‘Bộ trưởng tiếp dân một ngày trong tháng là thiếu linh hoạt’
Ủy ban Pháp luật đánh giá quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày trong một tháng để tiếp công dân là không phù hợp thực tế, thiếu tính linh hoạt và chưa thực sự hiệu quả.
Sáng 29/5, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Luật tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan như chủ tịch tỉnh, thành phố, các bộ trưởng tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng, trừ trường hợp đột xuất. Người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp tiếp công dân ít nhất một buổi một tháng. Chủ tịch huyện, thị xã tiếp công dân ít nhất 2 ngày một tháng.
Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, một số thành viên băn khoăn việc quy định cứng định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Vì dự thảo chưa xác định rõ mục đích người đứng đầu tiếp công dân để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình, hoặc đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên.
Ngoài ra, trên thực tế, số lượng người dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có sự khác biệt khá lớn giữa cấp trung ương và địa phương, giữa các địa bàn hoặc giữa các ngành, lĩnh vực. Nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày trong tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu linh hoạt và không thực sự hiệu quả.
Tại một số cơ quan thường xuyên tiếp nhận nhiều khiếu nại, kiến nghị thì thời gian tiếp trực tiếp một ngày trong một tháng là quá ít ỏi, trong khi ở một số cơ quan, tổ chức khác lại có khi vài tháng không có người dân nào tìm đến.
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật dẫn thực tiễn công tác tiếp công dân thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức để lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị chuyên môn hữu quan trực tiếp tiếp công dân, đồng thời giải quyết hoặc định hướng giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của người dân ngay tại buổi tiếp, được nhân dân và xã hội hoan nghênh, đánh giá tốt.
Đối với khiếu nại đông người, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự luật đi theo hướng quy định cách thức giải quyết vụ khiếu nại nhiều người mà chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể. Ví dụ công chức tiếp công dân phải xử lý như thế nào, hướng dẫn cho họ cử đại diện hoặc kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của việc cử đại diện ra sao…
Bên cạnh đó, các trụ sở tiếp dân còn gặp khó khăn khi nhiều người đến phản ánh một lúc với nhiều việc khác nhau hoặc chỉ có một hoặc một số người khiếu nại nhưng lại có nhiều người khác tạo thành đoàn đông người. Các vấn đề này cũng cần có quy định xử lý để các ngành cùng phối hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng người tiếp dân phải đảm bảo giải quyết được, ra được quyết định về vấn đề người dân khiếu kiện và giám sát việc xử lý sau này.
Hiện người đi khiếu kiện gửi đơn lòng vòng và người giải quyết thiếu quyết tâm xử lý khi thấy đơn đã gửi đến nhiều cơ quan. Một phần do dân không biết vụ việc do cơ quan nào giải quyết thì người tiếp dân phải bày cho họ làm đơn cho đúng. Người tiếp công dân phải coi người dân như người nhà để hướng dẫn, đốc thúc theo dõi nơi có trách nhiệm giải quyết. Để làm được như vậy thì trách nhiệm và quyền năng của nơi tiếp công dân phải được quy định rõ.
Video đang HOT
Theo dự luật, các bộ trưởng sau phải tiếp công dân ít nhất một ngày trong tháng: Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp. Người đứng đầu các bộ ngành khác trực tiếp tiếp công dân ít nhất một buổi trong một tháng, trừ trường hợp đột xuất.
Theo VNE
Lãnh đạo sắp hết đường 'trốn' dân?
Dự án Luật tiếp công dân sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này, bên lề Quốc hội chiều 28/5, ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, dự án luật ra đời sẽ có lợi cho dân và người đứng đầu không "trốn" được dân
Ông Trương Miinh Hoàng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh. Xuân Hải.
Ông Hoàng cho rằng, dự án luật tiếp công dân là để người cán bộ, lãnh đạo những người có dấu hiệu né tránh không tiếp dân sẽ không thể chối bỏ hay vì lý do này khác để trốn tránh trách nhiệm của mình.
Việc tiếp công dân để chúng ta thể hiện rõ trách nhiệm của công chức, của những người có thẩm quyền hay là người đại biểu nhân dân đối với người dân, đáp ứng với sự tin tưởng của cử tri.
- Thưa ông, việc Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật tiếp dân tại kỳ họp lần này, ông có ý kiến như thế nào về tính khả thi của dự án luật tiếp dân?
Tôi cho rằng, việc ban hành dự án Luật này là rất cần thiết làm. Dự án luật nếu được ban hành sẽ làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu khi tiếp dân. Việc này buộc người đứng đầu các cơ quan đơn vi, ban ngành phải nắm được vấn đề, mặt khác phải xây dựng đội ngũ chuyên môn của mình để làm thế nào thực hiện cho được công việc có chức năng này.
Một việc nữa là để làm tốt hơn vấn đề này thì những người đúng đầu phải am hiểu sự việc, nắm bắt được sự việc và bản thân anh ta phải đảm bảo về trình độ bao quát, mặt khác phải đi sâu, đi sát cơ sở để lắng nghe ý kiến từ các cấp có thẩm quyền xung quanh giải quyết vấn đề này và quan điểm về việc giải quyết vấn đề này như thế nào.
Mặt khác tổng hợp các quan điểm của các ngành chức năng về vấn đề này như thế nào, có như thế khi tiếp xúc trao đổi với nhân chúng ta mới có cơ sở, điều kiện để giải thích với bà con nhân dân và với cử tri.
Trong thực tế khi bà con tìm đến các cơ quan chức năng để trao đổi về vấn đề gì thì thường họ khai thác các khía cạnh có lợi về mình là chính. Mà việc đó là đương nhiên thôi khi mình yêu cầu khiếu kiện về vấn đề gì mà chưa thấy hài lòng, cũng phải đặt ra vấn đề có lợi cho mình.
Vì vậy, khi chúng ta muốn giải quyết được thỏa đáng vấn đề thì chúng ta phải nắm bắt vấn đề trên cơ sở quan điểm của các cơ quan ban ngành chức năng, đặc biệt là nắm bắt trên cơ sở pháp luật, giải thích trên cơ sở pháp luật.
- Việc tiếp công dân đã được thực hiện ở hầu hết các cơ quan nhà nước từ địa phương cho đến trung ương và giao cho cán bộ tiếp công dân, tuy nhiên người dân vẫn không hài lòng, có phải do phong cách, thái độ của cán bộ tiếp dân không thưa ông?
Tôi cho là đúng như vậy. Cũng có những trường hợp phân công cán bộ tiếp công dân, nhưng về phần trình độ chuyên môn, phong cách giao tiếp cũng là một vấn đề cần phải lựa chọn.
Chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này, nghiệp vụ chuyên môn là một vấn đề, nhưng phong cách, thái độ tiếp công dân cũng là vấn đề quan trọng cần đặt ra, làm thế nào để khi công dân đến gặp gỡ trao đổi phải giải tỏa được những bức xúc, làm dịu tính nóng nảy của họ.
- Kinh nghiệm của ông trong thực tế khi tiếp dân là như thế nào, thưa ông?
Trong thực tế, tôi cũng có những kinh nghiệm thế này. Tôi làm cán bộ chủ chốt ở một cấp huyện, thỉnh thoảng bà con cũng đến yêu cầu, có khi mình cũng rất cần bà con đến, nhưng có khi cán bộ chuyên môn hoặc anh em bảo vệ cơ quan lại ngại công việc của mình đã có lịch sắp xếp từ trước nên bà con cũng không gặp được tôi.
Có trường hợp, mặc dù đã có lịch bận từ trước nhưng khi biết bà con cần gặp nên tôi đã thu xếp gặp gỡ trao đổi trực tiếp với bà con, sẵn sàng mời bà con vào tiếp chuyện.
Có những việc người ta bức xúc viết đơn khiếu kiện nhưng mình dành thời gian tiếp chuyện giải thích cho bà con hiểu rõ thì họ cũng sẵn sàng rút đơn và đưa ra yêu cầu, trong đó yêu cầu của bà con có thể đưa ra 5 vấn đề, nhưng cũng có thể có 2 vấn đề đúng và cũng có thể có 1 hoặc hai vấn đề người dân sai, nhưng người ta cũng vui vẻ tiếp nhận vấn đề sai và xin sẵn sàng rút đơn về .
- Hiện nay việc tiếp dân của ông được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thời tôi làm bí thư huyện ủy tôi cũng thường xuống cơ sở để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân và nay với cương vị là một đại biểu Quốc hội tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với dân, trước và sau khi diễn ra các kỳ họp.
Mình có thể xuống cơ sở để khảo sát một vấn đề gì đó để nghe bà con, tìm hiểu vấn đề, chính những lúc mình xuống nắm bắt tâm tư của bà con, qua đó gửi gắm tiếng nói của bà con nhân dân và đưa ra mốc thời gian trả lời để bà con cũng thấy nhẹ lòng hơn.
Nhưng cũng có nhiều vấn đề mình chuyển đến cơ quan này, cơ quan khác, cấp này cấp khác, nhưng cái khó của chúng tôi là sự trả lời chưa kịp thời, đó là điều đáng tiếc. Vì bà con trông đợi cũng như tôi trông đợi, làm sao có một cơ chế mạnh hơn nữa để khi có kiến nghị của đại biểu, nhân dân các cấp tạo ra áp lực để người đứng đầu phải có trách nhiệm trả lời cho bà con rõ ràng thật thỏa đáng.
Một vấn đề nữa là chúng ta không nên có thái độ né tránh với bà con. Bởi vì cũng là dân mình thôi, khi người ta có bức xúc thì mình cũng nên sẵn sàng.
- Như ông nói muốn có áp lực đủ mạnh để người đứng đầu phải tiếp dân, trả lời dân, áp lực đó là gì thưa ông?
Theo tôi thì phải sớm hoàn thiện Luật tiếp dân, nếu Luật được ban hành và sớm đi vào cuộc sống, có ràng buộc cho rõ ràng. Tôi nghí rằng mình sẽ căn cứ vào đó để tạo áp lực mạnh nhất.
Trong thực tế chúng ta còn việc nữa là vai trò của người đại biểu được dân cử, người giữ chức danh do Quốc hội bầu phê chuẩn nếu như anh ta làm chưa tốt trong việc tiếp dân và trả lời dân, thì đấy cũng là động thái để chúng ta nhắc nhở anh ta làm cho tốt. Mặt khác tại các cơ quan, các tổ chức chính trị cũng đang tiến hành những bước đó để chúng ta có điều kiện hơn để đánh giá cán bộ và đặc biệt là người đứng đầu.
- Có ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự án luật tiếp dân trùng, gần giống với luật khiếu nại, luật tố cáo, ý kiến của ông về vấn đề này?
Thực ra thì Luật khiếu nại, luật tố cáo cũng đã có cơ sở, tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con nhân dân, nhưng mới chỉ dừng lại ở khía cạnh, chỉ cho người ta đi đến đâu, cái gì người ta làm đúng và chưa ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu, thái độ của người đứng đầu để đi đến việc gặp gỡ tiếp xúc và giải quyết đơn thư, thắc mắc của công dân.
Tôi nghĩ rằng, việc ban hành thêm Luật Tiếp công dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tạo vai trò trách nhiệm mạnh hơn của người đứng đầu đối với công dân khi người dân đặt vấn đề yêu cầu giải quyết đối với mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo vietbao
Việc thay đổi tên nước có thể bị xuyên tạc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, nên giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đảm bảo tính ổn định, tránh việc có thể bị xuyên tạc xa rời mục tiêu và phát sinh nhiều thủ tục. Chiều 20/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến người dân và chỉnh...