Bồi dưỡng dạy học phát triển năng lực – yêu cầu cấp thiết
Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành bại của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Chương trình mới dù tốt nhưng nếu đội ngũ giáo viên không được bồi dưỡng, đào tạo bài bản thì sẽ không đạt được hiệu quả.
Vì vậy, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT mới là yêu cầu cấp thiết trong đổi mới GD.
Ảnh minh họa
Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học
GS Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) cho biết, Chương trình GDPT mới được chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phẩm chất và năng lực học sinh, vì vậy, GV cũng phải chuyển từ phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá theo hướng cung cấp kiến thức cho học sinh sang việc tổ chức cho học sinh tự khám phá, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề có ý nghĩa trong nhận thức và vận dụng đời sống.
Lực cản lớn nhất đối với GV trong chuyển đổi này là phần lớn GV đang có thói quen truyền đạt một chiều và thiếu năng lực thiết kế các hoạt động sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá hiện nay đang theo hướng tiếp cận nội dung đã ảnh hưởng đến quyết tâm đổi mới của GV.
Bên cạnh đó, chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giao quyền chủ động cho các nhà trường được xây dựng kế hoạch thực hiện, đổi mới này đòi hỏi GV phải có năng lực phát triển chương trình nhà trường.
Trong khi đó, Chương trình GDPT mới hướng đến phát triển năng lực HS nên giáo dục tích hợp trở thành một phương thức chủ yếu bởi vì năng lực là khả năng kết nối kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề nhận thức và thực tiễn. Thực tế, GV hiện nay còn lúng túng về tổ chức dạy học tích hợp. Họ vẫn quen dạy học từng đơn vị nội dung rời rạc. Vì thế, GV phải được bồi dưỡng về dạy học phát triển năng lực bao gồm: Bồi dưỡng về phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá.
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ Internet
Tích cực tự học, tự bồi dưỡng
Từ năm học 2020 – 2021, Chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng vào lớp 1. So với chương trình phổ thông hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Bên cạnh đó, ở tiểu học còn có một hoạt động giáo dục tích hợp là hoạt động trải nghiệm. Học sinh được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Việc chọn, cử GV đi dự các khóa bồi dưỡng nhất là ở các trường phổ thông xa trung tâm và các trường phổ thông có quy mô nhỏ, thiếu GV cần được ưu tiên hơn nữa về nguồn lực và cơ chế phù hợp để đảm bảo cung cấp đầy đủ kinh phí cho công tác bồi dưỡng GV hàng năm. Đổi mới cơ chế đánh giá, sử dụng đi đôi với khen thưởng, khuyến khích GV tự giác tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực.
Theo TS Phạm Thị Thanh Hải, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, ở cấp tiểu học, giai đoạn mở đầu của GDPT, đội ngũ GV đóng vai trò quyết định chất lượng của cả giai đoạn giáo dục cơ bản. Bởi vậy, việc tập trung phát triển đội ngũ GV tiểu học cả về số lượng và chất lượng cần được quan tâm đúng mức và có chính sách đặc thù.
NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên – Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nhận định, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và nâng chuẩn giáo viên từng cấp học giai đoạn sắp tới là yêu cầu cấp thiết phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong quá trình đổi mới, cần động viên khuyến khích mọi người tích cực tự học, tự bồi dưỡng, làm thay đổi tư duy thụ động, trì trệ cho rằng đào tạo ở trường sư phạm là đủ, hoặc cứ “dạy lâu là lên lão làng”, từ đó không chịu học tập bồi dưỡng, không theo kịp sự đổi mới của xã hội, không cập nhật kịp thời các thông tin khoa học, tri thức của thời đại, sẽ dần trở nên lỗi thời ngay cả với HS khi các em có nhiều kênh thông tin để cập nhật kiến thức.
Xét về vai trò của cán bộ quản lý giáo dục trong triển khai Chương trình GDPT mới, GS Đinh Quang Báo phân tích, để thực hiện Chương trình GDPT mới, trong đó phân cấp quản lý thực hiện chương trình được xem là một trong những đổi mới cơ bản. Nếu như trước đây chương trình nặng về quan liêu, kế hoạch hóa cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống thì chương trình mới là một chương trình mở, trong đó xác định mối quan hệ giữa chương trình quốc gia, chương trình địa phương và chương trình nhà trường. Mỗi cấp chương trình có những nhiệm vụ nhất định đòi hỏi sự sáng tạo của cán bộ quản lý ứng với từng cấp.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Bồi dưỡng GV thế nào cho hiệu quả?
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi GV, cần bồi dưỡng những kiến thức nào để thiết thực, hiệu quả, tổ chức các lớp học tại thời gian nào, địa điểm nào cho phù hợp.
Bồi dưỡng giáo viên là công tác thường xuyên tại các cơ sở GD. Ảnh: Hữu Cường
Nghỉ hè là thời gian thích hợp nhất
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm GV có nhu cầu được bồi dưỡng cao nhất là vào kì nghỉ hè. Còn nếu việc bồi dưỡng được tổ chức vào các thời điểm khác trong năm học, GV thường rất khó tham gia vì còn bận lên lớp và các kế hoạch khác của cá nhân.
Một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: Nếu các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho GV được tổ chức vào kì nghỉ hè, chúng tôi có thể bố trí các công việc cá nhân để tham gia. Nếu không bận các tiết dạy thì việc tham gia sẽ dễ hơn rất nhiều.
Thời điểm "cuối học kì I, đầu học kì II" được ít GV lựa chọn nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm GV bận rộn nhất trong năm học. Thời điểm này họ bận tổ chức ôn tập, chuẩn bị đề thi, chấm thi, giáo án cho kì mới nên sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia bồi dưỡng.
Về thời gian bồi dưỡng, các GV chủ yếu lựa chọn phương án "tùy theo từng nội dung". Bởi lẽ mỗi nội dung khác nhau cần thời gian bồi dưỡng phù hợp. Nội dung nào phức tạp cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nên căn cứ vào nội dung cụ thể mới lên được kế hoạch về thời gian bồi dưỡng bao nhiêu cho hợp lí. Bên cạnh đó, phương án ít được GV lựa chọn nhất là "từ 3 đến 5 ngày".
Một GV khi được phỏng vấn cho biết: Trong năm học, nếu thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 3 ngày trở lên sẽ gây trở ngại cho GV, bởi ảnh hưởng đến lịch công tác. Nếu muốn tổ chức thì phải có thông báo từ rất sớm mới sắp xếp được. Do đó, căn cứ lựa chọn thời gian bồi dưỡng của GV phụ thuộc vào nội dung và việc bố trí, sắp xếp công việc cá nhân khác của họ.
Theo ý kiến của GV, địa điểm bồi dưỡng phù hợp nhất là tại các trường nơi họ đang giảng dạy. Bởi lẽ với GV, việc bồi dưỡng tại chính nơi họ đang dạy sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Theo chia sẻ của đa số GV, nếu bồi dưỡng tại các trường, GV sẽ đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, có thể tranh thủ thu xếp công việc cá nhân, bố trí thời gian tham gia bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, địa điểm "trường ĐHSP" được ít GV lựa chọn hơn. Nhiều thầy cô cho rằng, thực trạng trên là do GV đến từ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên việc tổ chức bồi dưỡng tại địa điểm này sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra các khóa bồi dưỡng.
GV cần bồi dưỡng gì?
Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV cập nhật kiến thức và các phương pháp mới để vận dụng vào thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT, chưa xuất phát từ nhu cầu của chính GV.
Do đó, cần phải đổi mới nội dung và hình thức, cách thức để việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV trở thành nhu cầu học tập thường xuyên.
GV có nhu cầu cao đối với việc bồi dưỡng do nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này đối với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ít GV cho rằng không cần thiết bởi họ cảm thấy tự bản thân có thể trau dồi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhu cầu ở mỗi nội dung cần bồi dưỡng có sự khác biệt, nhưng mức độ nhu cầu cần được bồi dưỡng của GV ở các nội dung cụ thể là rất cao. Ví dụ như những nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các kĩ năng dạy học, giáo dục, quản lí lớp học theo yêu cầu đổi mới giáo dục...
Trong đó, các nội dung GV có nhu cầu cần bồi dưỡng cao nhất là: Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh; Thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS.
Các kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm được GV hết sức chú trọng. GV có nhu cầu bồi dưỡng những kĩ năng này để giúp cho họ thực hiện tốt hoạt động giảng dạy của mình, bởi đây là những kĩ năng GV sử dụng xuyên suốt trong quá trình dạy học trên lớp.
Một số nội dung cần bồi dưỡng khác cũng được rất nhiều GV quan tâm như: Phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; Thiết kế, sử dụng các đồ dùng dạy học, phương tiện dạy học một cách có hiệu quả; Nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và một số phần mềm tin học để nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục như Microsoft Power Point, Violet, Moviemaker, Imindmap...
Vân Anh
Theo GDTĐ
Nơi học sinh cảm nhận hạnh phúc Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay học sinh vẫn chưa thực sự hạnh phúc khi đến trường do gặp phải rất nhiều áp lực. Đã đến lúc các nhà trường, thầy cô giáo cần thay đổi để chung tay xây dựng trường học hạnh phúc, nơi mà học sinh cảm nhận được hạnh phúc khi đến...