ Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD).
Thủ tướng khẳng định, sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Quốc tế đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
“Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Ảnh: Reuters
Trước khi tham dự Hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều hoạt động bên lề, bao gồm hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena và tiếp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Christine Largrade, Tổng Thư ký Tổ chức OECD và lãnh đạo tỉnh Aichi cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Trả lời báo giới trước khi tới Nhật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam mong rằng, tại Hội nghị lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không…”.
Theo Zing News
EU có thể dỡ bỏ cấm vận với Nga cuối năm 2016
Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Nga vào cuối năm 2016 hoặc khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk được thực thi đầy đủ.
Lãnh đạo các nước tham gia ký kết thỏa thuận Minsk. REUTERS
Phương Tây và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hồi năm 2014.
"EU sẽ duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm cấm vận kinh tế cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên tài khoản Twitter của mình sau khi tham dự cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, theo Sputnik ngày 26.5. Hội nghị G7 đang diễn ra ở Ise-Shima, Nhật Bản.
Thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết hồi tháng 2.2015 giữa Nga, Đức, Pháp cùng với Ukraine nhằm mang lại hòa bình cho khu vực miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát. Thỏa thuận này liên tục bị vi phạm trong khi các bên đổ lỗi cho nhau.
Quân đội Ukraine ở miền đông nước này. REUTERS
Lệnh cấm vận của phương Tây sẽ được xem xét lại trước cuối tháng 7.2016. Bà Federica Mogherini, trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của EU trả lời phỏng vấn của tờ Die Welt (Đức) rằng bà hy vọng lệnh cấm vận sẽ tiếp tục được gia hạn.
Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hôm 25.5 rằng cấm vận của EU và Mỹ là nhằm gây khó khăn cho Nga hơn là vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, theo TASS. Moscow cũng trả đũa, áp lệnh cấm đối với một số mặt hàng của EU và Mỹ.
RIA Novosti dẫn các nguồn tin ngoại giao từ Brussels (Bỉ) cho biết có thể EU sẽ gia hạn lần cuối cấm vận đối với Nga vào tháng 7 này và sẽ bỏ lệnh trừng phạt từng phần vào cuối năm 2016, theo trang Vestnik Kavkaza.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trong một cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga cho biết Hungary phản đối EU gia hạn cấm vận đối với Nga, theo TASS.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Thủ tướng dự Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản Hôm nay 26.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức lên đường thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. NGỌC THẮNG Trong chuyến thăm làm việc từ ngày 26 - 28.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Đối thoại chính sách kinh tế...