Bồi dưỡng trực tuyến để tất cả giáo viên tham gia đều là “F1″
Việc bồi dưỡng kết hợp phương thức trực tuyến với ưu điểm là giúp giáo viên ở tất cả các cấp đều tiếp cận được tài liệu bồi dưỡng gốc, tương tác được với giảng viên sư phạm, nên tất cả thầy cô sẽ đều là “F1″.
Bồi dưỡng trực tuyến giúp giáo viên ở tất cả các cấp đều được tiếp cận được tài liệu và tương tác với giảng viên sư phạm
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục qua mạng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đại trà, tại tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, một trong những năng lực cốt lõi mà chương trình GDPT sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển là năng lực tự học.
Muốn làm được điều này, bản thân giáo viên cũng phải có năng lực tự học, tự bồi dưỡng thì mới dạy được cho học sinh. Vì thế, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng để triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT đẩy mạnh hoạt động tự bồi dưỡng của các thầy cô.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra công thức 5-3-7, trong đó 5 ngày giáo viên tự nghiên cứu có hướng dẫn qua mạng, 3 ngày sinh hoạt chuyên môn trực tiếp và 7 ngày các thầy cô lại tiếp tục tự nghiên cứu và làm bài kiểm tra chất lượng. Chỉ khi được đánh giá “Đạt” chất lượng khóa bồi dưỡng, giáo viên mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp”,
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu đội ngũ nhà giáo cần thay đổi nhận thức để biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng hiệu quả. Với mô hình bồi dưỡng thường xuyên – liên tục thông qua sinh hoạt chuyên môn, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, ngành giáo dục cũng hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục qua mạng
Nếu trước đây, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình SGK rồi tổ chức tập huấn cho giáo viên ở cấp tỉnh; giáo viên cấp tỉnh tiếp tục về tập huấn cho giáo viên cấp huyện; giáo viên cấp huyện lại tập huấn cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở cấp trường; như vậy đến giáo viên cấp trường là F3 của quá trình bồi dưỡng, chất lượng theo đó bị giảm sút.
Video đang HOT
Việc bồi dưỡng kết hợp phương thức trực tuyến với ưu điểm là giúp giáo viên ở tất cả các cấp đều tiếp cận được tài liệu bồi dưỡng gốc, tương tác được với giảng viên sư phạm – đội ngũ bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh, nên tất cả thầy cô sẽ đều là “F1″.
Giáo viên cốt cán cấp tỉnh đã được Bộ GD&ĐT bồi dưỡng nhưng toàn bộ tài liệu, chương trình tập huấn giáo viên cốt cán đều được đưa lên mạng để tất cả giáo viên đại trà đều có thể tiếp cận và có cùng nhận thức, hiểu biết như nhau. Giáo viên cốt cán chỉ là được bồi dưỡng trước, từ đó tham gia hỗ trợ giáo viên đại trà, giúp các đồng nghiệp hiểu đúng về chương trình và thực hiện chương trình hiệu quả.
Tập huấn, bồi dưỡng nhiều đang làm khó giáo viên, nhà trường
Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng quá nhiều, một số nội dung, chủ đề lại trùng lặp, thiếu thiết thực đang gây tác dụng ngược đối với cán bộ, giáo viên ở các cấp.
LTS: Là một nhà giáo đã có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, tác giả Kiên Trung thẳng thắn cho rằng, hiện nay, việc tập huấn, bồi dưỡng nhiều đang làm khó giáo viên, nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian trước đây, công tác tập huấn, bồi dưỡng dành cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở rất ít, lâu lâu mới có đợt đi tập huấn, bồi dưỡng.
Cán bộ, thầy cô giáo thường có tâm trạng phấn khởi, hào hứng khi có tên trong thành phần, danh sách được tham gia.
Nhưng thời nay, số lần, thời gian tập huấn, bồi dưỡng ở ngành giáo dục dày đặc, tuần, tháng nào trong năm học cũng có.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn).
Có lẽ, ngành giáo dục đang có quá nhiều đổi thay, cải tiến, điều chỉnh?
Tất nhiên, khi có thông báo, giấy triệu tập của cấp trên (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo), nhà trường phải phân công, cử cán bộ, giáo viên đi tham dự.
Đi với mật độ quá nhiều nên hầu hết cán bộ, thầy cô giáo không còn cảm giác hào hứng, khí thế như trước đây mà chỉ toàn thấy mệt mỏi, ể oải, thở dài....
Khi đi tập huấn, bồi dưỡng, ở các trường dư thừa giáo viên thì không thành vấn đề gì, dễ dàng phân công người lấp giờ, dạy thay; nhưng ở các trường vừa đủ hoặc thiếu giáo viên thì việc phân công dạy thay, lấp giờ trở nên khó khăn.
Có trường chẳng còn người cùng chuyên môn để lấp giờ, buộc phải huy động giáo viên trái chuyên môn.
Có thời điểm, một trường đi tập huấn, hội nghị đến hơn chục người, chẳng còn cách nào, hiệu trưởng đành phải cho học sinh và giáo viên nghỉ dạy học mấy buổi đó và sẽ tổ chức dạy dồn, dạy bù vào các tuần học sau đó.
Bây giờ, ngoài tập huấn, bồi dưỡng do Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm ở trường học còn phải triền miên tham gia tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị bên công tác đảng, đoàn, đội.
Lại thêm áp lực, gánh nặng cho cán bộ, giáo viên và nhà trường, nhất là trường đang còn thiếu cán bộ, giáo viên.
Mới đây, môt số giáo viên trung học cơ sở ở quận Sơn Trà (Thành phố Đà Nẵng) bức xúc và có phản ánh đến cơ quan chức năng về việc thường xuyên bị cử đi tập huấn vào cuối tuần.
Được biết, ở một số địa phương khác (không tiện nêu tên cụ thể) cũng tận dụng các ngày cuối tuần (chủ nhật) để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên.
Cấp trên viện đủ lý do, nào là không còn người quản lý vào các ngày bình thường, giảng viên chỉ thu xếp đứng lớp giảng dạy vào các ngày cuối tuần...mong các thầy cô giáo thông cảm.
Trong khi đó, các học viên rất không hài lòng, vì chủ nhật nào cũng phải đến lớp học, chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, con nhỏ.
Điều đáng nói nữa, một số nội dung, chủ đề tập huấn trùng lặp, "biết rồi khổ lắm nói mãi", một số chủ đề, nội dung tập huấn rất xa xôi, chẳng mấy liên quan, thiết thực đối với hoạt động giáo dục ở trường học.
Nhiều cán bộ, thầy cô giáo phản ánh, ban tổ chức tập huấn tìm cách chống chế: tập huấn rồi, tập huấn lại để làm tốt hơn.
Có thể nói, công tác tập huấn, bồi dưỡng là rất cần thiết giúp cho cán bộ, giáo viên nắm bắt được những thay đổi, điều chỉnh, cái mới...để chất lượng làm việc, giáo dục ở trường học đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.
Nhưng với việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng quá nhiều, một số nội dung, chủ đề lại trùng lặp, thiếu thiết thực; thời gian tổ chức không hợp lý của các cấp quản lý giáo dục đang gây tác dụng ngược đối với cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục.
Nội dung tập huấn, bồi dưỡng cần "bắt" đúng điểm yếu, nhu cầu có thực của giáo viên, nhà trường hiện nay.
Không thể chấp nhận các địa phương vẽ ra nhiều tập huấn, hội nghị chỉ để giải bớt tiền ngân sách vào cuối năm mà không có tác dụng, hiệu quả gì.
Tính toán, sắp xếp thời gian tổ chức sao cho phù hợp, nhà trường, giáo viên ít bị ảnh hưởng, tác động nhất.
Các cấp tuyệt đối không được lấy ngày nghỉ cuối tuần (chủ nhật) để tổ chức tập huấn, trừ những trường hợp đặc biệt.
KIÊN TRUNG
Theo giaoduc
Giá trị của lời khen Dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại HS tiểu học đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi, thu hút sự quan tâm của của nhiều phụ huynh. Theo đánh giá chung, việc đưa vào những nội dung mới trong đánh giá và xếp loại HS tiểu học là phù hợp với việc chuẩn bị thực hiện chương...