Bồi đắp học sinh phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới chia sẻ yêu cầu cần đạt về phẩm chất trong CT GDPT mới và căn cứ xác định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất của người học.
Ảnh có tính chất minh họa/internet
Nhìn từ các nước
Theo GS, CT GDPT các nước phương Tây thường không quy định chuẩn về phẩm chất của học sinh, mặc dù rất đề cao và chú trọng giáo dục các giá trị tinh thần. Lí do là CT chỉ quy định những chuẩn có thể đo lường được. Trong khi đó, hầu hết CT GDPT các nước châu Á đều quy định những phẩm chất mà học sinh cần đạt.
CT GDPT của Singapore tập trung vào 6 giá trị: tôn trọng, trách nhiệm, chính trực, chu đáo, kiên cường, hòa đồng.
CT của Thái Lan hướng đến 7 giá trị truyền thống và 7 giá trị hiện đại. Cụ thể: Các giá trị truyền thống gồm: Thân ái, chăm sóc, chia sẻ; Bình tâm; (Nhã nhặn, lịch sự; Giản dị; Yêu hòa bình và hài hòa; Yêu gia đình; Yêu nước.
Các giá trị hiện đại gồm: Tự trọng, tự tin; Tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền; Khoan dung; Công lí và công bằng; Trách nhiệm; Hài hòa giữa tinh thần dân tộc và quốc tế; Yêu và bảo vệ thiên nhiên
CT của Hàn Quốc tập trung vào 4 giá trị: trung thực, quan tâm, chính nghĩa, trách nhiệm.
CT của Nhật Bản xác định nhiệm vụ giáo dục đạo đức nhằm 6 mục tiêu và 3 trọng điểm: Sáu mục tiêu là: Tôn trọng nhân phẩm, lòng yêu quý cuộc sống; Kế thừa, phát triển văn hoá truyền thống và sáng tạo văn hoá giàu tính cá nhân; Nỗ lực hình thành, phát triển một xã hội và đất nước dân chủ; Có đóng góp cho sự phát triển một thế giới hòa bình; Có thể tự quyết định một cách độc lập; Có ý thức đạo đức: kỷ luật, tự kiềm chế, tinh thần tập thể.
Ba trọng điểm là: Sự tôn trọng cuộc sống; Quan hệ cá nhân và cộng đồng; Ý thức về trật tự dọc.
Video đang HOT
Các phẩm chất đạo đức trong CT GDPT Nhật Bản gồm 4 nhóm: Liên quan đến bản thân: đúng mực, chuyên cần, dũng cảm, chân thành, coi trọng tự do và hành động có kỷ luật, tự hoàn thiện, yêu chuộng sự thật.
Liên quan đến người khác: lịch sự, quan tâm, hiểu biết và tin tưởng, giúp đỡ, biết ơn và kính trọng, khiêm tốn.
Liên quan đến nhóm và xã hội: nghĩa vụ cộng đồng, công bằng, trách nhiệm, siêng năng, kính trọng, đóng góp, tôn trọng các thành viên, truyền thống, các nền văn hoá khác và yêu nước;
Liên quan với tự nhiên và siêu nhiên: tôn trọng tự nhiên, tôn trọng cuộc sống, nhạy cảm, thẩm mĩ, cao thượng.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Yêu cầu của Việt Nam
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, CT GDPT mới của nước ta đã tham khảo những kinh nghiệm nói trên, xác định mục tiêu hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu nói trên là những phẩm chất của con người Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đảng về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam.
Cụ thể là Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nghị quyết số 3 (thường gọi là Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII) xác định 5 nhóm phẩm chất của con người Việt Nam như sau: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội;
Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; Có lối sống lành mạnh, nếp sống vn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kĩ thuật, sáng tạo, nng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội;
Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mĩ và thể lực. Năm nhóm phẩm chất này của thế hệ trẻ Việt Nam được hình thành qua học tập rèn luyện phấn đấu từ tuổi thơ được kế thừa theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng cần được đẩy mạnh trong giai đoạn phát triển mới của giáo dục nước ta.
Từ 5 nhóm nói trên, sau khi gộp một số đặc tính trùng nhau hoặc gần nhau (cần kiệm, chăm chỉ và thường xuyên học tập, rèn luyện; đoàn kết và nhân nghĩa) vào một từ khoá và chuyển sáng tạo sang phạm trù năng lực, có thể rút ra 5 phẩm chất như sau: yêu nước, nhân nghĩa, cần kiệm, trung thực, kỷ cương.
Nghị quyết số 33 khoá XI nêu ra 7 đặc tính của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Sau khi gộp một số đặc tính trùng nhau hoặc gần nhau (nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết) vào một từ khoá và chuyển sáng tạo sang phạm trù năng lực, có thể rút ra 4 phẩm chất như sau: yêu nước, nhân ái, trung thực, cần cù.
Có thể thấy những phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển cho học sinh nêu trong dự thảo CT GDPT mới (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) phù hợp với yêu cầu xây dựng con người Việt Nam trong hai nghị quyết của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Chú trọng phát triển năng lực người học trong Chương trình GD phổ thông mới
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết -Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, để phát triển năng lực của người học, CT GDPT mới của nước ta đã vận dụng kinh nghiệm xây dựng CT GDPT của các nước có nền giáo dục tiên tiến, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng sau đây:
Ảnh minh họa/internet
Thứ nhất: Dạy học phân hoá. Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, CT GDPT mới một mặt thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp, mặt khác, thiết kế một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và sở trường của bản thân.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và HĐGD bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Thứ hai: Dạy học tích hợp. Dạy học tích hợp là định hướng dạy học huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khoa học để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn, trong đó mức độ cao nhất là hình thành các môn học tích hợp.
Dạy học tích hợp là xu thế chung của CT GDPT các nước. Ở Việt Nam, dạy học tích hợp đã được thực hiện trong CT hiện hành. So với CT hiện hành, chủ trương dạy học tích hợp trong CT GDPT mới có một số điểm khác như: tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở cấp THCS theo tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Ở cấp tiểu học, CT GDPT mới tiếp tục xây dựng một số môn học có tính tích hợp trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học.
Ở cấp THCS, CT GDPT mới xây dựng hai môn học mới có tính tích hợp là: Khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất); Lịch sử và Địa lí (được hình thành chủ yếu từ các khoa học Lịch sử, Địa lí).
Ở cả ba cấp học còn có một hoạt động giáo dục tích hợp là Hoạt động trải nghiệm (ở cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (ở cấp THCS và THPT).
Thứ ba: Dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học. Đặc điểm chung của các phương pháp giáo dục được áp dụng trong CT GDPT mới là tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống) được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia seminar, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Hải Minh (ghi)
Theo giaoducthoidai
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Các Sở GD&ĐT chia sẻ khó khăn để sớm đổi mới giáo dục phổ thông" Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 9/1: "Chương trình tốt đến mấy nhưng không thể phát huy được nếu các đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng. Thành bại hay không là từ đây". Do đó theo Bộ trưởng, rất cần các Sở GD&ĐT cùng nhau...