Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khoẻ về việc không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa.
Theo công văn này, Bộ Y tế cho biết việc đào tạo chuyên khoa đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe được thực hiện tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học từ năm 1974 theo mô hình đào tạo bác sĩ chuyên khoa của Pháp. Bộ Y tế đã xây dựng các qui định về tổ chức chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú.
Ảnh minh họa
Ngoài ra các các cơ sở đào tạo nhân lực y tế còn tổ chức các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa (chuyên khoa sơ bộ), cấp chứng chỉ cho các bác sĩ bắt đầu định hướng vào một chuyên khoa cụ thể ở mức độ nhất định để tham gia công tác khám chữa bệnh chưa đòi hỏi chuyên khoa sâu, với thời gian đào tạo từ 06 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, hiện không có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Việc đào tạo này hầu hết do các trường Đại học Y Dược, các bệnh viện tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu người học, cơ sở khám chữa bệnh.
Video đang HOT
Chương trình đào tạo của các khóa đào tạo này đều do các đơn vị này tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức đào tạo. Do đó, việc đào tạo định hướng chuyên khoa hiện nay không được kiểm soát về chất lượng của cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình đào tạo, chưa có chuẩn năng lực chung để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Gần đây Bộ Y tế cũng nhận được phản hồi từ một số Sở Y tế và hội nghề nghiệp về việc cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận sai đối tượng học, không đúng quy định gây khó khăn trong cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Do vậy, Bộ Y tế đã có công văn chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, đề nghị các Sở Y tế, các Vụ/Cục chức năng thuộc Bộ Y Tế, trong thời gian chờ ban hành văn bản quy định việc đào tạo để cấp bổ sung, thay thế phạm vi hoạt động chuyên môn, tạm dừng việc cho phép bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh.
Hiện nay, Bộ Y tế đang được giao xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe và đã trình Chính phủ để xem xét ban hành, trong đó có quy định về đào tạo chuyên sâu để cấp chứng chỉ đào tạo chuyên khoa sâu đối với khóa đào tạo tối thiểu từ 15 tín chỉ, tương đương tối thiểu 6 tháng tập trung.
Cùng đó là quy định các yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, người giảng dạy chuyên sâu, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bảo đảm chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa/.
Phương Anh
Theo toquoc
Đề xuất Bộ Y tế kiểm soát đào tạo ngành sức khỏe
Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của dư luận xã hội đối với Dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe.
Sinh viên đại học Y, Hà Nội đi thực tế ảnh: hồng vĩnh
Theo dự thảo này, các nội dung quy định trình độ đào tạo nhóm ngành sức khỏe đều bám sát khung trình độ quốc gia. Có một điểm khác biệt đó là khung trình độ quốc gia đã quy định bậc 7 là Thạc sĩ. Còn trong dự thảo đang có đề xuất với ngành y dược thì chia bậc 7 làm 2 loại: Thạc sĩ và tương đương thạc sĩ. Một điểm mới dự kiến nữa là nếu tốt nghiệp đại học y dược (khung bậc 6) thì chỉ được gọi là cử nhân, còn bác sĩ, dược sĩ, chuyên khoa là "tương đương thạc sĩ". Một chuyên gia băn khoăn không biết cử nhân y khoa có được khám chữa bệnh không.
Đặc biệt, từ trước đến nay, theo các thông tư của Bộ GD&ĐT, khi cơ sở đào tạo ĐH muốn mở ngành đào tạo phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT, kể cả khi được tự chủ thì cũng phải báo cáo lên Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng quy định điều kiện trường bị "rút giấy phép" đào tạo. Về chỉ tiêu đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH tự xác định chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí được Bộ GD&ĐT đưa ra rồi báo cáo Bộ.
Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định này, cơ sở đào tạo muốn tham gia đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu (trong đó có ngành bác sĩ, dược sĩ) thì phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo, gửi về Bộ Y tế để Bộ chủ trì tổ chức thẩm định. Sau khi nhận được hồ sơ đã hoàn thiện theo yêu cầu của hội đồng thẩm định, trong vòng 15 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế phải có quyết định. Cơ sở đào tạo sẽ bị thu hồi quyết định khi cơ quan nhà nước xác định có một trong các trường hợp sau: không duy trì được các yêu cầu về đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu mà Chính phủ đã quy định, có hành vi gian lận để được nhận nhiệm vụ đào tạo, vi phạm quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo, không tuyển sinh được học viên học ngành/chuyên ngành đó trong 3 năm liên tiếp...
Như vậy, nếu Nghị định này thông qua và những nội dung trên được đồng thuận thì rất có thể, thời gian tới, các cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe muốn mở ngành, chỉ tiêu đào tạo sẽ phải xin ý kiến hai bộ: Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.
N.H
Theo Tiền phong
Trăn trở khi ra trường của sinh viên Y năm cuối Tháng tới, Nguyễn Thị Hà Trang bước vào năm thứ 6 chuyên ngành bác sĩ đa khoa, với vô vàn câu hỏi về tương lai. Giữa hàng loạt kỳ thi của năm cuối, những điều mà cô gái 24 tuổi phải suy nghĩ và sớm quyết định là: có nên học bác sĩ nội trú, chọn chuyên ngành gì, vào viện công hay...