Bồi dưỡng hè: Hướng tới thiết thực, hiệu quả
Ngoài nội dung bồi dưỡng chính trị, pháp luật được triển khai chung cho tất cả GV các bậc học, 4 năm trở lại đây, ngành GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ các lĩnh vực công tác theo chuyên đề, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục tại các địa phương.
Đón đầu đổi mới
Trong tháng 7/2019, Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức triển khai lớp tập huấn bồi dưỡng chương trình phòng học STEM và sách giáo khoa điện tử. Với chương trình phòng học STEM sẽ bồi dưỡng cho GV các môn tự nhiên ở bậc THCS. Cùng với việc triển khai đề án trường học thông minh, lớp học thông minh theo Khung “Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng” do UBND TP Đà Nẵng ban hành, ngành GD-ĐT Hải Châu cũng có kế hoạch đón đầu tập huấn cho GV về sách giáo khoa điện tử gắn với Chương trình – sách giáo khoa mới.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu thực tế của quận, Phòng GD&ĐT triển khai những chuyên đề phục vụ cho đổi mới chương trình – SGK theo hướng vấn đề gì cấp bách thì làm trước. Như với bậc học mầm non, trong mùa hè này, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn phương pháp montesori cho đội ngũ GV của quận, trong đó chú trọng đến việc lựa chọn các hoạt động, phương thức tổ chức dạy – học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn”.
Theo bà Trần Thị Thúy Hà, vì Phòng GD&ĐT không có kinh phí nên đối với những chuyên đề không thể tổ chức theo hình thức xã hội hóa được thì sẽ tính đến phương án các trường hỗ trợ cho GV 50% học phí các khóa học, số còn lại, người học sẽ đồng chi trả.
Đánh giá về những thay đổi trong hình thức tổ chức, bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng: Với việc đồng chi trả học phí, GV sẽ cân nhắc trong việc lựa chọn đăng ký những chuyên đề thiết thực với nhu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân nên ý thức tham gia khóa học cũng sẽ khác.
“Như hè năm 2017, Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức lớp tập huấn dạy học theo dự án cho GV Anh văn bậc THCS trong toàn quận, GV phải đóng 50% học phí, số còn lại được các trường hỗ trợ. 100% GV tham gia đầy đủ cho đến buổi học cuối cùng và tranh thủ cả giờ nghỉ giải lao để trao đổi, thảo luận với giảng viên, báo cáo viên, đưa các tình huống thực tế giảng dạy tại trường để tham khảo ý kiến chứ không phải chỉ có mặt để điểm danh” – bà Hà nói.
Video đang HOT
Chủ động đưa STEM vào trường học
Từ khoảng gần 5 năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tự cân đối kinh phí, kết nối với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tập huấn cho GV và CBQL về phương pháp tham vấn học đường. Đây là một cách giúp tránh được những xung đột giữa GV với HS và giữa GV và phụ huynh trong trường học.
Tham gia khóa tập huấn “Phát triển chương trình giảng dạy STEM cho học sinh THPT” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng và Tổ chức giáo dục Saigon
Scientists triển khai, thầy Lê Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Mặc dù nhà trường đã triển khai mô hình STEM thông qua việc tổ chức một số hoạt động ngoại khóa và các hoạt động sáng tạo kỹ thuật nhưng tham gia khóa học, chúng tôi tiếp cận được đầy đủ triết lý của giáo dục STEM cũng như phương pháp, cách thức triển khai STEM theo hướng tích hợp liên môn như một hoạt động giáo dục. Đây là bước chuẩn bị dài hơi cho chương trình – SGK mới sắp tới của nhà trường”.
Ngoài tham gia các chuyên đề bồi dưỡng do Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức, nhiều trường học đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học cho GV dựa trên tình hình thực tế của đội ngũ. Như Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) từ 3 năm nay, hè nào GV Tin học cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn cho GV trong trường về thiết kế bài giảng E-learning.
“Cùng với các tổ trưởng tổ chuyên môn, GV Tin học sẽ hỗ trợ cho GV trong kinh nghiệm lên bố cục, soạn PowerPoint, chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh, thiết kế… sao cho đạt hiệu quả tương tác cao nhất” – cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong hè 2019 này, BGH và Công đoàn nhà trường thống nhất mời giáo viên tiếng Anh để bồi dưỡng thêm cho GV về kỹ năng nghe – nói. Trường Tiểu học – THCS Đức Trí cũng lên kế hoạch bồi dưỡng cho GV về phương pháp dạy học tích cực và GV chủ nhiệm ngoài những lớp bồi dưỡng theo chuyên đề của Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức.
Hà Nguyên
Theo GDTĐ
Sẽ trao giải 100 triệu đồng cho công trình, sáng kiến giáo dục xuất sắc nhất
Tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019, BTC thông báo rằng 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất về giáo dục sẽ nhận được phần thưởng trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" là cuộc thi dành cho trí thức trẻ là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang sinh sống trong và ngoài nước.
Chương trình khuyến khích người trẻ đóng góp cho ngành giáo dục ở ba nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Họp báo giới thiệu về chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do T.Ư Đoàn phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức. Chương trình này sẽ nhận hồ sơ từ ngày 2/5 - 30/9/2019; tổ chức bình chọn hàng tháng tại website chính thức, từ ngày 2/5 - 30/10/2019; chấm sơ khảo và công bố các công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo (tối đa 15 công trình, sáng kiến), trước ngày 1/11/2019; chấm chung khảo và lễ trao giải, dự kiến 10/11/2019.
Đại diện BTC, anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN cho biết, BTC chương trình luôn đề cao tính mới, tính khả thi của các công trình.
Ngoài các nội dung xuyên suốt, chương trình năm nay sẽ có thêm một số điểm mới: phối hợp các trường Đại học Sư phạm triển khai chương trình "Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục" thông qua các hội nghị nghiên cứu khoa học khối ngành sư phạm; sơ kết 3 năm tổ chức chương trình, gặp gỡ các tác giả đạt giải thưởng các năm 2016, 2017, 2018; bổ sung giải thưởng dành cho tỉnh, thành đoàn có số lượng hồ sơ gửi tham gia chương trình nhiều nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, giám khảo chương trình qua các năm đánh giá các dự án, công trình tham dự chương trình đều có tính thực tiễn rất cao, xuất phát từ cơ sở, từ nhu cầu của nhà trường, thầy cô, học sinh; vì thế tính ứng dụng, phát triển trong thực tiễn cũng rất cao.
Đây là năm thứ 4 chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" được tổ chức.
Giải thưởng "Tri thức trẻ vì giáo dục" trao tặng cho tối đa 5 công trình, sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu, trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.
Các công trình còn lại được vào Vòng Chung kết sẽ được trao Giải thưởng "Cống hiến", tiền thưởng: 10 triệu đồng/công trình, sáng kiến.
M.C
Theo Dân trí